Cách hít thở tốt hơn ở nhà, phòng tránh hen suyễn

Các loại nấm mốc, bụi bẩn, phấn hoa hay một số chất gây dị ứng có thể làm kích hoạt các cơn hen suyễn, dẫn đến những triệu chứng khó chịu như ho, và hắt hơi. Do đó, việc vệ sinh nơi ở sạch sẽ, và giữ cho không khí luôn trong lành là một điều vô cùng quan trọng, nhất là đối với những người bị hen suyễn.

1. Giữ cho nhà cửa luôn thoáng mát

Thông thường, các thiết bị sưởi ấm và làm mát có thể giúp tuần hoàn không khí bên trong nhà, lọc các loại bụi bẩn hoặc phấn hoa. Tuy nhiên, không khí từ bên ngoài môi trường sẽ là giải pháp tốt nhất để giúp cho nhà cửa luôn thông thoáng.

Vì vậy, vào những ngày đẹp trời và lượng phấn hoa thấp, bạn nên mở các cửa sổ phòng, hoặc cửa ra vào để đón luồng không khí từ bên ngoài vào. Điều này cũng đặc biệt cần thiết nếu trong phòng bạn có mùi sơn, mùi dầu hỏa, mùi thức ăn hoặc mùi gỗ. Đây đều là những nhân tố có thể kích hoạt cơn hen suyễn của bạn.

mở cửa phòng hen suyễn
Mở cửa sổ phòng để đón luồng không khí tự nhiên trong lành

2. Sử dụng các sản phẩm làm sạch dịu nhẹ

Việc sử dụng các loại chất tẩy rửa có chứa nhiều hóa chất mạnh sẽ dẫn đến tình trạng khó thở, hoặc làm bùng phát các cơn hen suyễn và dị ứng. Do đó, trước khi dùng bất cứ sản phẩm nào, bạn nên đọc kỹ bảng thành phần của chúng và tuyệt đối không lựa chọn những chất có chứa hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), có mùi thơm và dễ cháy. Thay vào đó, bạn nên sử dụng các sản phẩm làm sạch đơn giản như xà phòng và nước, baking soda, và giấm.

3. Đặt cây xanh trong nhà

Nếu căn nhà của bạn được thiết kế theo xu hướng tiết kiệm năng lượng, hoặc có khả năng thông gió kém, bạn nên xem xét đặt một số loại cây xanh trong nhà.

Những loại cây này không chỉ có tác dụng loại bỏ khí carbon dioxide và nhả khí oxy ra bên ngoài, chúng thậm chí có thể cải tạo chất lượng không khí, và làm sạch mùi hóa chất bên trong nhà.

Những loại cây dễ trồng nhất và mang nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn có thể kể đến như cây Ficus, cây thường xuân, cây lan ý (Peace Lily), và một số loại cây cọ.

chăm sóc cây
Đặt cây xanh trong nhà mang lại nhiều ích lợi cho sức khỏe của bạn

4. HVAC- hệ thống điều hòa không khí

HVAC là tên viết tắt của Heating, Ventilating, and Air Conditioning (hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí). Hệ thống này có thể giúp lưu thông không khí, kiểm soát được độ ẩm và nhiệt độ bên trong nhà hoặc xe của bạn, từ đó ngăn chặn các loại nấm mốc gây bệnh sinh sôi và phát triển.

Tuy nhiên, để phát huy tính hiệu quả của HVAC, bạn nên thay đổi nó ít nhất 3 tháng một lần. Đối với những người bị hen suyễn hoặc dễ bị dị ứng, nếu có vật nuôi bên trong nhà, bạn nên kiểm tra hệ thống HVAC thường xuyên hơn với tần suất mỗi tháng một lần.

5. Vệ sinh phòng tắm

Hầu hết, các loại nấm mốc bên trong nhà đều có khả năng xâm nhập vào cơ thể rất cao nếu như không được loại bỏ đúng cách. Những loại vi khuẩn này khi được hít vào bên trong mũi, chúng có thể đi đến phổi và gây ra các triệu chứng dị ứng, chẳng hạn như hắt hơi, ho, hoặc một số vấn đề hô hấp khác.

Nấm mốc thường rất thích những khu vực ẩm ướt, đặc biệt là phòng tắm. Do đó, việc vệ sinh sạch sẽ và giữ cho phòng tắm khô ráo là điều vô cùng quan trọng. Bạn nên bật quạt, hoặc mở cửa sổ để giúp di chuyển không khí sau khi tắm, đồng thời treo các loại khăn ướt và khăn lau ở những nơi có ánh nắng mặt trời.

Nếu có nấm mốc xuất hiện bên trong bồn tắm hoặc một số khu vực gần đó, bạn cần phải vệ sinh thường xuyên hơn để tiêu diệt chúng.

6. Thận trọng với bình xịt không khí

Ngay cả những mùi được coi là dễ chịu cũng có thể gây ảnh hưởng tới những người bị hen suyễn. Một số loại bình xịt có tác dụng làm mát không khí có thể chứa VOC, một chất gây khó chịu cho mũi và cổ họng của bạn.

Ngoài ra, các loại thuốc xịt aerosol khác, bao gồm sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cũng có chứa VOC.

Đau vùng mũi
Trong các loại thuốc xịt không khí có chứa VOC gây khó chịu cho mũi và cổ họng

7. Ăn rau và trái cây tươi

Các loại trái cây hay rau xanh khi để lâu ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển trên chúng. Do đó, bạn nên thường xuyên kiểm tra trái cây và rau quả được lưu trữ, và loại bỏ những thứ có nấm mốc hay chất nhờn dính lên nó.

Để giữ cho chúng được tươi lâu hơn, bạn không nên rửa chúng trước khi cất đi, trừ trường hợp bạn sử dụng ngay sau đó.

8. Sử dụng mồi diệt gián

Thực tế, gián có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe ngay cả sau khi chúng chết đi. Khi chúng chết, cơ thể sẽ phân thành nhiều mảnh nhỏ, và bay vô định trong không trung. Điều này cũng có thể xảy ra tương tự đối với phân của chúng.

Những mảnh này có thể chui vào bên trong gối, chăn hay quần áo, và kích hoạt các cơn hen suyễn hoặc phản ứng dị ứng của bạn. Nếu bạn bị hen suyễn, hãy sử dụng mồi diệt gián Roach thay vì dùng thuốc xịt.

9. Xử lý rò rỉ chất lỏng

Các chất lỏng từ bồn rửa, vòi hoa sen, nhà tắm, máy rửa chén bát, tử lạnh, hoặc thậm chí là mái nhà của bạn có thể làm phát triển các loại nấm mốc và gián.

Do đó, khi phát hiện có khu vực bị rò rỉ chất lỏng, chúng cần được xử lý càng nhanh càng tốt. Nếu không thể tự khắc phục, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của thợ sửa ống nước.

Lý giải khoa học: Vì sao bạn cần rửa tay sạch?
Xử lý ngay các chất lỏng bị rò rỉ từ các thiết bị trong nhà bạn

10. Bảo quản và xử lý thức ăn thừa

Ngoài nước, loài gián cũng rất thích thức ăn. Do đó, khi còn thức ăn thừa, bạn nên cất chúng trong hộp kín để đảm bảo gián không tiếp cận được. Trong trường hợp bạn muốn vứt thức ăn đi, hãy bỏ nó vào thùng rác có nắp đậy.

11. Vật nuôi

Các loại chất bẩn và dị ứng nguyên khác mà thú cưng mang từ môi trường bên ngoài vào có thể gây ra một số vấn đề cho phổi của bạn. Bạn nên cho chúng ở bên ngoài phòng ngủ, và giường càng nhiều càng tốt.

Ngoài ra, bạn cũng cần phải tắm cho chúng thường xuyên hơn, đồng thời hút bụi ở những nơi chúng ở.

12. Lưu ý đến những khu vực dễ bị lãng quên

Máy hút mùi nhà bếp, nóc tủ, phía sau nhà vệ sinh và bên dưới bồn rửa mặt là những khu vực dễ bị lãng quên nhất khi làm sạch. Bạn nên thường xuyên lau dọn chúng bằng nước xà phòng ấm.

Bên cạnh đó, đồ đựng thức ăn cho vật nuôi cũng cần được rửa sạch hàng ngày, và kiểm tra các khu vực khác nếu có thức ăn thừa, dầu mỡ, nước hay bụi bẩn.

Vật nuôi
Khay đựng thức ăn cho vật nuôi cũng cần được vệ sinh mỗi ngày

13. Vệ sinh thảm hoặc khăn trải giường

Các loại vỏ gối, khăn trải giường, chăn hoặc thảm cần được giặt sạch mỗi tuần một lần trong nước 130 độ F để loại bỏ bụi bẩn, ve, nấm mốc hoặc những thứ có khả năng ảnh hưởng đến hô hấp của bạn.

Ngoài ra, bạn cũng không nên sử dụng các loại gối không có nắp khóa kéo vì chúng thường dễ hút mạt bụi và lông thú cưng, rất khó có thể làm sạch hoàn toàn.

14. Đồ nội thất

Bạn nên thay đổi diện mạo cho phòng khách của mình bằng những đồ nội thất thiết kế bởi nhựa vinyl hoặc da thay vì dùng vải. Bởi vì vải dễ bị bụi bẩn, phấn hoa hay các chất gây dị ứng bám vào. Nếu bạn dễ bị dị ứng hoặc hen suyễn, hãy treo rèm thay vì màn cửa, và chú ý vệ sinh chúng thường xuyên.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

526 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan