Bóng đè là gì và vì sao nó xảy ra với bạn?

Nếu bạn nghĩ rằng ngủ và thức là hai trạng thái riêng biệt, thì bóng đè lại nằm giữa ranh giới cố định này. Đây là tình trạng mất khả năng cử động tạm thời xảy ra ngay sau khi chìm vào giấc ngủ hoặc vừa thức dậy, đi kèm với ảo giác và cảm giác nghẹt thở mà bạn hoàn toàn nhận thức được.

1. Bóng đè là gì?

Bóng đè là tình trạng mất kiểm soát cơ kết hợp với ảo giác trong thời gian ngắn, xảy ra ngay sau khi ngủ hoặc thức dậy. Hiện tượng này được các bác sĩ gọi là chứng tê liệt khi ngủ.

Chứng tê liệt khi ngủ bao gồm những hành vi bất thường trong lúc ngủ, có liên quan đến giai đoạn chuyển động mắt nhanh (rapid eye movement - REM) trong chu kỳ ngủ.

Thông thường khi diễn ra giấc ngủ REM tiêu chuẩn, chúng ta sẽ nằm mơ và bị mất kiểm soát cơ để vẫn nằm yên mà không hành động theo như giấc mơ. Tình trạng tê liệt sẽ kết thúc khi thức dậy, vì vậy bạn không hề biết rằng mình vừa bị mất khả năng cử động.

Các nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng bóng đè liên quan đến trạng thái ý thức hỗn hợp, pha trộn giữa thức và giấc ngủ REM. Trên thực tế, trạng thái mất kiểm soát cơ và hình ảnh cơn mơ trong giấc ngủ REM có thể vẫn tồn tại ngay cả khi chúng ta đã chuyển sang trạng thái nhận thức và tỉnh táo.

Chứng bóng đè có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng các triệu chứng đầu tiên thường xuất hiện ở trẻ em, thanh thiếu niên hoặc thanh niên (từ 7 - 25 tuổi), và xảy ra thường xuyên hơn ở độ tuổi 20 - 30. Có ước tính cho biết khoảng 8% dân số nói chung bị bóng đè vào một thời điểm trong đời, nhưng không thông kê rõ về tần suất các đợt tái phát.

Xem ngay: Khắc phục tình trạng bị bóng đè như thế nào?

2. Cảm giác bóng đè như thế nào?

Triệu chứng cơ bản khi bị bóng đè là mất trương lực cơ hoặc không có khả năng cử động cơ thể. Tình trạng này xảy ra ngay sau khi bạn chìm vào giấc ngủ hoặc vừa thức dậy. Trong đó, người đang bị bóng đè cảm thấy tỉnh táo và nhận thức được rằng mình đang bị mất kiểm soát cơ, không thể cử động theo ý muốn.

Ước tính có khoảng 75% trường hợp bóng đè liên quan đến ảo giác. Ảo giác khi bị bóng đè cũng được chia thành 3 loại:

  • Ảo giác thấy một người nguy hiểm hiện diện trong phòng
  • Ảo giác áp lực lồng ngực gây ra cảm giác nghẹt thở
  • Ảo giác vận động tiền đình bao gồm cảm giác chuyển động (chẳng hạn như bay).

Không thể cử động được thường gây khó chịu và ảo giác có thể làm cho hiện tượng bóng đè càng khó chịu hơn. Vì vậy, khoảng 90% các trường hợp hoảng sợ vì bóng đè, chỉ một số ít có ảo giác dễ chịu hoặc hạnh phúc hơn.

Các đợt bóng đè có thể kéo dài từ vài giây đến khoảng 20 phút và thời lượng trung bình là từ 6 - 7 phút. Hầu hết các trường hợp bóng đè sẽ tự kết thúc, nhưng đôi khi cũng bị gián đoạn do va chạm hoặc giọng nói của người khác hay do chính bạn nỗ lực di chuyển dữ dội để vượt qua tình trạng tê liệt.


Hoảng sợ vì bóng đè có thể bạn sẽ nhìn thấy người nguy hiểm xuất hiện trong phòng
Hoảng sợ vì bóng đè có thể bạn sẽ nhìn thấy người nguy hiểm xuất hiện trong phòng

3. Vì sao bị bóng đè?

Vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác vì sao bị bóng đè. Các nhà nghiên cứu tin rằng có nhiều yếu tố liên quan đến hiện tượng này, trong đó rõ nhất là rối loạn giấc ngủ và các vấn đề về giấc ngủ khác. Tỷ lệ bị bóng đè cao hơn 38% ở những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Tê liệt trong khi ngủ cũng phổ biến hơn ở những người thường bị chuột rút chân vào ban đêm.

Các triệu chứng mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ và buồn ngủ quá mức vào ban ngày cũng có liên quan đến chứng bóng đè. Những người có nhịp sinh học đảo lộn, chẳng hạn như do đi máy bay hoặc làm việc theo ca, cũng có nguy cơ bị bóng đè cao hơn.

Một số tình trạng sức khỏe tâm thần có mối liên hệ với chứng bóng đè. Những người bị rối loạn lo âu và hoảng sợ có nhiều khả năng gặp phải hiện tượng này hơn. Đặc biệt là những người bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn hoặc đã từng bị lạm dụng tình dục, chịu đựng các đau khổ về thể chất và tinh thần khác. Cai rượu hoặc ngừng dùng thuốc chống trầm cảm cũng có thể khiến bóng đè dễ xuất hiện hơn. Mặc dù không có cơ sở di truyền cụ thể, các nghiên cứu đã phát hiện ra những người có tiền sử gia đình mắc chứng bóng đè cũng có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người có trí tưởng tượng vượt trội và hay sống tách biệt khỏi môi trường xung quanh, chẳng hạn như mơ mộng, có nhiều khả năng bị bóng đè.

Với tất cả những mối tương quan trên, vẫn chưa rõ liệu chứng bóng đè là nguyên nhân, kết quả hay mối quan hệ hai chiều. Cần thực hiện nhiều nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ vô số nguyên nhân tiềm ẩn của chứng bóng đè.

Xem ngay: Làm sao để nhanh chóng thoát khỏi hiện tượng bóng đè?

4. Bóng đè có nguy hiểm không?

Đối với hầu hết mọi người, bóng đè không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Đây được phân loại là một tình trạng lành tính và không xảy ra thường xuyên đến mức dẫn tới các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ước tính có khoảng 10% số người bị bóng đè tái phát nhiều lần hoặc với mức độ đặc biệt khó chịu. Do hoảng sợ vì bóng đè, họ có thể nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực về việc đi ngủ, giảm thời gian dành cho giấc ngủ hoặc lo lắng trước giờ đi ngủ khiến họ khó chìm vào giấc ngủ hơn. Thiếu ngủ có thể dẫn đến buồn ngủ quá mức và nhiều hậu quả khác đối với sức khỏe tổng thể của một người.


Nhiều người bị hoảng sợ vì bóng đè và có thể nảy sinh suy nghĩ tiêu cực
Nhiều người bị hoảng sợ vì bóng đè và có thể nảy sinh suy nghĩ tiêu cực

5. Phương pháp điều trị chứng bóng đè

Bước đầu tiên là trình bày với bác sĩ để xác định và giải quyết các vấn đề tiềm ẩn có thể góp phần vào tần suất hoặc mức độ nghiêm trọng của các cơn bóng đè. Ví dụ, bạn cần điều trị chứng ngủ rũ hoặc kiểm soát tốt hơn chứng ngưng thở khi ngủ.

Nhìn chung, có rất ít bằng chứng khoa học về phương pháp điều trị tối ưu cho chứng bóng đè. Nhiều người không biết rằng tình trạng này tương đối phổ biến, do đó cảm thấy mình như phát điên hoặc xấu hổ nếu phải thừa nhận họ bị bóng đè. Tuy nhiên bác sĩ chuyên khoa có thể xác nhận và bình thường hóa các triệu chứng này để bạn thoải mái khai bệnh.

Do mối liên hệ giữa chứng bóng đè và các vấn đề về giấc ngủ nói chung, cải thiện chất lượng giấc ngủ là trọng tâm để ngăn ngừa chứng bóng đè.

Ví dụ về các mẹo ngủ lành mạnh bao gồm:

  • Tuân theo một lịch trình đi ngủ và thức dậy đúng giờ hàng ngày, kể cả vào cuối tuần
  • Tạo và giữ một thói quen trước khi đi ngủ giúp bạn thoải mái và thư giãn
  • Trang bị cho mình một tấm nệm và gối thoải mái
  • Điều chỉnh phòng ngủ của bạn sao cho hạn chế ánh sáng hoặc tiếng ồn
  • Giảm tiêu thụ rượu và caffein, đặc biệt là vào buổi tối
  • Cất các thiết bị điện tử, bao gồm cả điện thoại di động, ít nhất nửa giờ trước khi đi ngủ.

Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp với liệu pháp trò chuyện có tác dụng kiềm chế những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực gây mất ngủ.

Một số loại thuốc có tác dụng ngăn chặn giấc ngủ REM (nằm mơ), từ đó ngăn chặn tình trạng bóng đè. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể đi kèm với tác dụng phụ và làm xuất hiện lại giấc ngủ REM khi ngừng sử dụng. Vì những lý do này, điều quan trọng là phải thảo luận với bác sĩ về những lợi ích và nhược điểm tiềm ẩn trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com, sleepfoundation.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe