Ngày dự sinh được tính thế nào? Thai quá ngày sinh có nguy hiểm không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Thai quá ngày dự kiến sinh là trường hợp bà bầu mang thai kéo dài hơn 40 tuần mà vẫn chưa có dấu hiệu sinh. Thai nhi quá ngày tưởng chừng như bình thường nhưng thực tế có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của thai nhi.

1. Ngày dự sinh là gì?

Ngày dự sinh là ngày mà bác sĩ dự đoán là em bé sẽ chào đời, được xác định dựa trên ngày đầu tiên trong chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của sản phụ. Ngày dự kiến sinh được xem như một hướng dẫn để kiểm tra quá trình mang thai và theo dõi sự phát triển của thai nhi. Thai quá ngày dự sinh có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở thai nhi.

2. Cách tính ngày dự sinh

Thủ thuật siêu âm thường được sử dụng để xác định ngày dự sinh. Bác sĩ sẽ dự đoán ngày sinh của sản phụ thông qua kết quả siêu âm và thời điểm xảy ra kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Khi đã được xác định, ngày dự sinh sẽ không thay đổi trong suốt quá trình mang thai cho dù thai phụ có thực hiện bao nhiêu lần siêu âm đi nữa.

Các mốc siêu âm thai quan trọng
Bác sĩ sẽ dự đoán ngày sinh thông qua kết quả siêu âm và thời diểm xảy ra kỳ kinh nguyệt cuối cùng

3. Thai nhi quá ngày dự kiến sinh

Thời gian mang thai trung bình là 280 ngày, hoặc 40 tuần, được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Khi thai kỳ kéo dài từ tuần thứ 41 đến tuần thứ 42 (1 tuần sau ngày dự sinh) được gọi là thai trễ ngày. Đối với thai kỳ kéo dài hơn 42 tuần lễ tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng thì gọi là thai quá ngày dự sinh, hay thai già tháng.

4. Nguyên nhân dẫn đến thai nhi quá ngày

Nguyên nhân gây ra tình trạng thai quá ngày dự sinh hiện chưa được biết rõ, nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng khả năng thai nhi quá ngày dự sinh. Những yếu tố này bao gồm:

  • Sinh con đầu lòng.
  • Mang trai con trai.
  • Lần mang thai trước đó đã từng xảy ra tình trạng thai quá ngày dự sinh.
  • Bà bầu bị béo phì.

5. Thai quá ngày sinh có nguy hiểm không?

Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cho cả sản phụ và thai nhi có thể tăng lên nếu thai nhi quá ngày nhưng vẫn chưa được sinh ra. Tuy nhiên, vấn đề này thường chỉ xảy ra trong một số ít trường hợp thai quá ngày dự sinh. Hầu hết phụ nữ sinh con sau ngày dự sinh đều chuyển dạ bình thường và sinh ra những em bé khỏe mạnh. Rủi ro có thể liên quan đến tình trạng thai quá ngày dự kiến sinh, bao gồm:

  • Thai chết lưu.
  • Thai nhi quá lớn.
  • Thai nghén quá kỳ.
  • Có phân trong phổi của thai nhi, khiến cho em bé gặp phải tình trạng khó thở nghiêm trọng sau khi sinh.
  • Lượng nước ối giảm, khiến dây rốn bị chèn ép và hạn chế lưu lượng oxy cung cấp cho thai nhi.

Những rủi ro khác bao gồm tăng khả năng thai phụ phải được hỗ trợ khi sinh thường hoặc phải sinh mổ. Ngoài ra, nguy cơ xảy ra nhiễm trùng và xuất huyết sau sinh thường cao hơn khi thai quá ngày dự sinh.

Thai quá ngày dự sinh có thể rất nguy hiểm
Thai quá ngày dự sinh có thể tiềm ẩn một số rủi ro nguy hiểm

6. Khi nào nên làm xét nghiệm xác định thai quá ngày dự sinh

Khi bà bầu mang thai từ tuần thứ 40 đến đến tuần thứ 41, chưa cần thiết phải xét nghiệm. Nhưng đến thời điểm thai nhi được 41 tuần tuổi, bác sĩ thường sẽ đề nghị thai phụ làm xét nghiệm để kiểm tra tình trạng thai quá ngày dự sinh. Những xét nghiệm này có thể được thực hiện hàng tuần hoặc hai lần mỗi tuần. Đôi khi cần phải lặp lại các xét nghiệm tương tự hoặc thực hiện thêm một xét nghiệm khác. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện giục sinh.

7. Các xét nghiệm cần thực hiện khi thai nhi quá ngày dự sinh

7.1. Monitor theo dõi đáp ứng của thai nhi

Để kiểm tra tình trạng sức khỏe của em bé khi thai quá ngày dự sinh, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng máy monitor để theo dõi đáp ứng của thai nhi và đôi khi phải sử dụng đến phương pháp siêu âm. Trong quá trình thực hiện, hai đai được đặt xung quanh bụng của bà bầu để theo dõi dòng cảm biến. Những cảm biến này sẽ đo nhịp tim thai và tần số co bóp của tử cung.

7.2. Thử nghiệm Non-stress Test

Thử nghiệm Non-stress Test (NST) đo nhịp tim của thai nhi trong một khoảng thời gian cụ thể, thường là 20 phút. Kết quả của Non-stress Test được ghi nhận là có phản ứng (kết quả tốt) hoặc không có phản ứng (kết quả xấu). Kết quả xấu không có nghĩa là thai nhi không khỏe mạnh. Trường hợp kết quả thử nghiệm Non-stress Test không có phản ứng thường phải thực hiện thêm các xét nghiệm khác mới có đủ thông tin để chẩn đoán chính xác tình trạng thai quá ngày sinh.

7.3. Trắc đồ sinh vật lý

Trắc đồ sinh vật lý (BPP) là một bảng trắc nghiệm liên quan đến việc theo dõi nhịp tim của thai nhi cũng như siêu âm thai. Xét nghiệm này kiểm tra nhịp tim, hơi thở, chuyển động và trương lực cơ của em bé, từ đó xác định tình hình sức khỏe hiện tại của thai nhi. Lượng nước ối cũng sẽ được đánh giá qua kết quả xét nghiệm.

7.4. Xét nghiệm CST

Xét nghiệm CST (Contraction Stress Test, hay còn gọi ngắn gọn là Stress Test) để theo dõi đáp ứng của tim thai với các cơn gò tử cung. Để thực hiện xét nghiệm CST, bác sĩ sẽ tiêm hormone oxytocin vào cơ thể qua đường tĩnh mạch để gây ra các cơn co thắt cơ tử cung giống như khi đang sinh thật. Kết quả xét nghiệm có thể giúp bác sĩ biết được tình hình sức khỏe của em bé sẽ như thế nào khi xuất hiện những cơn gò tử cung trong khi sinh. Kết quả cũng có thể không rõ ràng hoặc không đạt yêu cầu (khi không có đủ các cơn co thắt tử cung cần thiết để cho ra một kết quả có ý nghĩa).

8. Khởi phát chuyển dạ là gì?

Khởi phát chuyển dạ hay còn gọi là phương pháp giục sinh, thúc sinh, có thể được bác sĩ khuyến nghị nếu thai nhi đã đạt đến 41 tuần tuổi hoặc thai quá ngày dự kiến sinh. Khởi phát chuyển dạ được thực hiện bằng cách sử dụng thuốc hoặc một biện pháp khác. Để gây chuyển dạ, cổ tử cung của người mẹ cần phải được mềm hóa để chuẩn bị cho quá trình sinh con. Điều này được gọi là sự chín muồi cổ tử cung.

9. Các biện pháp giục sinh khi thai quá ngày dự sinh

Khi thai phụ đã quá ngày dự sinh, các phương pháp sau đây có thể được bác sĩ cân nhắc lựa chọn để gây khởi phát chuyển dạ:

  • Lóc ối: Với biện pháp này, bác sĩ sẽ đeo găng và dùng ngón tay để tách màng ối ra khỏi thành tử cung.
  • Phá vỡ túi nước ối: Bác sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ trên túi nước ối để làm vỡ ối, qua đó kích thích sự chuyển dạ.
  • Oxytocin: Là một loại thuốc giúp tạo ra các cơn co thắt chuyển dạ, được tiêm theo đường tĩnh mạch vào cánh tay của thai phụ. Liều lượng có thể được tăng dần theo thời gian nhưng phải theo dõi cẩn thận.
  • Các chất tương tự Prostaglandin: Đây là những loại thuốc được đặt trong âm đạo để làm chín muồi cổ tử cung.
  • Làm giãn nở cổ tử cung: Bác sĩ có thể đặt ống thông có gắn một quả bong bóng rất nhỏ vào cuối cổ tử cung của thai phụ. Sau đó, nước sẽ được bơm vào quả bóng. Khi bóng đã được bơm căng, nó sẽ gây ra tác động áp lực, giúp cổ tử cung mở ra và quá trình chuyển dạ sẽ bắt đầu.

10. Những rủi ro gặp phải khi giục sinh

Những rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện khởi phát chuyển dạ đối với thai nhi quá ngày dự sinh, bao gồm: Thay đổi nhịp tim thai, nhiễm trùng và sự co bóp tử cung quá mạnh. Cả mẹ và em bé cần phải được theo dõi trong suốt quá trình thực hiện giục sinh. Mặt khác, có nguy cơ khởi phát chuyển dạ không có tác dụng. Khi đó, cần phải lặp lại biện pháp giục sinh một lần nữa. Một số trường hợp dẫn đến nguy cơ phải sinh mổ hoặc phải hỗ trợ sinh thường.

Khi thai quá ngày dự sinh, rất có thể bác sĩ sẽ đề nghị sử dụng các biện pháp giục sinh. Sản phụ nên trao đổi kỹ về các biến chứng có thể xảy ra để đảm bảo đó là quyết định tốt cho sức khỏe của chính bản thân mình và của con.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.

Đặc biệt, bệnh viện áp dụng kỹ thuật gây tê màng cứng không morphingây tê thần kinh thẹn giúp sản phụ giảm bớt đau đớn trong quá trình vượt cạn. Trong suốt quá trình sinh, sản phụ sẽ được các hộ lý hướng dẫn cách rặn đẻ và thở đúng cách, bé sẽ chào đời chỉ trong 10 - 15 phút. Sau khi sinh, bé sẽ được chăm sóc trong phòng vô trùng trước khi được đưa trở về với mẹ.

Sản phụ sẽ được nghỉ ngơi tại phòng bệnh cao cấp, được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn quốc tế, 1 mẹ 1 phòng với đầy đủ trang thiết bị tiện nghi, hiện đại, thoáng mát thoải mái như ở nhà. Mẹ sẽ được các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn phương pháp nuôi dưỡng bé trước khi xuất viện. Tái khám sau sinh với cả mẹ và bé với các bác sĩ Sản khoa và Nhi khoa.

Mọi thông tin chi tiết Khách hàng vui lòng liên hệ đến các bệnh viện, phòng khám thuộc hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn Acog.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

732 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan