Cảnh giác khi dùng thuốc nhỏ tai viêm tai giữa

Viêm tai giữa là bệnh lý hay gặp ở trẻ em, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nếu không điều trị kịp thời. Biện pháp điều trị phổ biến nhất là sử dụng thuốc nhỏ tai có tác dụng tại chỗ. Vậy viêm tai giữa nhỏ thuốc gì?

1. Viêm tai giữa là gì?

Trước khi tìm hiểu về vấn đề viêm tai giữa nhỏ thuốc gì, chúng ta cần hiểu rõ về bệnh lý này. Viêm tai giữa là bệnh lý thường xảy ra sau các tình trạng viêm nhiễm ở vùng mũi họng, đặc biệt là viêm V.A hoặc sau mắc bệnh cúm, sởi... Trường hợp bội nhiễm vi khuẩn thường gặp nhất là phế cầu, Streptococcus pyogenes hoặc Haemophilus influenzae.

Viêm tai giữa là bệnh lý thường xảy ra ở trẻ em, trong đó hay gặp nhất là nhóm dưới 3 tuổi. Trong một số ít trường hợp, tình trạng nhiễm trùng ở tai giữa có thể lây lan đến các bộ phận xung quanh, dẫn đến các biến chứng như viêm xương chũm cấp, viêm xương đá hoặc viêm mê nhĩ. Tình trạng vi khuẩn lan vào nội sọ rất hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm hơn như viêm màng não, áp xe não/ ngoài màng cứng hoặc huyết khối xoang tĩnh mạch bên. Do đó, hầu hết đơn thuốc viêm tai giữa được bác sĩ chỉ định đều có thành phần thuốc kháng sinh.

Triệu chứng ban đầu của viêm tai giữa thường là đau tai và giảm sức nghe. Với trẻ sơ sinh có thể kèm theo tình trạng cáu gắt hoặc khó ngủ. Một số biểu hiện của nhiễm trùng như sốt, buồn nôn, nôn ói và tiêu chảy có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Khi tiến hành nội soi tai có thể thấy hình ảnh màng nhĩ phồng lên và mất đi cấu trúc bình thường. Hiện tượng màng nhĩ thủng tự nhiên sẽ dẫn đến tình trạng mủ chảy ra ống tai ngoài, từ đó trẻ có triệu chứng chảy mủ tai.

Các triệu chứng gợi ý viêm tai giữa có biến chứng bao gồm:

  • Đau đầu trầm trọng;
  • Lú lẫn;
  • Có triệu chứng thần kinh khu trú;
  • Liệt mặt;
  • Chóng mặt: Cho thấy tình trạng nhiễm trùng đã lan đến ống Fallop hoặc mê nhĩ.

2. Nguyên tắc xây dựng đơn thuốc viêm tai giữa

Các trường hợp viêm tai giữa có mủ, nếu chưa vỡ thì cần phải chích rạch màng nhĩ để dẫn lưu mủ ra ngoài. Nếu ổ mủ tự vỡ có thể tiến hành chích rạch rộng màng nhĩ, đồng thời tiến hành kiểm tra, lau khô và nhỏ thuốc kháng sinh. Mục đích của biện pháp điều trị này là để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng và loại bỏ dịch tiết ứ đọng ở vùng tai giữa. Trường hợp màng nhĩ đã thủng thì tuyệt đối không sử dụng thuốc nhỏ tai viêm tai giữa có tác dụng phụ gây độc tính trên tai, trong đó đặc biệt lưu ý kháng sinh nhóm Aminoglycosid.

Các kháng sinh lựa chọn trong điều trị viêm tai giữa nên có nhạy cảm với các tác nhân vi khuẩn gây bệnh thường gặp.

Bệnh nhân tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc nhỏ tai viêm tai giữa cũng như các thuốc hỗ trợ khác theo chỉ định của bác sĩ.

Một vấn đề quan trọng khác là cần kết hợp điều trị viêm tai giữa với điều trị các bệnh lý vùng tai mũi họng.

3. Tác dụng của thuốc nhỏ tai viêm tai giữa

Viêm tai giữa nhỏ thuốc gì là thắc mắc của nhiều bệnh nhân. Thuốc nhỏ tai viêm tai giữa được sử dụng rất rộng rãi và được xem là chỉ định đầu tay trong điều trị ở cả người lớn và trẻ em.

Thuốc nhỏ tai viêm tai giữa cơ bản được phân chia làm 2 nhóm chính dựa vào trạng thái của màng nhĩ:

  • Thuốc nhỏ tai sử dụng khi màng nhĩ chưa thủng: Có thành phần bao gồm kháng sinh kết hợp kháng viêm, được sử dụng với mục đích điều trị tại chỗ. Nhóm thuốc nhỏ tai viêm tai giữa này có công dụng chống viêm, giảm đau và diệt khuẩn ở giai đoạn sung huyết hoặc viêm tai bọng nước...;
  • Thuốc nhỏ tai dùng khi màng nhĩ đã thủng: Chủ yếu chứa thành phần kháng sinh có đặc điểm an toàn và ít gây độc tính trên tai. Trong đó hay gặp là các thuốc nhỏ tai viêm tai giữa Ofloxacin hay Ciprofloxacin. Lưu ý loại thuốc nhỏ tai này sẽ không hiệu quả khi màng nhĩ chưa thủng.

Ngoài ra, hiện tại còn một loại thuốc nhỏ tai viêm tai giữa hay được sử dụng với thành phần bao gồm chất gây tê tại chỗ như Lidocaine, Benzocaine... Khi bệnh nhân sử dụng loại thuốc này, triệu chứng đau tai có thể cải thiện nhanh chóng sau 30 phút. Tuy nhiên loại thuốc này chỉ sử dụng trong giai đoạn đầu của viêm tai giữa với các triệu chứng sưng đau, màng nhĩ căng phồng hoặc sung huyết. Khi màng nhĩ đã thủng và có hiện tượng mủ chảy ra thì tuyệt đối không nhỏ tai bằng loại thuốc này.

Các chế phẩm nhỏ tai có chứa chất gây tê cũng không được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, do có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm cho trẻ. Vì vậy, các trường hợp trẻ nhỏ bị viêm tai giữa, đau tai nhiều kèm quấy khóc, bỏ ăn thì nên ưu tiên dùng các thuốc giảm đau đường uống như Ibuprofen hoặc Acetaminophen.

4. Cảnh giác khi dùng thuốc nhỏ tai viêm tai giữa

Nhìn chung, tất cả các loại thuốc điều trị bên cạnh tác dụng chính đều có nguy cơ xảy ra tác dụng ngoại ý với mức độ nghiêm trọng khác nhau, trong đó thuốc nhỏ tai viêm tai giữa cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy để đảm bảo an toàn người bệnh cần được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ để đưa ra đơn thuốc viêm tai giữa phù hợp.

Tác dụng phụ của thuốc nhỏ tai viêm tai giữa có thể liên quan đến thói quen dùng thuốc trước khi đi khám bệnh của người dân. Thực tế cho thấy có rất nhiều bệnh nhân đã tự ý mua thuốc hoặc dùng thuốc theo hướng dẫn của bệnh nhân từng bị viêm tai giữa trước đó... Hệ quả chung là dùng thuốc sai cách, dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau và bệnh nhân chỉ đi khám khi tình trạng bệnh không thuyên giảm hoặc có xu hướng nặng hơn.

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc nhỏ tai viêm tai giữa bao gồm:

  • Gây đau rát trong tai;
  • Nổi mẩn, ngứa tai hoặc phát ban toàn thân;
  • Chóng mặt, đau đầu;
  • Phản ứng dị ứng gây khó thở và sưng phù mặt.

Ngoài ra, hầu hết thuốc nhỏ tai viêm tai giữa đều bị giới hạn sử dụng trong những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có thủng màng nhĩ: Chỉ được dùng thuốc nhỏ tai có chứa kháng sinh;
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú;
  • Viêm tai giữa do virus herpes, nhiễm nấm hoặc hình thành lớp mủ dày;
  • Viêm tai giữa giai đoạn nhiễm trùng nặng;
  • Viêm tai giữa ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi.

5. Cách sử dụng thuốc nhỏ tai viêm tai giữa an toàn

Để sử dụng đơn thuốc viêm tai giữa an toàn và hiệu quả, bệnh nhân cần tuân thủ những vấn đề sau:

  • Người bệnh cần vệ sinh tay sạch sẽ với xà phòng trước khi nhỏ thuốc;
  • Bệnh nhân có thể đứng hoặc ngồi nghiêng đầu sang một bên để tai cần nhỏ thuốc hướng lên trên, sau đó dùng tay kéo nhẹ vành tai ra sau và lên trên (áp dụng khi người bệnh tự nhỏ thuốc);
  • Với trẻ dưới 3 tuổi, cha mẹ nên cho con nằm nghiêng một bên, sau đó kéo nhẹ vành tai ra sau và xuống dưới để bộc lộ lỗ tai;
  • Sau khi nhỏ thuốc xong nhẹ nhàng kéo dái tai lên xuống, lặp lại vài lần để thuốc phân tán đều;
  • Lưu ý bệnh nhân cần giữ đầu nghiêng khoảng 2-3 phút để thuốc ngấm đều;
  • Bệnh nhân cần nhỏ đủ số giọt thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tây thủ về thời gian nhỏ thuốc;
  • Bên cạnh sử dụng thuốc nhỏ tai viêm tai giữa, bệnh nhân nên kết hợp với việc vệ sinh tai hàng ngày bằng nước muối sinh lý;
  • Thông báo ngay lập tức cho bác sĩ khi có những dấu hiệu không dung nạp thuốc và tuyệt đối không dùng chung lọ thuốc với người khác;
  • Thời gian điều trị bằng thuốc nhỏ tai viêm tai giữa không nên kéo dài quá 10 ngày.

Do thuốc nhỏ tai viêm tai giữa có thể gây ra một số tác dụng ngoại ý nên người bệnh cần theo dõi các phản ứng sau khi nhỏ thuốc để kịp thời có hướng xử trí thích hợp nhất, đặc biệt là ở trẻ em. Ở người lần đầu nhỏ thuốc, khi có các triệu chứng sau cần tìm cách loại bỏ thuốc ngay lập tức và nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ:

  • Cảm giác nóng rát hoặc ngứa râm ran kéo dài trên 15 phút;
  • Sưng trong tai, ù tai do không dung nạp với loại thuốc: Bệnh nhân hãy nghiêng đầu về phía tai nhỏ thuốc, sau đó dùng bông/gạc sạch để thấm hết lượng thuốc thừa.

Tóm lại, khi có dấu hiệu viêm tai giữa người bệnh cần tới cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc nhỏ tai mà không có chỉ định của bác sĩ/ dược sĩ, vì việc này có thể để lại những hậu quả nguy hiểm.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Công dụng thuốc Oxafar
    Công dụng thuốc Oxafar

    Thuốc Oxafar là một kháng sinh đường uống, có phổ tác dụng rộng trên nhiều loại vi khuẩn, đặc biệt trên vi khuẩn gram âm. Đây là loại thuốc được dùng dưới chỉ định của bác sĩ, cho những trường ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp cho người tổn thương gan do sử dụng bia rượu

    Kanzou Ukon mang lại nhiều công dụng nhờ sự kết hợp của 4 thành phần độc đáo như Mầm súp lơ, nghệ vàng,...

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Kaloxacin
    Công dụng thuốc Kaloxacin

    Thuốc Kaloxacin thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, chứa thành phần chính là Ofloxacin. Thuốc được dùng để điều trị các bệnh lý nhiễm trùng ở các cơ quan như đường tiết niệu sinh dục, đường ...

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Topfax
    Công dụng thuốc Topfax

    Thuốc Topfax là một loại thuốc kê đơn, được sử dụng trong điều trị nhiều tình trạng bệnh lý như viêm họng, viêm xoang, viêm phổi, viêm bể thận,... Vậy thuốc Topfax có tác dụng gì và cách sử dụng ...

    Đọc thêm
  • Oplatin
    Công dụng thuốc Oplatin

    Thuốc Oplatin có thành phần chính là Ofloxacin 200mg/100ml được bào chế dưới dạng tiêm truyền. Thuốc có tác dụng điều trị một số trình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Tham khảo những thông tin về thành phần, công dụng ...

    Đọc thêm
  • floxadrop
    Công dụng thuốc Floxadrop

    Thuốc Floxadrop có chứa thành phần hoạt chất chính là Ofloxacin và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Loại thuốc này có hai dạng bào chế là dạng viên nén 200mg và dạng thuốc tra mắt 3mg/ml. ...

    Đọc thêm