Chứng run tay ở người cao tuổi và cách điều trị

Chứng run tay là một than phiền rất thường gặp ở người cao tuổi, khiến họ gặp hạn chế trong các sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, bệnh run tay ở người cao tuổi do nhiều nguyên nhân gây ra và trong mỗi loại có những đặc điểm riêng biệt. Theo đó, việc điều trị chứng run tay ở người cao tuổi cũng cần được cân nhắc trên nhiều yếu tố khác nhau.

1. Bệnh run tay ở người cao tuổi là gì?

Run tay là một dấu hiệu phổ biến báo hiệu tuổi già. Đây không phải là một yếu tố gây nguy hiểm cho sức khỏe của người cao tuổi nhưng vẫn luôn mang tính thách thức đối với các bác sĩ lão khoa, bác sĩ thần kinh và cả các bác sĩ đa khoa nói chung.

Bệnh run tay được định nghĩa là một chuyển động nhịp nhàng, dao động qua lại theo một biên độ nhất định và ngoài khả năng kiểm soát của cơ thể. Mức độ run có thể thay đổi từ một tình trạng nhẹ đến nghiêm trọng. Bất kỳ hình thức run tay mức độ nghiêm trọng nào cũng có thể có tác động tiêu cực đến các hoạt động của cuộc sống hàng ngày cũng như chất lượng cuộc sống ở người cao tuổi.

Mặt khác, nếu run tay xảy ra một cách cấp tính, đây lại là biểu hiện cho một bệnh lý tổn thương thực thể mới khởi phát như đột quỵ tiểu não. Do đó, ở người lớn tuổi, cần phải tiếp cận bệnh run tay trên nhiều phương diện khác nhau, đánh giá có hệ thống để chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.

2. Cách tiếp cận chẩn đoán run tay ở người già như thế nào?

2.1 Khai thác bệnh sử

Cũng như các vấn đề lâm sàng khác, khai thác bệnh sử kỹ lưỡng luôn là điều cần thiết trong chẩn đoán run. Ví dụ, những người mắc chứng run cơ bản thường đã xuất hiện qua nhiều năm, chứng run ở người nghiện rượu, run tay kèm hồi hộp...

Run tay
Bệnh lý run tay ở người cao tuổi cần được thăm khám và điều trị sớm

Tuy nhiên, việc thăm khám dựa trên bệnh sử của người lớn tuổi là thách thức đối với bác sĩ bởi ở độ tuổi này, người già thường gặp phải những bệnh lý do suy giảm nhận thức, giảm thính lực, rối loạn ngôn ngữ... nên cần khai thác thêm từ người chăm sóc hay con cháu trong gia đình.

Ngoài ra, những ảnh hưởng của run đối với cuộc sống hằng ngày cũng cần được đánh giá. Nếu người lớn tuổi cảm giác tiêu cực vì chứng run thì nên được điều trị tích cực hơn so với người ít hay không bị ảnh hưởng một cách đáng kể.

2.2 Thăm khám thực thể

Kiểm tra thể chất có thể đánh giá mức độ bệnh nhân có thể thực hiện các hoạt động và chức năng thông thường trong bệnh cảnh run tay; ví dụ, yêu cầu bệnh nhân viết một câu, rót nước và đưa cốc nước lên uống.

Trong lúc đó, bằng cách quan sát các đặc điểm run, đánh giá các phần khác trên cơ thể cũng như các dấu hiệu thần kinh định vị khác như tư thế, dáng bộ, sự yếu liệt... có thể góp phần tìm nguyên nhân gây bệnh run tay ở người cao tuổi.

Một thăm khám quan trọng khác là đánh giá chức năng nhận thức. Nếu người cao tuổi bị suy giảm nhận thức, khó khăn trong việc hiểu y lệnh hay thực hiện chúng, họ gặp lúng túng và run rẩy thì không nên được quy kết cho chứng run tay đơn thuần.

2.3 Các xét nghiệm và hình ảnh học

Các xét nghiệm máu như xét nghiệm chức năng tuyến giáp và hình ảnh X-quang, hình chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp não cộng hưởng từ có thể được xem xét thực hiện cho những người lớn tuổi có kèm run tay, nhằm loại trừ khả năng xảy ra các bệnh lý thực thể đóng vai trò là bệnh nguyên. Theo đó, ba nguyên nhân gây run ở người già thường gặp là bệnh Parkinson vô căn, bệnh Parkinson mạch máu và chứng run cơ bản.

3. Cách điều trị chứng run tay ở người cao tuổi như thế nào?

Kiểm soát chứng run tay ở người lớn tuổi không phải lúc nào cũng đơn giản và dễ thực hiện trong khi người già có nhiều bệnh lý đi kèm và hoàn cảnh xã hội phức tạp. Theo đó, người lớn tuổi thường dùng nhiều hơn một loại thuốc và các thuốc chống run sẽ còn làm tăng thêm nguy cơ tương tác thuốc khó kiểm soát.

Kê đơn, bác sĩ chỉ định uống thuốc
Bác sĩ sẽ là người quyết định phác đồ điều trị chứng run tay ở người cao tuổi

Trong khi đó, các nguyên nhân gây run ở người già lại thường là tình trạng mãn tính và có thể tiến triển tự nhiên theo thời gian. Do đó, các kế hoạch kiểm soát dài hạn đòi hỏi cần có sự hiểu biết và nhận thức của bệnh nhân cộng với sự hỗ trợ từ phía gia đình.

Loại thuốc dùng để điều trị cần sử dụng theo loại run. Đối với người già bị run khi nghỉ ngơi với nguyên nhân quan trọng nhất là bệnh Parkinson vô căn, các thuốc điều trị được khuyến cáo là levodopa, chất chủ vận dopamine như thuốc ức chế ropinirole và monoamin-oxydase B (MAOI) như selegiline.

Thuốc levodopa giải phóng theo điều chỉnh, thuốc ức chế catechol-o-methlytransferase như entacapone, apomorphin (chất chủ vận dopamine tác dụng lên thụ thể D1 và D2 ​​trong tiêm dưới da không liên tục hoặc tiêm truyền dưới da liên tục) được chỉ định là điều trị bậc hai trong bệnh Parkinson vô căn. Ngoài ra, thuốc kháng cholinergic như benzhexol có hiệu quả trong việc kiểm soát run nhưng việc sử dụng thuốc này không phổ biến ở người lớn tuổi vì tác dụng phụ gây nhầm lẫn.

Trong việc kiểm soát chứng run khi nghỉ do bệnh Parkinson thứ phát, phương pháp chính là tìm hiểu nguyên nhân cơ bản gây bệnh và tối ưu hóa. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất ở người cao tuổi là đột quỵ với nhiều ổ nhồi máu nhỏ và do sử dụng thuốc với các thuốc chống loạn thần như chlorpromazine, haloperidol, risperidone và olanzapine. Mặc dù không có cách xử trí tức thời cụ thể nào đối với chứng run khi nghỉ do thuốc, nếu tạm ngưng các thuốc nghi ngờ, triệu chứng run có thể cải thiện sớm.

Ngoài ra, chứng run tay ở người cao tuổi cũng có thể điều trị bằng cách can thiệp phẫu thuật kích thích não sâu với chỉ định là nhằm kiểm soát cơn run cơ bản mức độ nghiêm trọng. Đồng thời, cách điều trị xâm lấn chỉ được xem xét đến khi các biện pháp thông thường không đem đến hiệu quả hay khó dung nạp, gặp phải tác dụng phụ.

Bên cạnh đó, việc áp dụng tập luyện theo vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện chứng run. Nhiều bằng chứng cho thấy các động tác phối hợp liên hoàn được thiết kế từ những sinh hoạt thông thường trong cuộc sống có thể giúp cho người lớn tuổi linh hoạt hơn trong các cử động, cũng như gián tiếp cải thiện vấn đề thoái hóa xương khớp.

Tóm lại, người già có thể biểu hiện với các dạng run tay rất khác nhau. Một cách tiếp cận có hệ thống và toàn diện sẽ giúp tìm kiếm nguyên nhân và xác định hướng điều trị phù hợp. Tuy nhiên, việc chọn lựa cách thức can thiệp kiểm soát bệnh run tay ở người cao tuổi cần cân nhắc trên nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, lối sống và lợi ích cá nhân của người bệnh nên được ưu tiên hàng đầu trong các kế hoạch điều trị, theo dõi về lâu dài.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

29.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan