Cách đánh răng không bị tụt lợi

Tụt lợi là một bệnh lý về nướu khá phổ biến xảy ra do mô lợi bị ăn mòn hay tụt hấp xuống làm để lộ mặt chân răng, gây ra cảm giác đau, khó chịu, đặc biệt khi nhai và ảnh hưởng rất nhiều đến yếu tố thẩm mỹ...Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó đánh răng sai cách là căn nguyên thường gặp nhất. Vậy đánh răng như thế nào để không bị tụt lợi ?

1. Thông tin chung về tình trạng tụt lợi

Tụt lợi là tình trạng các mô lợi xung quanh răng bị hạ thấp xuống, mòn đi làm để lộ bề mặt chân răng. Khi lợi bị tụt thấp thì chân răng sẽ có cảm giác dài ra nhưng thực tế là do bị khuyết thiếu. Người bị tụt lợi sẽ có cảm giác ê buốt, rất khó chịu, đặc biệt là khi ăn nhai. Thức ăn rất dễ bị giắt lại kẽ chân răng gây những bệnh lý khác tại vùng này và sau đó vi khuẩn gây bệnh sẽ lan đến các răng bên cạnh, cuối cùng là có thể dẫn tới mất răng. Bên cạnh đó, khi cổ và chân răng không được bao bọc và che chắn bởi lợi sẽ dễ bị ăn mòn do tác động của bàn chải khi đánh răng hay axit trong thức ăn.

Khi xảy ra tình trạng tụt lợi, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng như sau:

  • Chân răng dễ bị chảy máu khi chải răng, khi dùng chỉ nha khoa, tăm xỉa răng hoặc dùng tay ấn nhẹ cũng gây chảy máu.
  • Thân răng dài hơn so với bình thường và nướu răng bị thu hẹp lại.
  • Lợi biểu hiện sưng, đỏ thẫm, gây đau nhức và khó chịu.
  • Răng yếu dần đi, có thể bị lung lay.
  • Hơi thở có mùi hôi, đặc biệt là vào buổi sáng.
  • Răng nhạy cảm hơn, răng ê buốt khi ăn uống, đánh răng.

Bệnh tụt lợi là một trong những bệnh lý răng miệng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm là mất răng hàng loạt nhưng nhiều người hiện nay lại rất lơ là và ít quan tâm đến. Cho đến khi chúng có xu hướng nặng lên thì bệnh nhân mới nghĩ đến việc điều trị, vào thời điểm này khả năng hồi phục sẽ không cao so với việc phát hiện và điều trị sớm ngay từ ban đầu.

2. Nguyên nhân gây tụt lợi

Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra bệnh tụt lợi chân răng:

  • Tình trạng viêm quanh răng: Gốc rễ cũng nguyên nhân này là từ việc không lấy vôi răng định kỳ làm vôi răng tích tụ quá nhiều dẫn đến tình trạng viêm nướu, phá hủy mô nướu, viêm nha chu và cấu trúc nâng đỡ răng. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng lợt bị tụt xuống.
  • Đánh răng sai cách: Đánh răng hằng ngày là một thói quen vệ sinh rất tốt cho răng miệng, tuy nhiên đánh răng sai cách lại gián tiếp gây ra tình trạng tụt lợi. Đánh răng bằng lực mạnh, sai góc độ bàn chải hoặc sử dụng bàn chải cứng là những lý do gây tụt lợi. Cụ thể, đánh răng theo chiều ngang trong thời gian dài có thể làm mòn khuyết mô lợi và làm để lộ chân răng.
  • Do cấu trúc răng: Ở một số người, xương ổ răng bao bọc ngoài chân răng quá ít nên dễ bị tổn thương và gây ra tụt lợi. Với những bệnh nhân có khớp cắn hô vẩu hay hàm răng mọc lệch cũng hay gặp tình trạng này.
  • Vệ sinh răng miệng kém: Một số người lười đánh răng hoặc đánh răng quá nhanh, dẫn đến việc không loại bỏ được hết các mảng bám và vi khuẩn tích tụ trên răng. Điều này tạo điều kiện để hình thành nhiều cao răng và dẫn đến tụt lợi.
  • Do mất răng: Những bệnh nhân bị mất răng trong thời gian dài mà không được điều trị sẽ khiến xương hàm tiêu nhiều và nhanh dẫn đến teo nướu. Lúc đó, các răng còn lại sẽ có xu hướng mọc ngã hoặc dịch chuyển về vị trí răng bị mất và gây tụt lợi.
  • Do di truyền: Tụt lợi cũng có thể di truyền từ những cha mẹ mắc bệnh. Những người có tiền sử gia đình mắc tình trạng về răng miệng thường có nguy cơ di truyền cho đời sau cao hơn.

3. Cách đánh răng không bị tụt lợi

Như đã đề cập ở trên, vệ sinh răng miệng bằng bàn chải đánh răng là một thói quen rất tốt. Tuy nhiên việc thực hiện sai cách có thể dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực và một trong số đó là hiện tượng tụt lợi. Vậy cách để không bị tụt lợi khi sử dụng bàn chải là như thế nào? Nhiều nha sĩ đã đưa ra một khuyến cáo chung về cách đánh răng nhằm giảm bớt nguy cơ tụt lợi như sau:

3.1. Đặt bàn chải đúng vị trí

Để chải răng đúng cách nhằm ngăn chặn tình trạng tụt nướu, hãy sử dụng bàn chải đánh răng mềm và chỉ với một lượng kem đánh răng bằng hạt đậu. Giữ bàn chải nghiêng một góc 45 độ dọc theo đường viền của lợi, đừng giữ bàn chải vuông góc trên răng của bạn. Việc để bàn chải vuông góc với răng sẽ làm bàn chải lướt trên bề mặt mà không đi vào các kẽ hở, nơi vi khuẩn và mảng bám ẩn náu. Thay vào đó, bằng cách giữ nghiêng bàn chải, bạn có thể đưa lông bàn chải vào dưới đường viền của lợi để loại bỏ vi khuẩn và mảng bám gây hại. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là sử dụng một bàn chải mềm. Bạn muốn đưa lông bàn chải vào dưới nướu, nhưng với lông bàn chải cứng có thể làm nướu bị thô ráp và chảy máu.

3.2. Động tác chải

Sử dụng chuyển động hình tròn hoặc hình elip khi chải răng vì điều này giúp làm sạch đường viền nướu tốt hơn. Đối với mặt trong của răng cửa, hãy nghiêng bàn chải theo chiều dọc và sử dụng phần lông phía trước để tạo thành chuyển động hình tròn trên bề mặt răng.

3.3. Không bỏ qua bất cứ vị trí nào

Đảm bảo rằng bạn làm sạch mọi ngóc ngách trong miệng mỗi khi chải răng, kể cả những vùng khó tiếp cận như kẽ răng. Di chuyển một cách có phương pháp xung quanh miệng của bạn, bao phủ các bề mặt bên ngoài và bên trong của tất cả các răng (trên và dưới) cũng như các bề mặt nhai. Ngoài ra, việc sử dụng chỉ nha khoa đúng cách cũng có thể góp phần làm sạch các kẽ răng hiệu quả.

3.4. Hãy thật nhẹ nhàng

Khi nói đến việc làm sạch răng, đặc biệt là lợi, tác động lực chải lớn hơn không phải là tốt hơn. Trên thực tế, đánh răng quá mạnh hoặc quá nhiều, hoặc sử dụng bàn chải đánh răng có lông chải cứng có thể làm mòn men răng, vì vậy hãy đánh răng thật nhẹ nhàng, chậm rãi và cũng nên thay bàn chải đánh răng ba tháng một lần. Ngày này, nhiều nha sĩ khuyến cáo nên sử dụng các loại bàn chải điện vì chúng thường được thiết kế với lông chải mềm mịn, cùng với các chế độ có thể điều chỉ được lực đánh. Từ đó, mọi người có thể dễ dàng kiểm soát được lực tác động lên răng.

3.5. Đừng quên phần lưỡi

Vệ sinh răng miệng tốt không chỉ là về răng và nướu, mà việc chải lưỡi nhẹ nhàng cũng có thể giúp hơi thở thơm tho và sạch miệng, gián tiếp giúp loại bỏ vi khuẩn trong khoang miệng và hạn chế tình trạng viêm lợi.

3.6. 2 phút và 2 lần mỗi ngày

Đánh răng giúp loại bỏ vi khuẩn mảng bám và các hạt thức ăn tích tụ xung quanh, trên và giữa các răng của bạn, có thể gây kích ứng nướu và dẫn đến các vấn đề như viêm nướu. Đánh răng trong ít nhất 2 phút và phải thực hiện ít nhất hai lần một ngày.

4. Răng bị tụt lợi thì phải làm sao?

Khi bị tụt lợi, tùy vào tình trạng bệnh mà nha sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp cho bạn.

4.1. Tụt lợi nhẹ

Khi tụt lợi chỉ xảy ra ở một hoặc một ít răng, tình trạng chân răng hở ra không quá nhiều hoặc lợi vẫn có khả năng bám vào chân răng thì bệnh nhân chỉ cần áp dụng các phương pháp điều trị đơn giản như lấy sạch cao răng và sau đó dùng Gel ngậm Flour hoặc sử dụng thuốc để trị viêm lợi. Cùng với việc đánh răng đúng cách, vệ sinh răng miệng thường xuyên thì tình trạng tụt lợi sẽ được khắc phục.

4.2. Tụt lợi nặng

Khi tụt lợi nặng, xảy ra ở nhiều răng, chân răng bị lộ ra nhiều và phần nướu bị viêm đỏ thì ngoài loại bỏ cao răng, cách tốt nhất để điều trị tụt lợi là phẫu thuật. Có 3 phương pháp phẫu thuật tụt lợi được sử dụng phổ biến hiện nay, bao gồm:

  • Phẫu thuật lấy vạt tại chỗ để khắc phục tụt lợi với các cách như sử dụng vạt nhú lợi kép, vạt trượt bên, vạt xoay chếch, vạt bán nguyệt, vạt trượt về phía cổ răng,...
  • Phẫu thuật sử dụng mô ghép rời tự thân, cụ thể là sử dụng mô ở phần khác trong miệng để bù lại phận lợi bị tụt, bao gồm các phương pháp như ghép lợi tự do tự thân, ghép mô liên kết dưới biểu mô...
  • Phẫu thuật sử dụng màng nhân tạo phối hợp với vạt tại chỗ như dùng biểu mô đồng loẹt không tế bào, tái sinh mô...

5. Phòng ngừa tụt lợi

Chăm sóc răng miệng đúng cách sẽ góp phần phòng ngừa tụt lợi hiệu quả. Một số cách dưới đây có thể hỗ trợ phần nào trong việc hạn chế tình trạng này:

  • Đánh răng hàng ngày vào buổi sáng và trước khi đi ngủ, có thể đánh răng sau bữa ăn.
  • Dùng chỉ nha khoa đúng cách
  • Dùng nước súc miệng để hỗ trợ quá trình vệ sinh răng miệng.
  • Kiểm tra sức khỏe răng miệng và đi lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần

Tụt lợi là một tình trạng về nướu rất thường gặp và có thể gây ra những khó chịu khi ăn uống, mất thẩm mỹ hàm răng và đôi khi có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như mất răng. Sử dụng bàn chải đánh răng đúng cách là một trong những biện pháp giúp hạn chế tình trạng tụt lợi. Ngoài ra, việc đánh răng thường xuyên, đi kiểm tra sức khỏe răng miệng và lấy cao răng định kỳ cũng là những cách hạn chế tình trạng tụt lợi xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan