Sốt xuất huyết tiểu cầu giảm thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Sốt xuất huyết Dengue là căn bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến tình trạng tiểu cầu giảm gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

1. Khái niệm sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính xảy ra do virus Dengue gây nên. Bệnh lây theo đường máu bởi trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes Aegypti. Bệnh có các biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt cấp diễn, kèm theo xuất huyết ở da hoặc niêm mạc và giảm tiểu cầu ở trong máu. Trong đó giảm tiểu cầu trong máu là biến chứng nguy hiểm nhất. Tiểu cầu là một tế bào nhỏ nhất trong tất cả các tế bào máu. Khi xem trên kính hiển vi, tiểu cầu là những đốm màu tím sẫm có đường kính chỉ bằng 20% hồng cầu. Tiểu cầu có đường kính xấp xỉ khoảng 2μm (dao động từ 1.2 - 2.3 μm) đường kính lớn nhất có thể lên đến 3μm.

Số lượng tiểu cầu quá thấp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

2. Diễn tiến của bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có những diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Giai đoạn sốt:

  • Bệnh nhân sốt cao đột ngột, liên tục.
  • Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
  • Da xung huyết.
Dấu hiệu giảm tiểu cầu khi bị sốt xuất huyết
Bệnh nhân có thể bị xuất huyết dưới da

  • Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
  • Nghiệm pháp dây thắt dương tính.
  • Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3-7 của bệnh:

Lâm sàng: Người bệnh có thể vẫn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện sau:

  • Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ) tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, nề mi mắt, gan to, có thể đau. Trong trường hợp thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 25 mmHg), tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.
  • Xuất huyết:
    • Xuất huyết dưới da: Các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím.
    • Xuất huyết ở niêm mạc: Dẫn đến tình trạng chảy máu mũi, lợi; tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Xuất huyết ở nội tạng như tiêu hóa, phổi, não là biểu hiện nặng.
  • Trong trường hợp nặng có thể xuất hiện biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

Giai đoạn hồi phục:

Lâm sàng: Sau từ 24 - 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, bắt đầu có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch. Giai đoạn này kéo dài từ 48 - 72 giờ. Khi người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều, có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ. Trong giai đoạn này, nếu truyền dịch quá mức có thể sẽ bị gây ra phù phổi hoặc suy tim.

3. Sự nguy hiểm của việc giảm tiểu bạch cầu khi bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết tiểu cầu giảm thế nào?
Hình ảnh tế bào bạch cầu

Bình thường số lượng tiểu cầu trong máu thường vào khoảng 150.000 đến 400.000 tiểu cầu/μl máu (1 μl = 1 mm3), trung bình là 200.000 tiểu cầu/μl máu. Mỗi 1 lít máu sẽ có khoảng 150 - 400 tỷ tế bào tiểu cầu. Khi bị sốt xuất huyết, Hematocrit tăng so với giá trị ban đầu của người bệnh hoặc so với giá trị trung bình của dân số ở cùng lứa tuổi, lượng tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm3 (<100 G/L) gây ra trình trạng nguy hiểm như: ức chế hoặc thay thế tuỷ xương, các chất hoá trị liệu, phì đại lách, đông máu trong lòng mạch rải rác, các kháng thể tiểu cầu, ban xuất huyết sau truyền máu, giảm tiểu cầu do miễn dịch đồng loại ở trẻ sơ sinh...

Để đề phòng bệnh dịch sốt xuất huyết lây lan, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế lây truyền bệnh bằng cách ngủ màn tẩm hóa chất diệt côn trùng, nhất là trong thời gian bị sốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan