Gây tê cạnh sống là gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Gây mê hồi sức, giảm đau - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Gây tê cạnh cột sống là phương pháp vô cảm có nhiều ưu điểm được áp dụng để ức chế dẫn truyền thần kinh hướng tâm nhằm giảm đau sau mổ hoặc gây tê phẫu thuật chấn thương lồng ngực.

1. Gây tê cạnh sống là gì?

Gây tê cạnh cột sống là kỹ thuật tiêm thuốc tê gần với các rễ thần kinh tủy đi ra từ lỗ ghép ở khoang cạnh sống để vô cảm hoặc giảm đau theo phân đoạn ngực hoặc lưng. Gây tê cạnh sống mang lại rất nhiều ưu điểm như:

  • Đơn giản, dễ thực hiện hơn gây tê ngoài màng cứng ngực;
  • Thực hiện an toàn ở cả các bệnh nhân được an thần và thở máy;
  • Nếu có sự hỗ trợ của nội soi lồng ngực sẽ an toàn và chính xác hơn khi đặt catheter;
  • Gây tê cạnh sống có thể thực hiện ở một hoặc cả hai bên;
  • Ức chế dẫn truyền cảm giác, vận động và giao cảm;
  • Duy trì ổn định huyết động tốt;
  • Giúp giảm nhu cầu sử dụng opioid ở bệnh nhân sau mổ;
  • Có tỷ lệ biến chứng hoặc tai biến thấp;
  • Giúp bảo tồn cảm giác bàng quang;
  • Không gây mất vận động chi dưới;
  • Bệnh nhân sau phẫu thuật có khả năng vận động sớm.

2. Chỉ định gây tê cạnh sống khi nào?

Gây tê cạnh sống có thể được các bác sĩ chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Phương pháp vô cảm để phẫu thuật: tuyến vú, tái tạo thành bụng do thoát vị, thăm dò vết thương ngực
  • Phương pháp giảm đau sau phẫu thuật: phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật vú, cắt túi mật, phẫu thuật thận- niệu quản, phẫu thuật thoát vị, cắt ruột thừa, phẫu thuật lồng ngực có nội soi hỗ trợ;
Gây tê cạnh sống được sử dụng để giảm đau sau mổ ruột thừa
Gây tê cạnh sống được sử dụng để giảm đau sau mổ ruột thừa

Nhìn chung nhờ vào các ưu điểm lâm sàng nên gây tê cạnh sống thường được chỉ định cho các trường hợp gây tê và giảm đau khi bệnh nhân kích thích do đau hướng tâm chủ yếu xuất phát từ ngực và bụng.

Ngoài ra, còn phải lưu ý các chống chỉ định của tiêm cạnh cột sống bao gồm chống chỉ định tương đối và chống chỉ định tuyệt đối.

3. Các chống chỉ định

3.1 Chống chỉ định tương đối gồm:

  • Bệnh nhân có rối loạn đông máu;
  • Biến dạng cột sống, lồng ngực;
  • Bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật phổi.

3.2 Các chống chỉ định tuyệt đối gồm:

  • Không có sự đồng ý của bệnh nhân;
  • Nhiễm khuẩn vị trí chọc kim gây tê;
  • Viêm mủ màng phổi;
  • Dị ứng thuốc tê;
  • Các tình trạng khối u cạnh sống gần với vị trí chọc kim;
  • Giảm khối lượng tuần hoàn chưa điều trị.
Gây tê cạnh sống có thể kích thích ho cho người bệnh
Gây tê cạnh sống có thể kích thích ho cho người bệnh

4. Các biến chứng của phương pháp gây tê cạnh sống

Tỷ lệ thất bại của phương pháp gây tê cạnh sống là từ 6-10% với các biến chứng có thể xảy ra như:

  • Tiêm vào mạch máu;
  • Thủng màng phổi có thể kèm thủng phổi;
  • Dấu hiệu “sựt”;
  • Kích thích ho;
  • Đau nhói ở ngực hoặc vai;
  • Không hút được khí ra trừ khi thủng phổi;
  • Khí đi vào khoang màng phổi từ chỗ chọc kim;
  • Hạ huyết áp hiếm khi xảy ra ngay cả trong trường hợp gây tê cạnh sống hai bên;
  • Tiêm nhầm qua lỗ gian đốt có thể gây ra đau đầu sau gây tê;
  • Tiêm thủng màng cứng như tiêm vào khoang dưới nhện;
  • Hội chứng Horner thoáng qua, cùng bên hoặc khác bên cơ thể do thuốc tê lan tỏa ức chế hạch sao, hoặc ức chế sợi trước hạch ở ngực cao;
  • Thay đổi cảm giác tay cùng bên do thuốc tê lan tới ức chế T1 (nhánh của đám rối thần kinh cánh tay).

Với mục tiêu mang đến cho người bệnh những kỹ thuật y khoa tiên tiến nhất trên thế giới, hạn chế biến chứng và rủi ro, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã triển khai áp dụng kỹ thuật gây tê mặt phẳng sống ESP. Đây là kỹ thuật giảm đau có thể thay thế hoàn toàn morphin giảm đau trong phẫu thuật tim hở và phẫu thuật lồng ngực ở cả người lớn và trẻ em với nhiều ưu điểm nổi bật:

  • Giúp giảm đau toàn diện, không biến chứng, rút ngắn thời gian hồi sức tích cực, loại trừ nguy cơ đau sau mổ và đau mãn tính trên 96% bệnh nhân mổ tim.
  • Không ảnh hưởng trực tiếp đến tủy sống và những cấu trúc giải phẫu của thần kinh
  • An toàn hơn do thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm
  • Không có trường hợp phải thêm liều giảm đau morphin khi rạch da, cưa xương ức.
  • Giảm đáng kể liều thuốc giảm đau Sufentanil trong mổ.
  • Mức độ đau sau rút ống nội khí quản, khi vận động và khi rút ống dẫn lưu (VAS <3).
  • Không có biến chứng tụ máu, tụt huyết áp hay tê quá mức, ức chế hô hấp, ngộ độc thuốc tê.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan