Một số yếu tố khiến thai kỳ có nguy cơ cao

Một số yếu tố có thể khiến thai kỳ nguy cơ cao, bao gồm tình trạng sức khỏe hiện tại, tuổi tác và lối sống của người mẹ, cũng như các vấn đề xảy ra trước hoặc trong thai kỳ. Tuy nhiên những rủi ro cụ thể ảnh hưởng đến mỗi lần mang thai là khác nhau.

1. Tình trạng sức khỏe hiện tại

  • Huyết áp cao

Mặc dù huyết áp cao có thể gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi, nhưng hầu hết phụ nữ mắc bệnh huyết áp nhẹ và không kèm theo các bệnh khác sẽ có thai kỳ an toàn, sinh con khỏe mạnh nếu được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, huyết áp cao không kiểm soát có thể gây hại cho thận của người mẹ và làm tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân hoặc tiền sản giật. Phụ nữ phải kiểm tra huyết áp mỗi lần khám thai để bác sĩ phát hiện dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời.

Phụ nữ bị PCOS có tỷ lệ cao bị sảy thai trước tuần thứ 20 của thai kỳ, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật và buộc phải mổ lấy thai.

  • Bệnh tiểu đường

Điều quan trọng đối với phụ nữ bị tiểu đường là kiểm soát lượng đường trong máu trước khi mang thai và trong suốt thai kỳ. Trong vài tuần đầu, thường là trước khi phụ nữ biết mình mang thai, lượng đường trong máu cao có thể gây dị tật bẩm sinh. Ngay cả khi đã kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, quá trình trao đổi chất trong khi mang thai cũng cần được chăm sóc hoặc điều trị thêm. Con của những bà mẹ bị tiểu đường có xu hướng bị thừa cân và hạ đường huyết ngay sau khi sinh.

Đái tháo đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm cho cả mẹ và bé

  • Bệnh thận

Phụ nữ bị bệnh thận nhẹ thường có thai kỳ khỏe mạnh. Nhưng nếu bệnh nặng có thể gây khó khăn khi mang thai cũng như khiến thai kỳ nguy cơ cao sinh non, sinh con nhẹ cân và tiền sản giật.

  • Bệnh tự miễn

Các bệnh như lupus và đa xơ cứng có thể làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe trong quá trình mang thai và sinh nở của phụ nữ.

  • Bệnh tuyến giáp

Bệnh suy giáp hoặc cường giáp của thai phụ không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề cho thai nhi, bao gồm suy tim, tăng cân kém và các vấn đề phát triển não.

  • Béo phì

Béo phì trước khi mang thai dẫn đến thai kỳ nguy cơ cao gặp biến chứng. Ví dụ, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, khiến thai nhi lớn hơn bình thường, quá trình sinh nở khó khăn, dễ bị ngưng thở khi ngủ và rối loạn nhịp thở khi mang thai, vấn đề về tim của em bé.

  • HIV / AIDS

HIV có thể truyền sang thai nhi trong quá trình mang thai, chuyển dạ và sinh nở cũng như khi cho con bú.

  • Nhiễm Zika

Những bà mẹ bị nhiễm Zika ngay trước và trong khi mang thai có nguy cơ sinh con mắc vấn đề về não và hệ thần kinh, dễ nhận thấy nhất là tật đầu nhỏ. Nhiễm Zika khi mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và thai chết lưu.

Virus Zika
Nhiễm Zika khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và thai chết lưu.

2. Tuổi tác

2.1. Trẻ tuổi

Thanh thiếu niên mang thai có nhiều khả năng bị huyết áp cao và thiếu máu liên quan đến thai kỳ, cũng như chuyển dạ sớm và sinh non. Các bạn nữ trẻ tuổi thường không biết mình bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thể khiến thai kỳ nguy cơ cao hoặc ảnh hưởng đến em bé. Người trẻ cũng ít được chăm sóc trước khi sinh hoặc khám thai đúng lịch, từ đó không được đánh giá, xác định và điều trị các rủi ro, dùng sai một số loại thuốc không an toàn cho thai kỳ.

2.2. Lớn tuổi

Nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai lần đầu sau 35 tuổi dễ có thai kỳ nguy cơ cao hơn so với phụ nữ trẻ, bao gồm:

  • Huyết áp cao và tiểu đường thai kỳ
  • Mất thai
  • Mang thai ngoài tử cung (có thể đe dọa tính mạng)
  • Sinh mổ
  • Biến chứng khi sinh, chẳng hạn như băng huyết
  • Thời gian chuyển dạ kéo dài (hơn 20 giờ)
  • Rối loạn di truyền ở trẻ sơ sinh, chẳng hạn như hội chứng Down.
Huyết áp cao
Phụ nữ mang thai muộn sẽ tăng nguy cơ huyết áp cao

3. Yếu tố lối sống

  • Uống rượu bia

Uống rượu trong khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc Hội chứng rượu bào thai (FASDs), đột tử ở trẻ sơ sinh và các vấn đề khác. Người mẹ uống rượu trong thai kỳ sẽ gây ra một loạt tác động từ nhẹ đến nặng lên thai nhi, bao gồm: khuyết tật về trí tuệ và phát triển; rối loạn hành vi; các đặc điểm bất thường trên khuôn mặt; rối loạn về tim, thận, xương và thính giác. Phụ nữ uống rượu cũng dễ bị sẩy thai hoặc thai chết lưu. Trẻ sơ sinh có thể gặp các vấn đề phát triển lâu dài ngay cả khi chỉ tiếp xúc với rượu ở mức độ thấp trước sinh.

  • Hút thuốc lá

Hút thuốc trong khi mang thai khiến thai nhi có nguy cơ sinh non, dị tật bẩm sinh và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Theo một nghiên cứu, hút thuốc lá làm tăng 2 - 3 lần nguy cơ thai chết lưu, dẫn đến những thay đổi trong hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh. Tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng khiến phụ nữ và thai nhi đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe.

  • Sử dụng ma túy

Hút cần sa và dùng ma túy khi mang thai cũng gây hại cho thai nhi và ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ sơ sinh, làm tăng gấp đôi nguy cơ thai chết lưu, cản trở sự phát triển não bình thường của thai nhi và gây ra các vấn đề lâu dài.

4. Tình trạng mang thai

  • Đa thai

Mang song thai, sinh ba hoặc nhiều hơn - được gọi là đa thai, làm tăng nguy cơ trẻ bị sinh non (trước tuần 37 của thai kỳ). Sinh ba con trở lên làm tăng khả năng phải sinh con bằng phương pháp mổ lấy thai. Trẻ sinh đôi và sinh ba thường có kích thước nhỏ hơn trẻ sinh đơn. Nếu trẻ sinh non cũng dễ bị khó thở.

  • Tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ xảy ra khi một phụ nữ vốn không bị tiểu đường và chỉ phát triển bệnh khi mang thai. Tiểu đường thai kỳ có thể gây ra các vấn đề cho cả mẹ và thai nhi, bao gồm chuyển dạ sớm, sinh non và huyết áp cao. Bệnh cũng khiến hai mẹ con tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 trong tương lai. Nhiều phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ vẫn sinh con khỏe mạnh nếu được chăm sóc sức khỏe và kiểm soát tốt tình trạng bệnh.

  • Tiền sản giật và sản giật

Tiền sản giật là tình trạng huyết áp của thai phụ tăng đột ngột sau tuần thứ 20 của thai kỳ, gây ảnh hưởng đến thận, gan và não của người mẹ. Tình trạng này có thể gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi, hoặc gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài. Sản giật là một dạng tiền sản giật nặng hơn, bao gồm co giật và hôn mê.

  • Đã từng sinh non

Những phụ nữ chuyển dạ hoặc sinh con sớm (trước tuần 37 của thai kỳ) trong lần mang thai trước, có nhiều nguy cơ sinh non ở thai kỳ hiện tại. Bác sĩ sẽ theo dõi những phụ nữ có nguy cơ sinh non và cung cấp progesterone để giúp trì hoãn việc sinh nở. Ngoài ra, phụ nữ tiếp tục mang thai trong vòng 12 tháng sau lần sinh gần nhất cũng tăng nguy cơ sinh non. Sản phụ mới sinh con nên hỏi bác sĩ về các biện pháp tránh thai để giúp trì hoãn lần mang thai tiếp theo.

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ thì mức đường huyết sau ăn bao nhiêu là an toàn
Tiểu đường thai kỳ khiến mẹ bầu tăng nguy cơ thai kỳ

  • Dị tật bẩm sinh hoặc tình trạng di truyền ở thai nhi

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề sức khỏe của thai nhi trong thai kỳ. Tùy thuộc vào bản chất của vấn đề, thai kỳ nguy cơ cao cần phải điều trị khi thai nhi còn trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi sinh. Ví dụ, nếu thai nhi bị nứt đốt sống thì có thể được chữa trước khi sinh. Một số vấn đề về tim thường gặp ở trẻ sơ sinh bị hội chứng Down cần được điều trị bằng phẫu thuật ngay sau khi sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: nichd.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan