Hói đầu ở đàn ông có thể điều trị không?

Hói đầu ở đàn ông là một vấn đề gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt cũng như thẩm mỹ cho nam giới hiện nay. Những dấu hiệu hói đầu sớm ở đàn ông được giải thích theo rất cơ chế, vì vậy muốn khắc phục triệt để vấn đề này thì cần biết được những nguyên nhân hói đầu ở đàn ông.

1. Dấu hiệu hói đầu sớm ở đàn ông

Hói đầu ở đàn ông là một trong những vấn đề khiến cho nam giới luôn băn khoăn, lo lắng và tìm cách khắc phục mỗi ngày. Đây là một hiện tượng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống hằng ngày, thẩm mỹ cũng như sự tự tin của nam giới. Độ tuổi thường có những dấu hiệu hói đầu sớm ở đàn ông rơi vào khoảng tuổi trung niên, tuy nhiên có rất nhiều nguyên nhân khiến ngưỡng tuổi này trở nên sớm hơn, cụ thể là một số người nam giới đã bị hói đầu khi còn trẻ, vào khoảng 20 đến 30 tuổi. Ở phụ nữ cũng có hói đầu nhưng hói đầu ở đàn ông phổ biến hơn, gấp khoảng 3 lần và có xu hướng nặng hơn so với nữ giới.

Dấu hiệu hói đầu sớm ở đàn ông như sau: Trong thời gian đầu, tóc rụng nhiều ở vị trí trán, sau đó lan ra 2 bên trán và vùng đỉnh đầu. Một thời gian sau thì nang tóc ở những vị trí rụng sẽ bị suy yếu, teo dần và không thể mọc lên tóc mới được nữa, làm cho phần da ở những vùng này không có tóc và trở nên láng bóng. Vì vậy, hói đầu ở đàn ông cần được phát hiện sớm để chữa trị đúng cách và kịp thời.

Hói đầu nam giới
Hói đầu với biểu hiện tóc rụng nhiều ở vị trí trán

2. Nguyên nhân hói đầu ở đàn ông

Nguyên nhân dẫn đến hói đầu ở nam giới rất đa dạng, có thể do nhiều yếu tố gây nên. Để giải thích tại sao hói đầu ở nam giới thì có một số nguyên nhân được đưa ra như sau:

  • Di truyền

Hói đầu di truyền là tình trạng mà trong gia đình có bố, mẹ bị bệnh rụng tóc hoặc hói đầu thì khả năng con trai của họ khi sinh ra sẽ có nguy cơ bị hói đầu rất nhiều. Hiện tượng này được giải thích là do gen quy định hói đầu ở đàn ông là gen trội nên khi sinh ra trong một gia đình có bố hoặc mẹ bị hói đầu hay rụng tóc thì con sẽ được truyền cho gen này nên có khả năng bị hói đầu.

Do sự mất cân bằng hormone DHT trong cơ thể nam giới do sự biến đổi Testosterone thành DHT làm nang tóc co lại, lớp màng bảo vệ da đầu trở nên dày hơn nên tóc đã không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển. Vì vậy, tóc trở nên dễ gãy rụng và rất khó mọc dày trở lại, lâu ngày thành hói đầu ở đàn ông.

  • Sử dụng một số loại thuốc

Một số loại thuốc gây ra hói đầu ở đàn ông như thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh lý về thần kinh, thuốc chống suy nhược, hay những liệu pháp chữa trị bằng hóa chất.

  • Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ và cân bằng

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học là một trong những yếu tố cần thiết để có một mái tóc chắc và khỏe. Đặc biệt ở nam giới, khi chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ các dưỡng chất như protein, sắt, omega- 3, biotin... thì cơ thể sẽ không đủ chất để giúp phát triển mái tóc và gây ra tình trạng hói đầu ở đàn ông.

Chế độ DASH
Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ có thể gây hói đầu

  • Stress trong thời gian dài

Trong công việc và cuộc sống, người nam giới thường phải chịu những áp lực nặng nề về tâm lý trong một khoảng thời gian dài sẽ là một trong những nguyên nhân hói đầu ở đàn ông. Khi cơ thể căng thẳng trong thời gian dài thì sẽ gây ra sự rối loạn vận chuyển máu trong cơ thể là nguyên nhân dẫn đến hói đầu ở nam giới, đồng thời quá trình mọc tóc cũng bị ngăn cản rất nhiều.

  • Một số thói quen sống xấu

Hút thuốc lá, thói quen nhổ tóc, gội đầu không đúng phương pháp, đi ngủ khi tóc còn ướt... là một số thói quen tốt trong đời sống hằng ngày gây ra hói đầu ở đàn ông.

  • Nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân dẫn đến hói đầu ở nam giới như nhiễm nấm từ nguồn lây, mắc bệnh đái tháo đường, môi trường bị ô nhiễm...

Tiểu đường
Bệnh đái tháo đường có thể gây hói đầu ở nam giới

3. Điều trị hói đầu ở nam giới

Hói đầu có chữa được không là một trong những thắc mắc của hầu hết những người đàn ông bị chứng hói đầu. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp để giúp phòng ngừa hói đầu cũng như điều trị hói đầu ở nam giới.

Nếu hói đầu ở nam giới là do căng thẳng, stress trong cuộc sống hoặc do sử dụng những loại thuốc chống suy nhược, thuốc chữa ung thư, thuốc chữa bệnh Lupus, phẫu thuật hay nhiễm trùng... thì người nam giới có thể giữ tâm lý thoải mái, giảm bớt căng thẳng, ngừng sử dụng những loại thuốc liên quan để giảm bớt tình trạng hói đầu. Ngoài ra, nếu chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu chất hoặc kiêng quá nhiều loại dinh dưỡng làm tóc yếu, không đủ chất để phát triển thì nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý để chấm dứt tình trạng hói đầu ở nam giới, chú ý bổ sung những chất thiết yếu như protein, lipid, glucid, vitamin và chất khoáng trong chế độ ăn mỗi ngày để có một mái tóc chắc khỏe.

Khám bệnh
Đến gặp bác sĩ khi thấy cơ thể có biểu hiện bất thường

Một số nguyên nhân khác do nội tiết tố như rối loạn hormone, thừa hormone DHT trong cơ thể thì cần điều trị bằng thuốc và một số liệu pháp chuyên sâu khác, cụ thể là làm giảm lượng DHT dư thừa để không sinh ra chất bã nhờn làm tóc dễ trơn, rụng khỏi nang tóc, mục đích cuối cùng là nhằm giúp tóc có thể mọc và phát triển trở lại. Một số thuốc có khả năng giảm hói đầu ở nam giới bằng cách dùng phức hợp kẽm và axit amin L- arginine đã tạo ra sự cân bằng hormone DHT và Testosterone ở nam giới một cách an toàn, là phương pháp hiệu quả để điều trị hói đầu ở đàn ông.

Hói đầu ở đàn ông tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng vẫn mang lại những muộn phiền về mặt thẩm mỹ, tự tin trong cuộc sống của nam giới. Để có thể khắc phục tình trạng này thì có cần tìm hiểu rõ nguyên nhân hói đầu ở đàn ông, từ đó sẽ có phương pháp chữa trị phù hợp.

XEM THÊM

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

45.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan