Sơ cứu đúng khi bị bỏng bô, bỏng nhiệt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Trọng - Bác sĩ chuyên khoa Ngoại Nhi, phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bỏng bô, bỏng nhiệt có thể thay đổi cấu trúc và rối loạn chức năng vùng tổn thương, gây nhiều ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Sơ cứu bỏng bô, bỏng nhiệt kịp thời có thể giảm tối đa nguy cơ biến chứng do bỏng gây ra.

1. Bỏng bô là gì? Bỏng nhiệt là gì?

Có nhiều loại bỏng như bỏng do nhiệt, bỏng do hóa chất, bỏng do điện giật,... Trong đó, bỏng nhiệt là dạng thường gặp nhất, chủ yếu xảy ra trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Bỏng do nhiệt gồm nhiệt khô và nhiệt ướt. Bỏng do nhiệt khô xuất phát từ việc tiếp xúc với bàn là nóng, bô xe máy đang nóng, hỏa hoạn, cháy nổ bình gas,... Bỏng do nhiệt ướt bắt nguồn từ các nguyên nhân như tiếp xúc với nước sôi, canh nóng, hơi nước nóng,... Như vậy, có thể xếp bỏng bô vào nhóm lớn hơn là bỏng nhiệt.

Tỷ lệ bỏng bô xe máy ở Việt Nam là rất cao, đặc biệt với các chị em phụ nữ hay mặc váy ngắn hoặc trẻ em do nô đùa, chạy nhảy sơ sảy chạm vào ống bô. Ngoài ra, nguyên nhân của bỏng bô cũng có thể đến từ diện tích nhà chật hẹp, đi lại vướng vào ống xả của xe mới đi từ bên ngoài về.

Do đặc điểm của bô xe nên diện tích bỏng nhỏ. Tuy nhiên, sự dẫn truyền nhiệt từ bô qua da rất nhanh, nhiệt độ da vùng bỏng vẫn duy trì mức cao sau bỏng nên dễ dẫn đến tổn thương sâu. Không xử trí kịp thời và không biết chăm sóc vết bỏng bô đúng cách sẽ làm da nổi sẹo thâm rất mất thẩm mỹ.

Trong khi đó, việc xử lý đúng, ngay sau tai nạn sẽ giúp làm giảm diện tích bỏng, giảm độ sâu tổn thương, diễn biến của bỏng sẽ nhẹ hơn, quá trình lành thuận lợi hơn và giúp hạn chế sẹo xấu sau bỏng. Vì vậy, khi bị bỏng bô mỗi người cần chú ý thực hiện tốt thao tác sơ cứu. Sơ cứu bỏng bô được thực hiện tương tự sơ cứu bỏng nhiệt.

Sơ cứu khi bị bỏng lửa, bỏng nước sôi
Cần sơ cứu bỏng bô, bỏng nhiệt kịp thời giúp giảm tối đa nguy cơ biến chứng do bỏng gây ra

2. Xác định mức độ nặng - nhẹ của vết bỏng

Các cấp độ của bỏng bao gồm:

  • Bỏng độ 1:

Chỉ ảnh hưởng trên lớp biểu bì bên ngoài, có triệu chứng là vùng da đỏ, đau, sẽ chuyển sang màu trắng khi đụng vào, không bị rộp da hay mủ nước.

  • Bỏng độ 2:

Gây tổn thương trên lớp biểu bì và một phần chân bì (lớp thứ 2 của da). Biểu hiện nhẹ là vùng da đỏ, đau, chuyển sang màu trắng khi chạm vào, bị rộp và vẫn còn chân lông. Biểu hiện nặng là có thể đau hoặc không đau (vết thương có thể sâu đến mức dây thần kinh bị đứt nên không có cảm giác đau), có thể ẩm hoặc khô (vết bỏng sâu tới mức tuyến mồ hôi bị phá hủy), có thể đổi sang màu trắng khi chạm vào vùng da tổn thương, lông trên da bị rụng.

  • Bỏng độ 3:

Là loại bỏng nặng nhất, vết bỏng thường bao gồm cả lớp biểu bì và chân bì. Dây thần kinh, huyết quản và nang lông đều bị phá hủy. Nếu bỏng nặng, vết bỏng có thể ảnh hưởng tới xương và cơ.

3. Hướng dẫn sơ cứu bỏng bô xe máy

Quy trình sơ cứu vết bỏng bô xe máy bị phồng như sau:

  • Loại bỏ tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt để giảm diện tích và độ sâu tổn thương bỏng: Cởi bỏ quần áo vùng bị bỏng do quần áo có tác dụng giữ nhiệt.
  • Làm mát vùng bị bỏng, ngâm rửa hoặc tưới rửa vùng bỏng bằng nước mát, sạch, có nhiệt độ từ 16 - 20°C. Thời điểm ngâm rửa tốt nhất là trong vòng 30 phút sau khi bị bỏng. Sau khoảng thời gian trên, việc ngâm rửa ít có tác dụng. Thời gian ngâm rửa vết bỏng kéo dài 15 - 30 phút (thường cho tới khi hết đau rát). Trường hợp khác, thay vì ngâm rửa có thể dùng khăn sạch ướt, quần áo sạch ướt đắp lên vùng bỏng (nên thay khăn mát thường xuyên vì khăn cũng hấp thu nhiệt và giữ nhiệt).
  • Che phủ vết bỏng bô, băng vết thương bằng vải sạch, khô và băng ép nhẹ vùng bỏng.
  • Nâng cao vị trí bị bỏng để giảm sưng nề.

Hiện có một loại băng gạc thường được sử dụng để sơ cứu vết bỏng là loại có chứa Hydrocolloid. Băng có chứa lớp Hydrocolloid khi được đắp lên vết thương sẽ giúp duy trì môi trường ẩm tại vị trí có vết bỏng (giúp vết thương lành nhanh gấp 2 lần so với môi trường khô ở vết thương), tăng sinh tế bào tại chỗ vết bỏng, giúp vết thương nhanh lành. Đồng thời, băng Hydrocolloid cũng giúp che phủ vết bỏng tốt, giảm đau và giúp sinh hoạt của bệnh nhân thuận lợi hơn (vì băng có tính chất bán thấm giúp tắm rửa dễ dàng và bám dính tốt giúp vận động thuận tiện).

Làm mát vùng bị bỏng, ngâm rửa hoặc tưới rửa vùng bỏng bằng nước mát, sạch
Làm mát vùng bị bỏng, ngâm rửa hoặc tưới rửa vùng bỏng bằng nước mát, sạch

Cách sơ cứu bỏng bô với băng gạc chứa thành phần Hydrocolloid như sau:

  • Rửa vùng da lành quanh vết bỏng
  • Dùng nước muối sinh lý 0,9% vệ sinh vết bỏng
  • Loại bỏ các dị vật, chất bẩn, nếu vòm nốt phồng còn nguyên vẹn thì chích các vòm nốt phỏng để giải thoát dịch, sau đó dùng băng Hydrocolloid đắp lên vết bỏng.

Lưu ý: Băng bán thấm chứa Hydrocolloid chỉ nên dùng cho các vết bỏng sạch, nông, ít tiết dịch. Loại băng này chống chỉ định đối với vết bỏng nhiễm khuẩn hoặc vết bỏng có nguy cơ nhiễm khuẩn. Trường hợp vết bỏng bị sưng nề, nóng, đỏ, đau, viêm tấy, có mủ,... bệnh nhân nên đến bệnh viện để được chăm sóc và điều trị đúng cách.

4. Một số lưu ý khi sơ cứu bỏng bô, bỏng nhiệt

Bỏng bô xe máy thường dễ bị bỏng sâu do nhiệt độ của ống bô rất cao nên thời gian điều trị thường kéo dài, thậm chí đến 3 - 4 tuần. Khi sơ cứu và điều trị bỏng bô, cần chú ý tới những vấn đề sau:

  • Bỏng bô có nên chườm đá?

Không dùng nước quá lạnh hoặc đá lạnh đắp lên vết bỏng. Nguyên nhân vì các tinh thể đá sẽ làm đông cứng tế bào, gây tổn thương hoại tử ướt, khiến tình trạng bỏng của bệnh nhân càng nặng thêm. Hoại tử do bỏng lạnh không diễn biến mạnh nhưng khiến khả năng bảo tồn khi điều trị vết bỏng khó khăn, thậm chí buộc phải cắt cụt bộ phận bị bỏng;

  • Bỏng ống bô có nên bôi kem đánh răng?

Không bôi kem đánh răng lên vết bỏng. Nguyên nhân vì trong kem đánh răng có chứa kiềm, nếu gặp môi trường thuận lợi như những vết bỏng do nhiệt độ cao gây ra thì có thể xâm nhập vào sâu trong vết thương, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm hoặc gây nhiễm trùng ở khu vực bị bỏng, làm vết thương lâu lành hoặc tăng mức độ đau rát của vết bỏng.

Bỏng ống bô có nên bôi kem đánh răng?
Không bôi kem đánh răng lên vết bỏng.
  • Cấm kỵ khác

Không ngâm rửa vết bỏng bằng nước ấm, không đắp các loại mỡ, dầu, nước tương, nước mắm, nước muối dưa cà, trứng gà, đắp thuốc lá, thuốc đông y không rõ nguồn gốc,... vào vùng bị bỏng khi chưa rửa sạch vết thương vì có thể gây nhiễm trùng, khiến da bị hoại tử, gây ảnh hưởng không tốt.

Bên cạnh đó, bệnh nhân không nên làm trượt loét vết bỏng, bóc bỏ nốt phồng. Đồng thời, không nên bôi nghệ tươi hay các loại kem có thành phần nghệ lên vết bỏng để trị thâm vì tỷ lệ dị ứng do nghệ tươi khá cao và nhiều người sau khi bôi nghệ bị đen bóng lâu dài ở vết sẹo, rất khó khắc phục.

Khi bị bỏng bô xe máy, bệnh nhân nên thực hiện theo cách sơ cứu bỏng bô theo hướng dẫn trên, tuyệt đối không tự điều trị bằng các thuốc tự có hay kinh nghiệm dân gian vì có thể khiến tình trạng bỏng nặng thêm, gây biến chứng khó lường. Người nhà nên đưa bệnh nhân bị bỏng tới bệnh viện để được bác sĩ xác định mức độ tổn thương bỏng và đề xuất phương án điều trị thích hợp.

Bác sĩ Trọng đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong Phẫu thuật Nhi và Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, và đã sớm trở thành một trong những bác sĩ trong lĩnh vực Phẫu thuật Trẻ em đặc biệt là Phẫu thuật Nội soi và Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

397.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan