Lạc nội mạc tử cung: Các lựa chọn điều trị không cần mổ

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung khác nhau, bao gồm sử dụng thuốc và phẫu thuật. Mặc dù phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị hiệu quả nhất, tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo rằng người bệnh nên ưu tiên lựa chọn biện pháp sử dụng thuốc lên hàng đầu.

1. Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô nội mạc tử cung không hoạt động như bình thường. Vào chu kỳ kinh nguyệt, thay vì thoát ra ngoài cơ thể cùng với máu kinh, các mô này lại trào ngược trở lại và ứ đọng tại các vị trí khác bên ngoài tử cung, chẳng hạn như buồng trứng, ống dẫn trứng, niệu quản, bàng quang hoặc trực tràng,...Tình trạng này có thể gây ra chảy máu trong, viêm nhiễm và hình thành nên các mô sẹo khiến bạn khó mang thai.

2. Các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung

Khi bị lạc nội mạc tử cung, người bệnh có thể phải đối mặt với các triệu chứng sau đây:

  • Đau bụng dữ dội trong kỳ kinh nguyệt
  • Đau thắt lưng
  • Đau vùng chậu
  • Các cơn đau tăng dần theo thời gian và không có dấu hiệu thuyên giảm
  • Đau trong và sau khi quan hệ tình dục
  • Đau bụng trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt
  • Đau khi đi tiểu tiện hoặc đại tiện
  • Chảy máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục
  • Phân hoặc nước tiểu có lẫn máu
  • Rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn
  • Không thể mang thai
Cẩn trọng khi bị chậm kinh, đau bụng dưới
Đau bụng vùng chậu cảnh báo bệnh lý phụ khoa ở phụ nữ

Đây là những dấu hiệu phổ biến của bệnh lạc nội mạc tử cung, các triệu chứng này có thể biểu hiện từ mức độ nhẹ cho tới nặng, tùy thuộc vào vị trí và mức độ phát triển của các mô “đi lạc” trong cơ thể. Mặc dù lạc nội mạc tử cung là một căn bệnh lành tính, nhưng nó vẫn gây ra cảm giác đau đớn và khó chịu cho chị em trong những ngày “đèn đỏ”. Nếu những triệu chứng này không được kiểm soát và điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn, thậm chí dẫn tới vô sinh. Vì vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu nào của lạc nội mạc tử cung, bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và tìm ra biện pháp điều trị thích hợp.

3. Nguyên nhân gây ra lạc nội mạc tử cung

Tình trạng lạc nội mạc tử cung có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:

  • Hiện tượng trào ngược kinh nguyệt: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra lạc nội mạc tử cung. Các tế bào nội mạc bị trào ngược lại vào trong cơ thể và bám dính vào vùng khoang chậu.
  • Hệ miễn dịch bất thường: Khiến cơ thể khó nhận biết và loại bỏ được các mô lạc nội mạc tử cung bất thường.
  • Có tiền sử phẫu thuật: Những vết sẹo để lại sau khi bạn thực hiện các phẫu thuật như cắt bỏ tử cung hoặc mổ lấy thai có thể khiến cho các tế bào nội mạc tử cung bám dính vào đó và dẫn tới tình trạng lạc nội mạc tử cung.
  • Các hormone estrogen và progesterone hoạt động bất thường trong cơ thể cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạc nội mạc tử cung
  • Di truyền từ người thân trong gia đình, như bà, mẹ, chị gái, em gái
  • Tiếp xúc nhiều với các loại hóa chất độc hại, đặc biệt là dioxin.
  • Có kinh sớm
  • Hình dạng và kích thước của tử cung bị bất thường
Di truyền
Yếu tố di truyền là nguyên nhân gây ra lạc nội mạc tử cung

4. Các lựa chọn điều trị lạc nội mạc tử cung không cần mổ

Các phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung sẽ được lựa chọn dựa trên tình trạng bệnh của mỗi người. Mục tiêu chung của việc điều trị là nhằm kiểm soát, loại bỏ lạc nội mạc tử cung, đồng thời giúp bảo tồn khả năng sinh sản cho người bệnh.

Các chuyên gia thường khuyên bệnh nhân nên lựa chọn điều trị lạc nội mạc tử cung bằng thuốc trước, nếu việc điều trị này không đạt được hiệu quả mới chuyển sang phương pháp phẫu thuật. Dưới đây là một số lựa chọn điều trị lạc nội mạc tử cung không cần mổ:

4.1 Sử dụng thuốc giảm đau

Nếu bệnh chỉ biểu hiện ra các triệu chứng nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng thuốc giảm đau. Các loại thuốc giảm đau bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm non-steroid: gồm các loại thuốc diclophenac, ibuprofen, hoặc meloxicam.
  • Thuốc hạ sốt, giảm đau: ví dụ như aspirin, paracetamol.
  • Thuốc giảm đau opioid: gồm các loại thuốc tramadol, hydrocodone, hoặc fentanyl.

Những loại thuốc giảm đau này có thể sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau để làm tăng độ hiệu quả của việc điều trị, giúp bệnh nhân kiểm soát được các cơn đau gây ra do lạc nội mạc tử cung.

4.2 Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone giúp làm giảm các triệu chứng đau hoặc chảy máu kinh nguyệt nặng do lạc nội mạc tử cung gây ra. Các liệu pháp hormone phổ biến nhất bao gồm:

  • Thuốc tránh thai, miếng dán hoặc vòng âm đạo: Là sự kết hợp giữa estrogen và progestin, hoặc chỉ có progestin. Thuốc được sử dụng dưới dạng tiêm hoặc dạng viên.
  • Thuốc chủ vận GnRH: nếu các cơn đau không thể kiểm soát được bằng NSAIDS hoặc bằng liệu pháp hormone, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng một hoạt chất tương tự với hormone giải phóng gonadotropin (GnRH). Loại thuốc này làm cho buồng trứng ngừng sản xuất ra estrogen, từ đó khiến mô lạc nội mạc tử cung co lại. Theo thống kê, hơn 80% phụ nữ sau khi sử dụng phương pháp điều trị này đã giảm đáng kể được các tình trạng đau, bao gồm cả những trường hợp bị đau nặng.
  • Thuốc danazol (Danocrine ): Loại thuốc này có tác dụng ngăn chặn giải phóng hormone và sự rụng trứng, đồng thời làm tăng hệ miễn dịch cho cơ thể. Nếu người mẹ mang thai vào thời điểm đang sử dụng danazol, nó có thể khiến cho bé gái phát triển các đặc tính của nam giới.
  • Các chất ức chế Aromatase: Giúp cơ thể hạn chế sản sinh ra estrogen. Các chất ức chế này thường được kết hợp sử dụng với các loại thuốc tránh thai trong trường hợp những biện pháp điều trị lạc nội mạc tử cung khác không mang lại hiệu quả.
hormone-lh-co-y-nghia-gi-doi-voi-viec-mang-thai-1
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn về cách điều trị lạc nội mạc tử cung

5. Tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc điều trị lạc nội mạc tử cung

Mặc dù các loại thuốc giảm đau rất hữu ích trong việc điều trị lạc nội mạc tử cung, tuy nhiên chúng có thể đem lại những tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh. Cụ thể là:

  • Gây viêm loét dạ dày hoặc cao huyết áp nếu sử dụng các loại thuốc giảm đau trong một thời gian dài
  • Gây buồn ngủ, buồn nôn, chóng mặt, thậm chí là suy hô hấp khi sử dụng thuốc giảm đau opioid.
  • Các loại thuốc tránh thai có thể khiến người sử dụng gặp phải các triệu chứng như đau đầu, căng tức ngực, chảy máu bất thường, tăng cân hoặc tâm trạng thay đổi.
  • Gây khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục, giảm mật độ xương hoặc mất ngủ khi sử dụng các loại thuốc chủ vận GnRH.
  • Phù nề, mọc mụn trứng cá, hoặc xuất hiện các đặc tính nam giới như rậm lộng, giọng trầm khi sử dụng thuốc danazol.
  • Gây loãng xương nếu sử dụng chất ức chế Aromatase trong một thời gian dài.

Để hạn chế xảy ra các tác dụng phụ trên, bạn nên sử dụng thuốc theo đúng liều lượng mà bác sĩ đã chỉ định, tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan