Biến chứng viêm dây thần kinh thị giác

Viêm dây thần kinh thị giác là tình trạng viêm ảnh hưởng đến lớp myelin của dây thần kinh thị giác, làm hạn chế chức năng truyền các tín hiệu thị giác đến não. Dù bệnh đôi khi có thể phục hồi hoàn toàn sau một thời gian nhưng việc tích cực thăm khám và theo dõi đúng cách ngay từ đầu là cần thiết nhằm đề phòng các biến chứng viêm dây thần kinh thị giác.

1. Viêm dây thần kinh thị giác là gì?

Hai dây thần kinh thị giác thực sự là một dây thần kinh với sợi trục có nguồn gốc xuất phát từ các tế bào hạch của võng mạc ở phía sau mắt. Đây là những dây thần kinh duy nhất nằm hoàn toàn trong não. Các dây thần kinh thị giác có chức năng mang thông tin thị giác từ võng mạc đến vùng thị giác ở thùy chẩm trên vỏ não để xử lý và phân tích.

Viêm dây thần kinh thị giác là tình trạng sưng viêm làm hỏng lớp myelin phủ bên ngoài dây thần kinh thị giác. Các triệu chứng phổ biến của viêm dây thần kinh thị giác bao gồm đau khi cử động mắt và mất thị lực tạm thời ở một bên mắt.

Trong một số trường hợp, các dấu hiệu và triệu chứng của viêm dây thần kinh thị giác có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh xơ cứng rải rác hoặc chúng có thể xảy ra sau đó trong quá trình diễn tiến của bệnh lý này. Bên cạnh đó, viêm dây thần kinh thị giác cũng có thể xảy ra với các tình trạng như nhiễm trùng hoặc các bệnh miễn dịch, chẳng hạn như lupus.

Một điều may mắn là hầu hết những người mắc phải một đợt viêm thần kinh thị giác cuối cùng đều phục hồi thị lực mà không cần điều trị gì đặc hiệu. Đôi khi thuốc steroid cũng có thể tăng tốc độ phục hồi thị lực sau viêm thần kinh thị giác.


Dây thần kinh thị giác có vai trò rất quan trọng
Dây thần kinh thị giác có vai trò rất quan trọng

2. Triệu chứng của viêm dây thần kinh thị giác như thế nào?

Viêm thần kinh thị giác thường chỉ ảnh hưởng đến một bên mắt. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau: Hầu hết những người bị viêm thần kinh thị giác đều bị đau mắt khi chuyển động của nhãn cầu. Đôi khi cơn đau có cảm giác như đau âm ỉ sau mắt.
  • Mất thị lực ở một mắt: Bệnh nhân thường đi khám do giảm thị lực tạm thời xảy ra ở một bên mắt nhưng với biểu hiện sự khiếm khuyết khác nhau. Mất thị lực rõ rệt thường phát triển sau nhiều giờ hoặc nhiều ngày và sẽ cải thiện trong vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, một số ít người lại có thể bị mất thị lực vĩnh viễn.
  • Mất trường thị giác: Chức năng thị lực một bên có thể vẫn còn nhưng vùng thị trường lại có thể bị ảnh hưởng, như mất thị trường trung tâm, mất thị trường một bên.
  • Mất thị lực màu: Ngoài chức năng nhận cảm ánh sáng thông thường, viêm thần kinh thị giác cũng khiến cho người bệnh mất khả năng phân tích màu sắc. Bạn có thể nhận thấy rằng màu sắc xuất hiện kém sinh động hơn bình thường.
  • Ánh sáng nhấp nháy: Một số người bị viêm thần kinh thị giác khai báo triệu chứng là nhìn thấy đèn sáng nhấp nháy liên tục hoặc sự nhấp nháy chỉ xảy ra khi có chuyển động mắt.

Viêm dây thần kinh thị giác thường gây ảnh hưởng một bên mắt
Viêm dây thần kinh thị giác thường gây ảnh hưởng một bên mắt

3. Nguyên nhân gì gây ra viêm dây thần kinh thị giác?

Nguyên nhân chính xác gây ra viêm dây thần kinh thị giác cho đến nay vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng. Đây có thể được cho là hệ quả của hệ thống miễn dịch tấn công lạc chỗ vào lớp vỏ myelin bao phủ dây thần kinh thị giác của bạn, dẫn đến viêm và tổn thương, cuối cùng là dẫn đến mất thị lực, có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Viêm dây thần kinh thị giác thường là dấu hiệu của bệnh đa xơ cứng, một bệnh trong đó hệ thống miễn dịch tấn công vỏ myelin bao phủ các sợi thần kinh trong não và tủy sống, dẫn đến viêm và tổn thương thần kinh. Trong trường hợp này, viêm dây thần kinh thị giác thường sẽ tự thuyên giảm nhưng lại dễ tái phát. Tương tự như vậy, các bệnh tự miễn khác, như sarcoidosis, lupus... cũng có thể gây viêm thần kinh thị giác.

Bên cạnh đó, khoảng một nửa các trường hợp ban đầu của viêm dây thần kinh thị giác được cho là từ một phản ứng viêm một tuần đến một tháng sau khi bị nhiễm virus đường hô hấp trên. Ngoài ra, một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, bao gồm bệnh Lyme, sốt mèo cào và giang mai, cũng như các bệnh nhiễm virus như sởi, quai bị, herpes simplex và herpes zoster... cũng có thể gây viêm thần kinh thị giác.

Một số loại thuốc như quinine, tetracycline, kháng sinh linezolid, amiodarone, ethambutol và isoniazid... cho thấy có bằng chứng liên quan đến sự phát triển của viêm dây thần kinh thị giác. Các chất ức chế phosphodiesterase như Viagra cũng có thể gây tổn thương thần kinh thị giác do cung cấp máu không đủ, dẫn đến thiếu máu cục bộ thay vì phản ứng viêm nguyên phát.

Mặt khác, cũng có nhiều tình trạng có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác như nhiễm trùng, chấn thương, di truyền, tiếp xúc chất độc, dinh dưỡng, tổn thương chèn ép lên các dây thần kinh thị giác. Các tổn thương trong bệnh mạch máu do đái tháo đường cũng khiến dây thần kinh thị giác bị ảnh hưởng. Chính vì thế, việc điều trị bệnh viêm thần kinh thị giác là hướng vào căn bệnh gốc thay vì điều trị hậu quả.


Nguyên nhân gây ra viêm dây thần kinh thị giác vẫn chưa được xác định
Nguyên nhân gây ra viêm dây thần kinh thị giác vẫn chưa được xác định

4. Viêm thần kinh thị giác được chẩn đoán như thế nào?

Bên cạnh các triệu chứng của bạn, bác sĩ có thể chẩn đoán viêm thần kinh thị giác bằng các nghiệm pháp, xét nghiệm sau:

  • Soi đồng tử và đánh giá phản ứng của mắt bạn với ánh sáng mạnh trực tiếp
  • Kiểm tra thị lực bằng bảng chữ cái
  • Soi đáy mắt
  • Hình ảnh học sọ não với CT scan hay MRI nhằm loại trừ các tổn thương gây mất thị lực trong não

Chẩn đoán viêm dây thần kinh thị giác không quá khó
Chẩn đoán viêm dây thần kinh thị giác không quá khó

5. Viêm dây thần kinh thị giác được điều trị như thế nào?

Trong một số trường hợp, bạn có thể không cần điều trị viêm thần kinh thị giác. Sau một vài tuần, các triệu chứng của bệnh lý này có thể tự biến mất và khả năng thị lực sẽ trở lại như bình thường mà hoàn toàn không để lại di chứng gì.

Đôi khi bác sĩ cũng có thể chỉ định một liệu trình ngắn với steroid. Thuốc sẽ được dùng với đường tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch nhằm đạt hiệu quả kháng viêm cao nhất, giúp các triệu chứng của bệnh cải thiện nhanh hơn và giảm thiểu phản ứng viêm. Từ đó, chức năng dây thần kinh thị giác sẽ mau chóng được phục hồi.

Song song đó, điều quan trọng là tích cực tìm kiếm và điều trị bệnh nguyên gây ra viêm thần kinh thị giác nhằm hạn chế nguy cơ tái phát dẫn đến tổn thương vĩnh viễn.

6. Các biến chứng của viêm dây thần kinh thị giác là gì?

Hầu như các trường hợp viêm dây thần kinh thị giác có thể hồi phục hoàn toàn mà không để lại biến chứng gì.

Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp bị biến chứng viêm dây thần kinh thị giác tổn thương thần kinh thị giác, giảm thị lực kéo dài hay vĩnh viễn sau một đợt viêm cấp tính. Nếu không bị suy giảm chức năng nhìn, một số người cũng có thể mất khả năng phân biệt màu sắc dù tình trạng viêm dây thần kinh thị giác đã thuyên giảm nhiều.

Bên cạnh đó, việc dùng corticosteroid lâu dài trong điều trị viêm dây thần kinh thị giác có thể dẫn đến các tác dụng phụ đáng kể. Đó là làm tăng lượng đường trong máu, tăng cân và loãng xương... Mặc dù vậy, với các lợi ích khi dùng corticosteroid liều cao ngắn ngày nhằm kiểm soát quá trình viêm cấp tính, liệu pháp này vẫn được ủng hộ trong điều trị viêm dây thần kinh thị giác.

Ngoài ra, ở những người có những tổn thương trong nhu não được phát hiện thấy bằng MRI, việc chỉ định steroid tiêm tĩnh mạch ngay từ đầu có thể giúp ngăn ngừa các đợt viêm thần kinh thị giác trong tương lai.

Tóm lại, viêm dây thần kinh thị giác là tình trạng ảnh hưởng đến mắt và thị lực của bạn, xảy ra khi dây thần kinh thị giác bị viêm. Người bệnh sẽ có triệu chứng suy giảm thị lực một bên mắt và thậm chí còn gây đau khi cử động mắt.

May mắn là hầu hết các trường hợp viêm dây thần kinh thị giác đều tự thuyên giảm hoàn toàn, không để lại biến chứng nghiêm trọng gì. Tuy nhiên, việc tìm kiếm bệnh nguyên và tích cực điều trị là vô cùng cần thiết, nhằm giảm nguy cơ tái phát cũng như biến chứng mất thị lực vĩnh viễn về sau.

Nguồn tham khảo: medicinenet.com; hopkinsmedicine.org; mayoclinic.org

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe