Cổ trướng (báng bụng) không phải là một bệnh mà là một hiện tượng, một tình trạng khiến bụng bệnh nhân phình to do chứa quá nhiều dịch trong khoang bụng (còn được gọi là hiện tượng tràn dịch màng bụng). Cổ trướng do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên nhưng chủ yếu là do các bệnh lý về gan như: Xơ gan, viêm gan, ung thư gan....
1. Cổ trướng là gì?
Thuật ngữ “Cổ trướng” và “Báng bụng” dùng để chỉ tình trạng tích tụ dịch bệnh lý hay nước trong khoang phúc mạc (vị trí giữa lá thành và lá tạng của màng bụng). Dịch cổ trướng thường là huyết thanh, dạng chất lỏng màu vàng và trong suốt tích tụ trong khoang bụng.
Cổ trướng là biến chứng thường gặp nhất của bệnh xơ gan, ngoài ra còn do một số nguyên nhân khác như: xơ gan mất bù, viêm gan, ung thư gan, lao ổ bung, nhiễm trùng, các bệnh lý ác tính, giảm albumin máu, suy tim sung huyết, suy thận....
Cụ thể hơn, dịch cổ trướng trong xơ gan được chia ra làm 2 loại: dịch thấm và dịch tiết.
- Dịch thấm do các bệnh như xơ gan mất bù, suy tim, hội chứng thận hư, viêm cầu thận, suy dinh dưỡng gây ra.
- Dịch tiết do các bệnh ung thư màng bụng, nhiễm trùng phúc mạc, lao màng bụng...
2. Nguyên nhân gây cổ trướng
Tình trạng cổ trướng thường gây ra bởi quá trình sẹo hóa gan. Khi gan bị sẹo hóa sẽ làm tăng áp lực bên trong các mạch máu gan, khiến dịch bị đẩy vào ổ bụng gây ra cổ trướng. Nguyên nhân gây ra cổ trướng lớn nhất là do tổn thương gan. Một số nguyên nhân phổ biến gây tổn thương gan bao gồm:
- Do virus gây viêm gan mãn tính B hoặc C: Những người mắc virus viêm gan B, viêm gan C nếu không được phát hiện và có những phương pháp điều trị kịp thời có khả năng sẽ dẫn đến xơ gan. Khi bệnh kéo dài đến xơ gan giai đoạn cuối đa phần sẽ thấy xuất hiện biến chứng cổ trướng.
- Sử dụng rượu bia nhiều: Những người nghiện rượu đa phần khiến chức năng gan bị ảnh hưởng. Việc không hạn chế uống rượu dẫn đến gan ngày càng bị tổn thương nghiêm trọng, gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
- Nhiễm trùng huyết: khiến hệ miễn dịch bị suy giảm chức năng, đây là một trong những nguyên nhân về lâu dài sẽ dẫn đến chứng xơ gan cổ trướng.
- Nhiễm những hóa chất độc hại: Khi cơ thể người bị nhiễm các hóa chất độc hại (Asen, thạch tím...) hoặc bị tắc mật thì cũng có thể dẫn đến xơ gan. Tuy nhiên những người bị xơ gan do nhiễm hóa chất độc hại nếu để chuyển hóa thành xơ gan cổ trướng thì bệnh sẽ tiến triển nhanh và có nguy cơ tử vong cao.
Các bệnh lý về gan cũng như các nguyên nhân dẫn đến xơ gan cổ trướng thực chất là có thể tránh được và có thể điều trị nếu được phát hiện từ sớm. Do vậy với những người chưa hoặc đã mắc các bệnh lý về gan thì nên tìm hiểu kỹ các thông tin về bệnh để có thể phát hiện và điều trị kịp thời, tránh để bệnh xơ gan chuyển sang giai đoạn cuối với nhiều những biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra còn có nhiều yếu tố nguy cơ mắc cổ trướng như: Ung thư buồng trứng, tụy, gan hoặc ung thư nội mạc tử cung, viêm tụy, suy thận hoặc suy tim, suy giáp, bệnh lao....
3. Dấu hiệu cổ trướng
Các triệu chứng cổ trướng có thể xuất hiện muộn hoặc đột ngột tùy thuộc vào nguyên nhân tích tụ dịch trong khoang bụng. Để sớm nhận biết các bệnh lý về gan, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu thấy có các vấn đề sau:
- Bụng phình to (sưng), trọng lượng cơ thể tăng đột ngột
- Khó thở khi nằm xuống
- Chán ăn, giảm cảm giác ngon miệng
- Ợ nóng, đầy hơi
- Đau bụng
- Buồn nôn và ói mửa
4. Phòng ngừa cổ trướng
Tình trạng cổ trướng xơ gan không thể phòng ngừa được, tuy nhiên bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách bảo vệ gan với những thói quen sinh hoạt lành mạnh như:
- Hạn chế hoặc ngừng uống rượu bia, các chất cồn, chất kích thích gây hại cho gan để hạn chế xơ gan (sẹo hóa gan).
- Hạn chế ăn đồ cay, nóng, thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ.
- Nên ăn nhạt, hạn chế hấp thụ nhiều Natri vào cơ thể.
- Tiêm phòng ngừa viêm gan B.
- Thực hiện quan hệ tình dục an toàn, có bảo vệ vì viêm gan có thể lây lan qua đường tình dục.
- Tránh tiêm chích thuốc, tái sử dụng kim tiêm vì viêm gan có thể lây truyền qua sử dụng kim tiêm chung.
5. Các biện pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán và xác định tình trạng cổ trướng, bác sĩ sẽ kiểm tra và đánh giá tình trạng sưng ở bụng bệnh nhân. Sau đó kết hợp với chẩn đoán hình ảnh và một số phương pháp xét nghiệm khác để tìm dịch, bao gồm:
- Siêu âm
- Chụp cắt lớp vi tính CT
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Xét nghiệm máu
- Nội soi
- Chụp mạch đồ
6. Biện pháp điều trị khi bị cổ trướng
Việc điều trị chứng cổ trướng còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Các biện pháp điều trị thường được sử dụng bao gồm: dùng thuốc lợi tiểu, thủ thuật chọc hút dịch ổ bụng, điều trị kháng sinh, phẫu thuật....:
- Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu hỗ trợ tăng thải lượng muối và nước ra khỏi cơ thể và giảm áp lực trong các tĩnh mạch xung quanh gan. Trong quá trình sử dụng thuốc lợi tiểu, bệnh nhân được yêu cầu giảm lượng rượu và muối ăn vào để các bác sĩ dễ theo dõi các chỉ số có trong máu.
- Chọc hút dịch: là phương pháp dùng một cây kim mỏng, dài chọc qua da vào ổ bụng giúp loại bỏ chất lỏng dư thừa. Do nguy cơ nhiễm trùng nên những người thực hiện chọc hút dịch có thể được kê thêm các thuốc kháng sinh. Thủ thuật này thường được dùng phổ biến với trường hợp cổ trướng mất bù nặng hoặc tái phát. Việc chỉ định thuốc lợi tiểu không còn tác dụng nhiều trong những trường hợp muộn như vậy.
- Phẫu thuật: Trong những trường hợp nặng hơn, bác sĩ sẽ đặt một ống nối lâu dài trong cơ thể người bệnh. Ống nối này gọi là shunt, giúp điều tiết lưu lượng máu xung quanh gan. Nếu tình trạng bệnh vẫn không khả quan và không đáp ứng với điều trị, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện ghép gan, áp dụng phần lớn cho bệnh nhân gan giai đoạn cuối.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY
Video đề xuất:
Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!
XEM THÊM:
- Lần đầu tiên ghép tế bào gốc điều trị xơ gan
- Xơ gan và ung thư gan - Phòng bệnh hơn chữa bệnh
- Xơ gan và những quan niệm sai lầm