Sinh con to: Những điều cần lưu ý

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng .

Trong khi mang thai, bác sĩ sẽ theo dõi kích thước của thai nhi. Tăng trưởng là một chỉ báo tốt về sức khỏe và thể trạng của thai nhưng đôi khi trẻ sơ sinh phát triển nhiều hơn mong đợi. Chính vì vậy, thai quá to có thể dự báo một thai kỳ nguy cơ. Nói một cách khác, sinh con quá to có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ cũng như sức khỏe và sự hồi phục của mẹ và bé trong thời gian chu sinh.

1. Định nghĩa thai quá to

Trẻ sơ sinh trung bình nặng khoảng 3200 gram đến 3400 gram. Hầu hết trẻ sơ sinh đủ tháng sẽ có cân nặng lúc sinh dao động từ 2600 gram đến 3800 gram.

Một đứa trẻ được gọi là thai quá to khi trọng lượng lúc chào đời trên phân vị thứ 90 hoặc từ trên 4000 g. Trong thực tế, có khoảng 3 đến 15% trẻ sinh ra có cân nặng trên giá trị này.

Cơ hội sinh con quá to sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều lần với chấn thương cho cả mẹ và con tăng lên theo trọng lượng của em bé. Cụ thể là khả năng xảy ra biến chứng sẽ cao hơn khi em bé trên 4500g và nguy cơ đạt cao nhất khi em bé nặng trên 5000 g. Vì vậy, khám thai định kỳ nói chung, quản lý tốt thai kỳ có thai quá to có thể giúp đối phó và ngăn ngừa bất kỳ biến chứng nào có thể xảy ra trong thời gian mang thai cho đến thời điểm chuyển dạ.

2. Nguyên nhân gây thai quá to

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kích thước của bào thai trong lòng tử cung. Đôi khi các bác sĩ không biết nguyên nhân khiến thai to bất thường. Tuy nhiên, cân nặng, sức khỏe và di truyền của cha mẹ đều có thể đóng góp một phần quan trọng.

Các nguyên nhân gây thai quá to đã được xác định như sau:

  • Lượng đường trong máu cao: Sản phụ có nhiều khả năng sinh con to nếu mắc bệnh tiểu đường trước khi mang thai hoặc mắc bệnh tiểu đường thai kỳ khi đang mang thai.
  • Đã từng sinh con to trước đây. Nếu đã có một lần sinh con to thì khả năng có thêm một lần sinh con to sẽ cao hơn.
  • Thừa cân trước khi mang thai. Sản phụ có nhiều khả năng sinh con lớn hơn bình thường nếu bị thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai.
  • Tăng cân quá mức khi mang thai. Những gì ăn vào trong khi mang thai và mức độ tăng cân của người mẹ có thể ảnh hưởng rất lớn đến trọng lượng khi sinh của trẻ.
  • Đã mang thai nhiều lần. Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng nhìn chung, khi càng sinh nhiều con, trẻ càng có xu hướng lớn hơn.
  • Mang thai một bé trai. Các bé trai thường nặng hơn một chút so với các bé gái và những em bé lớn hơn thường là trẻ trai.
  • Chủng tộc: Yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến kích thước của em bé trong giai đoạn bào thai mà cả tầm vóc của trẻ khi lớn lên. Các bà mẹ da trắng và Tây Ban Nha có xu hướng sinh con lớn hơn các bà mẹ có nguồn gốc khác.
  • Thai quá ngày: Trẻ sơ sinh tiếp tục tăng cân và phát triển khi còn trong bụng mẹ. Vì vậy, càng kéo dài thai kỳ ngoài 40 tuần, em bé sẽ càng lớn.
  • Tuổi mẹ cao: Sản phụ có nhiều khả năng sinh con lớn nếu mang thai trên 35 tuổi.

Tiêu thụ quá nhiều carbohydrate đã qua chế biến. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn thực phẩm có hàm lượng carbohydrate cao có thể khiến thai nhi phát triển quá mức, mẹ tăng cân và dễ mắc các bệnh lý chuyển hóa trong thời gian mang thai như tiểu đường thai kỳ.

3. Các triệu chứng và cách chẩn đoán sinh con to

Không có cách nào để biết cân nặng thực sự của thai nhi khi vẫn trong giai đoạn mang thai. Vì vậy, không thể chẩn đoán chính xác tình trạng sinh con to cho đến khi trẻ được sinh ra và đặt lên bàn cân.

Mặc dù các bác sĩ không thể đo chính xác nhưng vẫn có thể ước tính kích thước của thai nhi. Cụ thể là bác sĩ sẽ xác định kích thước và cân nặng gần đúng của trẻ bằng cách:

  • Xem xét các yếu tố nguy cơ của sản phụ: Bác sĩ sẽ xem xét tiền sử gia đình, tiền sử sức khỏe, tiền sử mang thai, sức khỏe hiện tại, cân nặng và chế độ ăn uống của người mẹ để tìm hiểu xem có thể có nguy cơ sinh con to hay không.
  • Đo chiều cao tử cung: Nếu bụng của sản phụ lớn hơn dự kiến theo từng mốc tuổi thai thì sẽ nghi ngờ khả năng sinh con to khi đến cuối thai kỳ.
  • Cảm nhận vùng bụng: Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ di chuyển tay dọc theo bụng của sản phụ để cảm nhận kích thước và vị trí của em bé theo kinh nghiệm.
  • Theo dõi cân nặng của sản phụ: Bác sĩ sẽ theo dõi sự tăng cân của sản phụ cũng như chế độ ăn uống. Béo phì và tăng cân quá mức trong thai kỳ có thể dẫn đến sinh con to.
  • Đánh giá trên siêu âm: Siêu âm có thể đo kích thước đầu của em bé, xung quanh bụng và chiều dài của xương đùi ở cẳng chân nhằm dự đoán cân nặng của em bé.

Kiểm tra nước ối: Có nhiều nước ối được gọi là đa ối và có liên quan đến khả năng sinh con to.

4. Cách phòng ngừa khả năng sinh con to

Không phải lúc nào các sản phụ cũng có thể ngăn cản việc sinh con to dù đã áp dụng các biện pháp phòng tránh. Tuy nhiên, vì có thể có những biến chứng khi thai quá to, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sản phụ, quá trình mang thai và các yếu tố nguy cơ có thể có để giúp thai kỳ an toàn, quá trình sinh nở thuận lợi để sản phụ và em bé khỏe mạnh nhất có thể.

Như vậy, để ngăn ngừa các biến chứng từ việc mang thai quá to có thể mắc phải, các bác sĩ sẽ:

  • Theo dõi mức độ phát triển của tử cung bằng cách đo chiều cao tử cung ở mỗi lần khám.
  • Theo dõi sự tăng cân.
  • Theo dõi sự phát triển của thai nhi thông qua các phép đo và siêu âm.
  • Xét nghiệm máu và các xét nghiệm trước khi sinh khác để kiểm tra xem sản phụ có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào không.
  • Tầm soát bệnh tiểu đường thai kỳ.
  • Quản lý và kiểm soát tốt bệnh tiểu đường nếu đã mắc phải.
  • Kiểm soát chỉ số tăng cân hoặc béo phì.

Về phía sản phụ, các việc sau đây sẽ giúp kiểm soát cân nặng thai nhi một cách tốt nhất:

  • Chuẩn bị tốt cho việc mang thai bằng cách đến gặp bác sĩ để được tư vấn về tiền thai.
  • Đảm bảo trọng lượng cơ thể khỏe mạnh trước khi mang thai.
  • Thăm khám thai định kỳ đầy đủ và làm xét nghiệm theo yêu cầu.
  • Tăng cân hợp lý một cách có kiểm soát.
  • Áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng và khoa học.
  • Tập thể dục.
  • Thăm khám tại bác sĩ Dinh dưỡng, bác sĩ Nội tiết nếu cần thiết.

5. Các biến chứng có thể gặp phải khi sinh con to

Nói chung, các biến chứng do sinh con to thường rất hiếm nếu biết cách kiểm soát tốt. Tuy nhiên, khả năng gặp phải vấn đề do sinh con to sẽ tăng lên khi em bé nặng hơn 4500 gam và thậm chí còn cao hơn nếu em bé trên 5000 gam. Khi thai quá to, trẻ sẽ có nhiều khả năng sinh khó và chấn thương khi sinh.

Những rủi ro của sinh con quá to đối với thai nhi:

  • Chuyển dạ khó: Thai nhi có thể chui qua ống sinh khó khăn và thậm chí bị mắc kẹt.
  • Chấn thương khi sinh: Bác sĩ có thể cần sử dụng các dụng cụ đỡ đẻ như kẹp hoặc máy hút chân không, những dụng cụ này có thể gây thương tích cho đầu của em bé. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp các chấn thương như lệch vai, chấn thương đám rối thần kinh cánh tay, gãy xương đòn hoặc gãy tay.
  • Hạ đường huyết sơ sinh: Những em bé lớn hơn bình thường có nhiều khả năng bị hạ đường huyết sau khi sinh.
  • Suy hô hấp: Trẻ có thể bị suy hô hấp do sinh khó, chuyển dạ kéo dài hoặc hít phải phân su.
  • Nằm viện kéo dài: Trẻ có thể cần chăm sóc đặc biệt sau sinh.
  • Béo phì ở trẻ em: Cân nặng khi sinh cao hơn có liên quan đến cân nặng của trẻ sẽ cao hơn sau này trong cuộc sống cũng như các vấn đề sức khỏe đi kèm.

Những rủi ro của sinh con quá to đối với sản phụ:

  • Chuyển dạ kéo dài.
  • Tổn thương vùng đáy chậu trong khi sinh như rách hay cần cắt tầng sinh môn hoặc đau ở xương cụt.
  • Mổ lấy thai khẩn cấp và những rủi ro đi kèm.
  • Vỡ tử cung.
  • Băng huyết sau sinh.
  • Tổn thương chức năng niệu dục kéo dài.

Tóm lại, việc lo lắng về kích thước của em bé là điều bình thường khi gần đến ngày dự sinh. Theo đó, khả năng sinh con quá to sẽ là vấn đề cần có sự chuẩn bị chu đáo. Những thông tin cần biết khi mang thai, việc chăm sóc và theo dõi tốt sẽ giảm thiểu rủi ro cho hầu hết các trường hợp thai quá to. Tuy nhiên, tốt nhất là các sản phụ cần kiểm soát đầy đủ các yếu tố nguy cơ, đảm bảo một thai kỳ an toàn cũng như sức khỏe cho chính mình trong thời kỳ hậu sản.

Nguồn tham khảo: whattoexpect.com; parents.com; babycenter.com; bounty.com.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan