Các thuốc hạ đường huyết phổ biến hiện nay

Tiểu đường là bệnh lý thường gặp, có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc sử dụng các loại thuốc hạ đường huyết là cách kiểm soát bệnh rất tốt. Tuy nhiên, cần sử dụng thuốc hợp lý để ngăn ngừa bệnh tiến triển. Theo dõi bài viết sau đây để biết rõ hơn về các thuốc hạ đường huyết phổ biến hiện nay.

1. Bệnh tiểu đường là gì?

Tiểu đường (còn gọi là đái tháo đường) là tình trạng lượng đường trong máu cao, vượt mức 7 mmol/L lúc đói. Nguyên nhân gây tiểu đường là do thiếu hụt hoặc giảm đáp ứng của cơ thể với insulin - hormone hạ đường huyết.

Hiện có 4 tuýp tiểu đường là:

  • Tiểu đường tuýp 1: Do cơ chế tự miễn dịch của cơ thể, phá hủy các tế bào tiết insulin;
  • Tiểu đường tuýp 2: Do các tế bào không đáp ứng với insulin, cơ thể giảm tiết insulin;
  • Tiểu đường thứ phát: Là bệnh tiểu đường do hậu quả của các bệnh lý khác như u tụy, bệnh nội tiết, cắt tụy,...;
  • Tiểu đường thai kỳ: Là bệnh tiểu đường ở phụ nữ mang thai.

Tiểu đường là bệnh lý phổ biến và đặc biệt nguy hiểm. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Do đó, để đảm bảo an toàn và kiểm soát bệnh tốt thì người bệnh cần thay đổi thói quen sinh hoạt, kết hợp với sử dụng thuốc hạ đường huyết phù hợp nhằm ổn định lượng đường trong máu.

2. Các nhóm thuốc hạ đường huyết phổ biến hiện nay

Trên thị trường có nhiều loại thuốc điều trị hạ đường huyết. Việc quyết định sử dụng loại thuốc nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Quan trọng nhất chính là chỉ số HbA1c (chỉ số gắn kết của đường trên tế bào hồng cầu) và hiện trạng sức khỏe của bệnh nhân. Theo đó, một số loại thuốc hiện đang được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường gồm:

2.1 Nhóm thuốc làm tăng độ nhạy cảm với insulin

Nhóm thuốc này bao gồm:

Metformin (Biguanide)

Đây là thuốc chống tăng đường huyết nhóm biguanid, là lựa chọn đầu tiên trong điều trị tiểu đường tuýp 2. Về cơ chế, metformin có tác dụng làm giảm quá trình tổng hợp glucose ở gan và tăng độ nhạy của insulin đối với tế bào mô mỡ và cơ bắp.

Thuốc metformin có ưu điểm là chi phí thấp, không gây hạ đường huyết nếu sử dụng đơn lẻ, không làm thay đổi trọng lượng cơ thể. Đồng thời, thuốc giúp cơ thể giảm hấp thu triglyceride và cholesterol xấu, phòng ngừa các biến cố về tim mạch.

Tuy nhiên, thuốc metformin có hạn chế là không dùng được cho bệnh nhân suy thận, đặc biệt là người có mức lọc cầu thận GFR dưới 30ml/phút. Ngoài ra, người sử dụng thuốc cũng có thể gặp phải một số triệu chứng về tiêu hóa bao gồm khó tiêu, tiêu chảy, chán ăn,...

Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1

Nhóm thuốc này có hoạt chất chính là exenatide, có tác dụng làm tăng khả năng nhạy cảm của cơ thể với insulin, kích thích cơ thể tăng tiết insulin, hạn chế quá trình tân tạo glucose ở gan và làm giảm cảm giác thèm ăn.

Ưu điểm của thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 là có thể sử dụng cho bệnh nhân béo phì và các trường hợp tăng đường huyết sau ăn, nguy cơ hạ đường huyết thấp. Thuốc GLP-1 có thể sử dụng chung với metformin nếu metformin không còn hiệu quả khi dùng đơn lẻ.

Tuy nhiên, thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 cũng có tác dụng phụ là dễ gây buồn nôn, đau bụng khi mới sử dụng. Loại thuốc hạ đường huyết này cũng chống chỉ định cho người bệnh suy thận, có tiền sử u tuyến giáp hoặc ung thư tuyến giáp. Các bệnh nhân viêm tụy cấp nên tránh dùng thuốc này. Ngoài ra, thuốc phải sử dụng theo đường tiêm.

Thiazolidinedione (TZD)

Thiazolidinedione (còn gọi là glitazone) là nhóm thuốc có tác dụng làm giảm glucose máu ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. TDZ bao gồm 2 hoạt chất phổ biến là rosiglitazone và pioglitazone. Cả 2 hoạt chất đều có vai trò làm tăng độ nhạy của cơ thể với insulin, từ đó hỗ trợ kiểm soát đường huyết.

Ưu điểm của thuốc Thiazolidinedione tương tự như metformin, có thể dùng phối hợp với các loại thuốc hạ đường huyết khác để tăng hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc Thiazolidinedione cũng có nhược điểm là gây hiện tượng sưng phù, tăng cân đột ngột, suy giảm thị lực, tăng nguy cơ suy tim và ung thư bàng quang.

Thuốc tiểu đường ức chế men Dipeptidyl peptidase-4 (DDP-4)

Nhóm thuốc này còn được gọi là gliptin, gồm các hoạt chất như sitagliptin, vildagliptin, saxagliptin,... Đây là nhóm thuốc mới trong điều trị tiểu đường tuýp 2. Cơ chế tác dụng của thuốc là kích thích cơ thể tăng tiết insulin và giảm hình thành glucagon tại gan.

Ưu điểm của thuốc DDP-4 là ít có tác dụng phụ, dung nạp tốt, không gây hạ đường huyết khi sử dụng đơn độc, có thể dùng cho người cao tuổi hoặc người mắc bệnh thận mãn tính. Tuy nhiên, thuốc có nhược điểm là giá thành khá cao, có thể gây dị ứng, ngứa da, nổi mẩn đỏ,... và không có hiệu quả cao như nhóm GLP-1.

2.2 Nhóm thuốc làm chậm hấp thu chất béo và glucose từ ruột

Nhóm thuốc điều trị bệnh tiểu đường này gồm 2 loại thuốc chính:

Thuốc ức chế men alpha – glucosidase

Nhóm thuốc này ức chế sự phân giải carbohydrate thành glucose ở ruột non. Từ đó, thuốc khiến glucose không thể đi vào máu, làm giảm tình trạng tăng đường huyết đột ngột sau ăn. Điểm đặc biệt của thuốc là không liên quan đến insulin.

Thuốc ức chế men alpha - glucosidase có ưu điểm là không có nguy cơ gây hạ đường huyết khi sử dụng. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như đầy hơi, chướng bụng và táo bón. Bên cạnh đó, thuốc cũng có giá thành khá cao.

Thuốc ức chế men tiêu mỡ lipase

Lipase chính là enzyme đảm nhận nhiệm vụ phá vỡ cấu trúc, giúp các chất béo hấp thu qua ruột dễ dàng hơn. Các chất béo chưa được tiêu hóa sẽ nhanh chóng được đào thải ra khỏi cơ thể. Nhóm thuốc này thường được sử dụng để hỗ trợ giảm cân trong điều trị tiểu đường tuýp 2.

Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc ức chế men tiêu mỡ lipase. Nhược điểm của thuốc là khiến cơ thể ít hấp thụ các vitamin tan trong dầu hoặc có thể gây tác dụng phụ tiêu chảy.

2.3 Nhóm thuốc gây tăng tiết insulin

Nhóm thuốc hạ đường huyết điều trị tiểu đường này kích thích tuyến tụy tiết insulin nhiều hơn, từ đó hỗ trợ điều hòa đường huyết. Hiện có 2 nhóm thuốc kích thích cơ thể tiết insulin là:

Sulfonylureas

Nhóm thuốc này có tác dụng kích thích tuyến tụy tiết ra insulin. Hormone này có khả năng ngăn chặn sự giải phóng glucose từ gan, đồng thời tăng tổng hợp glycogen - dạng dự trữ chính của glucose trong cơ thể.

Sulfonylureas có ưu điểm là giá thành rẻ, khi sử dụng có thể làm giảm nguy cơ biến chứng mạch máu nhỏ cũng như các bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, thuốc có nhược điểm là nếu dùng liên tục thì người bệnh có khả năng bị hạ đường huyết, tăng cân nhẹ.

Glinides

Nhóm thuốc này có tác dụng gần giống nhóm Sulfonylureas. Tuy nhiên, nhóm thuốc Glinides có đặc trưng là hiệu quả nhanh sau khi dùng, thời gian tác dụng ngắn hơn. Do đó, người bệnh nên dùng thuốc ngay trước bữa ăn.

Ưu điểm của thuốc Glinides là có thể sử dụng cho bệnh nhân suy thận. Tuy nhiên, thuốc có nhược điểm là giá thành khá cao, dễ gây hạ đường huyết nếu không sử dụng kèm bữa ăn.

2.4 Insulin

Người bệnh tiểu đường có thể cần điều trị bằng thuốc hạ đường huyết insulin. Ưu điểm của insulin là có tác dụng nhanh. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là có thể gây hạ đường huyết quá mức nếu sử dụng nhiều loại insulin. Đồng thời, insulin có giá thành cao, khi tiêm cần thực hiện đúng kỹ thuật.

3. Sử dụng thuốc hạ đường huyết an toàn, hiệu quả như thế nào?

Các thuốc điều trị bệnh tiểu đường giúp ổn định mức glucose máu cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tự gia tăng liều dùng hoặc sử dụng thuốc trong một thời gian dài thì có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khôn lường. Do đó, người bệnh nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, uống thuốc vào 1 khung giờ cố định để tránh bị quên. Nếu được, bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thêm sữa hoặc thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh khác.

Sau một thời gian dùng thuốc hạ đường huyết mà chỉ số đường huyết không thuyên giảm thì bệnh nhân nên tái khám ngay. Người bệnh không được vội vã tăng liều để mau chóng thấy hiệu quả. Ngoài ra, khi phát hiện bản thân gặp một số dấu hiệu lạ, bệnh nhân cũng nên liên hệ với bác sĩ để có phương hướng điều trị phù hợp.

Ngoài việc dùng thuốc, để kiểm soát đường huyết, người bệnh nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng và luyện tập. Cụ thể:

  • Xây dựng 1 chế độ ăn uống cân bằng và hợp lý. Người bệnh nên chú ý tính toán lượng carbohydrate mà cơ thể hấp thu, ăn nhiều rau xanh và trái cây, đồng thời nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày để tránh nguy cơ hạ đường huyết đột ngột;
  • Bệnh nhân nên duy trì chế độ ăn ít đồ ngọt và thực phẩm giàu tinh bột để tránh tình trạng đường huyết tăng cao. Người bệnh cũng nên tránh thực phẩm giàu lipid để ngăn chặn biến chứng tim mạch do tiểu đường;
  • Trong các bữa phụ, bệnh nhân nên sử dụng sữa dành riêng cho người tiểu đường. Một số loại sữa giúp cung cấp nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể và giúp bệnh nhân kiểm soát được nồng độ insulin bài tiết. Thậm chí, nhiều loại sữa còn bổ sung thành phần myo inositol có tác dụng làm tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin;
  • Tích cực vận động, kiểm soát cân nặng, giải tỏa căng thẳng và áp lực. Khi muốn luyện tập, người bệnh cần chọn bài tập an toàn, phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Người bệnh nên tập thể dục nhẹ nhàng bằng cách chạy bộ, đi bộ, đạp xe,... khoảng 30 - 45 phút/ngày.

Bài viết đã tổng hợp về các thuốc hạ đường huyết điều trị bệnh tiểu đường và các biện pháp làm tăng hiệu quả sử dụng thuốc. Người bệnh nên tham khảo trước khi dùng thuốc để sớm cải thiện bệnh tình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan