Chụp ống tuyến sữa trong trường hợp nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Nam - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Kỹ thuật chụp ống tuyến sữa thường được thực hiện sau khi chụp X quang tuyến vú khi có triệu chứng chảy dịch, máu ở một bên vú.

1. Tìm hiểu về cấu tạo tuyến vú

Thành phần chính của vú là các tổ chức tuyến và mô đệm, trong đó các tổ chức tuyến bao gồm các tuyến sữa và ống dẫn sữa, các tuyến này có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian mang thai và cho con bú. Bất kỳ sự thay đổi nào của tổ chức vú đều có khả năng gây ra các khối u lành tính hoặc ác tính. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì nguy cơ bị viêm tắc, áp xe tuyến sữa và ống dẫn sữa là rất cao. Tuy nhiên, khi bước vào thời kỳ mãn kinh, do sự thiếu hụt hormone buồng trứng sẽ gây ra một số triệu chứng bất thường như đau tức vùng vú, mật độ tuyến vú không đồng nhất và đặc biệt là sự teo giảm về kích thước cùng mật độ, tính chun giãn của vú.

Các bệnh lý ở vú càng được phát hiện sớm thì hiệu quả điều trị càng cao và tiên lượng càng tốt.

Cấu tạo tuyến vú
Cấu tạo tuyến vú ở phụ nữ

2. Chụp ống tuyến sữa trong trường hợp nào?

U nội ống tuyến sữa thường có triệu chứng chảy dịch, máu một bên vú từ một vài ống tuyến. Thông thường, kỹ thuật chụp ống tuyến sữa được thực hiện sau khi chụp X quang tuyến vú khi bác sĩ nghi ngờ có u nội ống tuyến, đặc biệt ở người bệnh bị chảy dịch hoặc máu ở núm vú 1 bên.

Chống chỉ định chụp ống tuyến sữa trong trường hợp bị chảy mủ hoặc viêm vú cấp tính.

3. Quy trình chụp ống tuyến sữa

  • Bước 1: Kỹ thuật viên chuẩn bị máy móc, thiết bị, vật tư tiêu hao, người bệnh không cần chuẩn bị gì và không cần phải dùng thuốc.
  • Bước 2: Người bệnh nằm ngửa, tay kê đầu hoặc ngồi, vú người bệnh tựa trên bàn nằm ngang
  • Bước 3: Kỹ thuật viên sát khuẩn tay bằng cồn và mang găng tay vô trùng
  • Bước 4: Sát khuẩn núm vú, tìm lỗ chảy dịch là thì chủ yếu, cần đèn chiếu sáng khu trú mạnh và kính lúp.
  • Bước 5: Đặt kim ống thông, có thể đưa được kim vào lỗ ống tuyến, nhưng thông thường phải nong rộng dần ống tuyến. Núm vú được giữ chặt giữa ngón cái và ngón trỏ và kéo lên nhẹ. Dùng que nong vô trùng xoay tròn nhẹ đưa vào lỗ ống tuyến. Kim ống thông nối với bơm tiêm có thuốc đối quang, đẩy sạch khí ra ngoài, đưa vào lỗ ống tuyến vài mm cho đến 10mm.
  • Bước 6: Bơm thuốc đối quang, bơm thuốc nhẹ từ từ, không gây đau, theo dõi cảm giác của người bệnh, bơm từ hai giọt đến 2ml. Ống tuyến đầy thuốc sẽ gây cảm giác căng, nhói, nóng thì ngừng bơm. Kim được rút ra khỏi ống tuyến và nhỏ 1 giọt collodion để bít kín lỗ ống tuyến. Có thể vẫn để kim trong ống tuyến và chụp phim.
  • Bước 7: Chụp phim, ép nhẹ tuyến vú khi chụp, sau khi bơm thuốc đối quang.
Chụp nhũ ảnh tại Vinmec
Chụp ống tuyến sữa

Kỹ thuật chụp ống tuyến sữa có thể phát sinh một số tai biến nhẹ, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để hiểu rõ về kỹ thuật và hợp tác trong quá trình chụp giúp ngăn ngừa biến chứng xảy ra.

SKTQ - khám sức khỏe tổng quát
Khám sức khỏe giúp phát hiện sớm bệnh lý
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

770 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan