Xử lý tích cực giai đoạn 3 của cuộc chuyển dạ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thị Thu và Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Sau 9 tháng mang thai, chuyển dạ là giai đoạn khó khăn cuối cùng mà người phụ nữ phải trải qua để được nhìn thấy con yêu. Việc sinh đẻ khiến người mẹ mất máu, mất sức rất nhiều, nhất là ở giai đoạn 3 của cuộc chuyển dạ. Do đó, việc xử lý tích cực của giai đoạn này giúp phòng ngừa tình trạng băng huyết sau sinh.

1. Giai đoạn 3 của cuộc chuyển dạ

Chuyển dạ sinh là một quá trình sinh lý, làm cho thai nhi và phần phụ của thai (bánh nhau, màng ối và dây rốn) được đưa ra khỏi đường sinh dục của người mẹ. Một cuộc chuyển dạ luôn gồm đủ 3 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1: Xóa mở cổ tử cung, được tính từ lúc xuất hiện cơn gò đầu tiên đến khi cổ tử cung mở trọn.
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn sổ thai, được tính từ lúc cổ tử cung mở trọn đến khi thai nhi được sổ hoàn toàn ra ngoài. Đây là kết quả của áp suất trong buồng tử cung tăng lên trong mỗi cơn gò cùng với động tác rặn sinh có hiệu quả của sản phụ.
  • Giai đoạn 3: Giai đoạn sổ nhau: là giai đoạn bắt đầu từ sau khi sổ nhau đến khi sổ nhau hoàn tất.

Giai đoạn 3 của cuộc chuyển dạ còn gọi là thời kỳ sổ nhau và cầm máu, là khoảng thời gian từ sau khi sổ nhau đến khi thai nhau bong và được đẩy ra ngoài âm đạo. Thời gian trung bình của toàn bộ thời kỳ sổ nhau và cầm máu vào khoảng 6-30 phút nếu không có các can thiệp từ bên ngoài.

Về mặt sinh lý, giai đoạn 3 còn được chia thành 3 thì:

  • Bong nhau: Là khoảng thời gian từ sau khi sổ thai đến khi nhau bong hoàn toàn khỏi vị trí bám trên tử cung. Sau khi thai sổ, lòng tử cung trở nên trống, tử cung co lại, cùng lúc, do bánh nhau không có tính đàn hồi nên nó sẽ bị bóp nhăn nhúm lại và bong tróc một phần khỏi vị trí bám của nó trên buồng tử cung. Tại vị trí bong tróc, các mạch máu của thai phụ bị hở ra, gây chảy máu vào các khoảng trống, tạo ra một khối máu tụ sau nhau. Máu tiếp tục chảy, làm khối máu tụ này to dần và lan rộng, lần lượt tách các phần nhau còn lại tách khỏi vị trí bám, cho đến khi nhau bong hoàn toàn khỏi thành tử cung.
  • Sổ nhau: là khoảng thời gian mà nhau đã bong hoàn toàn, di chuyển từ buồng tử cung ra ngoài. Trong khoảng thời gian hình thành khối tụ máu, tử cung không có cơn co, được gọi là khoảng nghỉ sinh lý của tử cung trong giai đoạn 3 của cuộc chuyển dạ. Sau khoảng nghỉ, tử cung bắt đầu co trở lại, dưới tác dụng của cơn co, toàn bộ bánh nhau đã bong sẽ được tống xuất ra khỏi buồng tử cung để vào âm đạo.
  • Cầm máu: là khoảng thời gian bắt đầu từ sau khi nhau được tổng xuất khỏi buồng tử cung ra âm đạo cho đến khi hiện tượng chảy máu chấm dứt hoàn toàn. Có 2 cơ chế cầm máu:
    • Cơ chế cầm máu cơ học, đảm bảo bằng sự co cơ tử cung gây siết các mạch máu bị hở. Cơ tử cung được tạo thành từ các sợi cơ vòng, cơ dọc và các bó cơ đan chéo. Sự co thắt của các bó cơ đan chéo ở vùng thân tử cung sẽ siết chặt các mạch máu và đảm bảo cầm máu về mặt cơ học.
    • Cơ chế cầm máu bằng cục máu đông bịt kín các đầu mạch máu bị hở. Sau cầm máu cơ học là cầm máu bằng cục máu đông, hiện tượng cầm máu sẽ được hoàn chỉnh bởi cơ chế đông máu bình thường.
Giai đoạn sổ nhau (rau)
Giai đoạn sổ nhau (rau)

2. Xử lý tích cực giai đoạn 3 của cuộc chuyển dạ

Xử lý tích cực giai đoạn 3 của cuộc chuyển dạ là những thao tác chủ động của người đỡ đẻ tác động giai đoạn sau khi sổ thai để giúp rau bong và sổ thai ra ngoài nhanh hơn, nhằm phòng ngừa chảy máu sau đẻ.

Xử lý tích cực giai đoạn 3 của cuộc chuyển dạ được chỉ định cho mọi trường hợp đẻ đường dưới, khi thai vừa sổ ra ngoài và chắc chắn không còn thai nào trong tử cung.

2.1 Các bước tiến hành

Thì 1. Sử dụng ngay Oxytocin:

  • Sau khi sổ thai, trẻ khóc tốt đặt trẻ lên bụng người mẹ đã được trải sẵn sàng và hai tay người mẹ ôm lấy trẻ.
  • Người phụ đỡ đẻ sờ nắn bụng sản phụ để chắc chắn không còn thai trong tử cung.
  • Người phụ đỡ đẻ tiến hành tiêm bắp 10 đơn vị Oxytocin vào mặt trước đùi sản phụ.
  • Chỉ sau khi đã tiêm Oxytocin, người đỡ đẻ tiến hành cặp dây rốn và cắt rốn cho trẻ. Khi cặp dây rốn chú ý cặp sát vào âm hộ sản phụ.
  • Người phụ đỡ đẻ đưa trẻ ra bàn làm rốn và chăm sóc trẻ, nhanh chóng lau khô, hút nhớt, làm rốn, quấn tã lót và đưa trẻ cho sản phụ để cho bú sớm nếu thích hợp.

Thì 2. Kéo dây rốn có kiểm soát để gây sổ rau:

Người đỡ đẻ đứng bên cạnh hoặc ở giữa hai chân sản phụ thực hiện các công việc sau:

  • Đặt bàn tay lên bụng dưới sản phụ đánh giá co hồi tử cung. Chỉ khi tử cung đã co lại tốt (chắc như trái bưởi) mới thực hiện các bước tiếp theo.
  • Một tay cầm panh và dây rốn. Giữ căng dây rốn. Bàn tay còn lại đặt lên bụng sản phụ ngay vùng trên xương vệ, giữ và ấn tử cung theo hướng ngược lên về phía xương ức trong khi tay cầm panh kẹp dây rốn kéo với lực vừa phải và kéo theo hướng của cơ chế đẻ (lúc đầu kéo xuống, tiếp đến kéo ngang và cuối cùng kéo lên). Động tác này nhằm đề phòng lộn tử cung và để rau sổ theo hướng độ cong của khung chậu.
  • Khi bánh rau đã ra đến lỗ ngoài âm đạo thì tay giữ dây rốn hạ thấp xuống cho trọng lượng bánh ra kéo màng ra theo. Nếu màng không ra thì hai tay người đỡ giữ bánh rau xoắn theo 1 chiều để màng rau thoát ra ngoài.
  • Nếu kéo dây rốn trong 30 - 40 giây mà bánh rau không tụt xuống thấp (nghĩa là không có dấu hiệu bong rau) thì dừng lại không tiếp tục kéo dây rốn nữa.
  • Lúc này chỉ giữ dây rốn và chờ đến lúc tử cung co bóp trở lại.
  • Tiếp tục lặp lại động tác kéo dây rốn vừa phải cùng với ấn ngược tử cung khi có cơn co.
  • Khi kéo, nếu thấy dây rốn dài ra, khó thao tác có thể cuộn dây rốn vào panh (kẹp dây rốn) cho ngắn lại, nếu cần thiết thì dùng panh cặp lại dây rốn sát vào âm hộ.

Chú ý:

  • Động tác kéo dây rốn, không được làm quá thô bạo.
  • Không được kéo dây rốn mà không dùng bàn tay thứ hai đẩy tử cung theo chiều ngược lên về phía xương ức.
Sổ rau, sổ nhau chuyển dạ giai đoạn 3
Kéo dây rốn có kiểm soát

Thì 3. Xoa tử cung:

  • Ngay lập tức sau khi rau sổ phải xoa tử cung cho đến khi tử cung co chặt.
  • Cứ 15 phút xoa tử cung một lần trong vòng 2 giờ đầu
  • Bảo đảm tử cung vẫn co tốt sau khi kết thúc xoa tử cung.

2.2 Theo dõi

  • Người đỡ đẻ kiểm tra bánh rau, màng rau để đảm bảo không sót rau hay sót màng. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy, cần tìm các nguyên nhân khác có thể gây băng huyết sau sinh (rách đường sinh dục, sót rau) và thực hiện xử trí phù hợp với từng nguyên nhân.
  • Nếu chỉ có 1 bác sĩ/nữ hộ sinh tham gia đỡ đẻ thì các bước thực hiện đến khi thai sổ, người đỡ đẻ giao bé cho mẹ ôm trong khi chuẩn bị tiến hành lấy rau.
  • Các bước lấy rau tiếp tục tiến hành như hướng dẫn cho đến khi rau và màng rau đã ra. Lúc này, người đỡ đẻ hướng dẫn và giám sát sản phụ tự xoa tử cung 15 phút/lần qua thành bụng cho đến khi tử cung co tốt. Người đỡ đẻ tiến hành làm rốn và mặc áo cho trẻ sơ sinh và đặt trẻ lên bụng mẹ để mẹ cho bú sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Quyết định Về việc ban hành Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Phụ Sản - Bộ Y tế.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan