Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới được thực hiện để làm rõ về mối liên hệ giữa bệnh nướu răng và bệnh tim mạch. Dựa vào các kết quả nghiên cứu có thể kết luận rằng, điều trị bệnh nướu răng có thể giúp làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
1. Tìm hiểu về bệnh nướu răng và bệnh tim mạch
1.1 Bệnh nướu răng là gì?
Bệnh nướu răng còn được gọi là bệnh nha chu, tình trạng viêm nướu mãn tính hỗn hợp đa yếu tố ảnh hưởng đến 10 – 15% dân số trên thế giới. Nó có thể dẫn đến sự phá hủy của nướu, răng và các mô xương giữ chúng tại chỗ trong xương hàm. Bệnh nướu răng làm giảm chất lượng cuộc sống do giảm khả năng ăn nhai, ảnh hưởng tính thẩm mỹ và cuối cùng có thể gây ra mất răng.
Bệnh nướu răng bắt đầu bằng sự tích tụ vi khuẩn trong mảng bám răng. Mảng bám răng là một màng sinh học, trong đó có đến hơn 700 loại vi khuẩn cùng bám dính trên bề mặt răng để tồn tại và tránh những cơ chế bảo vệ của ký chủ, ước tính có trên 10 tỷ vi khuẩn trong 1 mg mảng bám răng. Bình thường, các vi sinh vật này chung sống hòa bình với ký chủ. Khi có những sự thay đổi trong môi trường miệng, như suy giảm đề kháng của ký chủ, mảng bám dày quá mức,... sẽ xảy ra sự rối loạn hệ vi sinh vật làm tăng đáp ứng viêm – miễn dịch chống vi khuẩn gây hại. Đáp ứng viêm này dẫn đến sự bám dính của răng vào nướu và khung xương hàm trở nên lỏng lẻo, làm cho khe nướu sâu thêm trở thành túi nướu, tạo một môi trường phù hợp cho sự tăng sinh của vi khuẩn gây bệnh nướu răng.
1.2. Bệnh tim mạch là gì?
Bệnh tim mạch là các rối loạn của tim và mạch máu, bao gồm nhiều bệnh lý từ cao huyết áp đến nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch ngoại biên, đau thắt ngực, suy tim và đột quỵ,... Sinh bệnh học của tất cả những bệnh tim mạch này đều liên quan bệnh xơ vữa mạch máu. Các nguyên nhân chính của bệnh tim mạch là lối sống không lành mạnh, sử dụng thuốc lá, ít hoạt động thể lực, chế độ ăn uống không khoa học và lạm dụng rượu bia. Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh tim mạch, họ sẽ chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh, mức độ nghiêm trọng và thời gian của các triệu chứng cũng như kết quả khám sức khỏe. Sau đây là các triệu chứng phổ biến của bệnh tim mạch:
- Đau thắt ngực do tim không được cung cấp máu đầy đủ;
- Nhịp tim không đều;
- Khó thở, hay chóng mặt, choáng váng,;
- Phù nề thường gặp trong suy tim,...
2. Mối liên hệ giữa bệnh nướu răng và bệnh tim mạch
Bệnh nướu răng là một bệnh nhiễm trùng mãn tính do vi khuẩn gây ảnh hưởng đến các cấu trúc mềm và cứng khác nhau hỗ trợ răng. Các chuyên gia thấy rằng có mối liên hệ giữa bệnh nướu răng và các bệnh tim mạch nhưng cho đến gần đây các kết quả nghiên cứu mới dần làm sáng tỏ. Theo hai nghiên cứu đáng tin cậy, các nhà khoa học thấy rằng bệnh nướu răng có liên quan đến tỷ lệ đột quỵ cao hơn do xơ cứng các động mạch lớn trong não và tắc nghẽn động mạch nghiêm trọng mà chưa gây ra triệu chứng trước đó. Các nghiên cứu khác cho thấy rằng điều trị bệnh nướu răng cùng với sự điều chỉnh các yếu tố nguy cơ khác có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Các bệnh tim mạch, bao gồm cả đột quỵ là những bệnh gây ra bởi sự phối hợp của nhiều yếu tố nguy cơ và bệnh nướu răng là một trong số các yếu tố đó. Lý do chính là bệnh nướu răng gây ra tình trạng viêm kéo dài làm rối loạn chức năng nội mô mạch máu và gây ra hiện tượng xơ vữa mạch máu. Đồng thời, các vi khuẩn gây bệnh nướu răng bị phóng thích vào dòng máu, làm tăng các yếu tố hóa học trung gian dẫn đến bệnh thành mạch, tăng đông máu do kết tụ tiểu cầu dễ dẫn đến huyết khối, đột quỵ. Nhìn chung, cho đến nay có thể kết luận rằng điều trị bệnh nướu răng có thể giúp làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
3. Đẩy lùi bệnh nướu răng
Bạn có thể áp dụng các thói quen sau để duy trì vệ sinh răng miệng, giảm nguy cơ mắc bệnh nướu răng:
- Đánh răng và lưỡi của bạn ít nhất hai lần mỗi ngày bằng kem đánh răng có chứa fluor, hỏi ý kiến nha sĩ để được hướng dẫn kỹ thuật chải răng đúng cách.
- Duy trì thói quen dùng chỉ nha khoa, sử dụng nước súc miệng thường xuyên.
- Không hút thuốc hoặc nhai thuốc lá.
- Uống nước có chứa florua.
- Thực hiện chế độ ăn nhiều rau, thực phẩm giàu chất xơ, trái cây ít đường và đạm từ thực vật.
- Gặp nha sĩ 2 lần mỗi năm để lấy cao răng và kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Hiểu được mối liên quan giữa bệnh nướu răng và bệnh tim mạch giúp mọi người ý thức được tầm quan trọng của sức khỏe răng miệng. Hãy lưu ý đến các dấu hiệu ban đầu của bệnh nướu răng, chẳng hạn như chảy máu nướu răng và hơi thở có mùi liên tục. Hãy đi kiểm tra sức khỏe răng miệng và cho nha sĩ biết nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào vừa kể trên. Bên cạnh đó, mọi người cần duy trì lối sống lành mạnh như ngừng hút thuốc, thay đổi thói quen vệ sinh răng miệng, lấy cao răng định kỳ mỗi 6 tháng, có chế độ dinh dưỡng cân bằng, theo dõi đường huyết đều đặn... để giảm thiểu rủi ro đối với các bệnh tim mạch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com