Mang thai 34 tuần tuổi bị tiểu đường phải làm sao?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên - Bác sĩ Siêu âm thai - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tiểu đường thai kỳ là một bệnh lý dễ mắc phải trong suốt thời kỳ mang thai, kể cả khi mang thai tuần thứ 34. Để cải thiện tình trạng này cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ khi khám sức khỏe sinh sản, điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng, luyện tập và nghỉ ngơi. Không nên quá lo lắng khi bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán bạn mắc phải hội chứng này.

1. Nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường là hội chứng liên quan đến rối loạn chuyển hóa chất đường trong cơ thể, dẫn đến tăng lượng đường trong máu.

Bệnh tiểu đường thai kỳ thường do thay đổi nội tiết của cơ thể mẹ trong thai kỳ dẫn đến tăng đề kháng với insulin, làm cơ thể không thể điều chỉnh được lượng đường trong máu. Đặc biệt những người có bệnh sử gia đình bị tiểu đường thì nguy cơ mắc bệnh này khá cao.

Tiểu đường thai kỳ thường xuất hiện ở những phụ nữ:

  • Thừa cân, béo phì;
  • Trong gia đình có tiền sử bị tiểu đường;
  • Tiền sử sinh con nặng ≥ 4000g;
  • Tiền sử bất thường về dung nạp glucose: có tiền sử tiểu đường trước đó. Lượng glucose trong nước tiểu dương tính;
  • Tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng, đặc biệt là phụ nữ ≥ 35 tuổi;
  • Tiền sử sản khoa bất thường như thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sinh non, dị tật thai nhi;
  • Là người châu Á;
  • Những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang.

Lưu ý: giấc ngủ rất quan trọng, với thai phụ ngủ ít hơn 6 tiếng/ đêm thì nguy cơ tiểu đường thai kỳ càng cao.

Ở tuần thai nào cũng đều có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, đặc biệt từ tuần 20 trở đi. Do đó, mang thai ở tuần thứ 32 bị tiểu đường hay mang thai tuần thứ 34 bị tiểu đường cũng không phải là hiếm gặp.

Bà bầu mất ngủ
Bà bầu ngủ càng ít thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ càng cao

Nếu trong quá trình mang thai, thai phụ tăng cân quá nhanh (4kg/4 tuần) thì nên đi làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết ngay để tầm soát tiểu đường thai kỳ. Bất kỳ ở tuần thai nào phát hiện mắc tiểu đường thai kỳ thì thai phụ luôn phải tuyệt đối tuân thủ các tư vấn chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, luyện tập và nghỉ ngơi thì tình trạng sức khỏe sẽ được cải thiện, giảm bớt cái nguy cơ nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi.

2. Biến chứng của tiểu đường thai kỳ

Thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ ở tuần thứ 34 nếu không tuân thủ theo chỉ dẫn điều trị của bác sĩ sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường như:

  • Tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, thai lưu;
  • Nguy cơ cao mắc phải tăng huyết áp, tiền sản giật;
  • Nhiễm trùng, vết thương lâu lành;
  • Sinh khó, chuyển dạ kéo dài, tăng nguy cơ băng huyết sau sinh;
  • Hôn mê do rối loạn chuyển hoá glucose trầm trọng;
  • Có khoảng 20% phụ nữ thực sự bị mắc tiểu đường sau sinh nếu trong khi mang thai mắc tiểu đường thai kỳ. Điều đó gây ảnh hưởng xấu đến lần mang thai tiếp theo;
  • Đối với thai nhi, khi thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ, thai nhi sẽ bị rối loạn sinh trưởng (quá to hoặc quá nhỏ);
  • Trẻ sơ sinh dễ bị suy hô hấp do phổi chậm trưởng thành khi có tình trạng tăng đề kháng với Insulin, dễ bị hạ đường máu, hạ calci máu, vàng da bệnh lý nặng và có thể hôn mê. Khi lớn lên bé có nguy cơ cao mắc béo phì, tiểu đường, cao huyết áp.
Trẻ sinh non
Tiểu đường thai kỳ ở tuần thứ 34 làm tăng nguy cơ sinh non

3. Những việc cần làm khi mang thai ở tuần thứ 34 bị tiểu đường

Nếu thai phụ mang thai tuần thứ 34 nghi ngờ mình bị tiểu đường thai kỳ thì cần đến ngay các cơ sở y tế, chuyên khoa phụ sản để thực hiện các xét nghiệm tầm soát tiểu đường thai kỳ. Có hai loại xét nghiệm tiểu đường thai phụ nên thực hiện trong quá trình mang thai:

  • Xét nghiệm định lượng Glucose lúc đói: Với xét nghiệm này, thai phụ được chỉ định uống hết 50g Glucose trong 5 phút và lấy máu ở ngón tay sau 1 giờ để xét nghiệm sự chuyển hóa đường của cơ thể.
  • Xét nghiệm dung nạp Glucose vào tuần thai 24-28: Xét nghiệm này thường được làm vào buổi sáng, khi thai phụ nhịn đói sau ăn từ 10 – 14 giờ. Lấy máu xét nghiệm đường huyết lúc đói, sau đó cho bệnh nhân uống 75g glucose trong 5 phút. Định lượng glucose huyết tại thời điểm 1 và 2 giờ sau khi uống nước đường. Nếu mẫu máu cho kết quả dương tính, thai phụ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ và được bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị bệnh.

Điều quan trọng nhất là cần có một chế độ dinh dưỡng, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp cho tình trạng tiểu đường thai kỳ được đẩy lùi.

  • Thai phụ vẫn nên ăn đầy đủ 4 nhóm chất bao gồm: chất tinh bột, chất đạm, chất béo và vitamin, khoáng chất, đặc biệt không bỏ bữa sáng, không cần ăn quá nhiều mỗi bữa và nên chia thành nhiều bữa mỗi ngày.
  • Nhóm thực phẩm ưu tiên nạp nhiều nhất vẫn là vitamin và khoáng chất, cụ thể là các loại rau củ quả. Tăng cường các loại rau có màu xanh đậm bởi trong đó có chứa nhiều sắt, như: súp lơ xanh, cải xoong, cần tây, rau chân vịt,... Hạn chế các loại trái cây có vị ngọt đậm như: mít, sầu riêng,...
  • Bổ sung đủ chất đạm từ thịt, cá, trứng, sữa,... Nhưng không nên quá nhiều dễ dẫn đến tình trạng táo bón.
  • Hạn chế các nhóm chất tinh bột và chất béo, các thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt, nước có ga, các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,... Các mẹ nên hạn chế ăn cơm, xôi, bún, phở,... thay vào đó có thể ăn các thực phẩm khác chứa ít tinh bột hơn như khoai lang, ngô, các hạt ngũ cốc như đậu xanh, đậu nành, hạt óc chó, hạnh nhân, macca,...
Nước ngọt.
Thai phụ hạn chế sử dụng các loại thực phẩm nhiều đường như nước ngọt
  • Uống đủ nước (2,5- 3lit/ ngày), có thể uống sữa tươi không đường thay cho sữa bầu vì sữa bầu thường sẽ làm cho mẹ tăng cân nhiều hơn.
  • Thai phụ có thể tập luyện các bài tập nhẹ nhàng phù hợp với tình trạng sức khoẻ như: yoga, thiền, đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày.
  • Giấc ngủ đặc biệt quan trọng, thai phụ phải ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm, và 45-60 phút nghỉ trưa.
  • Tiêm insulin: nếu chỉ số đường huyết của mẹ quá cao, đáng báo động, ảnh hưởng đến quá trình mang thai, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm mũi insulin cho các mẹ. Insulin không hề ảnh hưởng đến sự phát triển của bé nên các mẹ đừng lo lắng.

Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ khi mang thai tuần thứ 34 cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được tư vấn và tuân theo một chế độ điều trị nhất định. Tùy theo chỉ số đường huyết có được từ kết quả xét nghiệm bác sĩ sẽ quyết định hướng điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan