Sa tử cung dễ gặp khi sinh thường hay sinh mổ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Sa tử cung sau sinh thường xảy ra ở phụ nữ sinh con nhiều lần, mang đa thai, thời gian sinh thường quá lâu, tuổi cao hoặc thường xuyên lao động nặng trong thời kỳ hậu sản.

1. Tại sao phụ nữ sau sinh thường bị sa tử cung?

Sa tử cung, hay sa dạ con, là tình trạng tử cung sa xuống đến vị trí thấp hơn bình thường, xảy ra khá phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là khi trải qua nhiều lần sinh đẻ. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp sa tử cung sau sinh gặp ở người trẻ sinh ít con.

Sa tử cung sau sinh thường gặp ở những đối tượng phụ nữ lao động nặng nhọc, mang vác nặng quá sớm sau sinh. Khi người phụ nữ mới sinh con, tử cung vẫn còn khá to và nặng, chưa thể co lại hoàn toàn. Trong khi đó, các cơ và dây chằng nâng đỡ ở đáy chậu còn mềm yếu, chưa phục hồi sau thai nghén, không thể nâng đỡ để tử cung luôn cố định ở một vị trí được. Do đó, việc lao động nặng nhọc, hoạt động gắng sức, đi lại quá nhiều có nguy cơ khiến dạ con bị sa xuống.

Biểu hiện sa tử cung như thế nào tùy thuộc vào mức độ bệnh, triệu chứng ở mỗi người. Tuy nhiên khi bị sa tử cung sau sinh, bệnh nhân thường có cảm giác nặng nề và căng tức ở vùng âm hộ, thậm chí có thể cảm nhận rõ một khối tròn lộ hẳn ra ngoài âm đạo và sờ đến được. Sau đây là một số triệu chứng cho thấy tử cung của phụ nữ sau sinh có biểu hiện không bình thường:

  • Bệnh nhân cảm thấy rất khó khăn trong vấn đề tiểu tiện, tiểu không tự chủ.
  • Có cảm giác vùng chậu bị trì nặng, áp lực lên vùng âm hộ.
  • Đau khi đi tiểu, tiểu nhiều lần, lượng nước tiểu ít.
  • Dấu hiệu đau lưng dữ dội.
  • Đôi khi trong lúc hoạt động mạnh, bệnh nhân cảm thấy có một khối tròn tụt ra hẳn bên ngoài âm đạo.
  • Đau khi quan hệ và khó đạt cực khoái.

Khi nhận thấy các dấu hiệu kể trên, người bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên về sản phụ khoa để kiểm tra và chẩn đoán chính xác. Hơn nữa, bệnh nhân không nên chần chừ và kéo dài thời gian quá lâu, vì sa tử cung sau sinh ở cấp độ nặng có thể dẫn đến biến chứng viêm nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung cũng như khả năng mang thai sau này.

Sa tử cung cấp độ 1
Sa tử cung là tình trạng tử cung sa xuống đến vị trí thấp hơn bình thường

2. Khả năng xảy ra sa tử cung như thế nào đối với sinh thường và sinh mổ?

Sinh thường hay sinh mổ không phải là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra sa tử cung. Tuy nhiên, sa tử cung là do các cơ, dây chằng và các mô phụ trợ nâng đỡ tử cung sau sinh còn yếu, khả năng nâng đỡ tử cung hạn chế, cần thời gian để co hồi và bình phục hoàn toàn. Khoảng thời gian để người phụ nữ hồi phục chức năng cơ thể sau khi sinh được gọi là thời kỳ hậu sản. Đây là khoảng thời gian nhạy cảm, dễ xảy ra hiện tượng sa tử cung, đặc biệt đối với những đối tượng có nguy cơ cao đã trình bày ở phần trên.

Đối với người mẹ sinh thường qua đường âm đạo, thời kỳ hậu sản kéo dài 6 tuần, tức là khoảng 6 tuần sau khi sinh con, tử cung của người mẹ sẽ trở về trạng thái bình thường. Mặt khác, các trường hợp sinh mổ sẽ cần thời gian bình phục sau sinh dài hơn so với sinh thường. Do đó, tử cung của sản phụ sinh mổ cũng cần thời gian lâu hơn để co hồi lại, đòi hỏi người mẹ sau sinh phải hết sức chú trọng vấn đề nghỉ ngơi, dưỡng sức, khi mà tử cung vẫn còn to và nặng, cơ nâng đỡ còn yếu, dễ khiến tử cung bị sa xuống ống âm đạo.

3. Làm thế nào để hạn chế sa tử cung sau sinh?

rau xanh
Phụ nữ sau sinh cũng cần ăn nhiều rau xanh, hoa quả để không bị táo bón

Sa tử cung là bệnh lý liên quan đến cơ và dây chằng chịu trách nhiệm nâng đỡ dạ con. Do đó, khi mới sinh, sản phụ nên đi lại nhẹ nhàng, hoạt động vừa phải, để vừa tránh được tình trạng bế sản dịch, vừa giúp cơ tử cung co bóp, hạn chế được áp lực lên vùng chậu, giúp tử cung mau chóng co lại trở về bình thường.

Bên cạnh đó, phụ nữ sau sinh cũng cần ăn nhiều rau xanh, hoa quả để không bị táo bón, luyện tập nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe của cơ. Việc gắng sức rặn khi đi tiêu cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sa tử cung. Ngoài ra, phụ nữ sau sinh nên cho con bú mẹ, vừa tốt cho em bé, vừa giúp tử cung co bóp, tống sản dịch ra ngoài và co nhỏ lại.

Phụ nữ sau khi sinh nên tái khám để được bác sĩ chuyên khoa phụ sản kiểm tra và đưa ra cách điều trị khoa học, giúp bệnh tình mau hồi phục.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

77.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan