......

Chảy máu não thất: Chẩn đoán và điều trị

Chảy máu não thất được coi như một hiện tượng thứ phát do chảy máu não vỡ hoặc chảy máu nhu mô não vào khoang não thất. Đây là một trong những bệnh lý gây tử vong cao. Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh sẽ giúp nâng cao cơ hội sống cho bệnh nhân.

1. Những dấu hiệu của chảy máu não thất

Khoảng 40-80% các trường hợp chảy máu não thất là do bệnh nhân bị chảy máu não.

Biểu hiện nổi bật nhất của chảy máu não thất chính là khởi phát đột ngột cùng với những dấu hiệu như: Đau đầu, huyết áp tăng cao, nôn, đặc biệt sau đó vài phút có thể xuất hiện những khuyết thiếu thần kinh cục bộ.

Ngoài ra, người bệnh bị chảy máu não thất còn có những biểu hiện như: Kích thích (agitation), thờ ơ (lethargy), và cũng có thể tiến triển nhanh chóng thành sững sờ (stupor) hay chuyển biến xấu nhất là hôn mê (coma).

Tuy rằng những biểu hiện như đau đầu, nôn hay hôn mê thường phổ biến, nhưng cũng có một tỷ lệ bệnh nhân đáng kể không xuất hiện các biểu hiện đó, mà thay vào đó có thể là những biểu hiện tương tự giống như các bệnh nhân bị thiếu máu não cục bộ.

Kiểm tra đồng tử người bệnh cũng là một cách thức hiệu quả để xác định tình trạng chảy máu não thất ở người bệnh.

Bệnh mắt
Kiểm tra đồng tử bệnh nhân để xác định tình trạng bệnh

2. Chẩn đoán chảy máu não thất

Xét nghiệm huyết học nên được thực hiện. Ngoài ra, cần chú ý đến những biểu hiện của rối loạn đông máu và kết hợp với sàng lọc thuốc nhằm đánh giá nhanh việc sử dụng những chất kích thích giao cảm nếu phát hiện có sự lạm dụng.

Trong các phương pháp phát hiện chảy máu não thất, chụp cắt lớp vi tính sọ não chính là phương pháp được lựa chọn nhiều nhất để đánh giá tình trạng chảy máu não. CT sọ não mang đến độ tin cậy khi chẩn đoán là 95%, dù có những tổn thương rất nhỏ trong não khó phát hiện được.

3. Điều trị chảy máu não thất

Điều trị chảy máu não thất tuân theo nguyên tắc chung sau:

  • Hồi sức cấp cứu dựa theo quy trình ABC.
  • Kết hợp chống phù não tích cực.
  • Sử dụng điều trị đặc hiệu dựa theo thể.
  • Điều trị những triệu chứng kinh điển: Chống co giật, hạ thân nhiệt người bệnh xuống dưới 37 độ, điều chỉnh đường huyết,...
  • Điều chỉnh thăng bằng kiềm toan, cùng với nước điện giải.
Rối loạn điện giải
Điều chỉnh nước - điện giải để điều trị bệnh

  • Phòng chống bội nhiễm đường niệu và phổi.
  • Dinh dưỡng: Cung cấp lượng calo tiêu chuẩn cho người bệnh mỗi ngày.
  • Phục hồi các chức năng cơ bản cho người bệnh, chống teo cơ, cứng khớp, chống loét,...
  • Điều trị phẫu thuật và điều trị phục hồi nhu mô não từ tế bào gốc.
  • Điều trị dự phòng tái phát.

Đây là tổng hợp những biện pháp giúp hoàn thành được mục tiêu điều trị, và hướng đến bảo vệ các quá trình như: Tế bào thần kinh người bệnh, dinh dưỡng của tế bào thần kinh, cùng với tăng cường tính mềm dẻo của những tế bào thần kinh và kết hợp tính tái sinh của những tế bào thần kinh sau khi chịu tổn thương.

Tế bào thần kinh
Điều trị chảy máu não thất bằng phục hồi và bảo vệ tế bào thần kinh

4. Những lưu ý khi vận chuyển bệnh nhân bị chảy máu não thất

  • Chảy máu não thất là một loại cấp cứu nội khoa mang tính khẩn cấp, bệnh nhân cần được vận chuyển nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất, đơn vị có chức năng hồi sức tích cực hoặc các phòng cấp cứu nội khoa.
  • Trước khi vận chuyển bệnh nhân, bác sĩ cần phải chú ý và kiểm tra lại những chỉ tiêu sinh tồn cơ bản như: Nhiệt độ, mạch, huyết áp, và nhịp thở của người bệnh. Nếu như những chức năng sinh tồn của người bệnh đang có khả năng cao đe dọa đến tính mạng thì không nên tiếp tục vận chuyển, vì bệnh nhân có thể tử vong trên đường vận chuyển, thay vào đó cần điện thoại cho các tuyến trên nhanh chóng đến chi viện tại chỗ.
  • Cần phải chú ý ngay cả lúc vận chuyển người bệnh trong bệnh viện, ngay cả khi đi làm những xét nghiệm chuyên khoa cũng nên đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu sinh tồn, kiểm tra lại những ống thông dây dẫn: Tĩnh mạch dưới đòn, ống thông tiểu, ống dạ dày,...

8.1K

Bài viết liên quan