Bệnh viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu có lây không?

Bản thân viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu không truyền nhiễm. Tuy nhiên, vi khuẩn streptococcus nhóm A - nguyên nhân gây bệnh có thể lây từ người sang người. Do đó, cách tốt nhất để tránh mắc viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu là giữ gìn vệ sinh tốt và khuyến khích mọi người cũng làm điều tương tự.

1. Nguyên nhân

Viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn liên cầu (Post-streptococcal glomerulonephritis - PSGN) là một di chứng muộn qua trung gian miễn dịch của viêm họng hoặc nhiễm trùng da. Miễn dịch qua trung gian là một phản ứng miễn dịch không liên quan đến kháng thể.

Bệnh do các chủng Streptococcus pyogenes, còn gọi là S. pyogenes / Streptococcus nhóm A / strep, gây ra. Theo số liệu báo cáo, các trường hợp viêm cầu thận cấp sau nhiễm vi khuẩn streptococci nhóm C gây ra là rất hiếm.

S. pyogenes là cầu khuẩn gram dương, phát triển theo chuỗi. Chúng biểu hiện tiêu huyết beta (tan máu hoàn toàn) khi được nuôi cấy trên môi trường thạch máu cách ly. Loại vi khuẩn này thuộc nhóm A trong hệ thống phân loại Lancefield cho Streptococcus-tán huyết, do đó còn được gọi là streptococci nhóm A.

2. Đặc điểm

Các dấu hiệu nhận biết viêm cầu thận cấp tính sau nhiễm liên cầu khuẩn bao gồm:

  • Phù, chủ yếu ở mặt và bọng mắt, đặc biệt là vào buổi sáng sau khi thức dậy;
  • Tăng huyết áp;
  • Protein niệu;
  • Tiểu máu vĩ mô, biểu hiện nước tiểu màu sẫm, nâu đỏ;
  • Người lơ mơ, mệt mỏi hoặc chán ăn.

Về cận lâm sàng, kiểm tra trong phòng thí nghiệm thường cho thấy:

  • Thiếu máu đẳng sắc hồng cầu mức độ nhẹ;
  • Giảm protein máu nhẹ;
  • Tăng nitơ urê máu và creatinin;
  • Tốc độ lắng hồng cầu tăng cao;
  • Tan máu toàn phần và bổ thể C3 thấp.

Bệnh nhân thường có lượng nước tiểu giảm. Kiểm tra nước tiểu cho thấy protein (khoảng < 3 gram mỗi ngày) và huyết sắc tố có chất thải hồng cầu.

Có trường hợp vẫn tìm ra các chỉ số cận lâm sàng của viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu dù dấu hiệu bên ngoài là rất nhẹ, đến mức người bệnh không cần đến chăm sóc y tế.

benh-viem-cau-than-sau-nhiem-lien-cau-co-lay-khong-1
Protein niệu sau viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu

3. Sau nhiễm khuẩn liên cầu viêm cầu thận có lây không?

Là một di chứng muộn của nhiễm trùng strep nhóm A, bản thân bệnh viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu không truyền nhiễm. Tuy nhiên, mọi người thường lây lan strep nhóm A từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp.

Thông thường, con đường lây truyền chính là qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi từ người nhiễm bệnh. Những bệnh nhân biểu hiện triệu chứng sẽ có khả năng truyền vi khuẩn cao hơn nhiều so với người mang mầm bệnh nhưng không triệu chứng. Các nơi tập trung đông đúc - chẳng hạn như trường học, trung tâm giữ trẻ, hoặc trại huấn luyện quân sự - thường tạo điều kiện cho vi khuẩn lây truyền.

Mặc dù hiếm gặp, nhưng nhiễm trùng strep nhóm A cũng có thể lây lan thông qua thực phẩm nếu không được xử lý đúng cách. Các vật có thể mang mầm bệnh thường thấy như đồ gia dụng, đĩa hoặc đồ chơi lại rất khó có khả năng lây lan loại vi khuẩn này. Con người là ổ chứa chính của strep nhóm A và không có bằng chứng nào cho thấy thú cưng có thể truyền vi khuẩn sang người.

Viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu xảy ra sau một khoảng thời gian ủ bệnh khoảng 10 ngày, tính từ khi khỏi viêm họng liên cầu nhóm A. Như vậy, viêm cầu thận cấp thường xuất hiện sau khoảng 3 tuần bắt đầu nhiễm liên cầu khuẩn strep.

4. Các yếu tố rủi ro

Các yếu tố nguy cơ của viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu cũng giống như đối với viêm họng hoặc chốc lở do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A. Bệnh phổ biến hơn ở trẻ em, tuy nhiên cũng có thể xảy ra ở người lớn. Viêm cầu thận cấp liên quan đến viêm họng phổ biến nhất ở trẻ em trong độ tuổi mới đi học, còn bệnh sau nhiễm trùng da lại thường gặp ở các bé trong độ tuổi mẫu giáo.

Không có yếu tố rủi ro cụ thể của viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên nếu một chủng vi khuẩn gây bệnh thận nhóm A xâm nhập vào hộ gia đình.

Một nghiên cứu vào năm 1960 cho thấy tỷ lệ phát triển viêm cầu thận cấp sau khi bị viêm họng hoặc nhiễm trùng da do chủng nephritogen nhóm A là từ 10 - 15%. Ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 470.000 trường hợp mắc viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu và 5.000 trường hợp tử vong.

5. Chẩn đoán và điều trị

Để chẩn đoán phân biệt viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu, cần dựa trên nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp là do nhiễm trùng hay không nhiễm trùng. Thông qua xét nghiệm cũng có thể phát hiện:

  • Vi khuẩn strep nhóm A từ cổ họng;
  • Phân lập strep nhóm A từ tổn thương da;
  • Kháng thể liên cầu khuẩn tăng cao.

Điều trị viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu tập trung vào việc kiểm soát tăng huyết áp và phù nề. Ngoài ra, bệnh nhân nên dùng penicillin (tốt nhất là penicillin G benzathine) để loại bỏ chủng khuẩn gây bệnh thận, giúp ngăn chặn lây lan sang người khác.

Tiên lượng của viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu ở trẻ em là rất tốt, hơn 90% bệnh nhi hồi phục hoàn toàn. Người lớn bị viêm cầu thận cấp do nhiễm liên cầu khuẩn có nhiều nguy cơ diễn tiến xấu do suy giảm chức năng thận.

6. Phòng ngừa

benh-viem-cau-than-sau-nhiem-lien-cau-co-lay-khong-2
Rửa tay với xà phòng ngăn ngừa nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A

Thuốc kháng sinh không có tác dụng ngăn ngừa viêm cầu thận cấp phát triển ở những người bị nhiễm liên cầu khuẩn (gây bệnh chốc lở hoặc viêm họng). Vì vậy, điều quan trọng là phải ngăn ngừa nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A hoặc viêm họng. Tuy nhiên, điều trị bệnh nhân viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu bằng kháng sinh có thể ngăn chặn một chủng vi khuẩn gây bệnh thận di truyền trong gia đình.

Vệ sinh tay và hệ hô hấp mũi - họng là cách giảm sự lây lan của tất cả các loại nhiễm trùng strep nhóm A. Rửa tay với xà phòng đặc biệt quan trọng sau khi ho và hắt hơi, cũng như trước khi nấu ăn hoặc dùng bữa. Cần che miệng khi hắt hơi hoặc ho bằng khuỷu tay hoặc khăn. Người bị nhiễm bệnh cần điều trị bằng kháng sinh trong ít nhất 24 giờ để loại trừ khả năng lây truyền vi khuẩn. Vì vậy, những người bị viêm họng hoặc chốc lở do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A nên ở nhà, không đi làm, đi học hoặc đến nhà trẻ cho đến khi:

  • Không còn sốt và mệt mỏi;
  • Đã được điều trị bằng kháng sinh thích hợp ít nhất 24 giờ.

Viêm cầu thận cấp do nhiễm liên cầu khuẩn là di chứng phát triển chậm của viêm họng hoặc nhiễm trùng da, gây ra bởi các chủng S. pyogenes. Khi đã tiến triển thành viêm cầu thận cấp thì không thể lây lan, nhưng người bị viêm họng hoặc chốc lở do nhiễm liên cầu khuẩn trước đó có thể truyền vi khuẩn sang cho người khác. Giữ vệ sinh tay, che mũi miệng khi ho và hắt hơi, cách ly người bệnh viêm họng hoặc nhiễm trùng da, kết hợp với điều trị bằng kháng sinh từ 24h trở lên có thể ngăn ngừa truyền bệnh giữa các thành viên có liên hệ gần gũi trong gia đình và cộng đồng.

Bản thân viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu không truyền nhiễm. Tuy nhiên, vi khuẩn streptococcus nhóm A - nguyên nhân gây bệnh có thể lây từ người sang người. Vì thế người mắc các bệnh lý về hô hấp như viêm họng hay nhiễm trùng da cần chú ý, hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan sang cộng đồng. Theo đó cần đến các trung tâm y tế để thăm khám và có hướng điều trị bệnh phù hợp, tránh để các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Nguồn tham khảo: cdc.gov, ada.com

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan