Nicotine ảnh hưởng đến lượng đường trong máu như thế nào?

Nicotine là một chất khá quen thuộc được biết đến có thể gây nghiện và ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể. Không chỉ vậy, khi sử dụng nicotine còn tác động tới lượng đường trong máu thông qua nhiều cơ chế.

1. Nicotine là gì?

Nicotin là một hóa chất có chứa nitơ, công thức hoá học là C10H14N2, có trong thành phần của một số loại thực vật và cũng được sản xuất tổng hợp. Nicotine được biết đến là 1 trong những chất độc gây kích thích thần kinh gây ra cảm giác thư giãn, vui vẻ khi dùng. Nhưng nó cũng ảnh hưởng tới cơ thể vì khả năng gây nghiện và còn ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác trong cơ thể như gan, mạch máu, hệ tiêu hoá, tim và não.

Nicotin có nguồn gốc từ thực vật và tổng hợp, cho nên bạn có thể tiêu thụ nicotin từ:

  • Hút thuốc lá: Hàm lượng nicotin có trong thuốc lá có thể gây nghiện nếu bạn hút thường xuyên. Ngoài ra bạn cũng tiêu thụ nicotin nếu hít khói thuốc là thụ động.
  • Nhai hoặc ăn cây thuốc lá.
  • Hút thuốc lá điện tử.
  • Ăn kẹo cao su nicotine.
  • Nicotin còn được tìm thấy ở trong các cây họ Cà, Cà chua, khoai tây, ớt chuông, trong lá của cây coca và có nhiều nhất là trong cây thuốc lá.

2. Nicotine có hại không?

Nicotine gây hại cho cơ thể dần dần theo thời gian, mặc dù sẽ không gây nguy hiểm tới tính mạng một cách nhanh chóng, mà sẽ từ từ gây tàn phá tế bào cơ thể theo thời gian. Khi Nicotin vào cơ thể và cơ thể hấp thụ nên sẽ không mất đi theo thời gian mà tồn tại trong cơ thể kết hợp với các chất độc hại của thuốc lá gây nên các bệnh lý nguy hiểm.

Do đó, theo thời gian khi bạn tiếp xúc quá nhiều với Nicotine trong thuốc lá có thể gây ra những vấn đề như:

  • Ảnh hưởng tới sự lưu thông máu: Do nicotine là cho mạch máu bị tổn thương, tăng nguy cơ đông máu, gây xơ vữa động mạch, giãn động mạch chủ, gây ra tình trạng chóng mặt, tắc mạch máu não.
  • Ảnh hưởng tới bộ máy tiêu hoá: Ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thức ăn, gây nên hiện tượng buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu
  • Các bệnh lý về tim: Ảnh hưởng tới hệ thống tim mạch làm cho nhịp tim thất thường, gây tăng huyết áp, tăng cao nguy cơ nhồi máu cơ tim, co thắt động mạch vành.
  • Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuyp 2: Những người hút thuốc lá có cơ hội cao mắc bệnh này hơn từ 30% đến 40%. Hút hơn 20 điếu thuốc mỗi ngày gần như tăng gấp đôi tỷ lệ mắc bệnh. Những cách khác bạn đưa nicotine vào cơ thể cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu.
  • Các tác hại khác mà chất này có thể gây ra như: Viêm phổi, đau khớp, lão hoá sớm, bệnh suy giảm chức năng sinh lý nam...

Ngoài ra, khi sử dụng 1 cách quá lạm dụng, với liều lượng quá lớn có thể dẫn đến ngộ độc chất nicotine rất nguy hiểm cho cơ thể.

3. Nicotine ảnh hưởng tới lượng đường trong máu như thế nào?

Khi bạn tiêu thụ quá nhiều nicotin có thể khiến tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và làm cho những người mắc bệnh tiểu đường trở nên khó kiểm soát hơn. Một số tác động của nicotin đến lượng đường trong máu như:

  • Chất này khiến lượng đường trong máu có khi bị hạ thấp hoặc tăng cao.
  • Đề kháng với insulin: Nicotine thay đổi các quá trình hóa học bên trong tế bào của bạn, khiến cho chúng không đáp ứng với insulin và để nó gắn với thụ thể trên tế bào, tình trạng được gọi là kháng insulin. Tế bào của bạn cần insulin để đưa lượng glucose từ máu vào trong tế bào và sử dụng làm năng lượng cho mọi hoạt động. Khi chúng không thể gắn vào tế bào thì glucose sẽ ở trong máu và lượng đường trong máu sẽ tăng lên.
  • Nicotine cũng có thể kích hoạt cơ thể tạo ra nhiều chất béo trung tính hơn, một loại chất béo có liên quan đến sự kháng insulin. Khi đó nicotine sẽ làm tăng mức độ hormone chống lại insulin.
  • Hút thuốc có thể rất nhanh gây ảnh hưởng đến khả năng sử dụng insulin của tế bào. Có thể xuất hiện dấu hiệu kháng insulin chỉ một giờ tiêu thụ thuốc lá. Đa số những người bị tiểu đường và hút thuốc đều cần liều lượng insulin lớn hơn để có thể kiểm soát lượng đường trong máu của họ.
  • Mặt khác, nicotine gây ra lượng đường huyết thấp ở mức nghiêm trọng (hạ đường huyết ) đối với những người mắc bệnh tiểu đường và đang phải sử dụng insulin. Hạ đường huyết nếu không biết cách xử lý kịp thời có thể khiến cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nguy cơ tử vong. Các biểu hiện của hạ đường huyết như đói cồn cào, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, nặng có thể ngất.

Như vậy, việc hút thuốc lá sẽ làm cho lượng đường trong máu quá cao, từ đó có thể dẫn đến biến chứng về bệnh tim và tổn thương thận, thần kinh và mắt.

4. Điều gì xảy ra với lượng đường trong máu khi bạn bỏ hút thuốc?

Để giảm ảnh hưởng tới lượng đường trong máu hay ảnh hưởng khác tới cơ thể thì cách tốt nhất là bỏ thuốc lá. Một số điều về lượng đường trong máu bạn có thể gặp khi bỏ thuốc lá:

  • Tình trạng kháng insulin có thể trở nên nặng hơn một chút nếu như bạn tăng cân trong vài tuần đầu tiên sau khi ngừng sử dụng nicotine. Nhưng hãy kiên trì với việc bỏ thuốc lá, bởi vì từ tháng thứ hai, insulin sẽ bắt đầu hoạt động tốt hơn.
  • Nếu chưa mắc bệnh tiểu đường, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sau khi bỏ thuốc lá, cao nhất trong 2 năm đầu. Nhưng nguyên nhân thường là do bạn bị tăng cân, do đó nếu thấy cân nặng của mình tăng nhiều thì hãy nói chuyện với bác sĩ về các cách để tránh tình trạng tăng cân. Sau 2 năm, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bắt đầu giảm xuống và đến 12 năm, nguy cơ của bạn tương đương với một người chưa bao giờ hút thuốc.

Nicotine có thể gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể và nó cũng khiến bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường. Nhưng nếu ngừng lại sớm nhất có thể thì nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm tối đa. Hãy nói chuyện với bác sĩ để có liệu trình phù hợp để giúp bạn từ bỏ thuốc lá sớm nhất có thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan