Thế nào là thai nghén có nguy cơ cao?

Thai nghén nguy cơ cao là tình trạng thai nghén có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh. Có nhiều yếu tố gây nên một thai kỳ nguy cơ cao bao gồm: sức khỏe mẹ khi mang thai, tiền sử sản khoa, các vấn đề bất thường của thai và các phần phụ của thai, các điều kiện kinh tế xã hội gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý người mẹ....

1. Thế nào là thai nghén có nguy cơ cao?

Thai nghén nguy cơ cao là tình trạng thai nghén có các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con. Thai nghén nguy cơ cao là một tình trạng khá phổ biến, có thể gặp ở bất kì tuổi thai nào, có thể gây nên các loại bệnh tật, các dị dạng cho thai khi còn nằm trong tử cung hoặc làm trẻ bị trì trệ, kém phát triển khi đã ra đời. Một thai kỳ nguy cơ cao sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong cho mẹ, thai và trẻ sơ sinh.

2. Phân loại các nhóm thai nghén nguy cơ cao

Mang thai
Một thai kỳ nguy cơ cao sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong cho mẹ, thai và trẻ sơ sinh

Dựa vào đặc điểm lâm sàng, thai nghén nguy cơ cao được chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm có đặc điểm riêng đều cần được phát hiện sớm để được can thiệp kịp thời.

2.1 Nhóm các yếu tố nguy cơ liên quan đến nhân trắc học

Nhóm này gồm các yếu tố tuổi mẹ, chiều cao, cân nặng, điều kiện kinh tế xã hội và các yếu tố di truyền.

Tuổi mẹ

  • Nếu người mẹ mang thai khi còn quá trẻ (dưới 18 tuổi) sẽ có nguy cơ tiền sản giật, thai chậm phát triển, dọa sinh non, sinh non, mẹ bị thiểu năng dinh dưỡng và lây lan các bệnh viêm nhiễm theo đường tình dục.
  • Nếu người mẹ mang thai khi tuổi trên 35 sẽ có nguy cơ cao huyết áp do thai, tiền sản giật, bệnh béo phì và các bệnh nội khoa khác. Ngoài ra, trẻ sinh ra bởi những người mẹ lớn tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh do bất thường nhiễm sắc thể.

Cân nặng của mẹ

  • Những người mẹ có cân nặng dưới 40kg khi mang thai, thai nhi có nguy cơ chậm phát triển trong tử cung, suy thai, thai ngạt, khi sinh ra trẻ nhẹ cân hơn tuổi thai, hạ đường máu, giảm thân nhiệt, tỷ lệ tử vong và mắc các bệnh lý cao.
  • Những người mẹ có cân nặng trên 70kg các biến chứng thường gặp là rối loạn huyết áp từ trước và trong khi có thai, tần suất gặp là 4-7%. Các biến chứng thường gặp khác là đái tháo đường, viêm đường tiết niệu, viêm tĩnh mạch,... Người mẹ bị béo phì thường sinh ra em bé với cân nặng lớn, ngôi thai không rõ ràng, tỷ lệ mổ lấy thai cao và nguy cơ cao nhiễm trùng sau mổ.

Chiều cao của mẹ

  • Những người mẹ có chiều cao dưới 1m45 có nguy cơ xương chậu hẹp nên có nguy cơ ngôi bất thường, đẻ khó.

Các bệnh di truyền

  • Là các bệnh cha mẹ truyền cho con như hội chứng tam bội thể 21 (trisomie) gây ra hội chứng Usker ở trẻ nhỏ với các triệu chứng là thoái hóa sắc tố ở võng mặc, điếc, xơ cứng teo cơ.
  • Một hội chứng thường gặp nhất là hội chứng Down với những bất thường trong hình dạng và thiểu nặng trí tuệ. Hội chứng Down thường gặp ở những sản phụ nhiều tuổi, phụ nữ quá trẻ hoặc cơ thể nhỏ bé.
Di truyền
Các bệnh di truyền là một trong số những yếu tố nguy cơ khi mang thai

Điều kiện kinh tế, xã hội

  • Nếu phụ nữ mang thai sống trong điều kiện mức sống vật chất thấp, phải lao động nặng nhọc, môi trường sống thiếu vệ sinh, chật hẹp, tinh thần luôn mệt mỏi, căng thẳng có thể dẫn đến thai nghén nguy cơ cao với sự kém phát triển của thai nhi và tỷ lệ sinh non cao.

Yếu tố dinh dưỡng

  • Chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thời gian sắp và trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của thai nhi. Thiếu acid folic có thể gây khuyết tật ống thần kinh. Thiếu Vitamin D có thể gây tình trạng hạ canxi huyết và cơn tetani ở trẻ sơ sinh. Mẹ thiếu Vitamin B1 có liên quan đến một số trường hợp tử vong cấp của trẻ sơ sinh với tình trạng tim của thai nhi bị sung huyết.

2.2 Nhóm các yếu tố liên quan đến các bệnh lý chung:

Mẹ mắc các bệnh nhiễm khuẩn

Mẹ mắc các bệnh nhiễm khuẩn là một yếu tố làm thai kỳ nguy cơ cao. Tỷ lệ sảy thai, chết thai, đẻ non tăng, thai nhi có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm như:

  • Ở thời kỳ thai đầu mang thai, nếu mẹ mắc một số bệnh do virus như cúm, rubella, sốt xuất huyết, nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma,... thai có thể bị các dị dạng như như não úng thủy, bụng có, sứt môi hở hàm ếch,...
  • Thời kỳ thai hoàn chỉnh tổ chức: vi khuẩn, virut, ký sinh trùng từ mẹ dễ ngấm qua màng ngăn của thai gây bệnh cho thai như viêm gan, viêm não, giang mai, viêm phổi,...

Các bệnh về thận

  • Các bệnh viêm thận, viêm mủ bể thận, cao huyết áp thường sẽ nặng lên lúc phụ nữ mang thai sẽ gây nhiều nguy hiểm cho người mẹ và thai nhi như: sản giật do co thắt tiểu động mạch, rau bong non, bánh rau nhỏ, thai kém phát triển, thai lưu,... Cần điều trị tích cực cho người mẹ, trong một số trường hợp phải đình chỉ thai nghén để cứu mẹ.

Các bệnh tim mạch

  • Tình trạng các bệnh tim mạch của người mẹ thường nặng lên lúc mang thai, do thai luôn trong tình trạng thiếu oxy nên kém phát triển. Thiếu oxy ở cơ tử cung sẽ gây sinh non, sảy thai và tử vong ở thai nhi. Nguy cơ ở mẹ là suy tim, phù phổi và tử vong nên trong một số trường hợp phải đình chỉ thai vì bệnh lý của mẹ quá nặng. Nếu cha hoặc mẹ bị tim bẩm sinh thì tỷ lệ con sinh ra bị tim bẩm sinh là 10-20%.
Bị bệnh tim mạch, cần lưu ý gì khi mang thai?
Tình trạng các bệnh tim mạch của người mẹ thường nặng lên lúc mang thai

Các bệnh về gan

  • Các bệnh về gan như suy gan cấp, xơ gan làm giảm chức năng gan gây tăng nguy cơ chảy máu, hôn mê và tử vong khi sinh. Nếu người mẹ mang virut viêm gan B, 2% trẻ sinh ra sẽ mang virut mạn tính và sẽ có nguy cơ tổn thương gan nặng.

Các bệnh về máu

  • Người mẹ gặp tình trạng thiếu máu do chế độ ăn không cung cấp đủ, do hấp thu kém hoặc do giun móc sẽ làm thai nhi kém phát triển, nguy cơ sinh non, sẩy thai hoặc chết lưu. Người mẹ thiếu máu có nguy cơ bị suy tim khi mang thai và gặp các biến chứng lúc sinh như nguy cơ tắc mạch, nhiễm trùng.

Các bệnh khác

  • Các bệnh nội tiết như đái tháo đường, basedown, addison gây nguy cơ cao đẻ non, thai suy dinh dưỡng, nhiễm độc thai nghén và làm tăng tỷ lệ tử vong ở mẹ.
  • Các bệnh thiểu nặng nội tiết tố estrogen, progesterol gây tăng tỷ lệ sẩy thai.
  • Các dị dạng tử cung như u xơ, hở eo,.. gây sảy thai hoặc sinh non.
  • Các bệnh nghề nghiệp như nhiễm độc chì, thủy ngân, các chất độc phóng xạ, nghiện thuốc lá, nghiện rượu sẽ làm tăng tỉ lệ dị dạng, sảy thai, thai lưu hoặc sinh non.

2.3 Nhóm các yếu tố liên quan đến tiền sử sản khoa

Thai kỳ nguy cơ cao khi người mẹ đã có tiền sử sảy thai nhiều lần liên tiếp, đẻ non nhiều lần hoặc chết lưu. Khi người phụ nữ có tiền sử sảy thai liên tiếp 3 lần trở lên thì cơ hội đẻ ra còn sống chỉ là 30%, nguy cơ sinh non cao hơn 20% so với bình thường.

2.4 Nhóm các yếu tố gây thai nghén nguy cơ cao liên quan đến bệnh lý xảy ra trong thai kỳ:

Tiền sản giật - sản giật

  • Người mẹ bị tiền sản giật hoặc sản giật sẽ làm thai nhi kém phát triển triển, tăng nguy cơ sinh non, rau bong non, đôi khi gây tử vong cho cả thai và mẹ

Các nguyên nhân do nhau thai

  • Rau tiền đạo: thường gặp ở những phụ nữ suy dinh dưỡng, nạo thai hoặc đã sinh con nhiều lần. Thai thường bị đẻ non, những trường hợp nặng phải mổ để cứu thai phụ.
  • Rau bong non: làm thai bị thiếu oxy, thai phụ bị mất nhiều máu, đe dọa tính mạng của cả mẹ và con.
  • Rau xơ hóa: bánh rau kém phát triển, sự trao đổi dinh dưỡng oxy giữa mẹ và thai giảm làm thai kém phát triển, sinh non hoặc chết lưu.

Các nguyên nhân do màng ối

  • Rỉ ối, ối vỡ non gây nhiễm khuẩn ối, nhiễm khuẩn thai nhi.

Nguyên nhân do nước ối

  • Đa ối gồm đa ối cấp và đa ối mạn. Đa ối cấp ít gặp, thường xuất hiện vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5 của thai kỳ, gây khó thở do sản phụ. Đa ối cấp thường gây dị dạng thai nhi. Đa ối mạn thường gặp hơn, thường xuất hiện vào những tháng cuối thai nhi, bệnh tiến triển từ từ, thai nhi có nguy cơ cao bị dị dạng, đẻ non, ngôi thai bất thường.
  • Thiếu ối

Nguyên nhân do thai

  • Thai bị bệnh và nhiễm khuẩn: thai bị các bệnh di truyền, bị nhiễm khuẩn thường bị chết lưu, đẻ non hoặc sẩy thai.
  • Đa thai: các ca sinh đôi hoặc sinh ba thường dễ đẻ non, khó sinh. Mẹ sau sinh dễ bị băng huyết.
  • Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi: thường gặp là bất đồng yếu tố Rh gây vàng da sơ sinh, tán huyết, vàng da nhân.
  • Thai già tháng: bánh rau thai bị thoái hóa là giảm khả năng cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho thai làm suy thai, các cơ quan chức năng của thai bị suy giảm, thai có nguy cơ cao bị chết lưu hoặc chết trong tuần đầu sau sinh.

Như vậy, có nhiều yếu tố tác động gây nên thai nghén nguy cơ cao. Thai nghén nguy cơ cao ảnh hưởng đến quá trình mang thai và sinh nở, gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh. Phụ nữ có thai cần khám thai sớm và đều đặn theo định kỳ để được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm lâm sàng cần thiết nhằm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ. Những sản phụ có thai kỳ nguy cơ cao sẽ được theo dõi và có các biện pháp điều trị, can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:

  • Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn
  • Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
  • Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
  • Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Tài liệu Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bộ Y tế

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan