Chụp cộng hưởng từ tưới máu não (MRI perfusion) - P1

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thục Vỹ - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

MRI tưới máu não là kỹ thuật được sử dụng để đánh giá sự phân bố máu đến nhu mô não. Sử dụng kỹ thuật này giúp chẩn đoán phân biệt một số bệnh lý thần kinh và đánh giá hiệu quả điều trị cũng như để theo dõi bệnh.

1. Phân biệt giữa MRI tưới máu não và MRI động mạch não

MRI động mạch não cung cấp thông tin về động mạch não như có hẹp, tắc, có túi phình hoặc có huyết khối trong lòng mạch hay không. MRI tưới máu não để đánh giá sự phân bố máu đến nhu mô não, ví dụ trong bệnh cảnh đột quỵ MRA động mạch não để đánh giá hẹp/tắc động mạch não và MRI tưới máu não để đánh giá sau chỗ hẹp/tắc máu có đến được nhu mô hay không.

Hai kỹ thuật này cung cấp thông tin bổ sung cho nhau trong đánh giá các bệnh lý hệ thần kinh. Ví dụ: có những trường hợp hẹp/tắc mạch máu não nhỏ không thấy được trên hình chụp MRI động mạch não nhưng có thể thấy vùng nhu mô não bị thiếu máu trên hình chụp MRI tưới máu não và ngược lại có trường hợp chụp MRI động mạch não thấy hẹp/tắc nhưng tưới máu não bình thường do sự hẹp/tắc là quá trình mạn tính, có sự phát triển bù trừ của tuần hoàn bàng hệ dẫn đến nhu mô não vẫn được tưới máu bình thường.

Hình ảnh cộng hưởng từ động mạch não
Hình ảnh cộng hưởng từ động mạch não

Về mặt kỹ thuật có hai phương pháp chính để đo lường tưới máu não trên MRI: kỹ thuật có sử dụng thuốc tương phản từ và kỹ thuật không sử dụng thuốc tương phản từ. Kỹ thuật có sử dụng thuốc tương phản từ được áp dụng thông dụng hiện nay là Dynamic susceptibility contrast-enhanced MRI perfusion (DSC MRI perfusion) với bơm thuốc tương phản từ gốc Gadolinium vào lòng mạch và sử dụng chuỗi xung T2* trên MRI thông qua các thuật toán và sự hỗ trợ của hệ thống máy tính để tính ra các thông số tưới máu não như CBF, CBV, MTT, Tmax và hiển thị bằng mã hóa màu tưới máu nhu mô não.

Kỹ thuật không tiêm thuốc tương phản từ là arterial spin labeling (ASL MRI perfusion) chỉ cung cấp thông tin về chỉ số CBF và mã hóa màu tưới máu nhu mô não.

Cả hai phương pháp này có ưu/nhược điểm riêng và đang được áp dụng tại Vinmec. Hình ảnh tưới máu não không tiêm thuốc tương phản từ đơn giản, dễ thực hiện, có thể lập đi lập lại nhiều lần và cung cấp thông tin ban đầu cho các bác sỹ quyết định chẩn đoán. Trong trường hợp có bệnh lý các bác sỹ sẽ chỉ định kỹ thuật tưới máu não có tiêm thuốc tương phản để khẳng định chẩn đoán.

2. Mục đích/ ý nghĩa của kỹ thuật

Ứng dụng lâm sàng chính của MRI tưới máu não trong đột quỵ cấpu não.

Trong đột quỵ cấp khởi bệnh trước 6h vai trò của MRI tưới máu não còn hạn chế, chỉ khi nào hình chụp MRI/CT không thuốc và hình chụp động mạch não không cung cấp đầy đủ thông tin, các bác sỹ sẽ chỉ định MRI tưới máu não.

Trong đột quỵ cấp ở giai đoạn 6h-24h, hiệp hội đột quỵ Mỹ (AHA stroke guideline 2019) khuyến cáo sử dụng MRI tưới máu não hoặc CT tưới máu não để lựa chọn những bệnh nhân còn có thể can thiệp nội mạch lấy huyết khối.

Tưới máu não

Trong u não MRI tưới máu não được sử dụng để chẩn đoán, đánh giá giai đoạn, tiên lượng và theo dõi đáp ứng với điều trị. Ví dụ như: đánh giá độ ác của u dựa vào thông số CBV, u độ ác tính cao có CBV cao, theo dõi sau điều trị: phân biệt giữa vùng hoại tử do xạ trị giảm tưới máu và mô u thâm nhiễm tăng tưới máu...

Tưới máu não

3. Chỉ định/Chống chỉ định

  • Chỉ định: MRI tưới máu não được chỉ định trong nhiều bệnh lý hệ thần kinh như đột quỵ não, u não, phân biệt u não với áp xe não, đánh giá sự co mạch dẫn đến thiếu máu não của xuất huyết dưới nhện, trong bệnh cảnh chấn thương để đánh giá phù độc tế bào và phù mạch do chấn thương, thay đổi tưới máu não do máu tụ và để tiên lượng.
  • Chống chỉ định: tương tự như đối với kỹ thuật chụp cộng hưởng từ: đang đặt máy tạo nhịp, có dụng cụ cấy ghép kim loại có từ tính, dị vật kim loại trong nhãn cầu, clips mạch máu nội sọ, hội chứng sợ lồng kín (Claustrophobia),...

Đối với kỹ thuật chụp có tiêm thuốc tương phản từ chống chỉ định đối với bệnh nhân suy chức năng thận eGFR < 30 ml/phút do nguy cơ xơ hóa hệ thống thận (nephrogenic systemic fibrosis).

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan