Giảm suy giãn tĩnh mạch bằng cách nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngô Đắc Thanh Huy - Bác sĩ tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch thường chỉ gây ảnh hưởng tới yếu tố thẩm mỹ, tuy nhiên trong trường hợp người bệnh không có biện pháp điều trị dứt điểm thì bệnh thì có thể diễn tiến nặng, gây nhiều ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Thực hiện các phương pháp trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ là biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tình trạng này.

1. Bệnh suy giãn tĩnh mạch là gì?

Trong tĩnh mạch có các van làm nhiệm vụ ngăn máu chảy ngược dòng. Khi các van bị tổn thương, yếu đi thì máu trong tĩnh mạch sẽ lưu thông mà không có sự kiểm soát, tạo áp lực gây giãn, xoắn tĩnh mạch hoặc nổi phồng lên trên da. Các tĩnh mạch bị giãn màu xanh, tím đậm nổi bật trên da và được gọi là suy giãn tĩnh mạch. Thông thường, bệnh nhân hay bị suy giãn tĩnh mạch ở chân, thực quản, hậu môn (bệnh trĩ), bìu ở nam giới (giãn tĩnh mạch thừng tinh).

Bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch có biểu hiện: Tĩnh mạch nổi rõ dưới bề mặt da (màu xanh hoặc hơi đỏ), có cảm giác đau nhói, khó chịu, nặng nề hoặc nóng rát ở chân, hay bị chuột rút ở cẳng chân vào ban đêm, sưng bàn chân và mắt cá nhân, vùng da trên tĩnh mạch bị giãn thường khô, ngứa,... và mỏng hơn so với da bình thường, lở loét hoặc nhiễm trùng ở mắt cá chân,... Trường hợp bệnh nhân hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch, di chuyển tới phổi có thể gây thuyên tắc mạch phổi với triệu chứng khó thở, đau tức ngực, mạch nhanh, suy hô hấp,...

2. Vì sao bị giãn tĩnh mạch?

Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới
Bệnh nhân giãn tĩnh mạch chi dưới có cảm giác đau nhói, khó chịu, nặng nề hoặc nóng rát ở chân

Những đối tượng dễ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch gồm:

  • Người đứng, ngồi lâu, ít vận động: Người làm các nghề như giáo viên, nhân viên văn phòng, cảnh sát giao thông, thợ may,... do tính chất công việc phải đứng, ngồi quá lâu. Tình trạng này kéo dài khiến máu dồn xuống chân, ứ đọng lại, tạo áp lực gây cản trở quá trình máu trở về tim và dẫn tới bệnh suy giãn tĩnh mạch;
  • Người hay đi giày cao gót: Việc thường xuyên mang giày cao gót và mặc quần áo bó sát khiến phụ nữ có nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch cao hơn nam giới. Nguyên nhân vì giày cao gót làm tăng áp lực lên hệ tĩnh mạch ngoại biên, tăng áp lực lên chân và gây giãn tĩnh mạch chi dưới;
  • Bệnh nhân béo phì: Người bị béo phì dễ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân vì họ có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh và ít vận động. Đồng thời, trọng lượng cơ thể quá lớn tạo áp lực lớn lên chân, gây bệnh suy giãn tĩnh mạch;
  • Phụ nữ mang thai: Trong thời kỳ mang thai, cổ tử cung của thai phụ mở rộng, tăng tiết và thay đổi hormone một cách đột ngột. Hàm lượng nội tiết tố nữ tăng cao, kết hợp với thai lớn dần gây chèn ép tĩnh mạch, cản trở máu về tim, dẫn tới giãn tĩnh mạch chân;
  • Nhóm đối tượng khác: Người cao tuổi, người nằm bất động do tai biến, người thường xuyên làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao (đầu bếp, công nhân luyện kim,...), người từng phẫu thuật niệu hoặc chấn thương chỉnh hình,... cũng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này.

3. Làm sao hết giãn tĩnh mạch?

Khi có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ mắc suy giãn tĩnh mạch, bệnh nhân cần nhanh chóng đi tới các cơ sở y tế để được kiểm tra. Khi được chẩn đoán đã mắc bệnh, bác sĩ sẽ tùy mức độ trầm trọng của bệnh để đưa ra phương án điều trị thích hợp. Hiệu quả của các phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Một số lưu ý để kiểm soát suy giãn tĩnh mạch gồm:

3.1 Thay đổi chế độ ăn uống

  • Bổ sung thêm nhiều thực phẩm giàu chất xơ như các loại đậu, hạt, ngũ cốc, lúa mì, yến mạch,... vào chế độ ăn uống vì chúng có thể ngăn ngừa táo bón, giảm nguy cơ ruột bị ách tắc tạo áp lực lên các mạch máu;
Chất xơ giúp làm giảm cholesterol trong máu
Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ có thể ngăn ngừa táo bón

  • Ăn nhiều thực phẩm có chứa flavonoid để cải thiện lưu thông máu, giảm áp lực trong các mạch máu, từ đó giảm tình trạng giãn tĩnh mạch. Một số loại thực phẩm mà bệnh nhân nên ăn gồm: Tỏi, cam, chanh, nho, anh đào, việt quất, táo, hành, ớt chuông, bông cải xanh,...;
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu kali như hạnh nhân, khoai tây, cá hồi, cá ngừ, rau lá xanh,... vì chúng giảm giữ nước trong cơ thể, cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch.

3.2 Tăng cường vận động

Bệnh nhân giãn tĩnh mạch có tập thể dục được không? Theo các chuyên gia, hoạt động thể chất thường xuyên là biện pháp giúp cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch hiệu quả. Một số bài tập mà bệnh nhân có thể áp dụng gồm:

  • Nâng chân: Mỗi ngày người bệnh nên dành tối thiểu 1 tiếng cho bài tập nâng chân. Cụ thể, bệnh nhân nâng chân cao lên ngang hoặc trên vị trí của tim, giữ chân ở vị trí này trong tối thiểu 20 phút, thực hiện 3 - 4 lần/ngày. Biện pháp này giúp cải thiện lưu thông máu cho các tĩnh mạch ở chân, làm giảm áp lực trong tĩnh mạch, từ đó giúp kiểm soát tình trạng suy giãn tĩnh mạch. Những người hay phải ngồi lâu như nhân viên văn phòng nên giữ đôi chân nâng cao (có thể thực hiện lúc đang làm việc hoặc khi nghỉ ngơi);
  • Tập luyện thể chất thích hợp: Các bài tập thể chất giúp tăng cường lưu thông máu, có hiệu quả trong điều trị suy giãn tĩnh mạch gồm đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga, xoay cổ chân,... Người bệnh chú ý nên chọn bài tập nhẹ nhàng, không gây quá nhiều áp lực cho đôi chân.

3.3 Mang vớ giãn tĩnh mạch

Vớ (tất) giãn tĩnh mạch giúp tạo áp lực hợp lý lên chân để các tĩnh mạch không bị giãn nở thêm. Đồng thời, nó còn hỗ trợ các cơ, tĩnh mạch trong điều hướng lưu lượng máu lưu thông về tim, ngăn máu chảy ngược. Những người thường xuyên đứng, ngồi hoặc đi lại trong thời gian dài nên mang vớ giãn tĩnh mạch để giảm sưng đau, khó chịu ở chân.

Béo phì
Duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh tránh để tình trạng béo phì

3.4 Thay đổi các thói quen sống

  • Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu. Nếu công việc buộc phải đứng, ngồi trong thời gian dài thì nên thay đổi tư thế thường xuyên để tránh làm tắc nghẽn sự lưu thông máu;
  • Tránh mang giày cao gót trong thời gian dài, nên hạn chế mặc đồ bó sát, không thoải mái;
  • Massage thường xuyên ở chân để hỗ trợ lưu thông máu trong tĩnh mạch. Khi massage chú ý nên thực hiện nhẹ nhàng, dùng áp lực toàn bàn tay hoặc đầu ngón tay để di chuyển ở vùng tĩnh mạch bị giãn, tránh gây áp lực lên các tĩnh mạch lớn;
  • Duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh, không bị thừa cân, béo phì.

Các biện pháp trên chỉ có tác dụng với những trường hợp bị suy giãn tĩnh mạch nhẹ và vừa. Với bệnh nhân bị bệnh nặng hơn, có thể được chỉ định điều trị cắt đốt bằng laser. Phương pháp này được sử dụng khi các phương pháp trên không hiệu quả, bệnh nhân bị sưng đau, khó chịu nhiều hơn. Khi thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sử dụng một ống có tia laser ở đầu, luồn qua tĩnh mạch bị giãn. Tia laser sẽ bịt kín các thành tĩnh mạch và máu sẽ không chảy qua đó nữa. Sau đó, bác sĩ loại bỏ tĩnh mạch đó.

Khi bị suy giãn tĩnh mạch, bệnh nhân nên thực hiện một chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh, khoa học, áp dụng các biện pháp được đề nghị ở trên để hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả, ngăn ngừa được các biến chứng có thể xảy ra trong tương lai.

Biến chứng nặng nề nhất của suy giãn tĩnh mạch chi dưới là hình thành huyết khối trong lòng mạch gây tắc, diễn biến thành mảng biến đổi sắc tố trên da và loét hoại tử vùng da.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan