Bạn nên làm gì khi bước sang độ tuổi 50? Những điều tuổi 50 cần biết

Duy trì hoạt động thể chất và tinh thần sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt hơn, trẻ trung hơn, đặc biệt là khi bạn bước sang độ tuổi 50 - thời điểm những dấu hiệu lão hóa đã khá rõ ràng. Tuổi 50 cần biết gì, nên làm gì? Bạn đọc hãy cùng tham khảo những lời khuyên hữu ích.

1. Bảo vệ làn da

Khi bước sang tuổi 50, khả năng nổi mụn của bạn sẽ giảm đi rất nhiều. Đó là do da bạn ngày càng khô nên các nốt mụn ít xuất hiện hơn. Tuy nhiên, tình trạng mất cơ, xương và mỡ dưới da cùng những thay đổi về elastin và collagen sẽ làm hình thành các nếp nhăn trên da, đặc biệt là nếu bạn hút thuốc hoặc phơi nắng nhiều. Để khắc phục, bạn hãy sử dụng các sản phẩm retinol được bác sĩ chỉ định như: Retin-A hoặc Renova. Các loại kem này giúp phục hồi làn da bị tổn thương bằng cách tăng tốc độ tái tạo tế bào. Bạn nên chọn những sản phẩm có chất chống oxy hóa và axit glycolic để tăng sản xuất collagen, tạo cấu trúc vững chắc dưới da.

Thời gian tới, khi bước sang độ tuổi 60, bạn có thể bị giãn tĩnh mạch ở mặt (trên má, mũi, cằm) hoặc ở chân. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng vì tình trạng này có thể được điều trị bằng tia laser không để lại sẹo hoặc các biện pháp tái tạo da khác, giúp làn da trẻ trung hơn. Ngoài ra, tiêm botox và filler cũng có thể được sử dụng để làm giảm nếp nhăn trên da.

2. Bảo vệ các giác quan

Khi bước sang tuổi 50, các giác quan như vị giác, khứu giác và xúc giác của bạn hầu như vẫn còn nguyên vẹn.

Tuy nhiên, có thể bạn sẽ cần sử dụng kính khi đọc sách. Nguyên nhân là vì khi bạn già đi, bạn sẽ khó tập trung khi nhìn gần, nhạy cảm với ánh sáng chói và tầm nhìn giảm vào ban đêm. Thêm vào đó, chứng khô mắt cũng sẽ trở nên phổ biến hơn. Vì vậy, trước tình trạng này, bạn có thể cần sử dụng các loại thuốc cho mắt. Tuổi 50 cần bổ sung gì? Bạn có thể cần dùng thêm các axit béo Omega-3 dạng bổ sung hoặc qua thực phẩm (như cá hồi).

Thời gian tới, khi bước sang độ tuổi 60, bạn có thể bị suy giảm thính lực.

3. Cải thiện quá trình trao đổi chất của cơ thể

Tuổi 50 cần biết: Quá trình trao đổi chất thường chậm lại mỗi 5% qua 1 thập kỷ. Vậy người thuộc độ tuổi 50 nên làm gì? Bạn chỉ cần duy trì hoạt động và giảm dần lượng calo, ăn những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng hơn (ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau quả, chế phẩm từ sữa ít béo và cá).

Tuy nhiên, người thuộc độ tuổi 50 thường có tốc độ tiêu hóa chậm hơn, tăng nguy cơ trào ngược dạ dày. Cách khắc phục là: Bạn nên thêm chất xơ vào chế độ ăn uống của mình. Việc này cũng giúp phòng ngừa nguy cơ polyp ruột kết (một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng). Bên cạnh đó, bạn có thể bị đầy bụng và khó chịu khi uống sữa. Đó là do khi bước sang tuổi 50, cơ thể sản xuất ít lactase hơn - 1 loại enzyme giúp tiêu hóa sữa. Dù vậy, bạn vẫn nên ăn sữa chua để tiêu hóa lactose.

Thời gian tới, khi bước sang độ tuổi 60 - 70, cơ thể bạn có thể tiết ra ít axit clohydric hơn, làm giảm hàm lượng vitamin B12. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem nên tích cực ăn thêm những thực phẩm giàu vitamin B12 hay cần bổ sung bằng dược phẩm.

Tuổi 50 cần bổ sung gì thì bạn có thể bổ sung sữa chua hàng ngày
Tuổi 50 cần bổ sung gì thì bạn có thể bổ sung sữa chua hàng ngày

4. Rèn luyện thể lực để có sức khỏe tốt

Nếu bạn vẫn chăm chỉ tập luyện suốt nhiều năm qua thì hệ cơ, xương, khớp của bạn vẫn hoạt động khá tốt ở độ tuổi 50. Tuy nhiên, tình trạng lão hóa và ít vận động có thể khiến bạn bị đau khớp do sụn bị mài mòn, mất dịch khớp bôi trơn, yếu cơ. Một số biện pháp khắc phục là: Duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp và tập luyện sức bền. Bên cạnh đó, các khớp có thể kêu lục cục, lạo xạo. Đây không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu nghe thấy những âm thanh này kèm theo triệu chứng đau, sưng hoặc tê khớp, bạn nên đi khám bác sĩ ngay.

Tuổi 50 cần biết: Thời gian tới, có khoảng 20% phụ nữ từ 65 - 74 tuổi bị loãng xương. Vì vậy, bạn nên tích cực tập luyện để duy trì mật độ xương.

5. Giữ cho trái tim khỏe mạnh

Nếu bạn vẫn khỏe mạnh và năng động thì bạn không cần lo lắng tới sức khỏe của trái tim. Đồng thời, bạn nên tập luyện bằng cách đi xe đạp, chạy bộ, bơi lội,... để giữ cho trái tim luôn khỏe mạnh.

Tuy nhiên, khi bước sang độ tuổi 50, thành tim của bạn sẽ ngày càng dày hơn và van tim cũng cứng hơn. Ngoài ra, nhiều người ở độ tuổi 50 cũng bắt đầu phát triển các dấu hiệu đầu tiên của bệnh tim. Dù vậy, nhờ các phương pháp điều trị mới và giảm thiểu các yếu tố nguy cơ, tỷ lệ tử vong do bệnh tim đã giảm đáng kể.

Nếu có vấn đề về tim mạch, bạn thử cảm nhận xem tim có đập loạn nhịp hay không. Đó có thể là rung nhĩ - 1 dạng rối loạn nhịp tim thường gặp ở người lớn tuổi. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ nên bạn cần đi khám sớm. Đồng thời, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ nếu bị mệt mỏi, suy nhược hoặc chóng mặt bất thường khi tập thể dục.

Tuổi 50 cần biết: Bệnh tim là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho những người trên 65 tuổi. Vì vậy, ngay từ độ tuổi 50, bạn hãy nên tích cực tập luyện thể dục thể thao để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim.

6. Cải thiện đời sống tình dục

Sau tuổi 50, đời sống tình dục có thể tốt hơn so với những năm tháng bạn phải nuôi con nhỏ. Đó là do bạn và bạn đời có nhiều thời gian hơn dành cho nhau, ít bị phiền nhiễu bởi những đứa trẻ và bạn không bị kiệt sức vì phải chăm sóc con hằng ngày.

Tuy nhiên, ở tuổi 50, các hormone liên quan đến tình dục (estrogen và progesterone ở phụ nữ, testosterone ở nam giới) đều bị suy giảm. Kết hợp với các thói quen xấu như hút thuốc lá và lối sống ít vận động, đời sống tình dục của bạn sẽ không được như mong muốn. Tỷ lệ nam giới mắc rối loạn cương dương ở độ tuổi 50 cũng khá cao (26%). Để khắc phục tình trạng này, bạn nên thay đổi lối sống (tập thể dục, không hút thuốc lá) và theo chế độ ăn Địa Trung Hải (nhiều cá, rau, các loại hạt và dầu oliu).

Thời gian tới, phụ nữ qua tuổi 50 có thể phải đối diện với tình trạng khô âm đạo do lượng estrogen suy giảm. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng chất bôi trơn, các loại kem và thuốc viên estrogen kê đơn,... để cải thiện đời sống tình dục của mình.

7. Nâng cao khả năng miễn dịch

Tuổi 50 cần biết: Tình trạng dị ứng do hệ miễn dịch hoạt động quá mức có thể trở nên ít nghiêm trọng hơn (do hệ thống miễn dịch của bạn không còn nhạy cảm như khi còn trẻ). Tuy nhiên, bạn phản ứng miễn dịch không nhạy cảm như trước đồng nghĩa với việc bạn dễ bị ốm hơn. Bên cạnh đó, phản ứng của cơ thể với vắc-xin cũng giảm dần theo độ tuổi nên bạn dễ mắc các bệnh như cúm và viêm phổi. Vì vậy, bạn hãy tự bảo vệ mình bằng cách ngủ đủ giấc, tiêm vắc-xin phòng bệnh, giảm cân, ăn uống điều độ và tích cực tập thể dục.

Thời gian tới, khi bước sang tuổi 60, bạn nên tiêm ngừa bệnh Zona. Khi bước sang tuổi 65, bạn nên tiêm ngừa bệnh phế cầu khuẩn.

8. Làm thế nào để đi tiểu đêm ít hơn?

Nếu khỏe mạnh, hệ thống tiết niệu của bạn có thể hoạt động tốt như khi bạn còn trẻ. Tuy nhiên, có khoảng 15 - 20% số người trên 50 tuổi phải thức dậy ít nhất 2 lần/đêm để đi tiểu. Do đó, bạn nên hạn chế uống quá nhiều nước sau 6 giờ tối và tránh đồ uống có chứa rượu, cafein. Nếu đang dùng thuốc lợi tiểu cho bệnh cao huyết áp, bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc uống thuốc vào buổi sáng.

Ngoài ra, có khoảng 30% phụ nữ bị mất kiểm soát tiểu tiện khi ho hoặc hắt hơi. Đây là ảnh hưởng của việc sinh con theo đường âm đạo và sự suy giảm estrogen. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát được triệu chứng tiểu không kiểm soát thông qua luyện tập (bài tập Kegel tăng cường các cơ quanh tử cung, bàng quang và trực tràng) và dùng thuốc. Bên cạnh đó, có trên 30% nam giới trên 50 tuổi gặp các triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt. Triệu chứng cơ bản nhất là khó đi tiểu.

Tuổi 50 cần biết: Thời gian tới, khi bước sang tuổi 60, tình trạng tiểu không kiểm soát ở phụ nữ sẽ trở nên phổ biến hơn. Ở nam giới độ tuổi 70, có khoảng trên 50% gặp vấn đề về tuyến tiền liệt. Để kiểm soát tình trạng trên, bạn nên uống đủ nước, ăn một chế độ nhiều trái cây và rau quả, có hàm lượng nước cao.

Người tuổi 50 cần biết đến tình trạng tiểu đêm và khắc phục
Người tuổi 50 cần biết đến tình trạng tiểu đêm và khắc phục

9. Hãy giữ gìn hạnh phúc

Khi bước sang tuổi 50, nhiều người cảm thấy hạnh phúc hơn. Đó là do bạn biết rằng thời kỳ tồi tệ đã qua đi, bạn sẽ tận hưởng cuộc sống của mình một cách vui vẻ hơn. Tuy nhiên, vì tránh xa những tình huống căng thẳng, khó khăn nên người lớn tuổi cũng có thể bỏ lỡ những cơ hội mới. Điều đó khiến họ thu hẹp mạng lưới xã hội của mình.

Trong thời gian tới, những người ở độ tuổi 60 - 70 ngày càng hạnh phúc và hài lòng hơn với cuộc sống của họ. Các nghiên cứu cho thấy cảm xúc tức giận và buồn bã dần ít xuất hiện hơn theo sự tăng dần của tuổi tác. Điều đó có lẽ vì những người lớn tuổi có khả năng điều chỉnh cảm xúc tiêu cực tốt hơn.

10. Duy trì sự minh mẫn

Sự phát triển của các tế bào não mới vẫn tiếp tục diễn ra trong độ tuổi 50 - 60 và bạn vẫn có khả năng học hỏi những điều mới. Tuy nhiên, tuổi tác cũng làm chậm khả năng nhớ lại những ký ức cũ của bạn. Ở độ tuổi 50, chứng hay quên xảy ra do quá trình dẫn truyền các xung thần kinh giữa các tế bào bị chậm một chút. Dù vậy, bạn có thể tập thể dục nhiều hơn để làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ, giúp đầu óc luôn nhạy bén.

Thời gian tới, tình trạng suy giảm trí nhớ sẽ trở nên phổ biến hơn ở độ tuổi 60, đặc biệt là 70 - 80. Để phòng ngừa tình trạng này, bạn nên tập thể dục thường xuyên, có một cuộc sống năng động.

Một số thông tin tuổi 50 cần biết kể trên sẽ giúp bạn chủ động đối phó với những vấn đề sức khỏe sẽ xảy ra khi bước sang độ tuổi này. Người lớn tuổi nên đặc biệt chú ý tới việc khám sức khỏe định kỳ, có lối sống khoa học, lành mạnh để giữ gìn sức khỏe.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan