Mỡ máu cao khi mang thai có đáng lo ngại không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chế độ dinh dưỡng nhiều dầu mỡ là nguyên nhân chính khiến bà bầu bị mỡ máu cao khi mang thai. Đây là tình trạng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu cũng như sự phát triển của thai nhi. Do đó, thai phụ cần lên kế hoạch duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học để hạn chế tối đa biến chứng bệnh có thể xảy ra.

1. Nguyên nhân máu nhiễm mỡ khi mang thai

Máu nhiễm mỡ là căn bệnh phổ biến thường gặp hiện nay. Bệnh không chỉ gặp ở độ tuổi trung niên mà ngày càng có nguy cơ trẻ hóa, thậm chí phụ nữ mang thai cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Theo đó, một số nguyên nhân dẫn đến bệnh máu nhiễm mỡ ở phụ nữ như sau:

  • Do chế độ ăn không hợp lý: Quá trình hấp thu, tiêu hóa dưỡng chất ở phụ nữ mang thai sẽ khác so với người bình thường. Vì thế, chế độ ăn kiêng kem quá mức hay sử dụng nhiều chất béo làm tăng lượng mỡ thừa tích tụ trong máu gây tình trạng máu nhiễm mỡ cao ở bà bầu.
  • Do ít vận động: Khi mang thai, người phụ nữ thường cẩn trọng trong việc đi lại, nhất là vận động mạnh. Việc làm này không sai, mẹ bầu có thể không hoạt động hoặc làm việc nặng nhọc nhưng nên rèn luyện cơ thể bằng các bài tập yoga nhẹ nhàng. Ngược lại nếu lười vận động sẽ tạo điều kiện cho bệnh máu nhiễm mỡ phát triển, cơ thể không thể đốt cháy năng lượng, mỡ dư thừa trong máu.
  • Stress, mệt mỏi: Hầu hết, mang thai chị em thường xuyên cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, nhất là chị em phụ nữ mang thai lần đầu. Theo đó, cảm giác stress luôn luôn đi liền trong quá trình nuôi dưỡng thai nhi khiến chị em không có chế độ nghỉ ngơi tập luyện phù hợp. Từ đó, quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể bị rối loạn gây ra bệnh máu nhiễm mỡ.

Ngoài các nguyên nhân trên thì nguyên nhân gây bệnh máu nhiễm mỡ khi mang thai là do di truyền. Nếu trong gia đình có tiền sử người mắc bệnh máu nhiễm mỡ thì khả năng thế hệ sau bị máu nhiễm mỡ là rất cao.

béo phì mang thai
Ít vận động là nguyên nhân gây mỡ máu cao ở bà bầu

2. Mỡ máu cao khi mang thai có đáng lo ngại không?

Mẹ bầu bị mỡ máu cao khi mang thai có khả năng mắc tiền sản giật gấp 2 so với phụ nữ có mức cholesterol bình thường. Đây là kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Obstetrics and Gynecology. Thực tế đây là tình trạng nhiễm độc máu khi mang thai, làm tăng huyết áp thai kỳ, đồng thời biến chứng các bệnh lý về thận và gây phù cho mẹ bầu, phổ biến nhất trong ba tháng cuối của thai kỳ ở người mẹ lần đầu mang thai.

Ngoài ra, một số biến chứng khi mỡ máu tăng cao trong thai kỳ có thể gặp là đột quỵ, nhồi máu cơ tim, viêm gan, suy thận, xơ gan, ung thư gan, sỏi mật và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Đặc biệt, bệnh máu nhiễm mỡ có tính di truyền nên khả năng trẻ sinh ra bị nhiễm bệnh là rất lớn.

Trong quá trình mang thai, nhất là khi có tiền sử bệnh mỡ máu, mẹ bầu cần thăm khám thai định kỳ và theo dõi thai sản tại các cơ sở y tế uy tín, có chuyên môn để đảm bảo sức khỏe tốt nhất, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng bệnh có thể xảy ra.

Xem thêm: Chế độ ăn giảm mỡ máu cho người có mỡ máu cao

Suy thận
Máu nhiễm mỡ ở bà bầu có thể gây suy thận

3. Cách phòng ngừa máu nhiễm mỡ cho bà bầu

Để phòng ngừa máu nhiễm mỡ ảnh hưởng đến thai kỳ thì trước khi có kế hoạch mang thai, bạn nên đến các trung tâm y tế để khám sức khỏe tiền hôn nhân. Khi đó các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp để chuẩn bị cho kế hoạch mang thai của bạn, đồng thời tư vấn làm sao để bạn có một thai kỳ khỏe mạnh cùng việc duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Theo đó, để phòng ngừa máu nhiễm mỡ thì bà bầu cần chú ý các điều sau:

  • Bổ sung các món ăn từ cá: Phụ nữ bị mỡ máu cao khi mang thai nên bổ sung cá vào thực đơn hàng ngày, bởi cá là thực phẩm chứa nhiều omega-3, có tác dụng hỗ trợ cho hoạt động của tim mạch. Đặc biệt, ăn cá còn giúp thai nhi phát triển thị giác và trí não ngay từ trong bụng mẹ. Các loại cá giàu omega-3 tốt cho sức khỏe của mẹ và thai nhi là cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích,... Tuy nhiên, bà bầu cũng cần lưu ý nên tránh xa những loại cá chứa thủy ngân như cá kình, cá thu, cá kiếm,... vì làm tăng nguy cơ nhiễm độc.
  • Duy trì chế độ ăn nhạt, ít muối: Phụ nữ bị mỡ máu cao khi mang thai nên hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn để giảm nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch và nhiều các biến chứng khác trong thai kỳ.
  • Tăng cường bổ sung rau xanh: Mẹ bầu bị máu nhiễm mỡ nên ăn nhiều rau xanh để hạn chế lượng cholesterol tiêu thụ vào cơ thể. Rau xanh và các sản phẩm được làm từ đậu, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây,... đều rất tốt cho mẹ bầu và thai nhi vì chúng chứa ít cholesterol. Đặc biệt, trong rau xanh có rất nhiều chất xơ giúp giảm sự hấp thụ của đường ruột đối với cholesterol. Ngoài ra, những thức ăn có nhiều chất xơ như: Gạo lứt, các hạt họ đậu, lúa mạch, yến mạch, rau, trái cây (táo, lê, ổi, mận, cam, bưởi...) cũng là sự lựa chọn tuyệt vời cho mẹ bầu.

Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh mỡ máu mẹ bầu nên tránh các thực phẩm có nhiều bơ, dầu mỡ, đồ ăn nhanh, mì ăn liền. Bên cạnh đó, nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ,... để tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ bị mỡ máu cao. Khi phát hiện mắc bệnh, mẹ bầu không nên tự ý dùng thuốc mà cần tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ có chuyên môn hoặc các dược sĩ tư vấn sử dụng thuốc.

rau xanh
Rau xanh giúp mẹ bầu giảm nguy cơ máu nhiễm mỡ

Với những chị em phụ nữ có tiền sử mắc bệnh mỡ máu và đang lên kế hoạch mang thai thì cần điều trị bệnh sớm để không ảnh hưởng đến thai kỳ.

Bệnh máu nhiễm mỡ là căn bệnh nguy hiểm và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là với phụ nữ mang thai. Vì thế việc nhận biết sớm bệnh mỡ máu có thể hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan