Đặc điểm nấm gây bệnh trên người

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ma Văn Thấm - Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Nhiễm trùng do nấm là một trong những bệnh lý khá phổ biến trên thế giới. Nấm tồn tại ở khắp mọi nơi: trong môi trường đất, nước, không khí, trên động thực vật và cả trên cơ thể người. Khi gặp các điều kiện thuận lợi như thời tiết nóng ẩm, sức đề kháng cơ thể giảm... nấm sẽ phát triển và gây bệnh. Bệnh lý do nấm có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em

Nấm (Fungi hoặc Mycetes) là những sinh vật, cơ thể được cấu tạo bởi một hoặc nhiều tế bào. Trong cấu tạo tế bào nấm có nhân thực, đặc điểm này khác với vi khuẩn (Bacteria hay Schizomycetes). Tuy nhiên, nấm không có diệp lục, vì thế nấm không phải là sinh vật tự dưỡng vì không thể tự tổng hợp được cacbohydrat và protein từ các chất đơn giản. Nấm là sinh vật dị dưỡng, sống theo kiểu hoại sinh trên những cơ thể động vật hay thực vật đã chết hoặc sống theo kiểu ký sinh trên những phần cơ thể sống khác. Một số loài nấm có thể sống theo cả hai cách trên. Phương thức sống của động vật là theo phương thức nhai, của thực vật là tự dưỡng. Trong khi đó nấm nhận các chất dinh dưỡng cần thiết từ môi trường bên ngoài bằng cách hấp thụ.

1. Hình dạng đại thể của nấm

Tế bào nấm phát triển rồi phân nhánh tạo nên sợi nấm, theo đó các sợi nấm tiếp tục phát triển phân nhánh tạo nên hệ sợi nấm chằng chịt ở trên môi trường. Trong sợi nấm có vách ngăn phân chia các tế bào nấm với nhau. Những hệ sợi nấm này tạo thành các khuẩn lạc mà mắt người ta có thể quan sát được.

Theo chức năng, đặc điểm của từng hệ sợi nấm mà người ta thường chia làm hai loại hệ sợi:

  • Hệ sợi nấm cơ chất: phát triển ăn sâu vào cơ chất (môi trường), lấy thức ăn từ môi trường xung quanh để đảm bảo dinh dưỡng và phát triển.
  • Hệ sợi nấm không khí: phát triển trên bề mặt môi trường và thường nhô lên trên. Hệ sợi nấm này gồm những sợi nấm không có cơ quan sinh sản và những loại sợi nấm “không khí”, những sợi nấm này mang những cơ quan sinh sản vô tính hay hữu tính.
Đặc điểm của tế bào nấm
Hình dạng đại thể của nấm candida

2. Cấu tạo của tế bào nấm

2.1. Vỏ tế bào

Vỏ tế bào nấm là một màng được cấu tạo bởi polysaccarit hoặc mucopolysaccarit. Lớp vỏ này bảo vệ tế bào nấm, giữ độ ẩm thích hợp.

2.2. Thành tế bào

Có nhiệm vụ giữ cho tế bào nấm có hình dạng nhất định. Thành tế bào được cấu tạo bởi hỗn hợp protit – polysaccarit. Trong hỗn hợp này thành phần polysaccarit thay đổi nhiều ít khác nhau đặc trưng cho từng nhóm nấm và dựa vào đây có thể phân loại các nhóm nấm. Phần polysaccarit có cấu trúc phức tạp và có vai trò quan trọng trong miễn dịch.

2.3. Lomasom

Là một cơ quan chỉ có trong tế bào nấm, lomasom là một phần của tiền màng nguyên sinh chất (periplasma) nằm ở giữa thành tế bào và màng nguyên sinh chất. Lomasom được xây dựng bởi một hệ màng xoắn, có liên quan đến sự tạo thành tế bào của sợi nấm.

2.4. Màng nguyên sinh chất

Màng nguyên sinh chất có hai lớp, cấu tạo bởi hỗn hợp protit và lipit là chủ yếu, ngoài ra còn có một phần polysaccarit. Màng nguyên sinh chất ngăn cách giữa thành tế bào và chất nguyên sinh. Trong tế bào nấm, màng nguyên sinh chất thường tạo ra lưới nội nguyên sinh, màng nhân và màng của không bào.

Nguyên sinh chất (bào tương): là một chất lỏng, có các thành phần chủ yếu là protit, ribonucleoprotein, lipid, glucid và nước. Ở các tế bào nấm còn non bào tương tương đối thuần nhất, ở các tế bào nấm càng già càng có nhiều không bào dự trữ.

Cấu tạo của tế bào nấm
Mỗi cơ quan của tế bào nấm đều có những thành phần và chức năng khác nhau

2.5. Ty thể

Cấu tạo bởi hai lớp màng, cấu trúc của hai lớp màng này giống như cấu trúc màng nguyên sinh chất. Trên bề mặt màng ty thể có những hạt nhỏ hình cầu (oxyxom) và có chức năng sinh năng lượng (tổng hợp ATP) và giải phóng năng lượng.

2.6. Nhân

Nhân bao bọc bên ngoài là màng nhân, bên trong chứa dịch nhân có chứa hạch nhân. Nhân tế bào nấm hình cầu hoặc hình bầu dục, đặc. Nấm men chỉ có một nhân, nấm sợi có nhiều nhân. Trong hạch nhân của tế bào nấm có AND như ở vi khuẩn, được tổ chức thành nhiễm sắc thể điển hình và có quá trình phân bào nguyên nhiễm (mitosis). Số lượng nhiễm sắc thể trong tế bào khác nhau tùy thuộc vào từng loại nấm. Ngoài ra, trong tế bào nấm còn có một số yếu tố còn lại như không bào, sferosom, diktiosom, ribosom, plasmit chứa các chất như protit, lipid, glucid, enzyme, muối vô cơ, các chất điện phân và các chất hữu cơ hòa tan.

3. Đặc điểm cấu trúc và sinh sản của nấm

Nấm có hai bộ phận chính: bộ phận dinh dưỡng và bộ phận sinh sản.

3.1. Bộ phận dinh dưỡng của nấm

Nấm gây bệnh thường có kích thước nhỏ, chỉ quan sát được dưới kính hiển vi nên thường gọi là vi nấm. Dựa vào hình thể, vi nấm được chia ra làm hai nhóm chính:

  • Nấm men: cấu tạo đơn bào, có hình tròn hoặc bầu dục, kích thước 3 - 15μm.
  • Nấm sợi: gồm những sợi tơ nấm có cấu tạo đa bào. Sợi nấm chia nhánh chằng chịt, ken chặt vào nhau tạo thành những khóm nấm. Nấm Candida khi ký sinh cũng tạo thành những sợi giả để xâm nhập sâu vào trong tổ chức.

Cấu tạo sợi nấm: có hai loại là sợi không vách ngăn có đường kính lớn (>5 μm) và sợi có vách ngăn có đường kính nhỏ (2 - 4 μm), trong ống tế bào có nguyên sinh chất và nhân.

Nấm candida
Nấm candida chỉ quan sát được khi soi dưới kính hiển vi

3.2. Bộ phận sinh sản của nấm

Nấm sinh ra nhiều loại bào tử có hình thể và kích thước khác nhau. Người ta căn cứ vào hình thể, kích thước và cách sắp xếp bào tử của nấm để định loại nấm.

Lớp Actinomycetes không có bộ phận sinh sản, khi rơi vào vị trí mới, gặp điều kiện thuận lợi thì phát triển thành khóm nấm. Các lớp nấm khác có những bộ phận sinh sản vô tính hoặc hữu tính tùy theo phương thức sinh sản.

  • Phương thức sinh sản hữu tính: là sự phân chia có sự phối hợp nhân gồm các loại bào tử hữu tính như bào tử nang (ascospore), bào tử tiếp hợp (zygospore), bào tử noãn (oospore), bào tử đảm (basidiospore).
  • Phương thức sinh sản vô tính: là sự phân chia không có sự phối hợp nhân, đó là các loại bào tử vô tính, thường là do sợi nấm sinh ra, làm nhiệm vụ phát triển hoặc dự trữ hoặc làm cả hai nhiệm vụ trên.

Bào tử dự trữ thường có bào tương đặc và giàu chất dinh dưỡng. Bào tử dự trữ gồm: bào tử màng dày (chlamydoconidium), bào tử phấn (alcurioconidium), bào tử hình thoi (fusiform). Bào tử phát triển có hai loại:

  • Sinh ra từ thân nấm (thalic) gồm các bào tử mầm (blastoconidium), bào tử đốt (athroconidium), bào tử phấn (aleurioconidium) – đây là bào tử dự trữ nhưng đôi khi làm cả nhiệm vụ phát triển.
  • Sinh từ thân nấm thành những tế bào riêng nhưng vẫn dính liền với thân nấm gọi là bào tử đính (connidium). Bào tử loại này khác nhau về kích thước, hình dạng và màu sắc, chúng có thể tạo thành khối hoặc chuỗi có hình chai, hình chổi hoặc hình hoa cúc.

Nấm men sinh sản theo một quá trình gọi là nảy chồi. Một chồi nhỏ thường mọc ở phần cực của tế bào nấm, chồi này phình to ra và hình thành nên một tế bào con, cuối cùng tách khỏi tế bào mẹ. Ở một vài loại nấm men các chồi này kéo dài ra, có loại tế bào dính vào nhau tạo thành chuỗi gọi là dạng giả sợi. Candida sinh sản theo phương thức vô tính, bào tử áo hay bào tử màng dày thường mọc ở đỉnh các giả sợi.

Tế bào nấm phát triển rồi phân nhánh tạo nên sợi nấm, từ sợi nấm lại tiếp tục phân nhánh để tạo nên hệ sợi nấm chằng chịt trên môi trường. Những hệ sợi nấm tạo nên khuẩn lạc (khóm nấm) mà mắt thường có thể quan sát được. Mỗi khóm nấm thường có những đặc tính riêng mà dựa vào đó người ta có thể phân biệt được các chủng nấm với nhau. Trong mỗi khóm nấm có các sợi nấm ăn sâu vào trong môi trường nuôi cấy để hút chất dinh dưỡng gọi là thân nấm dinh dưỡng (hệ sợi nấm cơ chất), có những sợi nấm bò lan trên bề mặt để sinh ra các bộ phận sinh sản, gọi là thân nấm phát triển (hệ sợi nấm không khí).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan