Rối loạn tâm trạng: Cách nhận biết và điều trị

Rối loạn tâm trạng là tình trạng thường gặp trong cuộc sống. Những người bị rối loạn tâm trạng sẽ cảm thấy lo lắng, stress, mất ngủ, gây ra những ảnh hưởng lớn trong cuộc sống. Vậy có những loại rối loạn nào và dấu hiệu ra sao?

1. Rối loạn lưỡng cực

Rối loạn tâm trạng loại lưỡng cực là trạng thái tâm trạng thay đổi cực độ, từ trầm cảm đến cảm xúc cao độ. Và nó được gọi là hưng cảm. Khi đó, người bệnh có nhiều năng lượng, tâm trạng rất tốt và có thể hoàn thành một khối lượng công việc lớn trong thời gian ngắn. Hoặc có thể họ sẽ hành xử theo những cách không thể đoán trước được, theo hướng tiêu cực. Tần suất có thể chỉ vài lần trong năm, nếu nặng hơn có thể là vài lần trong tuần.

Điều trị rối loạn tâm trạng lưỡng cực bằng cách đến gặp bác sĩ tâm thần để được khám và đưa ra phác đồ điều trị bằng thuốc phù hợp. Các loại thuốc thường dùng như: thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc chống lo âu và thuốc ổn định tâm trạng. Nếu nặng hơn có thể dùng liệu pháp điện giật- đưa một dòng điện phù hợp đi qua não.

Ngoài ra, đến gặp các nhà tâm lý học cũng là một biện pháp điều trị rối loạn tâm trạng hiệu quả. Khi đó, bác sĩ sẽ tập trung vào phương pháp trò chuyện để người bệnh nói lên những rối ren trong suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Khi biết rõ bệnh nhân của mình đang gặp vấn đề gì thì việc điều trị sẽ trở nên dễ dàng hơn.

2. Rối loạn trầm cảm mạnh

Rối loạn tâm trạng loại trầm cảm mạnh còn được gọi là trầm cảm hoặc trầm cảm lâm sàng. Dấu hiệu rối loạn tâm trạng loại này là người bệnh cảm thấy buồn tột độ. Trạng thái này lặp lại trong một khoảng thời gian dài. Do tâm trạng không ổn nên người bệnh dễ rơi vào tình trạng tức giận hoặc thất vọng, hoặc mất hứng thú với mọi thứ xung quanh. Người bệnh luôn cảm thấy trống rỗng, vô vọng, mệt mỏi và mất tập trung. Họ dường như không có năng lượng để làm gì, kể cả những công việc rất nhỏ bé cũng trở nên quá sức. Người bị rối loạn tâm trạng loại trầm cảm thường rơi vào tình trạng khó ngủ, ngủ không ngon giấc. Một số trường hợp nặng có thể có triệu chứng hưng cảm nhẹ nhưng không đủ thường xuyên để gọi là rối loạn lưỡng cực.

Biện pháp điều trị rối loạn tâm trạng thường được dùng trong trường hợp này là liệu pháp trò chuyện hay liệu pháp tâm lý. Sau khi trò chuyện và hiểu được vấn đề mà người bệnh đang gặp phải, bác sĩ sẽ có hướng điều trị hợp lý. Có thể là sử dụng thuốc hoặc các biện pháp tâm lý.

rối loạn tâm trạng
Rối loạn tâm trạng trầm cảm mạnh khiến người bệnh buồn tột độ

3. Rối loạn trầm cảm dai dẳng (PDD)

Rối loạn trầm cảm dai dẳng là tình trạng rối loạn trầm cảm nặng, kéo dài ít nhất 2 năm. Rối loạn tâm trạng loại này được chia làm hai loại là rối loạn tâm thần kinh và trầm cảm nặng mãn tính.

Cũng giống như các rối loạn tâm trạng khác, liệu pháp trò chuyện cũng có thể hữu ích với PDD. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên hữu ích để người bệnh nhận thức được những suy nghĩ, hành động nên làm và từ đó thay đổi. Người bệnh có thể suy ngẫm về các vấn đề của mình, thiền định hoặc viết nhật ký,...Đối với bệnh nhân nặng, dùng thuốc sẽ là một biện pháp điều trị hiệu quả.

4. Rối loạn tâm lý theo mùa (SAD)

Rối loạn tâm trạng theo mùa có những dấu hiệu giống với trầm cảm nghiêm trọng, tuy nhiên, các triệu chứng xuất hiện do sự thay đổi của thời tiết, thay đổi mùa. Các dấu hiệu của bệnh sẽ xuất hiện và kết thúc vào thời điểm cố định trong năm. Và người bệnh sẽ dần quen với điều này. Người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và lo lắng, mất ngủ,...

Phương pháp điều trị rối loạn tâm trạng loại này là dùng liệu pháp trò chuyện hoặc thuốc chống trầm cảm. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được điều trị bằng liệu pháp ánh sáng. Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ ngồi hoặc làm việc gần nơi có ánh sáng tương tự như ánh sáng tự nhiên.

5. Rối loạn kinh tiền kinh nguyệt (PMDD)

Rối loạn tâm trạng loại này giống hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) nhưng thường nặng hơn. Dấu hiệu rối loạn tâm trạng tiền kinh nguyệt bao gồm: buồn bã, lo lắng, cáu kỉnh và cực kỳ ủ rũ trong vòng 7 đến 10 ngày trước kỳ kinh nguyệt. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy rõ nguyên nhân của chứng rối loạn tâm trạng này,tuy nhiên có thể liên quan đến chứng trầm cảm và lo lắng.

Các biện pháp điều trị rối loạn tâm trạng nhóm này là thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống. Thường xuyên tập thể dục, đi ngủ sớm và đúng giờ. Hạn chế rượu, caffeine,..., tăng cường những đồ ăn lành mạnh, tươi sạch. Tăng cường các loại thực phẩm có hàm lượng vitamin B6 và magie cao cũng có thể hữu ích. Nếu tình trạng nặng, bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị bằng thuốc chống trầm cảm mọi lúc hoặc ngay giữa thời điểm trứng rụng và có kinh.

rối loạn tâm trạng
Rối loạn kinh tiền kinh nguyệt là một trong các loại rối loạn tâm trạng

6. Rối loạn trầm cảm do tình trạng bệnh lý

Khi bị bệnh, tất cả mọi người đều sẽ suy nghĩ nhiều, lo lắng, mất phương hướng,...tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến các rối loạn tâm trạng, đặc biệt là trầm cảm. Trầm cảm kéo dài sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Chán ăn, mất ngủ, sụt cân,...

Điều trị rối loạn tâm trạng nhóm này bằng các liệu pháp tâm lý hoặc dùng thuốc sẽ cho kết quả tốt.

Như vậy, ai cũng có nguy cơ mắc rối loạn tâm trạng ở những mức độ khác nhau. Nó gây ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt cũng như sức khỏe của người bệnh. Những người có rối loạn tâm trạng cần đến gặp bác sĩ để đưa ra phác đồ điều trị hợp lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.


Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan