Bệnh phù: Nguyên nhân và biểu hiện bệnh lý

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK I Nguyễn Hồng Phúc - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Bệnh phù là chỉ tình trạng tăng lượng dịch ngoài tế bào và lượng dịch ngoài mạch máu. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Biểu hiện bệnh phù cũng được phân chia thành nhiều loại dựa trên đặc điểm và tính chất phù.

1. Bệnh phù là gì?

Bệnh phù là hiện tượng có quá nhiều dịch trong các tổ chức đệm và trong các hốc tự nhiên của cơ thể con người. Bệnh có thể chỉ khu khú tại một vài tổ chức, cơ quan của cơ thể hoặc có thể phù toàn thân. Phù khu trú có thể kể đến các loại như phù não, phù phổi, phù xung quanh hốc mắt.

2. Tính chất của dịch phù

Dịch phù có bản chất là dịch nhớt, có màu vàng nhạt trong suốt, gần giống với huyết tương nhưng chứa ít albumin hơn. Y học chia dịch phù thành 2 loại là dịch rỉ và dịch thấm.

2.1 Dịch rỉ

Là dịch phù có chứa nhiều protein và các tế bào máu, thường gặp trong các trường hợp viêm nhiễm, khi có các tổn thương nội mô lớn, khiến albumin thoát ra, đôi khi kèm theo các hồng cầu.

Dịch phù
Dịch phù có màu vàng nhạt trong suốt, gần giống với huyết tương

2.2 Dịch thấm

Dịch thấm là dịch phù có chứa ít protein và ít các tế bào hơn so với dịch rỉ. Bản chất của dịch này là sự siêu lọc huyết tương, do tổn thương nội mô rất nhỏ, các phân tử albumin to không thể qua được. Do đó, dịch phù chứa ít albumin, dịch này thường nằm trong tổ chức.

3. Nguyên nhân bệnh phù là gì?

Mỗi nguyên nhân bệnh phù sẽ có cơ chế gây phù khác nhau. Phân loại nguyên nhân bệnh phù dựa trên cơ chế gồm:

3.1 Bệnh phù do tăng áp lực thuỷ tĩnh

3.1.1 Phù do viêm

Dịch viêm rò rỉ qua thành mạch do hiện tượng tăng tính thấm thành mạch từ nhiều yếu tố: Tác động của chất trung gian hoá học, thiếu oxy do máu chảy chậm làm tổn thương tế bào nội mô, sự kết dính của tế bào bạch cầutiểu cầu vào thành mạch, tăng áp lực thuỷ tĩnh của mạch máu ngoại vi (đây là nguyên nhân quan trọng nhất làm tăng vận chuyển dịch từ lòng mạch ra ngoài mô đệm và gây phù).

3.1.2 Phù do cao huyết áp

Huyết áp cao làm tăng áp lực trong lòng động mạch khiến dịch vị vận chuyển ra ngoài nhiều hơn và gây phù.

Cao huyết áp
Huyết áp cao là nguyên nhân gây ra phù

3.1.3 Phù do suy tim

Phù do suy tim hay còn gọi là phù do ứ máu. Suy tim làm tăng áp lực của tĩnh mạch chủ đến các tĩnh mạch ngoại biên, làm tổn thương thành mạch dẫn đến tăng tính thấm thành mạch gây phù (phù do xung huyết thụ động).

3.2 Bệnh phù do giảm áp lực keo

  • Phù gan: Do thiếu albumin, giảm quá trình tổng hợp protein.
  • Phù thận: Thiếu albumin do bài tiết nhiều protein ra ngoài theo đường nước tiểu, gặp trong các bệnh thận mạn tính.

3.3 Bệnh phù do tắc nghẽn bạch huyết

Phù do tắc nghẽn bạch huyết thường hiếm xảy ra.

  • Phù do tắc nghẽn bạch huyết thường hay gặp trong tình trạng tắc mạch lympho do khối u hoặc tắc mạch do viêm mạn tính.
  • Ở các nước Châu Phi, nhiễm ký sinh trùng như giun chỉ sẽ gây tắc nghẽn đường bạch huyết chi dưới khiến chân bệnh nhân phù to như chân voi.
Phù mạch bạch huyết
Phù do tắc nghẽn bạch huyết gọi là phù mạch bạch huyết

3.4 Bệnh phù do tăng khối lượng máu do ứ muối và nước

Muối và nước được bài tiết ra ngoài phụ thuộc vào hệ thống điều chỉnh phức tạp, trên cơ sở tác động của renin, angiotensin và aldosteron. Bệnh nhân mắc bệnh thận sẽ làm tăng tiết renin, kích thích hình thành angiotensin tác động lên vỏ thượng thận giải phóng aldosterone, làm tăng cường giữ muối nước gây phù.

4. Biểu hiện bệnh phù

Dấu hiệu đầu tiên của phù được nhận biết bằng cách dùng ngón tay cái ấn vào da ở mặt trong xương chày trong 10 – 20 giây, nếu vết lõm xuất hiện và tồn tại lâu nghĩa là có hiện tượng có phù.

4.1 Biểu hiện bệnh phù khu trú

  • Phù ở 1 chi là hậu quả của tình trạng viêm tắc tĩnh mạch, chèn ép tĩnh mạch hoặc có phù bạch huyết. Phù loại này thường có tổn thương da đi kèm (loét da, viêm da...).
  • Phù do viêm: Bệnh phù thường kèm theo tình trạng nóng, đỏ.
  • Phù thoáng qua ở mặt hoặc có khi lan xuống lưỡi và niêm mạc mũi họng là dấu hiệu điển hình của tình trạng phù dị ứng (hay còn gọi là phù Quincke).
  • Phù “áo choàng”: thường gặp trong chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên, khi chèn ép tĩnh mạch chủ dưới thì sẽ gây phù ở chi dưới.

4.2 Biểu hiện bệnh phù toàn thân

  • Phù do tim: Kèm theo khó thở, nếu khó thở khi nằm có thể là do huyết ứ ở phổi và ứ ở tĩnh mạch.
  • Phù do thận: Biểu hiện bệnh phù thường rõ nhất vào buổi sáng ở mặt và ở mi mắt.
  • Phù mặt trong viêm màng ngoài tim co thắt
  • Phù do xơ gan thường kèm theo hiện tượng cổ trướng, phù ở chi dưới và tràn dịch tại màng tinh hoàn.
xơ hóa gan
Xơ gan là biểu hiện của bệnh phù

5. Đặc điểm phù của tình trạng phù

  • Phù mới mắc thường có đặc điểm là phù mềm, có thể ấn lõm. Phù mãn tính thường trở nên rắn và khó ấn lõm hơn.
  • Phù do nguyên nhân tắc mạch bạch huyết có đặc điểm là không lõm và có thể rất rắn.
  • Phù có kèm theo triệu chứng xanh tím tại chỗ thường là phù do tắc tĩnh mạch.
  • Phù tim thường có biểu hiện xanh tím toàn thân.
  • Phù trong hội chứng thận hư hay phù do mức protein trong máu thấp có đặc điểm là phù trắng, mềm.
  • Phù niêm thường gặp trong thiểu năng tuyến giáp, đây không phải là bệnh phù thực sự mà bản chất là toàn bộ da bị dày lên, da lạnh, thô ráp và khô hơn bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

81.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan