Hướng dẫn khách hàng tự kiểm tra vú hàng tháng

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Trần Thị Thanh Hương - Khoa khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Tỷ lệ phát bệnh ung thư vú có xu hướng tăng dần và nó đã trở thành một trong những khối u ác tính thường gặp ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, nên biện pháp đề phòng đã là vấn đề được mọi người quan tâm.

Kinh nghiệm đã chứng minh chỉ cần mỗi tháng chúng ta tiến hành tự kiểm tra vú, phát hiện thấy khác thường, kịp thời đến bác sĩ thì có thể nâng cao rất lớn tỉ lệ phát hiện được ung thư vú thời kỳ đầu. Hàng năm có kế hoạch đi kiểm tra sức khỏe định kỳ 6-12 tháng để phát hiện và điều trị kịp thời.

>>> Tôi nên kiểm tra Vú khi nào?

Tự mình kiểm tra vú rất đơn giản, mỗi người đều có thể học được, then chốt là phải kiên trì ắt sẽ có kết quả tốt. Phương pháp tự kiểm tra vú như sau:

  • Cởi áo ra, đứng đối diện với gương, nhìn hình thái hai bầu vú, chú ý vòng bầu vú có thay đổi không, da có nhăn nhúm, lõm xuống không, hai đầu vú có bằng phẳng không, có bên cao bên thấp hay đầu vú có teo lại không, có dịch chảy ra ở đầu vú không, khi có dịch chảy ra ở đầu vú thường sẽ dính và làm bẩn ngực áo.
  • Mười ngón tay đưa lên vai để giao nhau ở sau chẩm hơi hướng về phía trước, khom lưng rồi hai tay chống nạnh đồng thời quan sát bầu vú, da vú có nhăn nhúm bất thường không?
  • Một cánh tay giơ lên, lấy ngón tay trỏ, ngón giữa, ngón áp út của tay kia hợp lại, dung những ngón tay này ấn vào ngực theo chiều hướng từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, và ấn từ nhẹ đến mạnh toàn bộ bầu vú không để sót phần nào của bầu vú. Đặc biệt tiến hành thăm khám cẩn thận phía trên bên ngoài và vùng nách, phải so sánh với tình trạng kiểm tra lần trước, xem có thay đổi khác thường không, cuối cùng ấn nhẹ vào vùng ranh giới vú và đầu vú xem có dịch chảy không. Khi kiểm tra ta không nên dùng ngón tay cào vú, nếu không sẽ dễ nhầm với tuyến vú là khối u vú mà phải dùng ngón tay để cảm nhận thấy cảm giác khác thường, có tang dày hoặc khối u không. Sau khi hoàn thành kiểm tra một bên vú tiến hành phương pháp như trên đối với vú bên kia. Nếu chọn tư thế nằm ngửa, cánh tay đưa lên phần vai kê trên một cái gối nhỏ để cho vú căng như thế dễ kiểm tra và hiệu quả tốt hơn.

Mỗi lần kiểm tra, bạn nên so sánh với tình trạng kiểm tra lần trước, nếu phát hiện có sự khác thường bạn phải đến bác sĩ khám kiểm tra lại và chẩn đoán, như vậy sẽ đạt được mục đích phát hiện sớm, chẩn đoán sớm.

Sau khi tự kiểm tra hai bầu vú xong, cần khám hạch ở nách và hố thượng đòn: dung đầu ngón tay trỏ, giữa và áp út để sờ nắn hố nách 2 bên, nắn sâu trong hố nách xem có u cục gì không, nắn có đau không? Sờ nắn hố thượng đòn hai bên xem có gì bất thường không.

Mỗi người vào mỗi tháng phải tự kiểm tra vú một lần, thời gian kiểm tra là ngày thứ 7-11 sau chu kỳ kinh nguyệt, lúc này vú tương đối mềm, không căng đau, dễ phát hiện sự khác thường. Đối với phụ nữ mãn kinh thì có thể tự lựa chọn ngày kiểm tra cố định trong tháng để tiến hành tự kiểm tra.

Hướng dẫn khách hàng tự kiểm tra vú hàng tháng
Thời điểm kiểm tra vú là ngày thứ 7-11 sau chu kỳ kinh nguyệt

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan