Biến chứng nhiễm trùng ở bệnh nhân tiểu đường

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Bệnh đái tháo đường có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể người bệnh. Một trong các biến chứng là nhiễm trùng. Khi đường huyết tăng thì người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng tái phát nhiều lần, việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

1. Biến chứng nhiễm trùng ở bệnh nhân tiểu đường là gì?

Nhiễm trùng là một biến chứng thường gặp ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, diễn biến bệnh thường nặng và phức tạp hơn so với những người bình thường. Biến chứng nhiễm trùng là tình trạng mà người mắc bệnh tiểu đường bị nhiễm một loại vi sinh vật nào đó, gây ra tình trạng nhiễm khuẩn từ nhẹ tới nặng. Thường có tình chất dai dẳng hay tái phát. Theo thống kê thì có tới gần một nửa các bệnh nhân tiểu đường có ít nhất 1 lần nhập viện hoặc điều trị ngoại trú vì các bệnh nhiễm trùng.

Khi mắc bệnh nhiễm trùng trên nhưng bệnh nhân tiểu đường nếu không được phát hiện và điều trị sớm có nguy cơ diễn biến nặng ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người bệnh.

2. Tại sao người bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm trùng?

Các nguyên nhân làm cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm khuẩn gồm:

  • Khi mắc bệnh tiểu đường,nếu không kiểm soát được đường huyết, nồng độ đường cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
  • Khi bị các vết trầy xước nhỏ là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn gây bệnh sinh sôi.
Vết thương do dao đâm
Những vết trầy xước nhỏ khó lành do biến chứng của tiểu đường gây ra
  • Các biến chứng làm ảnh hưởng tới thần kinh cảm giác làm cho bệnh nhân giảm nhận biết cảm giác đau, các tổn thương chậm được xử lý nên khả năng nhiễm khuẩn càng cao.
  • Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường thường bị tổn thương mạch máu ngoại biên, làm giảm lưu lượng máu đến các chi nên làm giảm dinh dưỡng mô, cung cấp oxy và khả năng gắn kết phản ứng miễn dịch hiệu quả. Từ đó việc chống lại vi khuẩn gây bệnh khó khăn hơn.

3. Các loại biến chứng nhiễm trùng

Bệnh nhân có rất nhiều hình thái nhiễm khuẩn có thể xảy ra.

3.1 Nhiễm trùng tiết niệu

Trường hợp này rất hay gặp, thường ở nữ nhiều hơn nam như:

  • Viêm bàng quang: Biểu hiện sốt nhẹ hoặc không sốt, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu khó. Nước tiểu đục, có cặn, và có khi có máu. Tuy nhiên gần 90% viêm bàng quang không có triệu chứng. Do đó, để chẩn đoán chính xác cần dựa vào các xét nghiệm nước tiểu.
  • Viêm thận, bể thận: Đau vùng hông, sốt cao, rét run, tiểu đục hoặc có thể tiểu máu.

3.2 Nhiễm trùng phổi

Thường gặp nhất là viêm phổilao phổi.

  • Viêm phổi: Sốt cao, ho, khạc đờm có thể lẫn máu, đau ngực, khó thở... Ở bệnh nhân tiểu đường thường tổn thương nhu mô phổi lan tỏa, dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như áp xe phổi, nhiễm khuẩn huyết.
  • Lao phổi: Mệt mỏi, chán ăn, ra mồ hôi trộm, gầy sút nhanh, sốt nhẹ về chiều, ho khan có thể có đàm hoặc máu kéo dài dai dẳng, kèm đau ngực, khó thở... Lao phổi ở bệnh nhân tiểu đường thường nặng và tiến triển nhanh, nếu không được điều trị sẽ dẫn tới suy kiệt và tử vong.

3.3 Nhiễm trùng da, mô mềm

  • Viêm mô tế bào: Xuất hiện các mảng viêm đỏ đau trên da, có khi kèm sưng các hạch lân cận.
  • Loét chân, bàn chân: Thường gặp ở các vị trí ngón chân, mặt trước cẳng chân, cổ chân và lòng bàn chân. Thường có hoại tử ướt, chảy mủ thối kèm theo sưng nề tấy đỏ tại chỗ.
Loét bàn chân
Loét lòng bàn chân có hoại tử là một trong những biến chứng nguy hiểm của tiểu đường gây ra
  • Trên da có nhiều mụn nhọt tác nhân gây bệnh là tụ cầu vàng.
  • Nhiễm nấm: Thường gặp là nhiễm nấm ở bộ phận sinh dục, nấm ở kẽ giữa các ngón chân có thể gây nên loét bàn chân.

3.4 Nhiễm trùng răng miệng

Nhiễm trùng răng bao gồm: Viêm lợi, viêm quanh chân răng, sâu răng, viêm mủ chân răng, sưng tấy vùng hàm mặt...Nếu tình trạng nhiễm trùng răng miệng nặng có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết và tử vong.

4. Làm sao để phòng biến chứng nhiễm trùng?

Để phòng ngừa biến chứng nhiễm trùng nói chung bệnh nhân cần:

  • Kiểm soát tốt đường huyết và các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... bằng cách sử dụng thuốc theo đúng quy định của bác sĩ, chế độ ăn uống lành mạnh và vận động hàng ngày.
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách, dùng các loại bàn chải mềm, chải răng thường xuyên và tránh gây ra các tổn thương trong khoang miệng.
  • Luôn trang bị khẩu trang khi đi ra đường, tiếp xúc đông người. Tiêm phòng cúm mùa định kỳ mỗi năm.
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài sạch sẽ, rửa vùng kín sạch sẽ sau khi quan hệ tình dục, không nhịn tiểu và uống nhiều nước.
  • Người bệnh cần luôn vệ sinh da sạch sẽ, không tắm nước nóng (có nguy cơ bị bỏng do rối loạn cảm giác nhận biết)và dùng xà phòng giữ ẩm nhẹ; giữ da khô ráo ở những vùng hay cọ xát vào nhau như nách, bẹn, kẽ các ngón chân; cắt móng chân, móng tay thường xuyên. Với các vết thương, cần rửa sạch bằng nước muối sinh lý hoặc cồn và băng những vết xước da, rách da ngay khi mới phát hiện.

Phòng biến chứng nhiễm trùng bàn chân:

  • Kiểm tra bàn chân hằng ngày, nếu khó quan sát thì sử dụng gương hoặc nhờ người giúp đỡ.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa chân mỗi ngày bằng nước ấm: Không ngâm chân trong nước quá lâu, tránh nhiệt độ quá nóng hoặc lạnh thử nhiệt độ của nước trước và lau khô các kẽ chân sau khi rửa.
ngâm chân
Người bệnh lưu ý, không nên ngâm chân trong nước nóng quá lâu
  • Giữ da chân mềm mại, giữ gót chân không bị chai
  • Cắt móng chân thường xuyên; nếu bệnh nhân bị mất cảm giác bàn chân, không nên tự cắt móng mà nên nhờ người giúp đỡ.
  • Luôn mang giày, tất mềm, không mang tất quá chật và thay mỗi ngày: Không đi chân trần trong nhà hoặc ngoài trời, tránh giẫm phải những vật có thể làm tổn thương bàn chân, không sử dụng băng dính trên chân, không cắt những vết chai chân.
  • Thường xuyên luôn cử động cẳng chân, bàn chân hay nhón gót tại chỗ giúp tăng co bóp các cơ vùng cẳng chân làm cho máu lưu thông tốt hơn.
  • Tập thể dục mỗi ngày 30 – 60 phút nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội...
  • Tránh các hoạt động gắng sức hoặc các hoạt động làm tăng áp lực lên bàn chân như chạy, nhảy. Hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện bất cứ hoạt động nào. Vì đôi khi những hoạt động đó có thể làm nặng thêm tình trạng thương tổn bàn chân.

Người bệnh tiểu đường nên chú ý đến bất kỳ thay đổi nào trong cơ thể, chú ý những dấu hiệu nhiễm trùng có thể xảy ra. Đôi khi nếu bị nhiễm trùng dai dẳng có thể là một gợi ý của một người mắc bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan