Giải mã Hội chứng sương mù não sau COVID-19?

Ho, khó thở, nhức đầu, mệt mỏi và sốt là những triệu chứng điển hình của Covid-19. Tuy nhiên, một triệu chứng bất thường nữa của Covid-19 chính là “sương mù não”; trong đó trạng thái lơ mơ về tinh thần có thể kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các công việc hàng ngày.

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi ThS BS Vũ Duy Dũng, Bác sĩ Nội thần kinh, Bệnh viện Vinmec Times City

1. Tìm hiểu hội chứng sương mù não sau COVID-19

Bản thân sương mù não không phải là một tình trạng bệnh lý, thực chất nó là một triệu chứng của các tình trạng sức khoẻ khác, có thể gây ra các triệu chứng khó chịu về tinh thần, chẳng hạn như mệt mỏi mãn tính, kém tập trung hoặc thiếu minh mẫn.

"Sương mù não" kéo dài là một trong những triệu chứng thần kinh mà đã được ghi nhận ở những người bị COVID-19 sau khi đã khỏi bệnh. Nguyên nhân có thể là do viêm não. Virus phá hủy rào cản ngăn dị vật xâm nhập vào não, từ đó gây ra tình trạng viêm.

Nhiều bệnh nhân phàn nàn gặp vấn đề với trí nhớ như dễ bị phân tâm, khó theo dõi cuộc trò chuyện và khó tập trung và tham gia vào các công việc hàng ngày. Các triệu chứng của sương mù não cũng có thể xuất hiện như:

  • Bạn bước vào một căn phòng và quên mất lý do tại sao bạn ở đó.
  • Bạn khó nghĩ ra từ đúng.
  • Khó nhớ những gì bạn vừa đọc.
  • Mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành nhiệm vụ nào đó.
  • Quên công thức nấu ăn hoặc các bước khi nấu ăn.
  • Quên những gì bạn đang làm sau khi trở nên mất tập trung...

Những triệu chứng này thường xuất hiện sau khi bệnh nhân trải qua giai đoạn cấp tính của COVID-19 và trở lại làm việc. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân gặp khó khăn khi thực hiện công việc hoặc quản lý hàng ngày. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của họ.

Tìm hiểu hội chứng sương mù não sau COVID-19
Tìm hiểu hội chứng sương mù não sau COVID-19

2. Điều gì gây ra sương mù não sau COVID-19?

Hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra chứng sương mù não sau COVID-19. Tuy nhiên, một số nguyên nhân đã được xác định gây nên tình trạng này bao gồm:

  • Thiếu oxy não do tổn thương phổi
  • Viêm não
  • Rối loạn tự miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể
  • Đột quỵ não

Nguyên nhân gây sương mù não còn do làm việc quá sức, thiếu ngủ, căng thẳng và dành quá nhiều thời gian cho máy tính. Ở cấp độ tế bào, sương mù não được cho là do tình trạng viêm nhiễm ở mức độ cao và những thay đổi đối với hormone quyết định tâm trạng, năng lượng và sự tập trung của bạn.

Ngoài ra, việc dùng thuốc hay các tình trạng y tế (liên quan đến viêm nhiễm, mệt mỏi hoặc thay đổi mức đường huyết) thậm chí sự thiếu hụt hoặc không đủ chất dinh dưỡng, có thể góp phần gây ra các triệu chứng sương mù não.

Các biến chứng lâu dài sau khi nhiễm COVID-19 là khác nhau ở mỗi người. Đối với một số bệnh nhân, chứng sương mù não sau COVID-19 có thể biến mất sau khoảng vài tháng. Nhưng đối với những người khác, nó có thể tồn tại lâu hơn.

Để ứng phó với hội chứng sương mù não, BS Vũ Duy Dũng khuyến cáo rằng:

Điều trị sương mù não phụ thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ, nếu bạn đang bị thiếu máu, bổ sung sắt có thể làm tăng sản xuất tế bào hồng cầu và giảm sương mù não...

Đôi khi, giảm thiểu tình trạng sương mù ở não là vấn đề điều chỉnh sự thiếu hụt dinh dưỡng, thay đổi thuốc hoặc cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn.

Các biện pháp khắc phục tại nhà để cải thiện chứng sương mù não bạn có thể thực hiện như:

  • Ngủ đủ 7- 9 giờ mỗi đêm.
  • Tránh căng thẳng, stress
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày tối thiểu 30 phút
  • Hạn chế uống cà phê, tránh sử dụng rượu và các chất kích thích
  • Tăng lượng protein, trái cây, rau và chất béo lành mạnh
  • Tham gia các hoạt động xã hội

Bên cạnh đó hãy tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ chuyên môn để có những tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe hiện tại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

102.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan