Bị sốt xuất huyết và nguy cơ rối loạn đông máu

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính do muỗi vằn truyền virus từ người bệnh sang người lành. Bệnh có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là tình trạng rối loạn đông máu trong sốt xuất huyết.

1. Đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết thường xảy ra vào đầu mùa mưa, cao điểm của đợt dịch là vào tháng 7 - 9. Hiện nay thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển mạnh, do đó số ca sốt xuất huyết vẫn không ngừng gia tăng.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên, bao gồm 4 tuýp virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là vật trung gian truyền bệnh chủ yếu, bệnh xảy ra quanh năm và có thể gặp ở mọi đối tượng, độ tuổi khác nhau.

Sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, diễn biến bệnh khá nhanh theo mức độ từ nhẹ đến nặng. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương ra khỏi thành mạch, điều này có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu trong sốt xuất huyết, suy tạng... nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí có thể dẫn đến tử vong.

2. Ba giai đoạn của bệnh nhân sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột qua 3 giai đoạn: sốt, giai đoạn nguy hiểm và hồi phục. Hiểu rõ từng giai đoạn để điều trị đúng và kịp thời có thể giúp cứu sống người bệnh.

2.1 Giai đoạn sốt

Sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức 2 hốc mắt, nghiệm pháp dây thắt dương tính. Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

2.2 Giai đoạn nguy hiểm (ngày thứ 3-7 của bệnh)

Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt kèm theo các biểu hiện sau: Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (kéo dài 24-48 giờ), tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề.... Nếu tình trạng thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh - nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tâm thu và tâm trương ≤ 25 mmHg), tụt huyết áp, không đo được huyết áp, tiểu ít.

Xuất huyết dưới da, rối loạn đông máu trong sốt xuất huyết, xuất hiện nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết xuất hiện ở mặt trước cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, phía 2 bên mạn sườn. Xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu lợi, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm. Xuất huyết nội tạng như hệ tiêu hóa, phổi, não...

Một số trường hợp nặng có thể có xuất hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim, thậm chí tình trạng này có thể xảy ra ở một số bệnh nhân không có dấu hiệu thoát huyết tương hoặc không sốc.

2.3 Giai đoạn hồi phục

Sau 24 - 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm sẽ có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch. Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định, tiểu nhiều, nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ. Trong giai đoạn này, nếu người bệnh được truyền dịch quá mức có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim.

3. Rối loạn đông máu trong sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết được chia làm 4 mức độ bệnh:

  • Độ 1: Bệnh nhân bị sốt cao, cả người mệt mỏi, toát mồ hôi, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn;
  • Độ 2: Bắt đầu có biểu hiện xuất huyết thành nốt, đám, mảng; xuất hiện tình trạng chảy máu chân răng, chảy máu mũi;
  • Độ 3: Bệnh nhân vật vã, li bì, xuất huyết nặng hơn ở hệ tiêu hóa, âm đạo, suy tuần hoàn, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp kẹt/tụt huyết áp, da lạnh ẩm;
  • Độ 4: Suy đa tạng, xuất huyết nội tạng, sốc nặng, mạch huyết áp không thể đo được.

Theo đó, rối loạn đông máu trong sốt xuất huyết là hiện tượng lòng mạch xuất hiện những cục máu đông li ti, sốt xuất huyết đông máu rải rác làm tắc vi mạch, gây suy các phủ tạng. Trong bệnh sốt xuất huyết, các yếu tố đông máu và tiểu cầu giảm sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu không cầm được, gây sốc nặng và thậm chí là tử vong.

Ở sốt xuất huyết độ 1 và 2, các yếu tố đông máu bị kích hoạt làm tăng đông máu trong lòng mạch hay còn gọi là tìn trạng sốt xuất huyết máu đông rải rác. Tuy nhiên khi bệnh chuyển sang độ 3 và 4, máu sẽ giảm đông do suy giảm các yếu tố đông máu và giảm hụt số lượng tiểu cầu. Để ngăn ngừa rối loạn đông máu trong sốt xuất huyết kịp thời cần thực hiện sớm, không để sốt xuất huyết chuyển sang độ 3 - 4 và nhanh hồi phục, tránh để bệnh diễn biến nặng có thể dẫn đến tử vong.

4. Lưu ý gì trước nguy cơ rối loạn đông máu trong sốt xuất huyết?

Bên cạnh việc hạ sốt và bù nước cho cơ thể, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các thuốc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tình trạng rối loạn đông máu trong sốt xuất huyết, tránh để rối loạn đông máu kéo dài.

Nhìn chung bệnh sốt xuất huyết chính xác là tự khỏi, việc chữa chạy chỉ là điều trị triệu chứng, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nguyên nhân tử vong trong bệnh sốt xuất huyết liên quan đến nhiều yếu tố: xuất huyết gây chảy máu, vỡ hồng cầu, thoát mạch, sốt xuất huyết đông máu nội mạch lan tỏa, thiếu hụt lượng máu lưu hành.

Truyền dịch điện giải, truyền máu tươi, khối tiểu cầu... sử dụng corticoid chống viêm, vitamin, thuốc an thần và các biện pháp theo dõi chặt chẽ đề phòng biến chứng sốc có thể giúp ngăn chặn nguy cơ tử vong.

Sốt xuất huyết không được xông hơi, xông bằng lá xông... do tình trạng thiếu máu, cơ tim bị viêm mà lại xông hơi thoát dịch sẽ khiến bệnh nặng thêm, gây hậu quả đáng tiếc.

Một số ý kiến cho rằng sốt xuất huyết không uống thuốc cảm, điều này là do trước đây thuốc cảm thường là Aspirin, đây là thuốc có tính chống kết tập tiểu cầu, làm cho quá trình thông thoáng của lòng mạch dễ dàng hơn. Tuy nhiên nếu dùng trong bệnh lý sốt xuất huyết, tiểu cầu đã giảm mạnh nhưng lại giảm kết dính thì việc chảy máu rất dễ xảy ra. Những thuốc trị cảm sốt dòng paracetamol (Acetaminophen) thì không có tác dụng phụ này và có thể được sử dụng trong sốt xuất huyết.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã cấp cứu, điều trị nhiều ca sốt xuất huyết có biến chứng nặng. Theo đó, quy trình thăm khám và điều trị bệnh tại Vinmec đều được thực hiện bài bản, chuyên sâu dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, dưới sự hỗ trợ điều kiện cơ sở vật chất hiện đại và thiết bị y tế tân tiến, quá trình điều trị bệnh thu được kết quả cao.

Nếu có nhu cầu khám và điều trị sốt xuất huyết tại Vinmec, bạn vui lòng đặt lịch khám trực tiếp tại website hoặc liên hệ đến hệ thống hotline để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan