Hồi sinh tim phổi cơ bản cho người lớn khi bị tai nạn

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sơ cấp cứu là sự hỗ trợ và can thiệp ban đầu của người cấp cứu với người bị tai nạn, bị thương tích, bị bệnh cấp tính. Sơ cấp cứu giúp cứu sống nạn nhân,ngăn không cho tình trạng xấu đi, từ đó nó giúp nạn nhân thúc đẩy quá trình hồi phục. Sơ cấp cứu bao gồm nguyên tắc các hoạt động được sắp xếp theo một thứ tự nhất định và bắt buộc người sơ cấp cứu phải tuân theo. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ nguyên tắc đó. Việc thực hiện sai nguyên tắc các bước sơ cấp cứu, không những không giúp được nạn nhân,ngược lại còn làm nạn nhân ảnh hướng xấu đi.

Hồi sinh tim phổi cơ bản là một kỹ thuật cứu sinh hữu ích trong nhiều trường hợp khẩn cấp khi bị tai nạn, lúc nhịp thở hoặc nhịp tim của nạn nhân đã ngừng lại. Đây là một kỹ năng được khuyến cáo rằng tất cả mọi người, từ nhân viên y tế chưa được đào tạo chuyên nghiệp đến những người dân bình thường đều biết cách thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách ép ngực ngay tại hiện trường.

1. Nguyên tắc DRSCAB là gì ?

Nguyên tắc DRSCAB là nguyên tắc về thứ tự thực hiện sơ cấp cứu ban đầu đối với nạn nhân, nguyên tắc bao gồm:

  • D - Danger: Phát hiện nguy hiểm của hiện trường đối với người cứu hộ, nạn nhân và người xung quanh
  • R - Response: Kiểm tra phản ứng tri giác của nạn nhân
  • S - Send: Gọi hỗ trợ
  • C - Circulation - Tuần hoàn
  • A - Airways: Kiểm tra đường thở
  • B - Breathing: Kiểm tra và hỗ trợ hô hấp

Ngoài ra, có thể áp dụng thêm một số biện pháp hỗ trợ khác như sau:

  • D: Defibrillator: máy khử rung, nếu có tại hiện trường như các nước tiên tiến (AED: automated external defibrillator - Máy khử rung tim tự động ngoài cơ thể)
  • E: Expose: bộc lộ nạn nhân để kiểm tra thêm các tổn thương khác (mở mủ bảo hiểm đúng cách, tháo dây đai an toàn trên ô tô, thắt lưng, cà vạt nếu có ảnh hưởng đến bệnh nhân hoặc quá trình cứu hộ...)
Chuỗi phản ứng khi có tình huống ngừng tuần hoàn ngoài bệnh viện
Chuỗi phản ứng khi có tình huống ngừng tuần hoàn ngoài bệnh viện

2. Các bước thực hiện sơ cấp cứu theo nguyên tắc DRSABC

2.1. D- Danger- Đánh giá hiện trường

Điều bạn nên làm là đánh giá xem có:

  • Tồn tại những mối nguy hiểm nào cho bạn khi tiến hành cấp cứu không ?
  • Tồn tại những mối nguy hiểm nào cho nạn nhân không?
  • Tồn tại những mối nguy hiểm nào cho người xung quanh không ?

Ví dụ : Nạn nhân bị tai nạn điện, bạn phải chắc chắn là nguồn điện đã được tắt, đặt cảnh báo có nguồn điện nguy hiểm cho mọi người xung quanh được biết,..

Nạn nhân bị tai nạn giao thông, bạn cần phải đặt vật chắn để hạn chế những phương tiện giao thông không đi vào khu vực nạn nhân đang nằm, đưa nạn nhân đến khu vực an toàn...

2.2. R- Reponse- Kiểm tra phản ứng của nạn nhân

Kiểm tra phản ứng tri giác
Kiểm tra đáp ứng tri giác của nạn nhân

Vỗ vào vai của nạn nhân và gọi to “Anh/chị ơi, anh/chị có sao không?”. Nếu không có đáp ứng, hãy chuyển sang bước tiếp theo.

Ví dụ: Chị H ơi, Anh B ơi,...

Lưu ý :

  • Không vỗ vào các vị trí như mặt nạn nhân, tay nạn nhân, tránh trường hợp nạn nhân bị tổn thương về xương
  • Nên gọi nạn nhân bằng tên của họ nếu biết.

2.3. S- Send- Gọi hỗ trợ

115
Gọi cấp cứu 115, bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và được hướng dẫn liên tục khi đang hỗ trợ nạn nhân

Gọi to yêu cầu mọi người xung quanh giúp đỡ

Gọi cấp cứu 115, bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và được hướng dẫn liên tục khi đang hỗ trợ nạn nhân.

Lấy máy AED nếu có sẵn, hoặc cử người đi gọi cấp cứu và lấy máy AED. Ở các quốc gia tiên tiến, máy AED có thể được trang bị khắp các nơi công cộng như tàu điện, nhà ga, sân bay, trường học, siêu thị,..vv. Ở Việt Nam máy AED chưa được trang bị tại những nơi công cộng, do vậy việc tiếp cận và có được máy AED là rất khó. Thông thường các máy nầy chỉ trang bị trên các xe cấp cứu hoặc tại bệnh viện. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chủ trương đào tạo trước cho học viên nắm được cách sử dụng máy AED vì đây là một thiết bị không thể thiếu trong cấp cứu ngưng tuần hoàn.

Cung cấp thông tin bao gồm:

  • Nguyên nhân
  • Hiện trường có mấy nạn nhân?
  • Tình trạng nạn nhân

Yêu cầu với người gọi:

Câu từ rõ ràng, ngắn gọn và chính xác

Thông tin cung cấp đầy đủ:

  • Thông tin hiện trường: vị trí, địa chỉ, đường đi...
  • Thông tin tại nạn: loại tai nạn, tính chất nghiêm trọng của tai nạn
  • Thông tin về nạn nhân: số lượng, giới tính, tuổi, các tổn thương, tình trạng nạn nhân ...
  • Thông tin về các nguy hiểm: khí độc, chất nổ ...
  • Thông tin để liên lạc: tên của bạn, số điện thoại...

Nguyên tắc: Chỉ đặt máy sau khi 115 đã gác máy

2.4.C - Circulation - Tuần hoàn

  • Đánh giá tuần hoàn dựa vào bắt mạch ngoại vi ở cổ tay, vùng cổ hay bẹn. Nếu khó bắt hoặc không bắt được thì nạn nhân trong tình trạng sốc nặng, có thể sắp ngừng tim. Các biện pháp cầm máu như băng ép hoặc ép chặt vào chỗ đang chảy máu bằng quần áo hoặc băng gạc sạch vô khuẩn càng tốt, giữ nguyên cho đến khi nhân viên y tế đến, tuyệt đối không bỏ tay đang giữ ép ra hoặc bỏ gạc đang giữ để thay gạc mới sẽ làm cho máu chảy càng mạnh hơn và khó cầm.
  • Ngoài ra cần nâng cao chi chảy máu sao với mức tim và giữ nguyên sẽ có tác dụng làm cho máu dồn về tim, não. Chỉ đặt garo nếu chi đã cắt cụt và còn đang tiếp tục chảy máu.
  • Trường hợp nạn nhân có ngừng tim cần tiến hành hồi sức tim phổi bằng ép tim ngoài lồng ngực (chi tiết ở phần sau).
Vị trí bắt mạch Động mạch cổ tay (trái) và Động mạch cảnh (phải)
Vị trí bắt mạch Động mạch cổ tay (trái) và Động mạch cảnh (phải)
Phối hợp ép tim
Phối hợp ép tim – hỗ trợ hô hấp khi có 2 người cứu hộ

2.5. A- Airway- Kiểm tra đường thở

Nếu nạn nhân tỉnh táo và nói chuyện với bạn, điều này có cho thấy đường thở của họ thông thoáng và họ đang thở được. Nhịp thở có thể nhanh, chậm, dễ dàng hoặc khó khăn. Đánh giá và xử lý bất kỳ vấn đề nào được nhận thấy nào. Trong trường hợp bệnh nhân hôn mê, thực hiện các động tác hỗ trợ khai thông đường thở ( xem phần 3.2)

2.6. B- Breathing- Kiểm tra tình trạng hô hấp

Kiểm tra nhịp thở: Đặt tai của bạn gần miệng và mũi của nạn nhân để bạn có thể và mắt đồng thời quan sát được ngực nạn nhân. Hãy nhìn sự di động lên xuống của lồng ngực, lắng nghe và cảm thấy hơi thở nạn nhân , việc kiểm tra mạch và nhịp thở nên tiến hành đồng thời trong khoảng 5 – 10 giây, bắt đầu tiến hành hỗ trợ hô hấp tuần hoàn.

Kiểm tra nhịp thở
Kiểm tra nhịp thở bằng cách đặt tai của bạn gần miệng và mũi của nạn nhân

3. Phối hợp cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp

Hướng dẫn cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản cho người lớn (theo AHA 2015)
Hướng dẫn cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản cho người lớn (theo AHA 2015)

Cấp cứu ngừng tuần hoàn gồm 3 phần chính bao gồm:

  • Ép tim
  • Khai thông đường thở
  • Hỗ trợ hô hấp

CPR (Cardiopulmonary resuscitation): Hồi sức tim phổi, ép tim ngoài lồng ngực, hỗ trợ hô hấp

3.1. Thực hiện ép tim

1
Xác định vị trí và kỹ thuật ép tim

Bước 1

Đặt nạn nhân nằm ngửa, trên nền phẳng, cứng. Bộc lộ vùng ngực

Quỳ/đứng ngang ngực nạn nhân

Bước 2

Xác định chính xác vị trí ép tim tại 1⁄2 dưới xương ức:

  • Dùng ngón giữa miết dọc bờ sườn nạn nhân về phía mũi ức
  • Đặt ngón trỏ cạnh ngón giữa để đảm bảo vị trí ép cách mũi ức 2 khoát ngón tay

Bước 3: Ép tim đủ nhanh, đủ mạnh

  • 1 chu kỳ gồm 30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt
  • Đặt gót bàn tay kia lên phía trên mu bàn tay đang đặt trên xương ức
  • Các ngón tay đan vào nhau
  • Duỗi thẳng 2 khuỷu tay vuông góc với thành ngực người bệnh và giữ nguyên tư thế này trong suốt quá trình ép tim
  • Dùng trọng lượng cơ thể ấn lồng ngực nạn nhân lún xuống ít nhất 5cm. Đảm bảo ép thẳng xuống xương ức.
  • Đếm to trong quá trình ép: từ 1 đến 30
  • Ép tim với tần số 100 – 120 lần/phút.
  • Không rời bàn tay khỏi xương ức trong quá trình ép tim

Lưu ý:

  • Cuối mỗi lần ép, đảm bảo cho phép ngực nở hoàn toàn
  • Hạn chế tối đa thời gian tạm dừng ép tim không quá 10 giây

3.2. Khai thông đường thở

Động tác làm thông thoáng đường thở
Động tác làm thông thoáng đường thở Ngửa đầu – nâng cằm (trái) và Đẩy hàm (phải - nếu nghi ngờ tổn thương cột sống cổ)
  • Bước 1. Đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng
  • Bước 2. Đặt một tay lên trán nạn nhân, dùng lòng bàn tay đẩy trán ngửa ra sau
  • Bước 3. Đặt các ngón tay của bàn tay kia dưới xương hàm gần cằm
  • Bước 4. Nâng hàm, ngửa cằm lên trên sao cho đầu ngửa, cổ ưỡn tối đa
  • Bước 5. Lấy dị vật, đờm dãi trong miệng, răng giả (nếu có). Đặt canuyn miệng/mũi (nếu cần)
  • Bước 6. Nếu người bệnh béo phì: cần đặt thêm gối ở phần lưng trên của người bệnh để đạt được hiệu quả tối đa

Lưu ý: Khi nghi ngờ chấn thương cột sống cổ cần sử dụng nghiệm pháp đẩy hàm (jaw thrust), chỉ nâng hàm dưới lên, tránh di chuyển đầu cổ, đặt nẹp cổ ngay khi có thể.

3.3. Hỗ trợ hô hấp (B: Breathing)

Thổi ngạt miệng – mask có thiết bị phòng hộ với trường hợp hồi sinh tim phổi ngoài bệnh viện

Kỹ thuật giữ mask thổi ngạt
Kỹ thuật giữ mask khi thổi ngạt và khi bóp bóng

Đặt nạn nhân nằm ngửa, cổ ưỡn

Đứng/quỳ ngang đầu nạn nhân

Đặt mask lên mặt nạn nhân, đầu nhọn của mask áp vào sống mũi, đầu tù của mask áp vào cằm

Cố định mask tỳ vào mặt nạn nhân:

  • Dùng ngón trỏ và ngón cái của tay gần với đỉnh đầu nạn nhân tỳ lên đường mép mask.
  • Đặt ngón cái của tay thứ hai lên đường mép của đáy mask.

Đặt các ngón tay còn lại của tay thứ hai dưới cằm nạn nhân và nâng cằm. Thực hiện ngửa đầu nâng cằm để mở đường thở

Trong lúc nâng cằm, ấn chặt mask kín vào mặt nạn nhân.

Thổi không khí vào từ từ trong 1 giây để cho lồng ngực nạn nhân phồng lên

Kỹ thuật thổi ngạt trực tiếp Miệng – Miệng

Bước Hành động trên người bệnh
1 Giữ cho đường thở mở với tư thế đầu phù hợp bằng kỹ thuật Ngửa đầu – Nâng cằm
2 Kẹp chặt cánh mũi với ngón cái và ngón trỏ, gan bàn tay tì lên trán nạn nhân.
3 Hít 1 hơi bình thường, trùm kín và chặt miệng người cứu hộ vào miệng nạn nhân.
4 Thổi vào trong 1 giây, chú ý quan sát lồng ngực phồng lên?
5 Nếu lồng ngực không phồng lên, lặp lại động tác ngửa đầu nâng cằm.
6 Lặp lại bước 4
7 Nếu không thể thông khí sau 2 lần thử, lập tức trở lại ép tim
Kỹ thuật hô hấp miệng miệng
Kỹ thuật hô hấp Miệng – Miệng

Song song với việc áp dụng những bước trên, cần gọi sự hỗ trợ y tế (nếu trước đó chưa thực hiện) để nạn nhân được hỗ trợ nâng cao và nhanh chóng đưa đến bệnh viện điều trị.

Trên đây là những lý thuyết về hồi sinh tim phổi cơ bản dành cho người lớn tại hiện trường. Việc áp dụng thành công và cải thiện tử vong của nạn nhân phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ sự phối hợp của người cứu hộ và lực lượng y tế cũng như sự thuần thục của người cứu hộ tại hiện trường. Chúng tôi khuyến cáo tất cả người dân nên lập tức gọi sự hỗ trợ y tế khẩn cấp và thực hiện tốt nhất những kỹ năng cấp cứu (nếu được đào tạo).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: nhs.uk

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan