Bệnh thần kinh tiểu đường: Chẩn đoán, điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh thần kinh tiểu đường là tổn thương dây thần kinh trên toàn cơ thể, xảy ra do đường huyết tăng cao. Bệnh được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng cơ năng và không có cách điều trị biến chứng thần kinh tiểu đường khỏi hoàn toàn.

1. Chẩn đoán thần kinh tiểu đường

Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh thần kinh tiểu đường bằng cách kiểm tra thể chất và xem xét cẩn thận các triệu chứng, cũng như khai thác lịch sử y tế của bệnh nhân. Cụ thể, bạn sẽ được kiểm tra:

  • Sức mạnh, sức căng và khả năng trương lực cơ bắp;
  • Phản xạ của gân cơ;
  • Cảm nhận xúc giác và độ rung của âm thoa.

Song song đó, bác sĩ cũng thực hiện các xét nghiệm cụ thể để giúp chẩn đoán bệnh thần kinh tiểu đường, như:

  • Thử nghiệm sợi cước: Bác sĩ sẽ chải một sợi nylon mềm (sợi cước) lên các vùng da của bệnh nhân để kiểm tra độ nhạy cảm khi chạm vào;
  • Thử nghiệm cảm giác: Là thử nghiệm không xâm lấn, cho biết phản ứng của dây thần kinh với độ rung và thay đổi nhiệt độ (nóng/lạnh);
  • Xét nghiệm dẫn truyền thần kinh: Đo tốc độ dẫn tín hiệu điện của các dây thần kinh ở tay và chân. Thử nghiệm này cũng thường được sử dụng trong chẩn đoán hội chứng ống cổ tay;
  • Điện cơ: Thử nghiệm này đo phóng điện do cơ bắp sản xuất và nghiên cứu dẫn truyền thần kinh;
  • Kiểm tra tự động: Các xét nghiệm đặc biệt nhằm xác định sự thay đổi huyết áp và khả năng đổ mồ hôi khi bệnh nhân thực hiện các tư thế khác nhau.
Điện cơ
Xét nghiệm điện cơ giúp nghiên cứu dẫn truyền thần kinh

2. Điều trị biến chứng thần kinh tiểu đường

Bệnh thần kinh tiểu đường không có cách chữa khỏi triệt để. Mục tiêu của điều trị biến chứng thần kinh tiểu đường là:

2.1. Làm chậm tiến triển của bệnh

Luôn giữ lượng đường trong máu ổn định là chìa khóa để ngăn ngừa hoặc trì hoãn tổn thương thần kinh. Quản lý đường huyết tốt thậm chí còn cải thiện một số triệu chứng hiện tại. Bác sĩ sẽ tìm ra mức đường huyết mục tiêu cho bệnh nhân dựa trên độ tuổi, thời gian bị tiểu đường và sức khỏe tổng thể.

Lượng đường trong máu tối ưu sẽ khác nhau ở từng cá nhân. Nhìn chung, Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến nghị lượng đường huyết mục tiêu cho hầu hết người mắc bệnh tiểu đường như sau:

  • Từ 80 - 130 mg/dL, tương đương 4,4 - 7,2 mmol/L trước bữa ăn;
  • Thấp hơn 180 mg/dL (10,0 mmol/L) vào hai giờ sau bữa ăn.

Một số chuyên gia khuyến khích lượng đường trong máu thấp hơn ở hầu hết người trẻ tuổi mắc bệnh tiểu đường, và cao hơn đối với người lớn tuổi có nguy cơ gặp biến chứng do đường huyết thấp. Cụ thể, lượng đường trong máu trước bữa ăn thường được khuyến nghị là:

  • Từ 80 - 120 mg/dL (4,4 - 6,7 mmol/L) cho người bệnh từ 59 tuổi trở xuống và không có mắc bệnh nào khác;
  • Từ 100 - 140 mg/dL (5,6 - 7,8 mmol/L) đối với người bệnh từ 60 tuổi trở lên hoặc có mắc các bệnh tim, phổi, thận.

Ngoài ra, kiểm soát huyết áp, duy trì cân nặng khỏe mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên cũng là lưu ý quan trọng để làm chậm hoặc ngăn ngừa biến chứng thần kinh tiểu đường trở nên tồi tệ hơn.

Đo chỉ số Glucose trong máu để xác định xem mình có mắc bệnh tiểu đường không
Luôn giữ lượng đường trong máu ổn định nhằm làm chậm tiến triển của bệnh

2.2. Giảm đau

Có nhiều loại thuốc kê toa cho bệnh đau thần kinh tiểu đường, nhưng tác dụng sẽ khác nhau ở mỗi cá nhân. Trước khi muốn dùng thử bất kỳ loại thuốc nào, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về những lợi ích và tác dụng phụ có thể xảy ra, từ đó tìm ra lựa chọn phù hợp nhất.

Những loại thuốc giảm đau theo toa bao gồm:

Một số thuốc điều trị rối loạn co giật (động kinh) cũng được sử dụng để giảm đau thần kinh, chẳng hạn như pregabalin (Lyrica). Gabapentin (Gralise, Neurontin). Tác dụng phụ có thể gặp là buồn ngủ, chóng mặt và sưng.

  • Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm cũng có tác dụng giảm đau thần kinh, ngay cả khi bạn không bị trầm cảm. Ví dụ, thuốc chống trầm cảm ba vòng giúp giảm đau thần kinh nhẹ đến trung bình, như: amitriptyline, desipramine (Norpramin) và imipramine (Tofranil). Tác dụng phụ có thể gây khó chịu, khô miệng và buồn ngủ.

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI) cũng là một loại thuốc chống trầm cảm giúp giảm đau thần kinh tiểu đường, lại ít tác dụng phụ hơn. Loại được khuyến cáo là duloxetine (Cymbalta) và venlafaxine (Effexor XR). Các tác dụng phụ bao gồm: buồn nôn, buồn ngủ, chóng mặt, giảm cảm giác ngon miệng và táo bón.

  • Thuốc giảm đau không kê đơn

Đôi khi, thuốc chống trầm cảm có thể kết hợp với thuốc chống động kinh và thuốc giảm đau, chẳng hạn như các loại không kê đơn acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil, Motrin IB) hoặc miếng dán giảm đau ngoài da có chất gây tê.

Uống thuốc chống trầm cảm sau sinh
Thuốc chống trầm cảm giúp giảm đau ở bệnh nhân biến chứng thần kinh tiểu đường

2.3. Kiểm soát biến chứng và phục hồi chức năng

Để kiểm soát các biến chứng tiểu đường, bạn sẽ cần được chăm sóc bởi nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, bác sĩ tiết niệu và bác sĩ tim mạch sẽ giúp ngăn ngừa hoặc điều trị biến chứng thần kinh tiểu đường.

Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào biến chứng liên quan đến bệnh lý thần kinh mà bạn gặp phải, cụ thể:

  • Vấn đề đường tiết niệu

Một số loại thuốc sẽ ảnh hưởng đến chức năng bàng quang, vì vậy bác sĩ có thể đề nghị dừng hoặc thay đổi thuốc. Bệnh nhân nên tuân thủ lịch trình đi tiểu nghiêm ngặt hoặc đi tiểu trong vài giờ, kết hợp ấn nhẹ vào khu vực bàng quang (bên dưới bụng). Tự đặt ống thông cũng là một phương pháp cần thiết để bài tiết nước tiểu dễ dàng hơn ở người bệnh.

  • Vấn đề tiêu hóa

Để làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng, bao gồm khó tiêu, ợ hơi, buồn nôn hoặc nôn, bệnh nhân được khuyên chia nhỏ bữa và ăn thường xuyên hơn. Thay đổi chế độ ăn uống, kết hợp với một số loại thuốc có thể giúp giảm đau bụng, tiêu chảy, táo bón và buồn nôn.

  • Huyết áp thấp khi đứng

Điều trị hạ huyết áp thế đứng đơn giản bằng cách thay đổi lối sống, như tránh uống rượu, uống nhiều nước, ngồi đúng tư thế hoặc đứng lên chậm rãi. Nâng đầu giường 15 - 25cm giúp ngăn ngừa rối loạn huyết áp khi ngủ. Một số loại thuốc cũng có thể được chỉ định để điều trị hạ huyết áp thế đứng.

  • Rối loạn chức năng tình dục

Thuốc uống hoặc tiêm có thể cải thiện chức năng tình dục ở một số nam giới bị rối loạn cương dương do biến chứng thần kinh tiểu đường, nhưng cần có chỉ định của bác sĩ. Các thiết bị chân không cơ học cũng có thể làm tăng lưu lượng máu đến dương vật. Đối với phụ nữ, có thể dùng chất bôi trơn âm đạo để được hỗ trợ.

Rối loạn cương dương
Nam giới bị biến chứng rối loạn cương dưỡng cần được chỉ định uống hoặc tiêm thuốc cải thiện chức năng tình dục

3. Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Những biện pháp sau đây có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh thần kinh tiểu đường:

  • Kiểm soát huyết áp: Nếu bị huyết áp cao và bệnh tiểu đường, bạn có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn. Cố gắng giữ huyết áp trong phạm vi cho phép và kiểm tra mỗi lần đi khám định kỳ;
  • Lựa chọn thực phẩm lành mạnh: Một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều loại thực phẩm lành mạnh - đặc biệt là rau, trái cây và ngũ cốc cũng như đảm bảo kích thước khẩu phần phù hợp sẽ giúp bạn duy trì trọng lượng khỏe mạnh;
  • Năng động luyện tập mỗi ngày: Tập thể dục giúp hạ đường huyết, cải thiện lưu lượng máu và giữ cho trái tim khỏe mạnh. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến nghị mọi người lớn mắc bệnh tiểu đường nên tập thể dục cường độ vừa phải 150 phút mỗi tuần. Vận động nhẹ nhàng cũng là cách tốt để thư giãn sau mỗi 30 phút ngồi tại chỗ. Nên hỏi ý kiến bác sĩ vật lý trị liệu trước khi bắt đầu tập thể dục. Nếu bạn bị giảm cảm giác ở chân, một số loại bài tập như đi bộ có thể an toàn hơn. Nếu bạn bị chấn thương bàn chân hoặc đau, hãy tập những động tác không yêu cầu phải dồn trọng lượng lên bàn chân đang bị thương của bạn.
  • Bỏ thuốc lá: Tiếp xúc với khói thuốc dưới mọi hình thức làm tăng nguy cơ lưu thông tuần kém ở bàn chân. Nếu bạn nghiện thuốc lá, hãy yêu cầu bác sĩ hướng dẫn cách bỏ thuốc.
Tập thể dục hàng ngày
Tập thể dục hàng ngày giúp hạ đường huyết

4. Liệu pháp thay thế

Ngoài ra còn có nhiều phương pháp điều trị thay thế có thể giúp giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên bạn cần lưu ý hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ liệu pháp mới nào để tránh tương tác thuốc. Đối với bệnh thần kinh tiểu đường, bạn có một số lựa chọn sau:

  • Kem capsaicin bôi da: Làm giảm cảm giác đau. Tác dụng phụ bao gồm nóng rát và kích ứng da;
  • Axit alpha-lipoic: Chất chống oxy hóa mạnh giúp giảm các triệu chứng đau thần kinh;
  • Acetyl-L-Carnitine: Chất dinh dưỡng vừa được cơ thể sản xuất tự nhiên, vừa được thêm vào viên uống bổ sung, có tác dụng giảm đau thần kinh;
  • Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS): Ngăn chặn tín hiệu đau đến não bằng cách đặt các điện cực nhỏ trên da, truyền xung điện cho dây thần kinh cụ thể;
  • Châm cứu: Giúp giảm đau do bệnh lý thần kinh và thường không có tác dụng phụ, nhưng cần kiên trì thực hiện liệu pháp nhiều lần để có được kết quả.
Châm cứu
Châm cứu là liệu pháp giúp giảm đau do bệnh lý thần kinh gây ra

Phòng ngừa bệnh thần kinh tiểu đường cũng là cách để làm chậm diễn tiến bệnh, quan trọng nhất là chăm sóc bàn chân đúng cách. Biến chứng thần kinh tiểu đường tuy hiếm gây ra tử vong, nhưng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống. Vì thế, bạn nên điều trị tích cực tiểu đường ngay từ lúc mới chẩn đoán. Nếu đã có biến chứng tiểu đường, bệnh nhân rất cần sự chăm sóc và hỗ trợ từ bác sĩ cũng như gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan