Sự phát triển các cơ quan của thai nhi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tú - Bác sĩ Siêu âm sản – Chẩn đoán trước sinh – Khoa Sản - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Quá trình hình thành và sự phát triển của thai nhi vẫn là một điều bí ẩn đối với các mẹ bầu, đặc biệt là các mẹ lần đầu mang thai. Nhiều mẹ sẽ có cảm giác hồi hộp lo lắng nhưng sẽ đan xen cảm xúc hào hứng khi con trong bụng đang phát triển từng ngày.

1. Ba tháng đầu thai kỳ

Trong tam cá nguyệt thứ nhất, em bé chủ yếu phát triển từ phôi nang rất nhỏ thành bào thai với trọng lượng khoảng 14. Các tế bào và một số cơ quan nội tạng quan trọng bắt đầu đi vào hoạt động. Cụ thể như sau:

Thai nhi lúc này chỉ là một phôi nang hình tròn như quả bóng. Mặc dù có kích thước rất nhỏ nhưng các tế bào có trong phôi đã chứa một bộ DNA đầy đủ di truyền từ bố mẹ. Chúng giúp xác định giới tính, màu mắt và những đặc điểm khác của bé ngay từ lúc ban đầu.

  • Tuần thứ 4

Tập hợp những tế bào trên đã chính thức trở thành phôi thai và có kích thước tương đương một hạt anh túc. Trong 6 tuần tới, sự phát triển các cơ quan của thai nhi sẽ bắt đầu diễn ra, một số bộ phận thậm chí còn đi vào hoạt động từ khá sớm.

  • Tuần thứ 5-6

Trái tim nhỏ bé của phôi thai bắt đầu đập với tốc độ gấp đôi nhịp tim của người trưởng thành. Các đặc điểm trên khuôn mặt, ví dụ như mắt và lỗ mũi, đang dần hình thành. Ngoài ra một số chồi nhỏ cũng xuất hiện để chuẩn bị sẽ phát triển thành tay và chân. Tuy nhiên toàn bộ cơ thể của bé lúc này chỉ có kích thước bằng một hạt vừng.

  • Tuần thứ 8

Phôi thai hiện tại đã có ngón tay út, mũi và môi trên, trong khi đó hai chân vẫn tiếp tục tăng trưởng. Ở giai đoạn này bé đã biết di chuyển khá nhiều mặc dù mẹ vẫn chưa thể cảm thấy được điều đó. Phôi thai chỉ dài khoảng 1,5cm.

  • Tuần thứ 9

Mắt của bé đã phát triển nhưng mí mắt vẫn còn đóng lại. "Cái đuôi" của phôi thai đã mất đi khiến bé bắt đầu trông giống hình dạng của con người hơn.

  • Tuần thứ 10

Phôi thai đã trở thành bào thai. Sự phát triển các cơ quan của thai nhi, bao gồm những nội tạng quan trọng như thận, ruột, não và gan - đang bắt đầu hoạt động. Móng tay và móng chân nhỏ xíu của bé cũng dần hình thành.

  • Tuần thứ 11-12

Bào thai gần như đã thành hình khá đầy đủ. Xương của bé bắt đầu cứng lại, cơ quan sinh dục bên ngoài cũng đang phát triển. Vào thời điểm này thai nhi có thể biết nấc nhưng còn quá sớm để mẹ cảm nhận được điều đó. Tuy nhiên mẹ có thể nghe thấy nhịp tim của bé khi khám thai, em bé lúc này chỉ dài hơn 5cm.


Ở tuần thứ 11 - 12, bào thai gần như đã thành hình khá đầy đủ
Ở tuần thứ 11 - 12, bào thai gần như đã thành hình khá đầy đủ

2. Tam cá nguyệt thứ hai

Sự phát triển các cơ quan của thai nhi ở 3 tháng tiếp theo trong thai kỳ nổi bật ở những cử động lần đầu tiên bố mẹ cảm nhận được. Bên cạnh đó, thính giác, vị giác, thị giác và những phản xạ của thai nhi cũng không ngừng được cải thiện trong bụng mẹ.

  • Tuần thứ 14-15

Thận của bé đang sản xuất nước tiểu và sẽ bài tiết vào trong nước ối. Nét mặt của thai nhi có thể thay đổi theo cảm xúc, nhiều bé sớm biết mút lấy ngón tay cái. Ngoài ra, em bé có thể cảm nhận thấy ánh sáng chiếu vào từ bên ngoài tử cung của mẹ mặc dù mí mắt của bé lúc này vẫn còn đóng.

  • Tuần thứ 16

Từ thời điểm này cho đến tuần thứ 20 của thai kỳ, giới tính của bé có thể được phát hiện trước thông qua siêu âm hoặc làm một số xét nghiệm cụ thể.

Mẹ sẽ cảm thấy bé cử động kể từ lúc này hoặc trong vài tuần tới. Tuy nhiên bố hoặc những người thân khác sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa để cảm nhận được chuyển động của thai nhi từ bên ngoài.

  • Tuần thứ 19

Thai nhi có thể nghe được nhịp tim của mẹ và cả những âm thanh phát ra từ bên ngoài, chẳng hạn như giọng nói của bố. Da của bé khá nhăn nheo và được bao phủ bởi một lớp sáp bảo vệ. Thai nhi có số đo khoảng 15cm từ đầu đến chân.

  • Tuần thứ 23

Bé bắt đầu có những cảm nhận về sự vận động, hay nói cách khác là thai nhi sẽ nhận ra nếu như mẹ đang nhảy hoặc luyện tập thể chất. Thính giác của bé tiếp tục được cải thiện. Đôi khi mẹ có thể nhìn thấy bé đang loay hoay cử động thông qua bề mặt bụng.

  • Tuần thứ 24

Sự phát triển các cơ quan của thai nhi diễn ra ở vị giác và mái tóc. Não của bé cũng đang phát triển rất nhanh. Chiều của thai nhi lúc này tương đương với một bàn chân người lớn.

  • Tuần thứ 27

Phổi của bé vẫn đang phát triển nhưng vẫn chưa thể hoạt động đầy đủ chức năng. Trong vài tuần tới, bé sẽ tiếp tục "luyện tập" cho cuộc sống bên ngoài bằng cách hít vào và thở ra trong nước ối; ngủ và thức dậy đều đặn; mở và nhắm mắt; cũng như thực hiện động tác mút ngón tay để sẵn sàng bú sữa mẹ khi vừa chào đời.

3. Ba tháng cuối thai kỳ


Phổi và não là hai bộ phận trưởng thành nhiều nhất trong sự phát triển các cơ quan của thai nhi ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3
Phổi và não là hai bộ phận trưởng thành nhiều nhất trong sự phát triển các cơ quan của thai nhi ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3

Phổi và não là hai bộ phận trưởng thành nhiều nhất trong sự phát triển các cơ quan của thai nhi ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3. Ngoài vô số tế bào hình thành trong hệ thần kinh, một lớp chất béo cũng tích tụ khắp cơ thể bé có tác dụng giữ ấm và khiến bé trông mũm mĩm hơn.

  • Tuần thứ 28 tuần

Thai nhi nặng khoảng 1kg và dài tầm 38cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân. Bé đã mọc lông mi và thị lực đang được cải thiện. Hàng tỷ tế bào thần kinh liên tục phát triển trong não của bé, thậm chí xuất hiện cả những giấc mơ trong chu kỳ ngủ.

  • Tuần thứ 32

Từ đầu đến gót chân em bé đã dài gần 43cm và nặng khoảng 1,7kg. Những chiếc móng tay và móng chân nhỏ nhắn cũng dần mọc ra. Sự phát triển các cơ quan của thai nhi cũng như toàn bộ cơ thể bắt đầu đầy đặn hơn để chuẩn bị cho ngày chào đời.

  • Tuần thứ 34

Phổi và hệ thần kinh trung ương của bé đang tiếp tục trưởng thành hơn. Làn da thai nhi lúc này cũng trở nên mềm mại và mịn màng, cơ thể ngày càng căng tròn và mũm mĩm với chiều dài gần 46cm.

Nếu em bé ra đời ở giai đoạn này vẫn được xem là sinh sớm. Mặc dù trẻ sinh non 37 tuần vẫn có khả năng phát triển tốt, nhưng sẽ là lý tưởng nhất nếu bé ở lại trong bụng mẹ thêm vài tuần nữa. Đây là khoảng thời gian cần thiết cho não và phổi trưởng thành hoàn toàn.

Em bé hiện tại đã được tính là đủ tháng và sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Chiều dài trung bình khoảng 51cm.

  • Tuần thứ 41-42

Đã qua ngày dự sinh song thai nhi vẫn chưa chào đời thì được xem là sinh trễ. Các bác sĩ sẽ theo dõi sức khỏe của bé thông qua một số xét nghiệm đánh giá tình trạng nhịp tim thai nhi hoặc làm bảng trắc nghiệm sinh học. Để hạn chế các biến chứng, bác sĩ sản khoa có thể sẽ thảo luận với thai phụ về những biện pháp giục sinh trong 1-2 tuần tới.

Nhìn chung, sự phát triển các cơ quan của thai nhi diễn ra với tốc độ khá nhanh chóng nhưng cũng rất phức tạp. Trong khi gan là cơ quan nội tạng lớn nhất, thì nhau thai lại giữ vai trò độc đáo nhất, giúp phần lớn các cơ quan thực hiện chức năng riêng biệt trong suốt thai kỳ. Môi trường bất lợi ở tử cung người mẹ có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển các cơ quan của thai nhi. Chính vì vậy, việc khám thai đúng định kỳ sẽ giúp đánh giá tình trạng tăng trưởng của bé và phát hiện sớm dấu hiệu của một vấn đề nào đó, từ đó có hướng giải quyết cũng như can thiệp kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện. Ngoài việc được thăm khám định kỳ, sản phụ cũng sẽ được tư vấn chế độ dinh dưỡng, tập luyện để mẹ có thể tăng cân hợp lý mà thai nhi vẫn hấp thu tốt các chất dinh dưỡng.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tú có kinh nghiệm 6 năm về siêu âm sản phụ khoa, đặc biệt được nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về siêu âm thai - chẩn đoán trước sinh. Bác sĩ Tú đã hoàn thành các khóa học về siêu âm - chẩn đoán trước sinh của hiệp hội Y học bào thai Quốc tế FMF; được đào tạo về tư vấn và thực hiện các kĩ thuật can thiệp chẩn đoán trong y học bào thai và tham gia nhiều hội nghị, hội thảo chuyên sâu về Y học bào thai. Hiện đang là bác sĩ tại Khoa Sản phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bài viết tham khảo nguồn: babycenter.com; sciencedirect.com

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe