Chụp cộng hưởng từ (MRI) có ảnh hưởng gì tới cơ thể?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, BS.Trần Như Tú - Trưởng khoa và Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Hương - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Cộng hưởng từ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại đem lại độ chính xác cao hơn nhiều so với các phương pháp khác nên rất nhiều người băn khoăn thắc mắc không biết chụp cộng hưởng từ có ảnh hưởng gì đến cơ thể hay không?

1. Chụp cộng hưởng từ là gì?

Chụp cộng hưởng từ là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, không sử dụng tia X mà sử dụng một từ trường và sóng radio để tạo ảnh, dựa các nguyên tử Hydro có nhiều trong cơ thể. Phương pháp chụp cộng hưởng từ cho hình ảnh rất trung thực cho chẩn đoán và mang lại kết quả chính xác cao. Tại các bệnh viện lớn hiện nay thường sử dụng phương pháp MRI để kiểm tra hầu hết cơ quan trên cơ thể con người, đặc biệt được sử dụng để chụp chi tiết thần kinh sống hoặc chụp ảnh chi tiết não bộ.

Do chụp MRI mang đến những hình ảnh có chất lượng cao và độ phân giải, tương phản tốt nên có thể hỗ trợ tối đa cho các bác sĩ trong quá trình đánh giá những tổn thương, nhằm đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Kỹ thuật này trong nhiều trường hợp được sử dụng vì có chất lượng hình ảnh tốt hơn chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp CT.

Chụp MRI sẽ góp phần tìm ra được những điểm bất thường sau các lớp xương mà những kỹ thuật chụp khác khó có thể tìm ra được. Không những thế, trong quá trình chụp MRI cũng không gây nên một số tác dụng phụ như trong chụp các lớp CT hay chụp X-quang.

U não CT MRI
Chụp MRI cho thấy những bất thường trong cơ thể như khối u

2. Chụp cộng hưởng từ (MRI) có ảnh hưởng gì tới cơ thể?

Chụp cộng hưởng từ là một phương pháp không sử dụng tia X và không gây hại cho người bệnh, có tính an toàn cao, không có những tác dụng phụ như các phương pháp chụp khác như chụp X-quang, chụp CT. Theo đó, để quá trình chụp cộng hưởng từ diễn ra an toàn, khi được bác sĩ yêu cầu chụp MRI, bạn nên thực hiện một số điều sau đây:

  • Tuân thủ theo những hướng dẫn của bác sĩ tại phòng chụp MRI. Theo nghiên cứu, vẫn chưa thấy tác hại của từ trường do máy phát ra có hại đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, từ trường cao của máy lại có thể hút các thiết bị làm bằng kim loại được cấy ghép trong cơ thể con người, hoặc trang sức làm từ kim loại được đeo trên người bệnh nhân hoặc làm cho một số thiết bị ngưng hoạt động gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhân. Do đó, người bệnh cần thông báo cho nhân viên phòng chụp nếu có: đặt máy tạo nhịp tim, dùng máy trợ thính, dùng van tim nhân tạo... để bác sĩ đưa ra hướng giải quyết. Ngoài ra, không mang trong người những trang sức bằng kim loại, điện thoại di động, đồng hồ, máy tính... vào phòng chụp MRI.
  • Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm yên, không cử động trong quá trình chụp cộng hưởng từ MRI để mang lại chất lượng hình ảnh. Những trường hợp bệnh nhân cần được tiêm thuốc đối quang từ, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về tiền sử bệnh thận, tiền sử dị ứng thuốc để hướng dẫn ký giấy cam kết trước khi thực hiện chụp MRI. Thuốc đối quang từ ít gây nguy hiểm cho con người, nhưng chúng có thể gây ra dị ứng với một số trường hợp, có biểu hiện như: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, chân tay tê, nổi mẩn ngứa. Xơ hóa toàn thân do thận là một tai biến muộn, có thể gặp ở bệnh nhân suy thận hoặc sử dụng các loại đối quang từ thế hệ cũ; tai biến này rất hiếm xảy ra nếu tuân thủ đúng an toàn sử dụng thuốc đối quang từ.
Đau đầu
Người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng đau đầu sau chụp MRI

3. Những ưu điểm của chụp cộng hưởng từ MRI

Những hình ảnh mà chụp cộng hưởng mang lại có độ phân giải cao, hình ảnh về các bộ phận trong cơ thể được hiện ra sắc nét, chi tiết nên có thể áp dụng để chẩn đoán từ được với hầu hết các bệnh lý, ví dụ như:

  • Bệnh liên quan đến não bộ như u não, tai biến mạch máu não, u dây thần kinh sọ não, các bệnh thoái hóa não, các dị dạng bẩm sinh của não, động kinh, tự kỷ, các chấn thương sọ não có lâm sàng không giải thích đầy đủ trên CT...
  • Các phình mạch máu, dị dạng động tĩnh mạch não và mạch máu ngoại biên
  • Một số bệnh tổn thương vùng xương khớp: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, u tủy, u xương, nhiễm trùng khớp, các dị tật bẩm sinh...
  • Người bệnh bị tổn thương các cấu trúc phần mềm như tủy sống sụn chêm, dây chằng, các sang chấn do thể thao...
  • Bệnh lý liên quan đến gan, tụy, mật...
  • Các bệnh lý phụ khoa (K tử cung, u buồng trứng, K buồng trứng...sa sinh dục),
  • Phì đại hoặc ung thư tiền liệt tuyến
  • Các bệnh ung thư hoặc tầm soát ung thư (MRI toàn thân)
  • Bệnh lý về đám rối thần kinh cánh tay
MRI toàn thân U phổi
MRI toàn thân phát hiện khối U phổi

Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI có thể góp phần phát hiện sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm nên được các bác sĩ chuyên gia đánh giá cao, kỹ thuật này có những ưu điểm nổi bật như:

  • Không sử dụng tia X hoặc tia bức xạ ion, gây hại đến sức khỏe người bệnh.
  • Mang đến nhiều chỉ định khảo sát và chính xác hơn các kỹ thuật chẩn đoán khác.
  • Hình ảnh có khả năng tái tạo 3D sắc nét, mang đến độ sắc nét cao.
  • Đánh giá chính xác tình trạng tưới máu não, chẩn đoán bất thường mạch máu mà không cần dùng chất đối quang.

Có khả năng đánh giá tốt tình trạng của những tổn thương rất nhỏ trong cơ thể như mạch máu, thần kinh...

http://vinmec.com/uploaded/MRI%20tesla.jpg
MRI giúp phát hiện nhiều bệnh lý với độ chính xác cao

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan