Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thị Thu và Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Ở phụ nữ mang thai có khoảng 3-4% bị rối loạn chức năng tuyến giáp. Rối loạn chức năng tuyến giáp ở phụ nữ mang thai có thể sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cả cho mẹ và em bé nếu không được điều trị kịp thời.
1. Rối loạn chức năng tuyến giáp
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng, có chức năng điều tiết quá trình chuyển hóa của cơ thể. Rối loạn chức năng tuyến giáp là những bệnh lý liên quan đến tuyến giáp, bao gồm:
- Suy năng tuyến giáp: là tình trạng do tuyến giáp sản xuất không đủ lượng hormone giáp. Suy năng tuyến giáp có thể bắt nguồn từ tuyến giáp, tuyến yên hay vùng hạ đồi.
- Cường năng tuyến giáp: là tình trạng sản sinh ra quá nhiều hormone giáp, hội chứng này ít gặp hơn suy năng tuyến giáp
- Bướu giáp: không phải là một bệnh lý cụ thể. Bướu giáp có thể liên quan đến hội chứng suy năng tuyến giáp, cường năng tuyến giáp hoặc thậm chí chức năng tuyến giáp bất thường.
- Hạt giáp: là những u hoặc khối bất thường nằm bên trong tuyến giáp. Hạt giáp có thể do nang giáp, bướu giáp lành tính hoặc ung thư tuyến giáp gây ra.
- Ung thư tuyến giáp: thường gặp ở những phụ nữ trưởng thành hơn là nam giới hoặc người trẻ. Có nhiều loại ung thư tuyến giáp khác nhau, tùy thuộc vào loại tế bào đặc hiệu bên trong tuyến giáp. Đa số những trường hợp ung thư tuyến giáp đều có tiên lượng tốt và tỷ lệ sống sót cao, đặc biệt là những bệnh nhân khi được chẩn đoán sớm ở giai đoạn đầu.
Trong quá trình mang thai, tuyến giáp tăng sự quy nạp iodine để bảo đảm mức độ bình thường của sản xuất hormone tuyến giáp. Vì vậy, nếu chế độ ăn hằng ngày của những phụ nữ mang thai thiếu iot thì tuyến giáp có thể to lên. Rối loạn chức năng tuyến giáp ở phụ nữ mang thai chủ yếu là suy năng tuyến giáp.
2. Nguyên nhân gây rối loạn chức năng tuyến giáp trong thời kỳ mang thai
Nguyên nhân gây rối loạn chức năng tuyến giáp trong thời kỳ mang thai chủ yếu là do viêm tuyến giáp mạn tính có tính chất tự miễn hay còn gọi là bệnh Hashimoto. Có những trường hợp có thể mắc bệnh Hashimoto từ trước khi có thai hoặc ở lần mang thai đầu tiên.
Ngoài ra, các nguyên nhân gây rối loạn chức năng tuyến giáp khác bao gồm:
- Do bà mẹ đã bị cắt tuyến giáp
- Điều trị iodine phóng xạ
- Do bệnh nhân đang điều trị Basedow bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp liều quá cao.
- Bướu giáp độc đa nhân
- Hạt giáp tăng tiết quá nhiều hormone giáp trạng
- Tiêu thụ lượng iốt quá mức.
Những phụ nữ mang thai có tiền sử gia đình có nhiều người bị bệnh tuyến giáp, những người đã bị viêm tuyến giáp, có bướu cổ to hoặc suy giáp trong lần có thai trước, và cả những sản phụ sống trong những vùng bị thiếu iot cần được theo dõi và thăm dò.
3. Ảnh hưởng của rối loạn chức năng tuyến giáp đến sản phụ
Trong khoảng 13 tuần đầu tiên của thai kỳ, thai nhi chưa có tuyến giáp nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hormone tuyến giáp của người mẹ cung cấp qua rau thai. Giai đoạn này là thời kỳ hình thành và phân chia các cơ quan của thai nhi nên nếu bị thiếu hormone trong thời gian này thì biến chứng rất nặng nề.
Rối loạn chức năng tuyến giáp ở phụ nữ mang thai chủ yếu là suy năng tuyến giáp. Hậu quả của suy năng tuyến giáp ở người mẹ là tăng huyết áp, đẻ non, rau bong non, thậm chí là sảy thai, thai chết lưu. Đối với thai nhi khi đẻ ra trẻ bị đần độn, chậm phát triển trí tuệ.
Cường chức năng tuyến giáp ở phụ nữ mang thai ít gặp hơn, có khoảng 1,7% phụ nữ có thai bị bệnh này. Hậu quả của cường năng tuyến giáp gây ra các biến chứng như: thai nhẹ cân, sảy thai, tiền sản giật, đẻ non... Thậm chí cơn cường giáp cấp lúc chuyển dạ gây tử vong cho cả mẹ và con với tỷ lệ lên đến 100%.
Việc tầm soát nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ có thai có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngoài việc ngăn ngừa các biến chứng, làm giảm tỷ lệ tử vong ở cả mẹ và con thì nó đảm bảo những đứa trẻ sinh ra là hoàn toàn khoẻ mạnh về thể chất và có trí tuệ tốt... Điều trị càng sớm thì nguy cơ bị biến chứng ở cả mẹ và con sẽ càng thấp.
4. Yếu tố nguy cơ
Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tuyến giáp và đã được chẩn đoán các bệnh tuyến giáp từ trước ví dụ như: suy giáp, cường giáp, basedow, bướu cổ đơn thuần, bướu nhân tuyến giáp...
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp
- Sản phụ đã bị bệnh tuyến giáp ở những lần thai trước
- Sản phụ có tiền sản sản khoa không tốt như sảy thai, lưu thai, sinh non, sinh con dị tật bẩm sinh...
- Phụ nữ mắc tiểu đường type 1
- Phụ nữ mắc các bệnh tự nhiễm như lupus, viêm khớp dạng thấp...
- Phụ nữ đang điều trị suy giáp
- Phụ nữ có tiền sử đã phẫu thuật cắt tuyến giáp, điều trị phóng xạ cùng cổ, đầu...
Bác sĩ khuyến cáo những sản phụ có yếu tố nguy cơ cao được kể trên cần thực hiện các xét nghiệm sàng lọc bệnh lý tuyến giáp thai kỳ là xét nghiệm TSH và FT4 để đánh giá chức năng tuyến giáp và trong quá trình mang thai, cần được theo dõi thường xuyên.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
Rối loạn chức năng tuyến giáp ở phụ nữ mang thai nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời thì bệnh có thể để lại những biến chứng nguy hiểm. Do đó, phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người có nguy cơ cao cần đi sàng lọc lâm sàng xem có bị bướu cổ hay không, làm xét nghiệm máu các hormon FT4 và TSH. Đối với những trường hợp nghi ngờ có thể bác sĩ sẽ cho làm thêm siêu âm tuyến giáp và một số xét nghiệm máu đặc biệt. Những sản phụ được chẩn đoán rõ có rối loạn chức năng tuyến giáp sẽ được can thiệp và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.