Chụp số hóa xóa nền và nút mạch dị dạng mạch chi điều trị dị dạng động tĩnh mạch

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Nút mạch dị dạng mạch chi là phương pháp được sử dụng để điều trị dị dạng tĩnh mạch AVM phổ biến nhất hiện nay. Phương pháp này có thể giúp tuần hoàn của chi được phục hồi và cải thiện tình trạng dinh dưỡng.

1. Dị dạng động tĩnh mạch AVM là gì?

Dị dạng động tĩnh mạch AVM (arteriovenous malformation) thuộc dạng bất thường bẩm sinh của mạch máu, được hình thành ngay từ trong quá trình phát triển phôi. Khi nhiều luồng thông trực tiếp giữa hệ thống động mạch và hệ tĩnh mạch mà không qua hệ mao mạch sẽ dẫn đến mất khả năng trao đổi chất ở những mô xung quanh ổ dị dạng, đây còn được gọi lại hiện tượng cướp máu.

Tổn thương dị dạng động tĩnh mạch sẽ tiến triển theo sự lớn lên của cơ thể dẫn đến thiểu dưỡng hoặc loạn dưỡng mô.

Biểu hiện của bệnh này sẽ là các triệu chứng đau, biến dạng, loét - hoại tử và chảy máu. Dị dạng động tĩnh mạch AVM có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể và có thể được xử lý bằng phương pháp nút mạch dị dạng mạch chi.

Dị dạng động tĩnh mạch
Dị dạng động tĩnh mạch AVM gây đau, biến dạng, loét - hoại tử và chảy máu cho người bệnh

2. Các trường hợp chỉ định, chống chỉ định nút mạch dị dạng mạch chi

2.1 Chỉ định

  • Dị dạng động tĩnh mạch phần mềm có biến chứng: Đau, loét, loạn dưỡng da, hoại tử mô mềm xung quanh ổ dị dạng hoặc phía hạ lưu ổ dị dạng.
  • Dị dạng động tĩnh mạch phần mềm có hiệu ứng cướp máu hạ lưu.

2.2 Chống chỉ định

Nút mạch dị dạng mạch chi sẽ chống chỉ định với các trường hợp sau đây

  • Dị ứng thuốc đối quang i-ốt.
  • Suy thận nặng (độ IV).
  • Rối loạn đông máu nặng và mất kiểm soát (prothrombin 1.5, số lượng tiểu cầu < 50 G/l).
  • Phụ nữ có thai.
rối loạn đông máu
Bệnh nhân rối loạn đông máu chống chỉ định nút mạch dị dạng mạch chi

3. Những người tham gia thực hiện nút mạch dị dạng mạch chi

  • Bác sĩ chuyên khoa.
  • Bác sĩ phụ trợ.
  • Kỹ thuật viên điện quang.
  • Điều dưỡng.
  • Bác sỹ, kỹ thuật viên gây mê (nếu người bệnh không thể hợp tác).

4. Các phương tiện sử dụng trong nút mạch dị dạng mạch chi

Kỹ thuật chụp mạch số hóa xóa nền DSA
Máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) đóng vai trò quan trọng trong nút mạch dị dạng mạch chi

5. Các loại thuốc cần chuẩn bị trước khi tiến hành phương pháp

  • Thuốc gây tê tại chỗ
  • Thuốc chống đông
  • Thuốc gây mê toàn thân (nếu có chỉ định gây mê)
  • Thuốc đối quang iod tan trong nước
  • Thuốc trung hòa thuốc chống đông
  • Dung dịch sát khuẩn da, niêm mạc

6. Những vật tư y tế cơ bản dùng cho nút mạch dị dạng mạch chi

  • Bơm tiêm 1; 3; 5;10; và 20ml
  • Bơm tiêm dành cho máy bơm điện
  • Găng tay, áo, mũ, khẩu trang phẫu thuật
  • Nước cất hoặc nước muối sinh lý
  • Bông, gạc, băng dính phẫu thuật.
  • Bộ dụng cụ can thiệp vô trùng: dao, kéo, kẹp, 4 bát kim loại, khay quả đậu, khay đựng dụng cụ.
  • Hộp thuốc và dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang.

7. Những vật liệu sử dụng để gây tắc mạch

  • Hạt nhựa tổng hợp (PVA)
  • Xốp sinh học (gelfoam)
  • Vòng xoắn kim loại các cỡ (coils)
  • Keo sinh học (Histoacryl, Onyx)
  • Cồn tuyệt đối

8. Người bệnh phải chuẩn bị những gì trước khi tiến hành nút mạch dị dạng mạch chi?

Người bệnh phải hiểu rõ về các thủ thuật được tiến hành trong phương pháp nút mạch dị dạng mạch chi để có thể phối hợp với thầy thuốc trong quá trình thực hiện. Đồng thời trước 6 giờ tiến hành người bệnh cần nhịn ăn, uống, tuy nhiên vẫn có thể uống lượng nước dưới 50ml.

Tại phòng can thiệp, người bệnh nằm với tư thế ngửa, lắp máy theo dõi nhịp thở, mạch, huyết áp, điện tâm đồ, SpO2. Sát trùng da sau đó phủ khăn phủ vô khuẩn có lỗ. Trong trường hợp người bệnh quá kích thích, không nằm yên thì cần cho thuốc an thần hoặc có biện pháp xử lý phù hợp.

thuốc an thần
Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc an thần đối với bệnh nhân bị kích thích

9. Các bước tiến hành nút mạch dị dạng mạch chi

Bước 1: Phương pháp vô cảm

Để người bệnh nằm ngửa trên bàn chụp, tiến hành đặt đường truyền tĩnh mạch.

Thường gây tê tại chỗ, chỉ sử dụng hình thức gây mê toàn thân trong những trường hợp ngoại lệ như trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) chưa có ý thức cộng tác hoặc quá kích động sợ hãi.

Bước 2: Đặt ống vào lồng mạch

Dùng ống mở đường vào lòng mạch cho dù ổ dị dạng ở thể loại nào để có thể chụp được mạch.

Nếu đường vào động mạch hay tĩnh mạch thì dùng bộ kim chọc siêu nhỏ 21G.

Đặt ống vào lòng mạch (ống đặt lòng mạch) 4-5Fr.

Bước 3: Chụp mạch để đánh giá tổn thương

Dùng ống thông, vi ống thông tiếp cận ổ dị dạng động tĩnh mạch.

Tiến hành chụp mạch không chọn lọc và chọn lọc để đánh giá thể loại, tình trạng huyết động của ổ dị dạng.

Bước 4: Tiếp cận tổn thương

Tùy thuộc thể loại ổ dị dạng mà có thể tiếp cận qua đường động mạch, đường tĩnh mạch hay chọc trực tiếp vào ổ dị dạng.

Khi tiếp cận được vào trung tâm ổ dị dạng, tiến hành chụp mạch để xác nhận ổ dị dạng và đánh giá tình trạng huyết động.

Bước 5: Nút mạch điều trị

Gây tắc mạch ổ dị dạng bằng vật liệu nút mạch.

Vật liệu nút mạch sẽ được lựa chọn tùy theo thể loại và đường tiếp cận ổ dị dạng sao cho phù hợp nhất.

Bước 6: Kết thúc điều trị

  • Chụp mạch kiểm tra sau nút mạch, đánh giá các nhánh lân cận và hạ lưu.
  • Đóng đường vào lòng mạch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

210 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan