Chóng mặt và các câu hỏi thường gặp

Bài viết được viết bởi Bác sĩ khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Chóng mặt là tình trạng rất thường gặp ở nhiều người, đặc biệt những người trong độ tuổi trưởng thành trở nên. Chóng mặt đôi khi chỉ là biểu hiện của sự căng thẳng, mệt mỏi hoặc tác động từ môi trường. Tuy nhiên, cũng có trường hợp chóng mặt là biểu hiện của bệnh lý. Do đó, bạn không nên chủ quan và cần tìm nguyên nhân để điều trị.

1. Chóng mặt là gì?

Trong y khoa, chóng mặt được định nghĩa là ảo giác vận động của cơ thể hoặc của môi trường xung quanh. Trong cơn chóng mặt, người ta thường cảm thấy nhà cửa, mọi thứ xung quanh quay tròn, đảo lộn hoặc lật nhào. Đôi khi người ta cảm thấy cơ thể mình trôi về phía trước hay rơi xuống dưới mà không phải là cảm giác mọi thứ xoay tròn. Trong cơn chóng mặt thường kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn, làm người ta cảm thấy rất khó chịu và mệt.

Như vậy, điều mấu chốt để nhận ra cơn chóng mặt đúng nghĩa, đó là cảm giác môi trường xung quanh (nhà cửa, các vật dung xung quanh,...) hoặc chính bản thân mình chuyển động, trong khi thực tế thì mọi thứ không chuyển động.

Tình trạng chóng mặt
Tình trạng chóng mặt gây ảo ảnh đảo lộn mọi thứ

2. Tại sao có chóng mặt?

Trong cơ thể của chúng ta có 1 hệ thống gọi là hệ thống tiền đình. Hệ thống này nằm ở phần trong của tai và dẫn truyền các tín hiệu về não thông qua dây thần kinh tiền đình ốc tai (dây thần kinh số VIII). Hệ thống tiền đình giúp ta nhận biết được vị trí đầu, sự chuyển động, hướng của cơ thể trong không gian, từ đó giúp duy trì được thăng bằng và tư thế của cơ thể và của đầu trong khi chuyển động hoặc khi đứng yên. Bình thường, khi đầu hoặc cơ thể của ta chuyển động, hệ thống tiền đình sẽ sinh ra các tín hiệu truyền vào trong não, giúp bộ não của chúng ta nhận biết được các chuyển động này và tạo ra các phản xạ phù hợp tương ứng để duy trì tư thế thăng bằng, vị trí của đầu và cơ thể. Trong trường hợp hệ thống tiền đình bị tổn thương, các tín hiệu này bị cường hóa lên (tự động sinh ra khi không có chuyển động hoặc sinh ra tín hiệu mạnh hơn khi có chuyển động nhẹ) hoặc bị yếu bớt đi không tương ứng với chuyển động của đầu và cơ thể. Điều này làm cho bộ não nhận được thông tin về chuyển động sai với thực tế, từ đó dẫn đến cảm giác chóng mặt và phản ứng không phù hợp (ví dụ: bệnh nhân thấy nhà cửa đảo lộn và phản xạ chụp lấy các vật dụng xung quanh để giữ thăng bằng)

Hệ thống tiền đình
Hệ thống tiền đình

3. Chóng mặt thường nhầm lẫn với bệnh gì?

Chóng mặt thường bị nhầm lẫn với cảm giác lâng lâng, choáng váng, chao đảo, hoặc tối sầm mắt. Các cảm giác là cảm giác thấy cơ thể không ổn định, không vững, nhìn thấy mọi thứ mờ nhạt hoặc nhòe đi hay tối sầm mắt lại. Nguyên nhân của các cảm giác này thường là tụt huyết áp, tụt đường huyết, mất ngủ, lo âu, mệt mỏi, tác dụng phụ của thuốc hoặc các bệnh lý của hệ thống tiểu não và cảm giác sâu. Trong khi nguyên nhân của chóng mặt là do các bệnh lý của hệ thống tiền đình.

4. Chóng mặt có nguy hiểm không?

Chúng ta cần phân biệt 2 vấn đề riêng:

  • Bản thân triệu chứng chóng mặt có nguy hiểm không? Chóng mặt là ảo giác vận động của bản thân hoặc môi trường xung quanh, từ đó gây ra phản xạ duy trì tư thế sai và mất thăng bằng. Do đó, bản thân triệu chứng chóng mặt chỉ gây khó chịu và mệt chứ không gây chết người. Tuy nhiên, hậu quả của cảm giác này là làm mất thăng bằng, dẫn đến té ngã và có thể gây nguy hiểm do té chấn thương sọ não hoặc gãy xương. Tóm lại, bản thân triệu chứng chóng mặt gây khó chịu, có thể gây nguy hiểm do té ngã. Ngoài ra chóng mặt còn thường kèm theo buồn nôn và nôn, nếu nôn ói nhiều, có thể dẫn đến chảy máu bao tử, mất nước và các chất điện giải trong cơ thể.
  • Nguyên nhân của chóng mặt có nguy hiểm không? Có rất nhiều nguyên nhân làm tổn thương hệ thống tiền đình và gây chóng mặt. Có những nguyên nhân lành tính không nguy hiểm (viêm thần kinh tiền đình, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, bệnh tiền đình mạn,...), nhưng cũng có nguyên nhân gây nguy hiểm (u não, đột quỵ,...). Tóm lại, tùy theo nguyên nhân của chóng mặt là gì, mà sẽ giúp ta biết nó có nguy hiểm hay không. Do đó, với 1 người bị chóng mặt, điều quan trọng nhất là phải đi khám để tìm ra nguyên nhân của chóng mặt, thay vì chỉ uống thuốc cho bớt triệu chứng chóng mặt. Khi tìm ra nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn về hướng điều trị tốt nhằm nhằm chấm dứt tình trạng chóng mặt và không ảnh hưởng sức khỏe người bệnh.
nhồi máu tiểu não phải
Một trường hợp nhồi máu tiểu não phải (đầu mũi tên)

5. Khi nào chóng mặt cần tới bệnh viện?

Như đã đề cập ở trên, khi bị chóng mặt người bệnh cần đi khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị. Tuy nhiên, làm thế nào để nhận ra 1 trường hợp chóng mặt là nguy hiểm và phải đến bệnh viện ngay? Ví dụ: Chóng mặt do đột quỵ, phải vào viện ngay trong giờ vàng để cấp cứu thì khả năng mới hồi phục tốt. Các dấu hiệu sau đây cảnh báo chóng mặt nguy hiểm:

  • Chóng mặt xảy ra lần đầu hoặc thay đổi về tính chất so với trước đó.
  • Chóng mặt kèm theo các triệu chứng khác: yếu liệt, nói đớ, nhìn 1 hình thành 2 hình, mất cảm giác nửa người,...
  • Chóng mặt nặng, kéo dài hoặc nôn ói nhiều, làm bệnh nhân mệt nhiều và ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày.
  • Chóng mặt xảy ra ở người lớn tuổi có nhiều bệnh lý mạn tính khác: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch,...

Đặc biệt, nếu các dấu hiệu trên xảy ra đột ngột thì gợi ý đột quỵ cấp và phải vào bệnh viện ngay lập tức, càng sớm càng tốt.

6. Điều trị chóng mặt như thế nào?

Điều trị chóng mặt gồm 3 phần:

  • Thuốc: Dùng các thuốc ức chế hệ thống tiền đình, các thuốc chống nôn để giảm triệu chứng chóng mặt, nôn ói, giúp cho người bệnh cảm thấy khỏe và dễ chịu hơn. Các thuốc này gồm acetylleucin, betahistin, dimenhydrinate, metoclopramide, domperidon,.. Các thuốc này phải được bác sĩ kê toa, vì có thể có tác dụng phụ và không dùng kéo dài.
  • Tập phục hồi chức năng tiền đình: Các bài tập phục hồi chức năng tiền đình giúp cải thiện triệu chứng và duy trì ổn định, hỗ trợ thêm cho điều trị thuốc và giúp giảm phụ thuộc vào thuốc.
  • Điều trị nguyên nhân: Đây là điều trị chính yếu để giúp bệnh ổn định hoặc khỏi bệnh, giải quyết các nguyên nhân có thể nguy hiểm tính mạng (u não, đột quỵ,...). Tùy theo nguyên nhân mà bác sĩ sẽ ứng dụng các cách điều trị khác nhau theo từng bệnh.

7. Phòng ngừa tái phát tình trạng chóng mặt

Để phòng ngừa tình trạng chóng mặt tái phát, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị và các hướng dẫn của bác sĩ.

Chủ động duy trì một chế độ ăn cùng lối sống lành mạnh. Hạn chế để cơ thể rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, không sử dụng rượu bia và các chất có cồn. Với người già hoặc người có bệnh lý nền cần thực hiện việc kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm có những điều chỉnh phù hợp.

Khoa Khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có chuyên môn cao trong việc khám và điều trị các bệnh liên quan đến hệ thần kinh trung ương (hộp sọ, màng não, não bộ, mạch máu não, các dây thần kinh trong sọ, tuyến yên, cột sống, đĩa đệm, màng tủy sống) và hệ thần kinh ngoại vi (các dây thần kinh và hạch thần kinh bên ngoài não bộ và tủy sống).

Nhằm phục vụ cho công tác thăm khám và điều trị, bệnh viện đã chủ động trang bị hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đạt chất lượng cao cùng đội ngũ bác sĩ chuyên môn tốt về thăm khám và điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân.

Nhờ có chất lượng cùng dịch vụ y tế tốt, hiện Vinmec đã đạt được rất nhiều thành tựu và được giới chuyên môn cùng khách hàng tin tưởng là địa chỉ chăm sóc sức khỏe tin cậy.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan