Độ ẩm không khí và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Độ ẩm không khí là đại lượng đo lường hàm lượng nước có trong không khí. Độ ẩm không khí có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, bao gồm cả những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

1. Tổng quan về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Hoạt động hô hấp trong một môi trường ẩm ướt có tác dụng kích thích các dây thần kinh bên trong hai phổi khiến đường thở trở nên chít hẹp và co thắt. Lượng nước trong không khí còn tác động lên nồng độ oxy trong không khí. Khi độ ẩm không khí cao, áp suất từng phần không khí giảm thấp, vì thế hoạt động hô hấp trở nên khó khăn. Người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên lưu ý đến độ ẩm không khí trong môi trường sống xung quanh để phòng ngừa sự bùng phát các đợt cấp và cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (tên tiếng anh là chronic obstructive pulmonary disease, COPD) là một trong những bệnh lý hô hấp với biểu hiện khó thở đặc trưng trên lâm sàng. Bệnh xuất hiện do sự phơi nhiễm với các dị nguyên đường hô hấp trong thời gian dài như khói thuốc lá hoặc các chất gây ô nhiễm không khí.

Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường xuyên biểu hiện trên lâm sàng với các triệu chứng như ho, khò khè và khó thở. Những triệu chứng này thường có xu hướng trở nên nặng nề hơn vào các thời điểm thay đổi thời tiết như giao mùa.

COPD
Tình trạng COPD

2. Các yếu tố thúc đẩy bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Không khí quá lạnh, quá nóng hoặc quá khô đều có thể là những yếu tố khởi phát một đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Hô hấp trở nên khó khăn khi nhiệt độ xuống thấp dưới 0 độ C hoặc trên 32.2 độ C. Thời tiết quá nhiều gió cũng khiến người bệnh cảm giác khó thở. Độ ẩm, tầng ozon và các loại phấn hoa cũng được xem là những yếu tố thúc đẩy một đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Bất kỳ giai đoạn nào hay mức độ nặng nào của bệnh, việc phòng ngừa các đợt cấp của bệnh đều đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nguyên tắc quan trọng trong việc phòng ngừa đợt cấp là tránh tiếp xúc với các dị nguyên, bao gồm:

  • Khói thuốc lá
  • Bụi
  • Hóa chất, chất tẩy rửa gia dụng
  • Không khí ô nhiễm

Vào những ngày thời tiết cực đoan, người bệnh nên tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách ở trong nhà càng nhiều càng tốt.

Ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí gây ra các bệnh lý về phổi

3. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các hoạt động ngoài trời

Nếu phải đi ra ngoài, người bệnh nên lên kế hoạch vào khoảng thời gian dễ chịu nhất trong ngày, tránh các thời điểm quá nóng hoặc quá lạnh.

Khi nhiệt độ thấp, người bệnh nên mặc ấm, che chắn miệng mũi bằng khăn quàng và thở bằng mũi để không khí được làm ấm trước khi đi vào phổi, tránh làm nặng hơn các triệu chứng lâm sàng.

Trong suốt những tháng mùa hè, người bệnh nên tránh đi ra ngoài vào những ngày độ ẩm không khí ở mức cao, hay không khí ở mức ô nhiễm nặng nề nhất.

Mức độ ozon thấp nhất vào buổi sáng. Chỉ số không khí (air quality index AQI) thấp hơn hoặc bằng 50 là điều kiện lý tưởng để có những hoạt động ngoài trời.

4. Độ ẩm không khí tối ưu

Theo các chuyên gia về bệnh lý hô hấp, tính nhạy cảm với độ ẩm không khí thay đổi khác nhau giữa các bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nhiều bệnh nhân bị COPD mang nhiều đặc điểm của bệnh hen. Một số bệnh nhân thích khí hậu khô, ấm trong khi số khác thích môi trường có nhiều độ ẩm.

Độ ẩm không khí
Độ ẩm không khí ảnh hưởng đến bệnh lý phổi

Nhìn chung, bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thích hợp với môi trường có độ ẩm không khí thấp. Độ ẩm không khí lý tưởng cho môi trường trong nhà là 30% đến 50%. Duy trì độ ẩm không khí ổn định trong suốt những tháng mùa đông không phải là việc dễ dàng, đặc biệt ở những vùng có khí hậu lạnh và hệ thống sưởi luôn hoạt động.

Để đạt được độ ẩm không khí tối ưu bên trong nhà, người bệnh có thể sử dụng máy tạo độ ẩm, kết hợp với hệ thống sưởi trung tâm, hoặc máy tạo độ ẩm công suất nhỏ phù hợp với các khoảng không gian nhỏ hơn.

Dù lựa chọn loại máy tạo độ ẩm nào, người sử dụng đều cần lưu ý làm vệ sinh thường xuyên buồng chứa và bộ lọc, tuân theo hướng dẫn sử dụng của hãng sản xuất. Bộ phận lọc khí bên trong máy điều hòa và hệ thống sưởi cũng nên thay mới mỗi ba tháng.

Độ ẩm không khí cũng là một vấn đề cần lưu ý khi tắm. Người bệnh cần mở hệ thống quạt thông gió trong khi tắm và mở cửa sổ sau khi tắm.

5. Mối nguy hiểm khi độ ẩm không khí tăng cao

Độ ẩm không khí tăng cao là điều kiện để xuất hiện nhiều chất ô nhiễm trong không khí như bụi nhà, vi khuẩn và virus. Những dị nguyên này là nguyên nhân khiến cho các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trở nên nặng nề hơn. Độ ẩm không khí trong nhà tăng cao còn là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển nấm mốc bên trong nhà. Nấm mốc là một yếu tố khởi phát đợt cấp thường thấy trong cả bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản. Những khu vực dễ phát triển nấm mốc trong nhà bao gồm:

  • Sàn nhà hoặc tầng hầm bị thấm nước
  • Ống nước bị rò nước
  • Thảm trải sàn kém vệ sinh
  • Phòng tắm và phòng bếp không được thông khí tốt
  • Các cánh quạt trong tủ lạnh hoặc tủ đông
  • Những phòng có sử dụng máy tạo độ ẩm, máy hút ẩm hay máy điều hòa không khí.
Máy tạo độ ẩm
Sử dụng máy tạo độ ẩm

Tiếp xúc nhiều với nấm mốc có thể kích thích hầu họng và phổi. Các triệu chứng trở nên nặng nề hơn bao gồm:

  • Tăng ho
  • Thở rít
  • Sung huyết mũi
  • Đau họng
  • Khò khè
  • Viêm xoang hoặc chảy nước mũi do viêm màng nhầy mũi họng

Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đặc biệt nhạy cảm với sự tiếp xúc nấm mốc, nhất là khi hệ miễn dịch của người bệnh bị suy yếu.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan