Ngải cứu - vị thuốc tuyệt vời cho sức khỏe

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi BS Nguyễn Thùy Trang - Trung tâm Y học cổ truyền Vinmec Sao Phương Đông

BS Nguyễn Thùy Trang - Trung tâm Y học cổ truyền Vinmec Sao Phương Đông cho biết: Lá ngải cứu có những tác dụng tuyệt vời với sức khỏe. Dân gian ví lá ngải cứu như vị thuốc vàng của phụ nữ vì ngải cứu được biết đến với công dụng điều hòa kinh nguyệt, làm ấm tử cung, an thai. Với những người hay bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài đau bụng do ăn những đồ lạ hay dân gian vẫn gọi là lạnh bụng thì ăn ngải cứu sẽ làm ấm và hết đau bụng.

1. Công dụng lá ngải cứu với sức khỏe

Thông thường lấy lá và cành đun thành nước uống, hầm với thực phẩm, làm điếu ngải hoặc chườm ngải cứu. Các món ăn và canh trong bữa ăn hàng ngày tùy theo khẩu vị: Gà tần thuốc bắc ngải cứu, chân giò hầm ngải cứu, tim hầm với hạt sen và ngải cứu, trứng hấp ngải cứu, trứng rán ngải cứu, canh ngải nấu trứng, đậu phụ xào ngải cứu. Canh ngải nấu cá diếc có vị ngọt thanh của cá hoà cùng vị đắng nhẹ và thơm nồng của lá ngải.

Với những người đau xương khớp, sưng khớp do gout, có thể dùng lá ngải cứu tươi rang với muối cho thật nóng, gói kín lại rồi chườm đắp lên vùng cơ xương khớp đang đau hay co cứng sẽ thấy giảm đau rất tốt.

Với người chơi thể thao, khi bị bong gân, chỉ cần giã dập lá tươi hoặc lá ngải cứu khô tẩm rượu rồi bó vào vị trí bong gân, làm mỗi ngày 1 lần.

Nếu chỗ bong gân có hiện tượng đau và sưng tấy thì có thể bó 2 lần trong ngày. Nếu không có rượu, có thể thay thế rượu bằng giấm, hiệu quả đạt được tương tự nhau.

Vì có tác dụng trị cảm cúm, kháng viêm diệt khuẩn, trong mùa dịch COVID-19 căng thẳng vừa qua, ngải cứu được kết hợp với lá khuynh diệp, vỏ bưởi đun sôi rồi xông khoảng 10-15 phút.

Tinh dầu ngải cứu dùng để massage chữa đau cổ vai gáy, các vị trí khớp bị đau, chữa nhức mỏi hiệu quả; thậm chí có thể xoa lên thái dương để xua tan cơn đau đầu. Hay ngải cứu phơi khô, phối hợp cùng 1 số loại thảo mộc trị liệu khác như hoa cúc, hoa oải hương, bạc hà làm gối ngải cứu với công dụng giảm đau nhức cổ vai gáy và cột sống.

2. Những người không nên dùng ngải cứu

Mặc dù có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên một số trường hợp không nên dùng lá ngải cứu:

  • Độc tính có trong tinh dầu của lá ngải có thể làm rối loạn chuyển hóa tế bào gan, gây viêm gan cấp tính, viêm gan vàng da, làm gan to...Vì vậy người có tiền sử viêm gan cần hạn chế dùng lá ngải.
  • Trong 3 tháng đầu mang thai, phụ nữ cũng không nên ăn ngải cứu để tránh nguy cơ sảy thai.
  • Người bị rối loạn đường ruột cấp tính, xơ vữa động mạch, sỏi thận cũng được khuyên không nên ăn ngải cứu.

Khi đã biết được công dụng của ngải cứu bạn có thể áp dụng trong cuộc sống để thấy được lợi ích sức khỏe.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan