Hình ảnh nang thận trên siêu âm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Nguyễn Vân Anh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Nang thận là một bệnh lý không quá hiếm gặp, do nhiều nguyên nhân gây ra. Nang thận có thể biến chứng nhiễm trùng, xuất huyết trong nang, vỡ nang, chèn ép thận gây ứ nước thận, tăng huyết áp... Chẩn đoán phát hiện bệnh sớm qua phương pháp siêu âm nang thận sẽ tạo điều kiện điều trị bệnh nhanh chóng, hữu hiệu.

1. Sơ lược về nang thận

1.1 Nang thận là gì?

Mỗi người có 2 quả thận có hình hạt đậu nằm 2 bên hông. Thận được cấu tạo từ khoảng 1 triệu đơn vị thận, có vai trò duy trì thăng bằng điện giải trong cơ thể, hỗ trợ đào thải một số chất độc ra ngoài cơ thể qua việc bài tiết nước tiểu. Mỗi đơn vị thận đều có chức năng gồm lọc, tái hấp thu và bài tiết nước tiểu vào bể thận. Từ bể thận, nước tiểu sẽ chảy theo niệu quản, xuống bàng quang và được bài tiết ra ngoài.

Hiện nay có nhiều giả thuyết về nang thận được đưa ra. Một số tác giả cho rằng sự hình thành nang là do quá trình viêm, sỏi thận, xơ,... khiến một số đơn vị thận bị tắc nghẽn, nước tiểu bị ứ lại, hình thành nên một túi chứa nước gọi là nang thận. Ngoài ra, cũng có giả thuyết do rằng nang hình thành từ vị trí điểm yếu trên thành của các đơn vị thận, dưới áp lực lâu ngày của dòng nước tiểu đã tạo nên các nang (dạng túi thừa), bên trong chứa dịch.

Nang thận thường có hình tròn, dịch màu trong và không thông với đài bể thận. Bệnh nang thận thường gặp ở người trên 50 tuổi, tỷ lệ xuất hiện nang thận tăng dần theo lứa tuổi. Ngoài ra, nang thận vẫn có thể gặp trẻ em hoặc trẻ mới sinh ra (bệnh nang thận bẩm sinh). Các ca bị nang thận chủ yếu là lành tính, chỉ được tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe.

1.2 Phân loại nang thận

Có 3 loại nang thận là:

  • Nang thận đơn độc: Là bệnh lý thường gặp ở bệnh nhân trên 50 tuổi. Nang thận đơn độc không biến chứng, ít triệu chứng, khi nang nhỏ thường không có biểu hiện gì, khi nang lớn hơn thì có thể gây đau ê ẩm bên hông. Nang thận đơn độc có thể được phát hiện qua siêu âm hoặc CT scan. Với nang nhỏ có kích thước dưới 6cm, không gây biến chứng thì không cần can thiệp. Với nang kích thước trên 6cm thì nên phẫu thuật vì nó gây đè ép nhu mô thận và có thể gây ảnh hưởng chức năng thận. Những nang nhỏ gây biến chứng nhiễm trùng nang, xuất huyết trong nang nhưng điều trị nội khoa không đỡ và bị tái phát nhiều lần thì có thể xem xét can thiệp ngoại khoa.
  • Thận nhiều nang: Tắc nghẽn nhiều đơn vị thận hơn so với nang thận đơn độc. Việc điều trị thận nhiều nang có thể gồm chọc hút nang thận và bơm chất xơ hóa dưới hướng dẫn siêu âm, mổ hở cắt chóp nang, phẫu thuật nội soi cắt chóp nang. Phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm nhất gồm vết mổ nhỏ, đau ít, hồi phục sức khỏe nhanh, thời gian nằm viện ngắn.
  • Bệnh thận đa nang: Do di truyền gen trội, có nhiều nang ở cả 2 thận, và cần được siêu âm theo dõi 6 tháng/lần. Nếu nang thận gây đau, nhiễm trùng thì cần can thiệp. Nang lớn hơn 6cm cần mổ để tránh nó đè ép tới các đơn vị thận lân cận.
Thận đa nang tự phát (ADPKD)
Thận đa nang thường do di truyền, có nhiều nang ở cả 2 thận, và cần được siêu âm theo dõi 6 tháng/lần

1.3 Triệu chứng của người bị nang thận

Bệnh nang thận có rất ít triệu chứng. Chủ yếu là:

  • Nang thận còn nhỏ: Không gây triệu chứng;
  • Nang thận lớn hơn: Gây rối loạn đi tiểu (gồm tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu), đau hông lưng (do nang lớn chèn ép đài bể thận) và sốt, rét run (nếu có nhiễm trùng nang). Nếu nang thận chèn ép vào động mạch thận thì có thể gây tăng huyết áp.

Nang thận có thể dẫn tới biến chứng nang bị nhiễm trùng, tụ mủ, có sỏi trong nang, nang ác tính hoá hoặc nang quá to gây chèn ép, thậm chí vỡ nang.

2. Tổng quan phương pháp siêu âm nang thận

Để chẩn đoán nang thận, có nhiều phương pháp được thực hiện như: Siêu âm, CT-scan, ngoài ra còn có các xét nghiệm bổ sung như tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm chức năng thận,... Trong đó, siêu âm phát hiện vị trí và kích thước nang thận là phương pháp được áp dụng rộng rãi hiện nay vì sự tiện dụng, nhanh chóng và kinh tế.

2.1 Siêu âm thận là gì?

Siêu âm thận là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng dòng sóng siêu âm có tần số lớn (nằm ngoài ngưỡng nghe của tai người) để tạo ra những hình ảnh về cấu trúc, kích thước của thận và từ đó có thể thấy được các dấu hiệu bệnh lý của thận. Việc chẩn đoán sớm các bệnh lý của thận (như nang thận) sẽ giúp bác sĩ có hướng điều trị phù hợp, nâng cao hiệu quả chữa bệnh. Đây là phương pháp không xâm lấn, an toàn cho sức khỏe của người bệnh.

Thận bình thường trên siêu âm có hình hạt đậu, rốn thận ở mặt trong và bờ thận đều. 2 thận sẽ có kích thước tương đương nhau nhưng 2 bên có sự chênh lệch nhẹ. Khi siêu âm thận sẽ không thấy niệu quản, nếu thấy thì tức là niệu quản bị giãn hoặc có bất thường.

siêu âm thận
Siêu âm thận là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng các sóng siêu âm có tần số lớn (nằm ngoài ngưỡng nghe của tai người) để tạo ra những hình ảnh về cấu trúc, kích thước của thận

2.2 Hình ảnh nang thận trên siêu âm

Siêu âm nang thận chủ yếu chẩn đoán bằng siêu âm hệ tiết niệu. Siêu âm giúp bác sĩ đánh giá được số lượng nang, kích thước và thành của nang thận.

Hình ảnh thận bình thường:

  • Thận bình thường có hình hạt đậu, rốn thận ở mặt trong, bờ thận đều.
  • 2 thận có kích thước tương đương nhau, tuy nhiên hai bên có sự chênh lệch nhẹ.
  • Siêu âm không thấy niệu quản. Nếu thấy là do niệu quản bị dị tật hoặc bị giãn.

Hình ảnh thận bệnh lý:

  • Bệnh lý thận lan toả: Thường thấy hình ảnh thận tăng hoặc giảm kích thước, ranh giới nhu mô thận và đài bể thận không rõ, nhu mô thận tăng âm hơn bình thường...
  • Bệnh lý thận khu trú: Thận ứ nước; sỏi thận, áp xe thận, tụ máu quanh thận ......

3. Biện pháp dự phòng bệnh nang thận

Hiện không có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh nang thận. Khi phát hiện bị bệnh, bệnh nhân không nên quá lo lắng vì qua siêu âm bác sĩ có thể biết được nang thận loại nào. Với nang đơn độc, kích thước nhỏ thì khoảng 6 tháng nên kiểm tra một lần, kết hợp với việc uống khoảng 2 lít nước/ngày, nghỉ ngơi hợp lý và kiêng rượu, bia, thuốc lá,...

Bên cạnh đó, cần tránh vận động quá sức hoặc chấn thương vùng bụng trong các trường hợp nang to để tránh nguy cơ gây vỡ nang hoặc nhiễm trùng nang thận. Ngoài ra, kiểm soát tốt huyết áp, bảo vệ chức năng thận, phòng ngừa nhiễm trùng tiết niệu,... cũng là lưu ý quan trọng để dự phòng hiệu quả bệnh nang thận.

Nang thận là bệnh lý không có triệu chứng đặc hiệu nhưng có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Khi phát hiện bệnh, người bệnh cần khám và theo dõi thường xuyên để tránh gặp phải những hệ lụy khó lường.

ung thư thận
Hiện không có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh nang thận

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan