Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Vân - Bác sĩ Nội thẩm mỹ - Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Các phương pháp điều trị làm sáng da có thể tạm thời làm giảm sản xuất melanin ở da. Hầu hết các phương pháp này hoạt động bằng cách ức chế enzyme - yếu tố cần thiết để tạo nên melanin. Tuy nhiên, không thể làm giảm vĩnh viễn sắc tố melanin.
1. Melanin là gì
Melanin là sắc tố tạo nên màu da, tóc và màu mắt cho mỗi người. Nó được sản xuất bởi các tế bào melanocytes.
Tất cả mọi người đều có số lượng tế bào melanocytes là như nhau. Tuy nhiên, ở mỗi người, tế bào này lại tạo ra nhiều hoặc ít melanin. Khi da có càng nhiều melanin thì càng sẫm màu hơn.
Khi melanin tập trung nhiều ở một số vị trí trên cơ thể thì sẽ gây ra sạm da hay còn gọi là tăng sắc tố. Tình trạng này xảy ra sẽ làm cho một số khu vực da có màu sẫm hơn so với các phần còn lại.
Có nhiều phương pháp xử lý để loại bỏ tình trạng tồn tại của melanin hay làm giảm sản xuất melanin trong da nhưng có nhiều rủi ro và hạn chế.
2. Cách làm giảm melanin trong da
Trước khi thực hiện các phương này nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu để được hướng dẫn chọn lựa phương pháp thích hợp.
2.1. Liệu pháp laser
Liệu pháp laser sẽ loại bỏ các lớp trên cùng của da, giảm melanin ở các vùng da được điều trị. Những loại laser thường sủ dụng là:
- Laser xâm lấn: Phương pháp này giúp loại bỏ các lớp da bên ngoài và cần can thiệp mạnh.
- Laser không xâm lấn: Phương pháp này nhẹ nhàng hơn so với laser xâm lấn, giúp thúc đẩy tăng trưởng collagen, tái tạo làn da.
- Ánh sáng xung mạnh (IPL) là một trong những phương pháp điều trị như vậy. Công nghệ này sử dụng các xung năng lượng ánh sáng để làm nóng và phá hủy melanin, loại bỏ các đốm nâu.
- Q-switched ruby laser (QSRL): Phương pháp này sử dụng xung ánh sáng để làm nóng và phân rã melanin.
Cũng như bất kì thủ thuật y tế nào, liệu pháp laser là không phải là phương pháp có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Bởi vì, nó có thể gây ra tác dụng phụ như rối loạn sắc tố, sẹo và nhiễm trùng. Trước khi thực hiện liệu pháp, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra da xem đây có phải là phương pháp tốt nhất dành cho da bạn hay không.
2.2. Kem bôi hoặc thuốc mỡ
Bạn có thể sử dụng các loại sản phẩm thoa ngoài da để làm sáng da. Những sản phẩm này làm giảm melanin và sẵn có trên thị trường.
Các sản phẩm làm sáng da kê đơn hay không kê đơn thường có các thành phần: hydroquinone, axit kojic, vitamin C, axit glycolic, acid azelaic, retinoid. Những thành phần này có tác dụng ức chế tyrosinase - là enzyme chính trong quá trình tổng hợp melanin. Vì vậy, chúng sẽ có tác dụng làm chậm sản xuất melanin và kết quả là da trở nên sáng hơn.
Tuy nhiên, các sản phẩm làm sáng da được biết là có thể gây ra các tác dụng phụ như: khô da, kích ứng, đỏ, ngứa. Vì vậy, trước khi sử dụng các sản phẩm này nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để tránh được những ảnh hưởng đến làn da cũng như sức khoẻ tổng thể.
3. Một số cách kiểm soát và làm chậm quá trình sản xuất melanin trong da
Các phương pháp làm chậm quá trình sản xuất melanin trong da không liên quan đến điều trị y khoa. Tuy nhiên, nó lại phụ thuộc vào thói quen chăm sóc da mặt hàng ngày và một số lựa chọn sử dụng phương pháp tự nhiên để khắc phục tình trạng của da.
3.1. Kem chống nắng
Công dụng của melanin là giúp bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Chính vì thế, khi bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, làn da của bạn sẽ tạo ra nhiều melanin hơn.
Sử dụng kem chống nắng sẽ hạn chế được quá trình tạo ra nhiều melanin khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Kem chống nắng còn bảo vệ da tránh được các tia cực tím có hại và làm chậm lại quá trình sản xuất melanin trong da.
Theo Viện Da liễu Hoa Kỳ, kem chống nắng tốt nhất sẽ có những tiêu chí như: có phổ chống nắng rộng, chỉ số chống nắng SPF từ 30 trở lên, kem có thể chống nước. Mặc dù, kem chống nắng không chặn được 100% tia UV từ ánh nắng mặt trời nhưng nó có thể hạn chế được lượng melanin sản xuất trong da.
Để bảo vệ làn da tối ưu, thì nên: hạn chế phơi nắng, tránh nắng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều (đây là khoảng thời gian tia nắng mặt trời có cường độ mạnh nhất), mặc quần áo bảo hộ chống nắng (như: mũ rộng vành, kính râm, áo dài tay,...), tránh nhuộm da.
3.2. Một số biện pháp tự nhiên
Một số biện pháp tự nhiên có thể làm sáng da. Tuy nhiên, không thể ước lượng thời gian cụ thể để thấy rõ hiệu quả của những phương pháp này đối với từng cá nhân. Vì vậy, để thực hiện phương pháp này thì điều quan trọng là phải kiên nhẫn và duy trì đều đặn.
- Nghệ: Theo nghiên cứu năm 2012 cho thấy hoạt chất trong củ nghệ có thể làm giảm quá trình tổng hợp melanin. Hoạt chất này được gọi là curcumin, có khả năng ức chế tyrosinase, từ đó sẽ ngăn chặn khả năng melanocytes tạo ra nhiều melanin.
- Gel lô hội: Nha đam có thể làm giảm sản xuất melanin sau khi phơi nắng. Thành phần của nha đam có chứa aloesin - là một hợp chất có khả năng ức chế tyrosinase, theo nghiên cứu được tiến hành vào năm 2002. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây hơn năm 2012 đã xác định rằng lô hội không có tác dụng này. Mặc dù, các kết quả nghiên cứu này mâu thuẫn, nhưng những người sử dụng gel lô hội vẫn nhận thấy được hiệu quả làm sáng da.
- Nước chanh: Mọi người cũng thường sử dụng nước chanh để giảm sắc tố da. Điều này có thể giải thích là do hàm lượng vitamin C trong nước chanh cao. Theo một bài báo năm 2017 trên Tạp chí Da liễu lâm sàng và thẩm mỹ cho biết vitamin C có thể làm giảm hoạt động tyrosinase, ngăn chặn sự hình thành melanin. Mặc dù, nước chanh có tác dụng chống nám tiềm năng, nhưng nó có thể gây ảnh hưởng cho da chẳng hạn như kích ứng da. Nên sử dụng nước chanh khi đã pha loãng và đặc biệt là phải tránh ánh nắng mặt trời sau khi sử dụng.
- Tẩy trắng da: sản phẩm tẩy trắng da như hydroquinone sẽ làm giảm số lượng melanocytes trong da. Cho nên , kết quả là làn da sáng hơn và tông màu da đều hơn.
- Trà xanh: Có chứa hợp chất gọi là epigallocatechin gallate (EGCG). Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy rằng epigallocatechin gallate - EGCG có thể ngăn ngừa sự tích tụ melanin trong da. Nó hoạt động bằng cách ức chế loại enzyme cần thiết để tạo ra melanin.
4. Các biện pháp khắc phục tại nhà nên tránh
Một số biện pháp trong số đó có thể gây kích ứng da, đỏ hoặc tổn thương da. Các thành phần bao gồm: hydroperoxide, chất tẩy trắng, amoniac.
5. Có thể giảm sản xuất melanin vĩnh viễn không?
Hàm lượng melanin ở mỗi người là khác nhau và số lượng này được xác định bởi di truyền. Bạn có thể làm sáng và loại bỏ sự tăng sắc tố hiện có, nhưng sắc tố có thể quay trở lại. Không thể làm giảm melanin trong da vĩnh viễn mà cần duy trì các phương pháp làm sáng da.
Nếu cố gắng làm giảm melanin trong da, bạn sẽ phải đối mặt với một số vấn đề như:
- Tăng nguy cơ tổn thương da bởi ánh nắng mặt trời. Ít melanin hơn có nghĩa là da ít có khả năng được bảo vệ hơn khỏi các tia nắng mặt trời. Điều này làm tăng nguy cơ tạo ra nếp nhăn, kết cấu không đồng đều và rối loạn sắc tố da.
- Tăng nguy cơ ung thư da. Nguy cơ tổn thương do ánh nắng mặt trời cao cũng làm tăng khả năng mắc ung thư da.
- Da dễ kích thích và nhạy cảm: đỏ, ngứa và viêm da tiếp xúc.
Chỉ có thể làm giảm melanin trong da một cách tạm thời. Thêm vào đó, việc dùng kem chống nắng cũng như hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng sẽ giúp giảm melanin và cải thiện tông màu da hơn. Tuy nhiên, không có phương pháp giảm melanin vĩnh viễn, bởi nó quyết định yếu tố di truyền. Nếu muốn giảm melanin, cần được tư vấn bởi các bác sĩ da liễu để có thể lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp mang lại hiệu quả cao.
Nếu làn da của bạn đang gặp vấn đề, bạn nên đến khoa da liễu tại các cơ sở y tế uy tín để được khám và tư vấn, không nên tự ý mua thuốc điều trị bởi rất có thể làn da của bạn sẽ bị kích ứng bởi một số hợp chất mà bạn không hề hay biết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com