Cách chăm sóc da sau peel

Peel da là một trong những phương pháp làm đẹp đang rất thịnh hành hiện nay. Có thể nói, peel da là một tác nhân giúp thúc đẩy quá trình thay mới đổi cũ của tế bào để giúp mang lại cho người sử dụng một làn da mịn màng, tươi mới. Tuy nhiên, hiệu quả sau peel da có thể đạt được đến đâu còn phụ thuộc vào cả yếu tố chăm sóc sau peel. Vậy chăm sóc da sau peel như thế nào?

1. Peel là gì?

Peel da (chemical peel) hay còn gọi là thay da sinh học, là phương pháp sử dụng các chất hóa học để tác động trực tiếp lên da giúp loại bỏ các tế bào chết, thúc đẩy quá trình thay mới đổi cũ của da, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, đồng thời kích thích tăng sinh collagen, hỗ trợ điều trị sẹo rỗ, làm thu nhỏ lỗ chân lông, ngăn chặn sự hình thành của nếp nhăn, giúp cải thiện các vấn đề về sắc tố da và chống lão hóa da.

Theo các chuyên gia da liễu, chu kỳ thay cũ đổi mới của tế bào da ở người trưởng thành rơi vào khoảng 28 ngày. Peel da là kỹ thuật giúp rút ngắn quá trình này mà không gây bào mòn hay làm mỏng da.

Các hoạt chất thường dùng trong peel da:

  • AHA (Alpha hydroxy acid): là hoạt chất acid có nguồn gốc tự nhiên được chiết xuất từ cam, táo, mía đường, sữa chua... AHA giúp tẩy tế bào chết làm da sáng mịn, hiệu quả trong trị mụn hay các vấn đề về sắc tố như nám. AHA thường được khuyên dùng cho những người có làn da thường hoặc da khô nhạy cảm.
  • BHA (Acid Salicylic): Đây là loại acid được sử dụng với mục đích kháng viêm, giảm sưng, se khít lỗ chân lông và kiểm soát lượng bã nhờn trên da, hiệu quả rất tốt đặc biệt với da dầu mụn. BHA thường được chỉ định cho người có da dầu mụn.
  • Retinoid: có 3 loại retinoid hay được sử dụng nhất trong mỹ phẩm là retinol, tretinoin và adapalene. Retinol thiên về trẻ hóa da, chống lão hóa. Tretinoin và adapalene trị mụn, kiềm dầu se khít lỗ chân lông tốt hơn, hiệu quả trong cả các vấn đề về sắc tố như nám tàn nhang.
  • TCA (Acid Tricloracetic): Là một loại acid hữu cơ có tác dụng kích thích tái tạo cấu trúc da, cải thiện tình trạng nếp nhăn, cải thiện các tình trạng sắc tố da và chống lão hóa.

Các hiện tượng có thể xảy ra sau peel da:

  • Da đỏ nhẹ, cảm giác ngứa châm chích, rát nhẹ.
  • Đối với những sản phẩm có nồng độ acid cao, khi bôi lên da có thể thấy hiện tượng kết tủa sản phẩm màu trắng trên bề mặt da.
  • Một số trường hợp bị kích ứng, dị ứng với sản phẩm hoặc da quá nhạy cảm có thể dẫn đến tình trạng sưng nề mặt, đỏ nhiều, viêm da.
  • Bong tróc da, cảm giác khô ráp da, da sạm màu. Mức độ bong tùy thuộc vào tình trạng da của từng người, sản phẩm peel và mức độ peel nông hay sâu.
  • Sau bong tróc, da sẽ trở lên căng mịn, bóng và sáng hơn, nếp nhăn được cải thiện. Ngược lại, ở những người bị mụn, peel da có thể gây đẩy mụn ở những lần peel đầu. Ở người da mỏng nhạy cảm đôi khi ửng đỏ, sưng.

2. Cách chăm sóc da sau peel

Sau peel da sẽ xảy ra các hiện tượng theo chu trình tạo vi thương, đóng vảy, bong da và tái tạo phục hồi. Do đó, việc chăm sóc da sau peel cũng sẽ chia theo giai đoạn tương ứng.

Trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 giờ sau peel bạn không nên dùng bất kỳ loại mỹ phẩm nào. Vệ sinh mặt bằng nước muối sinh lý ấm và nên sử dụng thấm qua bông tẩy trang.

Giai đoạn 3 ngày đầu sau peel:

  • Ở giai đoạn này, da còn chưa đóng vi thương, đỏ và ngứa nhẹ. Bởi vậy không nên dùng sữa rửa mặt, tẩy tế bào chết hay các sản phẩm tẩy rửa khác, vì sẽ làm tăng nguy cơ kích ứng cho da.
  • Không nên sử dụng kem chống nắng, vì bạn sẽ không thể làm sạch hết lớp kem chống nắng trên da khi bạn không dùng sản phẩm tẩy trang và sữa rửa mặt. Bạn có thể uống viên uống chống nắng trước khi ra ngoài 30 phút để bảo vệ da trước tác động của tia UV. Ngoài ra, có thể sử dụng mũ, áo chống nắng để giảm tiếp xúc với ánh nắng.
  • Vệ sinh mặt bằng nước sạch ấm, có thể dùng bông tẩy trang thấm nước muối sinh lý rồi lau lại mặt, không vỗ nước muối sinh lý vào da vì có thể gây tình trạng khô da.
  • Xịt khoáng để giúp da bớt khô, làm dịu da và cấp ẩm.
  • Tùy vào tình trạng da, có thể sử dụng các loại serum hay kem dưỡng ẩm làm dịu da. Trong giai đoạn còn vi thương không nên dùng sản phẩm dưỡng có chứa vitamin C hay các hoạt chất acid khác, vì sẽ gây châm chích, rát da. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Dùng dưỡng hay các loại tế bào gốc có chứa nhiều HA (hyaluronic acid) và các yếu tố tăng trưởng sẽ kích thích quá trình lành da tốt hơn, cho làn da căng bóng, khỏe mạnh.
  • Đắp mặt nạ làm dịu da, cấp ẩm.

Giai đoạn sau 4-7 ngày sau peel

  • Ở giai đoạn này, da gần như sẽ hết đỏ, tình trạng bong tróc sẽ xảy ra. Sự bong tróc nhiều hay ít và kéo dài bao lâu phụ thuộc vào cơ địa mỗi người và cả sản phẩm với mục đích khi peel da.
  • Tiếp tục chăm sóc da như quy trình chăm sóc da cơ bản bao gồm các bước: sữa rửa mặt loại dịu nhẹ, tẩy trang, toner, serum, kem khóa ẩm, kem chống nắng có chỉ số chống nắng tối thiểu SPF 30. Khuyến cáo không nên sử dụng tẩy tế bào chết trong 2 tuần sau peel. Với một số trường hợp bị mụn hay da dầu nhiều, có thể dùng tẩy da chết nhẹ dạng kem hay dạng gel để đẩy nhanh quá trình bong da.
  • Một số thành phần dưỡng da khuyên được dùng trong giai đoạn này: HA, vitamin B5, vitamin B3, vitamin C, Ceramide, Glycerin...

Giai đoạn sau bong hết, tức là 7 - 14 ngày

  • Chăm sóc da hoàn toàn bình thường theo quy trình chăm sóc da cơ bản.
  • Có thể tiến hành peel da lần tiếp theo sau peel lần đầu khoảng 2 - 3 tuần tùy theo loại da, tình trạng da và đáp ứng của từng người.

3. Những lưu ý về chăm sóc da sau peel

Để có được làn da đẹp, không bị kích ứng hay các tác dụng phụ khác, chăm sóc da sau khi peel cần lưu ý một số điều sau:

  • Luôn luôn lưu ý về vấn đề làm sạch da, đặc biệt ở những ngày đầu sau peel. Peel da sẽ tạo nên những vi thương trên bề mặt da nên nếu chăm sóc không kỹ, không làm sạch da đúng cách để bụi bẩn và vi khuẩn bám vào vùng da mới làm thủ thuật xâm lấn sẽ gây nguy cơ viêm nhiễm, mụn có thể xuất hiện sau peel.
  • Không sờ tay lên mặt sau peel da.
  • Sử dụng các sản phẩm làm sạch da và kem dưỡng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, dùng đúng thời điểm và đúng mục đích.
  • Lựa chọn sản phẩm phù hợp với loại da, tình trạng da, không tự ý sử dụng các sản phẩm khác, vì sẽ tăng nguy cơ kích ứng, làm giảm hiệu quả của việc peel da.
  • Ngay sau peel cần hạn chế các hoạt động gây ra mồ hôi nhiều, vì sẽ làm rát vùng peel. Mặt khác, việc đổ mồ hôi cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
  • Trong liệu trình điều trị peel, không kết hợp thêm các sản phẩm peel da tại nhà khác. Mỗi lần peel cần cách nhau ít nhất 2 tuần.
  • Không sử dụng các sản phẩm nhóm Retinoid trong quá trình peel da.
  • Khi có hiện tượng bong vảy, cần để vảy bong tự nhiên, không dùng tay cạy hay bóc da, không sử dụng các biện pháp mài mòn hay các chất tẩy tế bào chết mạnh để da bong nhanh hơn.
  • Đảm bảo chống nắng đầy đủ và đều đặn.
  • Không sử dụng peel da cho trẻ em, phụ nữ có thai. Phụ nữ đang cho con bú nếu muốn peel da cần hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn sản phẩm phù hợp.
  • Không peel da cho những người có làn da quá mẫn cảm, yếu, dễ kích ứng và bị mụn nặng.

Thực tế, peel da không phải là một thủ thuật quá khó. Peel da có thể được thực hiện tại các phòng khám, spa hoặc cũng có thể được thực hiện tại nhà tùy theo sản phẩm và mục đích sử dụng, tình trạng da của người dùng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và có được hiệu quả như ý, cần tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn trước khi sử dụng để tránh gây những biến chứng về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan