Bị đau sau hỉ mũi ra nước màu vàng

Màu sắc của dịch từ mũi mỗi khi bạn bị sổ mũi có thể nói lên nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe. Đặc biệt, trong trường hợp hỉ mũi ra nước màu vàng và có cảm giác đau, đây là dấu hiệu cho thấy hệ thống hô hấp của bạn đang hoạt động bất thường. Cụ thể hơn, liệu chảy nước mũi màu vàng đang nhắc nhở gì về sức khỏe và có nghiêm trọng hay không?

1. Tầm quan trọng của dịch nhầy trong cơ thể

Cơ thể mỗi ngày đều tự sản sinh ra khoảng 1.5 lít dịch nhầy và chỉ một lượng nhỏ dịch nhầy tồn tại ở phần xoang và khoang mũi, phần lớn còn lại đều được nuốt rồi bị hòa tan ở dạ dày. Sở dĩ cơ thể phải tạo ra một số lượng lớn dịch nhầy như vậy bởi loại dịch tiết này có nhiều vai trò lớn đối với sức khỏe hệ thống hô hấp cũng như hoạt động của hệ miễn dịch.

Dịch nhầy có chức năng ngăn chặn sự xâm nhập và tấn công từ các tác nhân có hại ở bên ngoài vào phổi và gây ra các tình trạng sức khỏe cho cơ thể. Thành phần của dịch nhầy gồm có các kháng thể, muối, protein và nước, có tính dính, vì vậy, chúng sẽ có tác dụng như một cái “bẫy” để ngăn chặn vi khuẩn, virus, bụi bẩn cũng như các chất gây dị ứng từ môi trường.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ đắc lực từ lông mao ở trong mũi sẽ giúp đưa những tác nhân đang tấn công và bị bẫy bởi dịch nhầy từ từ ra bên ngoài thông qua phản ứng sổ mũi / hắt xì. Bên cạnh đó, hành động “ho” thông thường của bạn cũng là một phản ứng giúp đẩy dịch nhầy ra ngoài nếu lượng dịch nhầy bị trôi từ mũi xuống cổ họng.

Một chức năng của dịch nhầy khác là hỗ trợ làm ẩm không khí hít từ bên ngoài vào, đồng thời, giữ xoang mũi ấm hơn trong môi trường không khí quá khô hoặc quá lạnh, có thể tác động tiêu cực đến hệ thống hô hấp.

2. Nước mũi màu vàng - lời nhắc nhở từ hệ miễn dịch

Đại đa số trường hợp chảy nước mũi màu vàng đều có liên quan đến phản ứng chống nhiễm trùng / nhiễm virus của cơ thể trong các tình trạng như viêm mũi dị ứng, cảm lạnh và cảm cúm. Theo giải thích từ các bác sĩ, mầm bệnh khi xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi sẽ bị dịch nhầy tại đây giữ lại. Khi đó hệ thống miễn dịch sẽ được thông báo đưa các tế bào bạch cầu đến khu vực dịch nhầy chứa mầm bệnh để ngăn chặn và phá hủy chúng.

Sự đổi màu của dịch nhầy từ trong suốt thành màu vàng là do bên trong tế bào bạch cầu chứa rất nhiều enzyme có màu. Vì vậy, sau khi thực hiện tiêu diệt mầm bệnh, phần tế bào bạch cầu làm nhiệm vụ cũng sẽ hòa với phần mảnh vụn còn lại và bị cơ thể đẩy ra ngoài theo đường mũi, tạo thành hiện tượng hỉ mũi ra nước màu vàng.

Các phản ứng chống nhiễm khuẩn này của cơ thể sẽ được tiến hành trong thời gian trung bình từ 10 đến 14 ngày. Ở thời gian này, nếu như nước mũi của bạn có màu vàng và hơi loãng, điều này chỉ phản ánh cơ thể đang tạo phản ứng với tác nhân gây hại.

Thường xuyên hắt hơi và sổ mũi có phải là dấu hiệu bệnh viêm mũi dị ứng?
Chảy nước mũi màu vàng cho thấy cơ thể đang phản ứng chống lại tác nhân gây hại.

3. Nước mũi màu vàng đặc và nguy cơ sức khỏe cần chú ý

Nước mũi màu vàng có thể là một dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang chống lại các mầm bệnh có hại từ môi trường. Tuy nhiên, khi bạn nhận thấy mũi đang chảy ra nước mũi màu vàng đặc, điều này là biểu hiện của tính nghiêm trọng hơn về sức khỏe.

Hiện tượng này được lý giải là khi cơ thể đang bị một số lượng lớn tác nhân gây bệnh tấn công, hoạt động của hệ miễn dịch cũng bị kích hoạt mạnh mẽ và nó bắt đầu phái một “đội quân” khổng lồ gồm hàng loạt các tế bào bạch cầu đến khu vực nhiễm khuẩn nhằm mục đích chống lại mầm bệnh. Khi đó, màu sắc của lượng lớn tế bào bạch cầu này sẽ khiến nước mũi có phần đặc và màu vàng đậm hơn, thậm chí dần ngả sang màu xanh.

4. Khi nào bạn nên đi khám tại bệnh viện khi gặp tình trạng nước mũi màu vàng?

Khi hỉ mũi ra nước màu vàng và loãng, cơ thể bạn đang không gặp nhiều nguy cơ nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe. Ở thời gian này, hệ miễn dịch hoàn toàn có đủ sức chống lại các tác nhân gây bệnh trong khoảng thời gian nhất định tùy theo bệnh lý:

  • Đối với cảm lạnh, bệnh thường kéo dài khoảng 7 đến 10 ngày.
  • Đối với cúm do tác nhân là virus, sau khoảng 5 đến 7 ngày bệnh nhân sẽ khỏi bệnh.
  • Đối với bệnh do vi khuẩn, cơ thể cần nhiều thời gian để kháng lại hơn, do đó bệnh sẽ kéo dài khoảng 7 đến 10 ngày, đôi khi lâu hơn.

Tuy nhiên, trong trường hợp nước mũi màu vàng đặc đi kèm với các triệu chứng sau, bạn cần đến gặp bác sĩ sớm để có các kiểm tra cụ thể về sức khỏe:

  • Triệu chứng sốt dài ngày, kéo dài liên tiếp 3 - 4 ngày mà không có dấu hiệu giảm, hoặc sốt nhiều đợt.
  • Đầu đau nhức dữ dội, cơn đau tập trung ở khu vực sau mắt hay xung quanh mắt, khi cúi xuống, cường độ đau tăng cường hơn, kèm theo đau ở sau gáy.
  • Mắt rất nhạy cảm với ánh sáng và tâm trạng bất thường, thường xuyên cáu giận vô cớ.
  • Liên tục buồn nôn và nôn mửa,...

Những triệu chứng trên là dấu hiệu cho thấy tình trạng nhiễm trùng của bạn có khả năng đã lan đến vùng tai và nghiêm trọng hơn là não bộ.

5. Khắc phục tình trạng chảy nước mũi màu vàng tại nhà

Bạn có thể tự khắc phục vấn đề nước mũi màu vàng trong thời gian nhanh hơn so với thời gian bệnh trung bình bằng một số giải pháp như:

  • Thiết kế một chế độ nghỉ ngơi hợp lý và khoa học, để cơ thể có thời gian thư giãn cũng như hồi phục lại các tế bào miễn dịch.
  • Uống nước nhiều hơn so với thường ngày, ngoài ra, bạn cũng có thể tự bổ sung chất điện giải.
  • Nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý thường xuyên hơn để hỗ trợ tiêu diệt mầm bệnh và làm loãng phần dịch nhầy trong mũi.
  • Một số loại thuốc không kê đơn sẽ hữu ích trong trường hợp này gồm thuốc chống dị ứng, thuốc cảm cúm, thuốc giảm đau, các loại thuốc xịt để thông mũi.
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây hại mạnh mẽ đến đường hô hấp như khói thuốc lá, chất độc hại, bụi bẩn,...

Nhìn chung, tình trạng chảy nước mũi màu vàng là một hiện tượng thường thấy khi cơ thể đang bị tấn công bởi tác nhân gây hại và đang chống trả lại chúng. Tuy nhiên, khi nước mũi trở nên đặc hơn kèm theo các triệu chứng đau sốt kéo dài, hãy tìm gặp bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.

Đừng quên theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.

Bài viết tham khảo: hellobacsi.com, trungtamytemongcai.vn, medlatec.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan