Mắt là cơ quan đảm nhiệm chức năng thị giác, có nhiệm vụ thu nhận những kích thích ánh sáng dưới dạng màu sắc và hình ảnh để truyền về vỏ não, giúp ta nhận biết được thế giới bên ngoài. Giải phẫu mắt gồm các bộ phận: Nhãn cầu, phần bảo vệ nhãn cầu, đường thần kinh và trung khu phân tích thị giác.
1. Giải phẫu mắt: Nhãn cầu
Nhãn cầu có hình cầu, nằm trong 1 hốc xương (ổ mắt). Giải phẫu ổ mắt tương đối phức tạp. Chiều dài trục nhãn cầu ở người trưởng thành khoảng 22 - 24mm. Trục nhãn cầu bị ngắn hoặc dài sẽ gây các tật khúc xạ như cận thị hoặc viễn thị.
Cấu tạo mắt vùng nhãn cầu gồm các bộ phận sau:
1.1 Vỏ bọc nhãn cầu
Vỏ bọc nhãn cầu gồm:
- Giác mạc: Là 1 lớp màng trong suốt, rất dai, không có mạch máu, có hình chỏm cầu, chiếm 1/5 phía trước vỏ nhãn cầu. Giác mạc có đường kính khoảng 11mm, bán kính độ cong là 7.7mm, chiều dày ở vùng rìa là 1mm, ở trung tâm là 0.5mm, công suất khúc xạ khoảng 45D. Giác mạc có các lớp tính từ ngoài vào trong gồm: Biểu mô, màng Bowman, nhu mô, nội mô. Giác mạc được nuôi dưỡng nhờ nước mắt, thủy dịch và thẩm thấu từ các mạch máu quanh rìa;
- Củng mạc: Là 1 mô xơ rất dai, màu trắng và chiếm 4/5 phía sau nhãn cầu. Củng mạc được cấu tạo từ nhiều lớp băng xơ dày, đan chéo nhau vững chắc, có nhiệm vụ bảo vệ các màng và các môi trường bên trong. Độ dày của củng mạc tùy theo từng vùng: Dày nhất ở vùng cực sau (1 - 1.35mm), mỏng nhất ở chỗ bám của các cơ trục (0.3mm). Cực sau củng mạc có 1 lỗ thủng với đường kính 1.5mm, che lỗ thủng là lá sàng với nhiều lỗ nhỏ cho phép các sợi thần kinh thị giác đi qua.
1.2 Màng mạch
Màng mạch (màng bồ đào) gồm 3 phần: Mống mắt, thể mi và hắc mạc. Mống mắt + thể mi được gọi là màng bồ đào trước, hắc mạc được gọi là màng bồ đào sau. Trong giải phẫu mắt, màng bồ đào có nhiệm vụ nuôi dưỡng nhãn cầu, điều hòa nhãn áp.
Màng bồ đào gồm:
- Mống mắt: Có hình đồng xu thủng ở giữa, mặt trước là giới hạn sau của tiền phòng, có màu xanh, đen hoặc nâu tùy chủng tộc. Mặt sau mống mắt có màu nâu sẫm đồng nhất, là giới hạn trước của hậu phòng. Giữa mống mắt có 1 lỗ tròn (đồng tử). Về mô học, mống mắt gồm 3 lớp chính: Lớp nội mô ở mặt trước, lớp đệm, lớp biểu mô ở mặt sau. Mống mắt có vai trò chính là điều chỉnh lượng ánh sáng tới võng mạc (thông qua việc thay đổi kích thước đồng tử);
- Thể mi: Là phần nhô lên của màng bồ đào, nằm ở giữa mống mắt và hắc mạc. Thể mi có vai trò điều tiết giúp mắt nhìn rõ những vật ở gần, tiết ra thủy dịch (nhờ các tế bào ở tua mi). Thể mi nằm khuất sau mống mắt là 1 dải hình tròn không đều. Nhìn từ phía sau, thể mi có 2 phần: Phần sau (vòng cung thể mi) và phần trước (vành thể mi). Về tổ chức học, từ ngoài vào trong thể mi có các lớp: Lớp trên thể mi, lớp cơ thể mi, lớp mạch máu, lớp màng kính, lớp biểu mô sắc tố, lớp biểu mô thể mi và lớp giới hạn trong;
- Hắc mạc: Là 1 màng liên kết lỏng lẻo, nằm giữa củng mạc và võng mạc. Hắc mạc có nhiều mạch máu và các tế bào sắc tố đen, làm nhiệm vụ nuôi nhãn cầu, biến lòng nhãn cầu trở thành 1 buồng tối, giúp hình ảnh được hiển thị rõ nét trên võng mạc. Về tổ chức học, từ ngoài vào trong hắc mạc gồm 3 lớp: Lớp thực hắc mạc, lớp hắc mạc chính danh, lớp màng Bruch.
Mạch máu và thần kinh của màng bồ đào theo giải phẫu mắt gồm:
- Động mạch: Màng bồ đào có 2 hệ thống là: Động mạch mi ngắn sau (gồm khoảng 20 động mạch) và động mạch mi dài sau (có 2 động mạch);
- Tĩnh mạch: Máu từ màng bồ đào đi theo các tĩnh mạch nhỏ, dồn về 4 tĩnh mạch lớn, đi ra ngoài nhãn cầu, theo tĩnh mạch mắt chảy vào xoang tĩnh mạch hang;
- Bạch huyết: Màng bồ đào không có;
- Thần kinh: Gồm sợi thần kinh mi dài và sợi thần kinh mi ngắn.
1.3 Võng mạc
Võng mạc còn được gọi là màng thần kinh, nằm trong lòng màng bồ đào. Đây là nơi tiếp nhận các kích thích ánh sáng từ ngoại cảnh, truyền về trung khu phân tích thị giác ở vỏ não.
Về hình thể, võng mạc gồm 2 phần: Võng mạc cảm thụ và võng mạc vô cảm, nằm cách rìa giác mạc khoảng 7 - 8mm. Trung tâm võng mạc (tương ứng với cực sau nhãn cầu) là 1 vùng có màu sáng nhạt (hoàng điểm). Chính giữa hoàng điểm có 1 hố nhỏ lõm xuống (hố trung tâm). Cách hoàng điểm 3.4 - 4mm về phía mũi là gai thị - điểm khởi đầu của dây thần kinh thị giác. Gai thị có hình tròn hoặc bầu dục, đường kính khoảng 1.5mm, màu hồng nhạt, ranh giới rõ với xung quanh.
Về cấu trúc, võng mạc có 4 lớp tế bào: Lớp biểu mô sắc tố, lớp tế bào thị giác, lớp tế bào 2 cực, lớp tế bào hạch (tế bào đa cực).
Mạch máu của võng mạc:
- Động mạch trung tâm võng mạc: Là 1 nhánh xuất phát từ động mạch mắt, chạy tới nhãn cầu, cách cực sau nhãn cầu khoảng 10mm thì chui vào thị thần kinh, đi tới võng mạc;
- Tĩnh mạch: Thường đi kèm song song với động mạch.
1.4 Tiền phòng và hậu phòng
Khi giải phẫu mắt, không thể không đề cập tới tiền phòng và hậu phòng.
- Tiền phòng: Là 1 khoang nằm giữa giác mạc ở phía trước, mống mắt và thể thủy tinh nằm phía sau, bên trong chứa đầy thể dịch. Phần trung tâm tiền phòng là sâu nhất (khoảng 3 - 3.5mm), càng gần rìa thì độ sâu càng giảm dần. Góc tiền phòng ở cạnh rìa ngoài được giới hạn bởi giác mạc - củng mạc ở phía trước, mống mắt - thể mi ở phía sau. Góc tiền phòng có vai trò quan trọng về sinh lý và phẫu thuật. Góc tiền phòng có những thành phần gồm: Vòng Schwalbe, Trabeculum, ống Schlemm, cựa củng mạc, dải thể mi, chân mống mắt;
- Hậu phòng: Khoang hậu phòng có giới hạn trước là mặt sau mống mắt, giới hạn sau là mặt trước của màng dịch kính. Hậu phòng được thông với tiền phòng qua lỗ đồng tử. Bên trong hậu phòng chứa thủy dịch như tiền phòng.
1.5 Các môi trường trong suốt
Các môi trường trong suốt bên trong nhãn cầu gồm:
- Thủy dịch: Là 1 chất lỏng trong suốt do thể mi tiết ra, chứa đầy bên trong tiền phòng và hậu phòng. Thành phần thủy dịch gồm nước, albumin, globulin, glucose, axit amin,... Thủy dịch có vai trò là yếu tố tác động đến nhãn áp, cung cấp dinh dưỡng cho thể thủy tinh, góp phần nuôi dưỡng giác mạc;
- Thể thủy tinh: Là 1 thấu kính trong suốt, 2 mặt lồi, được treo cố định vào vùng thể mi nhờ các dây Zinn. Độ dày của thể mi khoảng 4mm, đường kính 8 - 10mm, bán kính độ cong mặt trước là 10mm, mặt sau là 6mm, công suất quang học khoảng 20 - 22D. Thể thủy tinh có 2 mặt trước và mặt sau, gặp nhau ở xích đạo. Thể thủy tinh gồm 3 phần: Màng bọc, biểu mô dưới màng bọc và các sợi của thể thủy tinh. Thể thủy tinh không có mạch máu và thần kinh, được nuôi dưỡng nhờ thẩm thấu có chọn lọc từ thủy dịch. Thể thủy tinh có vai trò quan trọng đối với hệ thống khúc xạ, giúp hội tụ đúng tiêu điểm ảnh trên võng mạc khi nhìn xa, giúp mắt nhìn rõ những vật ở gần (nhờ sự điều tiết);
- Dịch kính: Là 1 chất lỏng như lòng trắng trứng, nằm sau thể thủy tinh, chiếm toàn bộ phần sau nhãn cầu. Thành phần chính của dịch kính là 1 protein cấu trúc dạng sợi (Vitrêin), có axit hyaluronic lấp đầy trong các khoang giữa các sợi.
2. Giải phẫu mắt: Các bộ phận bảo vệ nhãn cầu
2.1 Hốc mắt
Có 2 hốc mắt nằm 2 bên hốc mũi, được tạo nên từ các xương sọ và xương mặt. Hốc mắt có hình tháp, 4 cạnh có 4 thành xương, đỉnh quay về phía sau, đáy quay ra phía trước.
Các đặc điểm của hốc mắt:
- Kích thước: Ở người trưởng thành, thể tích hốc mắt khoảng 29ml, chiều cao từ đỉnh tới đáy hốc mắt khoảng 40mm, chiều rộng đáy hốc mắt khoảng 40mm, chiều cao đáy hốc mắt khoảng 35mm;
- Các thành của hốc mắt: Thành trên (trần ổ mắt), thành ngoài, thành dưới (nền hốc mắt), thành trong;
- Đáy hốc mắt: Có hình bầu dục, gồm 4 bờ (bờ trên, bờ ngoài, bờ dưới và bờ trong);
- Đỉnh hốc mắt: Có lỗ thị giác và 1 khe hình chữ V;
- Các phần tử nằm trong hốc mắt: Cơ vận động nhãn cầu (6 cơ gồm 4 cơ thẳng và 2 cơ chéo), các cơ của mi mắt (cơ nâng mi trên, cơ vòng mi), các gân trong hốc mắt (màng xơ cơ quanh hốc mắt, bao Tenon), tổ chức hố mắt;
- Mi mắt: Mỗi mắt có 2 mi (mi trên và mi dưới), giải phẫu gần giống nhau. Mi mắt có 4 lớp tính từ trước ra sau gồm: Da mi, lớp cơ mi (cơ vòng mi, cơ nâng mi trên), lớp sụn mi, lớp kết mạc. Tuần hoàn mi gồm động mạch và tĩnh mạch.
2.2 Lệ bộ
Trong giải phẫu mắt, lệ bộ gồm 2 phần:
- Bộ phận chế tiết nước mắt: Nước mắt được tiết ra từ tuyến lệ chính (nằm ở góc trên ngoài của hốc mắt) và tuyến lệ phụ (nằm rải rác ở kết mạc). Nước mắt có nhiệm vụ cung cấp dinh dưỡng và bảo vệ giác mạc;
- Đường dẫn nước mắt: Nước mặt được thu nhập vào lỗ lệ trên và lỗ lệ dưới, đi vào lệ quả trên và dưới, đi qua ống lệ chung, dồn về túi lệ. Từ đây, nước mắt đi qua ống lệ tỵ, đổ xuống mũi ở ngách mũi dưới.
3. Giải phẫu mắt: Đường thần kinh và trung thu thị giác
3.1 Đường thần kinh thị giác
Sợi trục của các tế bào hạch sẽ tập trung đến gai thị, chui qua sàng, tạo thành dây thần kinh thị giác (dây số II). Dây thần kinh thị giác đi đến đỉnh hố mắt, chui qua lỗ thị giác vào hộp sọ. Sau đó, các sợi trục của tế bào hạch của nửa võng mạc phía mũi (bó mũi). bắt chéo sang bên đối diện để đi cùng bó thái dương bên kia, dừng ở thể gối ngoài. Vị trí 2 bó mũi bắt chéo nhau được gọi là giao thoa thị giác (nằm ở trên hố yên).
Đoạn từ giao thoa tới thể gối ngoài có các sợi có xu hướng tỏa rộng ra nên còn gọi là dải thị giác. Từ thể gối ngoài, các sợi thị giác tiếp tục tỏa rộng ra nên gọi là tia thị, đến dừng ở vỏ não thùy chẩm.
Sự tuần hoàn của đường thần kinh thị giác được đảm bảo bởi 3 động mạch: Động mạch mạc trước, động mạch não sau và động mạch Sylvius.
Gồm các vùng vỏ não 17, 18, 19 thuộc vỏ não và thùy chẩm, xung quanh rãnh cựa lấn 1 phần vào mặt ngoài thùy chẩm.
Mắt là một trong những cơ quan đặc biệt quan trọng trên cơ thể. Nắm được giải phẫu mắt và chức năng của các bộ phận trong mắt sẽ giúp mỗi người có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của đôi mắt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.